Đạo diễn Phạm Nhuệ Giang (phải) trao đổi về diễn xuất
với các diễn viên trước mỗi cảnh quay
Từ một kịch bản long đong lận đậnKhông có Eva
xuất phát từ một kịch bản của nhà văn Nguyễn Quang Lập viết từ năm 2003,
về những người nông dân ra thành phố tìm cơ hội đổi đời, phải đối mặt
với những hào nhoáng, phồn hoa và cả những mặt trái của đời sống đô thị,
phải trả cái giá đắt bằng hạnh phúc của chính mình.
Nhà văn Nguyễn Quang Lập là người khá gắn bó với các tác phẩm của vợ chồng đạo diễn Nguyễn Thanh Vân – Phạm Nhuệ Giang như
Đời cát,
Thung lũng hoang vắng,
Trái tim bé bỏng... khi những phim này đều được đánh giá cao tại các giải thưởng điện ảnh trong và ngoài nước.
Năm 2003,
Không có Eva
được trình lên Hội đồng nghệ thuật đưa vào kế hoạch sản xuất, tuy nhiên
kịch bản phim đã không được duyệt với lý do còn mang màu sắc u ám và
tiêu cực, không phù hợp với cuộc sống, mặc dù kịch bản vẫn được đánh giá
là có giá trị nghệ thuật cao. Cho đến nay, gần 10 năm đã trôi qua,
Không có Eva
vẫn nằm ngoài danh sách tài trợ vốn của Cục Điện ảnh. Không có tài trợ
của nhà nước, đồng nghĩa với việc các nhà làm phim phải xoay trần ra tự
tìm kinh phí để có thể đưa kịch bản lên màn ảnh rộng.
Đạo diễn
Nguyễn Thanh Vân cho biết, may mắn thay, năm 2009, hai quỹ Francophonie
(Pháp) và Vision Sud Est (Thụy Điển) đã quyết định cung cấp vốn cho
Không có Eva
với khoản chi phí là 2 tỉ đồng. Kịch bản long đong lận đận tới gần chục
năm, khiến cho các nhà làm phim, như đạo diễn Nhuệ Giang nói, không
quyết liệt chỉnh sửa, và chỉ đến khi có tiền thì các nhà làm phim mới
bắt tay vào làm lại.
Một cảnh trong phim, thực hiện tại Hà Nội
Tuy nhiên, số tiền hai tỉ đồng trong điều kiện, hoàn cảnh hiện nay là
không thể đủ cho một phim truyện nhựa, dù có cố gắng tiết kiệm đến mấy
đi nữa. Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, trong vai trò nhà sản xuất, điều hành
cho biết: “Ngay cả bây giờ, một phim truyện nhựa thông thường được Nhà
nước đầu tư vốn cũng phải vài ba tỷ đồng.
Tâm hồn mẹ chúng tôi thực hiện được cấp 3,9 tỉ đồng. Vì thế, với hai tỉ đồng cho
Không có Eva,
việc xoay sở là vô cùng khó. May mắn là chúng tôi được Hãng phim truyện
Việt Nam giúp đỡ tận tình về thiết bị, máy móc và cả con người. Thêm
vào đó, một đơn vị làm hậu kỳ của Pháp từng hợp tác với chúng tôi làm
Tâm hồn mẹ
cũng giúp đỡ phần hậu kỳ với khoản chi phí thấp. Thậm chí, chính các
nhà làm phim cũng phải bỏ tiền túi ra để bổ sung.” Nguyễn Thanh Vân cũng
cho biết thêm, phim có sự tham gia của nhiểu “chuyên gia” trong Hãng
phim truyện, như nhà quay phim lão thành Nguyễn Hữu Tuấn, họa sĩ hóa
trang Nguyễn Thị Hường... đều là những người có kinh nghiệm lâu năm
trong nghề.
Đạo diễn Phạm Nhuệ Giang cho biết, về mặt tổng thể,
kịch bản cũ phải chỉnh sửa khá nhiều về bối cảnh, điều kiện xã hội,
không gian và thời gian sống... cho phù hợp với cuộc sống hiện tại.
Chẳng hạn như kịch bản cũ có sử dụng phương tiện đi lại là xích lô,
nhưng hiện nay phương tiện này đã bị hạn chế. Tuy nhiên, những mối quan
hệ, kết cấu, tình tiết cũng như tình huống và nội dung câu chuyện trong
kịch bản vẫn được giữ nguyên.
Không có ngôi saoNgoại trừ những cái tên quen thuộc như Minh Châu, Minh Hằng, thì tuyến nhân vật chính của
Không có Eva
là những gương mặt còn khá mới mẻ với khán giả. Vai chính Quỳ, người
chồng, do Hàn Quang Tú thủ vai. Anh vốn là thủ khoa Đại học Sân khấu
Điện ảnh, nay trở thành giảng viên. Hàn Quang Tú từng góp mặt trong một
vài phim truyền hình, như
Đội đặc nhiệm nhà C21...
Hóa trang cho nhân vật Quỳ
Đạo diễn Phạm Nhuệ Giang cho biết, Hàn Quang Tú có ngoại hình thô mộc,
chất phác, phù hợp với vai diễn một người nông dân quê mùa, thật thà,
cục mịch. Còn vai Thắm, vợ của Quỳ do Trần Thùy An, diễn viên kịch nói
đảm nhiệm. Nhuệ Giang cho biết, Thùy An có gương mặt đẹp, nhưng vẫn toát
lên vẻ mộc mạc chân chất, phù hợp với vai diễn. Đạo diễn khẳng định:
“Phim có những nhân vật đặc biệt, cá tính, cho nên không thể chọn diễn
viên ngôi sao vào được. Tú và Thùy An có ngoại hình phù hợp, diễn xuất
cũng đã qua trường lớp đào tạo, quá trình đóng phim sẽ góp phần nâng họ
lên.”
Một kịch bản phim đã ấp ủ tới gần 10 năm, lại được thực
hiện trong hoàn cảnh khó khăn cả về vốn lẫn thời tiết (phim khởi quay
giữa mùa hè nắng nóng ở Hà Nội), nhưng đối với các nhà làm phim, họ
“được” chứ không “mất”. Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân cho hay, mặc dù dự
đoán trước khả năng phát hành sẽ rất khó khăn, nhưng đối với ê-kíp làm
phim, việc được làm những điều mình thích, kể câu chuyện mình đã ấp ủ
bao nhiêu năm, và trong một chừng mực nào đó, được khán giả đón nhận với
tư cách là một tác phẩm thuộc dòng phim tác giả, đó cũng đã là niềm vui
đối với họ.
Nguồn: Nhân Dân điện tử