Tin tức

Tương lai cuộc tình Hollywood-Trung Quốc

28/09/2021

Trong Kill Bill: Volume 1, cảnh chiến đấu hoành tráng trong đó nhân vật của Uma Thurman đối mặt với hàng chục người đàn ông đeo mặt nạ bên trong một nhà hàng-hộp đêm có tên là House of Blue Leaves được quay vào năm 2002 trong trường quay của Hãng Phim Bắc Kinh.

Trước Kill Bill, bộ phim phương Tây cuối cùng được quay ở Trung Quốc là Empire of the Sun của Steven Spielberg năm 1987.

Kill Bill: Volume 1: Cảnh chiến đấu hoành tráng trong đó nhân vật của Uma Thurman đối mặt với hàng chục người đàn ông đeo mặt nạ bên trong một nhà hàng-hộp đêm có tên là House of Blue Leaves được quay vào năm 2002 trong trường quay của Hãng Phim Bắc Kinh

“Khi chúng tôi bắt đầu, [đạo diễn Quentin Tarantino] nói, ‘Tôi muốn làm Kill Bill: Volume 1 ở châu Á và tôi muốn làm Kill Bill: Volume 2 ở Mỹ. Tôi có thể dựng House of Blue Leaves trên phim trường ở Los Angeles, nhưng tôi muốn êkíp và sự nhạy cảm của êkíp ngấm vào bộ phim,’” nhà sản xuất điều hành E. Bennett Walsh kể.

Trung Quốc đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm trước đó, năm 2001, và đang mở cửa kinh tế với thế giới bên ngoài.

“Đó là khoảng thời gian rất đặc biệt ở Bắc Kinh, và [Tarantino] đã đem lòng yêu thích,” Walsh nhớ lại.

Theo Walsh, Kill Bill không được chiếu ở các rạp Trung Quốc, nhưng sự hợp tác này đã mở cửa Trung Quốc cho Hollywood. Vài năm sau, ông trở lại để quay bộ phim Kite Runner. Walsh cho biết những năm 2000 là “thời điểm tuyệt vời” cho sự hợp tác giữa Hollywood và Trung Quốc.

“Đó là khoảng thời gian tuyệt vời vì giống như buổi hẹn hò đầu tiên, và buổi hẹn hò đầu tiên thì có rất nhiều lời tán tỉnh, rất nhiều sự cởi mở,” ông nói.

Đạo diễn Quentin Tarantino nói, ‘Tôi muốn làm Kill Bill: Volume 1 ở châu Á và tôi muốn làm Kill Bill: Volume 2 ở Mỹ. Tôi có thể dựng House of Blue Leaves trên phim trường ở Los Angeles, nhưng tôi muốn êkíp và sự nhạy cảm của êkíp ngấm vào bộ phim’

Thời đó phim Hollywood phát hành ở Trung Quốc dễ dàng đứng đầu phòng vé. Nhưng sự thành công của họ không còn được đảm bảo.

Free Guy, phát hành ở Trung Quốc hồi tháng 8 năm nay, với Ryan Reynolds đóng chính, đã thu về gần 7 triệu USD tiền vé vào cuối ngày đầu tiên. Còn cả một chặng đường dài để bắt kịp bộ phim đã đứng đầu trong tháng trước, phim Trung Quốc Đại lục-Hồng Kông Raging Fire, thu về 37,6 triệu USD trong tuần đầu công chiếu. Trong khi đó, phim hoạt hình Disney-Pixar Luca kiếm được chỉ 8 triệu USD khiêm tốn trong tuần đầu tiên ra mắt.

Phim Hollywood ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào doanh thu ở Trung Quốc. Hơn 80% rạp chiếu phim của quốc gia này vẫn hoạt động dù có đóng cửa lẻ tẻ do sự bùng phát của biến thể delta của virus corona.

Thời tán tỉnh

Cựu quản lý rạp hát Harris Lu nhớ lại một trong những bộ phim Mỹ đầu tiên ông xem trên màn ảnh rộng, phim khoa học giả tưởng Avatar năm 2009. Đi xem phim là chuyện xa xỉ đáng kể ở quê anh, phía đông tỉnh Giang Tô.

Khán giả Trung Quốc tại một rạp chiếu ở Bắc Kinh để xem Avatar, ngày 10/1/2010

“Vào đầu những năm 2000, tốn hơn 14 đôla một vé xem phim, mà bố mẹ tôi chỉ kiếm được chưa tới 150 đôla một tháng,” Harris Lu nói.

Trung Quốc vẫn giữ hạn ngạch phim nước ngoài, con số này đã được nâng lên 34 vào năm 2012 và không thay đổi kể từ đó.

Người xem phim ở Trung Quốc tha hồ lựa chọn từ các nước láng giềng và phim nội địa có cốt truyện và chế tác ngày càng tốt hơn, mà khán giả Trung Quốc lại thấy có sự liên hệ gần gũi.

“Khi tôi còn nhỏ, bất cứ phim Mỹ nào chiếu, tôi đều muốn đi xem,” Harris Lu nói. “Giờ đây, tôi không có cảm giác thôi thúc như vậy nữa.”

Phương Đông bừng bừng

Bước ngoặt quan trọng đối với ngành công nghiệp điện ảnh Trung Quốc là năm 2012, khi bộ phim hài Trung Quốc Lost in Thailand — của Beijing Enlight Pictures — trở thành phim nội địa đầu tiên vượt mốc 1 tỉ nhân dân tệ, tương đương 160 triệu đôla vào thời điểm đó.

Poster phim Lost in Thailand trong một rạp chiếu ở Nghi Xương, Hồ Bắc, ngày 27/12/2012

“Bộ phim đã kiếm được rất nhiều tiền. Quan trọng hơn, cổ phiếu của Enlight đã tăng vọt,” Chris Bremble, Giám đốc điều hành hãng hoạt hình và hiệu ứng hình ảnh Base Media cho biết. “Bán lẻ chi phối các thị trường của Trung Quốc. Vì vậy, nếu bạn có một bộ phim ăn khách, các nhà đầu tư bắt đầu mua cổ phiếu.”

Đột nhiên, điện ảnh là một khoản đầu tư nóng bỏng và công ty của Bremble ở Bắc Kinh, công ty đã làm loạt phim Chiến tranh giữa các vì sao Transformers, đã có các công ty Trung Quốc đến gõ cửa.

“Tôi nhớ đã ngồi đây trong văn phòng của mình với một tập đoàn khai thác đất hiếm, và họ nói: ‘Chúng tôi có bao nhiêu tiền này. Chúng tôi muốn đầu tư vào phim,’” Bremble nói. “Kiểu Viễn Đông hoang dã như thời Viễn Tây hoang dã ở Mỹ.”

Tiền của Trung Quốc cũng đổ vào Hollywood. Tập đoàn Dalian Wanda của Trung Quốc đã mua lại AMC Entertainment với giá hơn 2 tỉ USD. Perfect World Pictures của Trung Quốc đầu tư hơn 500 triệu đôla vào một loạt phim của Universal. Thỏa thuận giữa TIK Films của Trung Quốc với Lionsgate trị giá hơn 300 triệu đôla.

Nhưng không phải ai cũng có thời gian vui vẻ.

Tập đoàn Dalian Wanda của Trung Quốc đã mua lại AMC Entertainment với giá hơn 2 tỉ USD

Ấn tượng ở Trung Quốc là Hollywood muốn tiền của Trung Quốc, “nhưng họ không muốn lắng nghe người Trung Quốc,” Nhạc Tường của Gosh Film Entertainment Beijing, nhà sản xuất các phim bom tấn Trung Quốc Detective Chinatown 2Detective Chinatown 3, nói.

Theo Bremble, các đối tác Mỹ cũng gặp khó khăn không kém. Ông nói, các hãng phim ở Hollywood tưởng rằng các công ty Trung Quốc quan tâm đến việc trở thành đối tác làm phim, trong khi trên thực tế, các nhà điều hành Trung Quốc quan tâm nhiều hơn đến việc khoản đầu tư vào phim đó sẽ thúc đẩy giá cổ phiếu của họ như thế nào. Còn có những vấn đề về thanh toán nữa, vốn thường xảy ra ở các lĩnh vực khác ở Trung Quốc.

“Tôi đang dự buổi ra mắt một bộ phim và nói chuyện với giám đốc điều hành Hollywood, thế rồi giám đốc điều hành công ty Trung Quốc đến và anh chàng Hollywood nói, ‘Ông có định trả tiền cho chúng tôi không vậy? Phim đã hoàn thành rồi.’ Và đã có một cuộc tranh cãi lớn,” Bremble nói.

Đến năm 2018, các hợp đồng hãng phim đã cạn kiệt. Đó là kết hợp việc chính phủ Trung Quốc cắt giảm đầu tư ra nước ngoài, một vụ bê bối thuế và bắt đầu cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

Free Guy, phát hành ở Trung Quốc hồi tháng 8 năm nay, với Ryan Reynolds đóng chính, đã thu về gần 7 triệu USD tiền vé vào cuối ngày đầu tiên

Nhà sản xuất và phân phối người Mỹ David Lee của Leeding Media, sở hữu quyền tại Trung Quốc cho Million Dollar Baby Whiplash, nói: “Đầu tư của Trung Quốc vào Hollywood về cơ bản đã chững lại.”

Đại dịch nhấn nút tạm dừng

Thêm vào tác hại của đại dịch, hiện có một lượng phim Hollywood tồn đọng đang chờ được công chiếu tại các rạp Trung Quốc.

“Một bộ phim thường mất từ ​​một đến ba tháng để đảm bảo các phê duyệt cần thiết,” Lee nói. “Với chiến tranh thương mại, quá trình xét duyệt phim không phải của Trung Quốc hiện kéo dài từ ba đến sáu tháng.”

Quy trình kiểm duyệt và phê duyệt phim không thể đoán trước của Trung Quốc khiến các nhà phân phối phim Hollywood khó tiếp thị hoặc thậm chí làm tăng nhận biết về phim của họ.

Hellboy được phát hành tại các rạp chiếu Trung Quốc vào tháng 11 năm 2020, hơn một năm rưỡi sau khi phát hành tại Mỹ, mở ra cánh cửa cho các bản lậu trên internet.

Trong số 20 phim hàng đầu hiện nay ở Trung Quốc, chỉ có bốn phim là của Mỹ

Từ lâu các hãng phim Hollywood đã hiểu rõ hạn ngạch của Trung Quốc và thực tế là mức ăn chia doanh thu ở phòng vé Trung Quốc dành cho họ chỉ 25% — thấp so với các thị trường khác.

Đồng sản xuất

Một cách để vượt qua các hạn chế là tổ chức hợp tác sản xuất trong đó ít nhất một phần ba nguồn tài chính và dàn diễn viên chính là người Trung Quốc.

Cuộc phiêu lưu giả tưởng Great Wall năm 2016 có nhiều yếu tố để thành công — có sự tham gia của Matt Damon và do đạo diễn hàng đầu của Trung Quốc, Trương Nghệ Mưu chỉ đạo — nhưng bộ phim đã thất bại. Phim nhận được số điểm trên Rotten Tomatoes là 35% và không cao hơn bao nhiêu trên trang Douban của Trung Quốc.

“Khi chúng tôi làm The Great Wall, chúng tôi đã cố gắng kết hợp các quan điểm [phương Đông và phương Tây], và nó không thành công như mong đợi,” Walsh, nhà điều hành sản xuất bộ phim cho biết. “Nếu bạn xem lại sẽ thấy, dứt khoát không phải là một phim dở.”

Matt Damon trong phim The Great Wall

Trong khi quay phim, Damon nói, anh đã biết bộ phim là “thảm họa”. Anh nhớ đã hỏi đạo diễn Trương một cảnh mà anh không hiểu, và họ nói chuyện thông qua một thông dịch viên tên là Frank.

“Frank nói, ‘Đúng! Đạo diễn đồng ý với anh nhưng bảo vì đây là một phim Hollywood… và tôi đã nói rằng ‘Ôi Chúa ơi, không! Không!’” Damon nói với Marc Maron trên podcast WTF hồi tháng 7. Về cơ bản, đạo diễn đang làm một “phim Hollywood” hơn là bám vào tầm nhìn của mình, Damon nói.

Trương Nghệ Mưu cộng hưởng với cảm nhận của Damon trên báo chí địa phương Trung Quốc, ban đầu nói rằng ông không muốn làm bộ phim vì kịch bản là “khuôn mẫu” của Hollywood và thể hiện Trung Quốc không chính xác.

“Nhưng đại diện của tôi đã yêu cầu tôi làm một bộ phim Trung Quốc sẽ được chiếu đồng thời ở 150 quốc gia. Anh ấy nói nếu tôi không nắm lấy cơ hội này, tôi có thể sẽ không bao giờ có cơ hội lần thứ hai,” Trương Nghệ Mưu nói trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi vào năm 2018. Ông nói thêm rằng ông không thích hệ thống làm phim do nhà sản xuất điều khiển của Hollywood.

Đạo diễn Trương Nghệ Mưu trên trường quay The Great Wall

Có sự khác biệt giữa văn hóa làm phim ở Mỹ và Trung Quốc. Nhà sản xuất Nhạc Tường hy vọng sẽ thu hẹp sự khác biệt, anh nói, bằng cách hiểu các nguyên tắc cơ bản như đoàn phim được trả lương như thế nào và họ chuẩn bị ra sao. Ví dụ, đoàn làm phim ở Mỹ được trả lương theo giờ, vì vậy cần phải chuẩn bị rất nhiều trước khi quay.

“Trong quá trình chuẩn bị, có rất nhiều cuộc họp diễn ra. Mọi người đều biết chính xác đạo diễn muốn gì. Mọi người đều biết chính xác họ cần làm gì trên phim trường. Đó là một truyền thống tốt đẹp,” anh nói. Ngược lại, các đoàn làm phim Trung Quốc được trả thù lao, và Nhạc Tường cho biết không có nhiều sự chuẩn bị trước khi quay phim. “Trong hệ thống của Trung Quốc chúng tôi phải hết sức tùy cơ ứng biến.”

Nhạc Tường đã mở một trụ sở tại Los Angeles có tên là Bamboo Curtain trong năm nay để tạo điều kiện cho nhiều hoạt động hợp tác hơn. Một dự án đồng sản xuất khác, The Meg, một phim về cá mập, đã thành công tại phòng vé ở Mỹ và Trung Quốc trong năm 2018. Người ta nghi ngờ thành công của phim này có thể được nhân rộng.

“Tôi nghĩ một tớ hai chủ thì rất khó,” Bremble nói. Công ty hiệu ứng hình ảnh của anh từ chỗ chỉ phục vụ cho Hollywood giờ chủ yếu phục vụ thị trường điện ảnh Trung Quốc Đại lục. “Mọi thứ chúng tôi làm phải tập trung vào thị trường Đại lục, nhưng khi làm vậy, chúng tôi muốn đảm bảo rằng phần còn lại của thế giới thấy chấp nhận được.”

Lý Băng Băng (trái) và Jason Statham tại buổi ra mắt The Meg ở Thượng Hải, ngày 17/6/2018

Nhà sản xuất Nhạc Tường cho rằng, thay vì làm một phim cho hai thị trường, một kịch bản nên làm thành hai phim. “Chúng tôi sẽ viết một kịch bản tuyệt vời mà chúng tôi biết rằng sẽ thắng ở Trung Quốc. Nếu bộ phim thành công, tôi sẽ lấy một phần lợi nhuận và đưa kịch bản về Mỹ rồi sản xuất lại theo cách của Mỹ.”

Hollywood và Trung Quốc vẫn muốn hợp tác với nhau. Có điều hai bên không biết bắt đầu lại chuyện tình này thế nào.

Dịch: © Hải Đăng @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Marketplace


+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.