Nhiều khán giả và giới chuyên môn đến xem
Mùi cỏ cháy với tâm
thế tò mò muốn biết phim chiến tranh được làm như thế nào: có thật, hấp
dẫn, tránh được lối mòn “giáo huấn, sách vở”, hay chờ đợi ở cách làm
phim chiến tranh mới của điện ảnh Việt Nam.
Cảnh trong phim Mùi cỏ cháy [Ảnh: Đoàn phim cung cấp]
Mùi cỏ cháy mở ra với câu chuyện về bốn chàng trai Hoàng -
Thành - Thăng - Long đang ngồi trên ghế giảng đường đại học. Theo lệnh
tổng động viên, ngày 6/9/1971, bốn chàng sinh viên cùng hàng nghìn bạn
bè đồng trang lứa đã lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu tại mặt trận
Quảng Trị. Nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm chia sẻ nhân vật Thăng lấy
nguyên mẫu liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, còn Hoàng mang hình ảnh của ông.
Nhưng khán giả có thể thấy hình ảnh của biết bao người lính, liệt sĩ như
Vũ Đình Văn, Hoàng Giao Kim, Hoàng Thượng Lân... ở Hoàng - Thành -
Thăng - Long.
Không khô cứng,
Mùi cỏ cháy mở đầu dung
dị, lôi cuốn với những chi tiết miêu tả chân thực về cuộc đời người
chiến sĩ, đó là những quy định, kỷ luật nghiêm ngặt trong quân ngũ khi
cả tiểu đội bị phạt vì hát tếu táo, là chặng hành quân đường dài khiến
những chàng sinh viên Hà thành vốn chỉ quen với sách bút kiệt sức, là
khát khao được yêu của những chàng trai trẻ... Điều đáng khen là các nhà
làm phim đã mang đến phần mở đầu hấp dẫn, không căng cứng. Những chi
tiết, câu nói vui được lồng ghép xuyên suốt bộ phim một cách khéo léo,
không gây cảm giác lạc điệu mà thể hiện đúng chất vui tươi, lạc quan của
những chàng tân binh.
Mùi cỏ cháy với cao trào là đoạn
phim tái hiện sự ác liệt trong 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ thành cổ
Quảng Trị năm 1972 đã gây xúc cảm mạnh cho người xem. Bom nổ liên tục,
những đoàn quân vẫn lần lượt vượt sông Thạch Hãn sang bảo vệ thành cổ.
Những hình ảnh mô tả sự ác liệt của cuộc chiến khiến khán giả lặng đi.
Đoàn quân có 107 chiến sĩ thì lúc sang đến bờ bên kia chỉ còn lại 49.
Các chiến sĩ vượt sông bên cạnh xác những đồng đội hy sinh trôi theo
dòng nước. Ngôi mộ Long vừa được đồng đội đắp đã bị bom phá tung, xác
anh cũng không còn nguyên vẹn. Người chỉ huy vừa giao nhiệm vụ cho chiến
sĩ bước ra khỏi lán trại đã bị bom ném tan xác... Một sự thật là trong
cuộc chiến, bên cạnh sự anh dũng còn có cả nỗi sợ hãi.
Không chỉ bi tráng,
Mùi cỏ cháy
còn có chất thơ. Các nhà làm phim đã đưa vào nhiều hình ảnh ẩn dụ như
máu chảy trên tượng cô gái khi Thành, Thăng, Long hy sinh. Khi Long hy
sinh, đồng đội chôn theo anh tấm ruy đô anh mang từ nhà, chiếc khăn
trắng kẹp chiếc cặp ba lá của cô thôn nữ - người anh yêu. Trước khi sang
sông Thạch Hãn, các chiến sĩ cùng bảo nhau thả những chú dế bắt được vì
“để ở lại may ra chúng mới sống”.
Bối cảnh làng quê xưa, giếng
nước, đường đất, thành cổ được lựa chọn kỹ. Phim được quay chủ yếu tại
Làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội),
Thành cổ Quảng Trị... Đạo diễn Nguyễn Hữu Mười cho biết để dựng lại cảnh
chiến trận đoàn làm phim phải chuẩn bị tới bốn tháng. Thành công của
phim còn có thể kể đến những cảnh quay đặc tả cuộc chiến. Nhà quay phim -
Nghệ sĩ ưu tú Phạm Thanh Hà - cho biết, với kinh phí ít, phim không sử
dụng nhiều kỹ xảo, thay vào đó là hình nộm hay tranh vẽ.
Vào vai
Hoàng - Thành - Thăng - Long là các diễn viên trẻ, còn chưa được khán
giả quen mặt: Tô Tuấn Dũng, Thanh Sơn, Lê Văn Thơm, Năng Tùng. Ở lứa
tuổi 20-21, trong nhiều trường đoạn, các diễn viên trẻ khó lột tả sức
nặng nội tâm nhân vật, tuy nhiên thế mạnh của họ là nét diễn tự nhiên
đúng với lứa tuổi của mình.
Mùi cỏ cháy có thể ví như
khúc tráng ca tại mặt trận Thành cổ Quảng Trị - nơi được gọi là “cối xay
thịt”. Khán giả - có cả thế hệ đã trải qua chiến tranh và những người
trẻ hôm nay - không ít người đã khóc khi xem phim.
Nguồn: Thanh Niên online