Những tác phẩm tiêu biểu nhất của cây bút tài hoa Vũ Trọng Phụng đang
được chọn lọc, ghép nối và dựng lại thành phim truyền hình với tên gọi
chính thức Trò đời, dài 30 tập, dự kiến lên sóng Đài truyền hình Việt Nam trong năm 2013.
Thực trạng xã hội Việt Nam những năm 1930-1945Kịch bản phim do các nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã và Lê Anh Thúy chấp bút, dựa trên các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng như
Số đỏ,
Kỹ nghệ lấy Tây,
Cơm thầy cơm cô,
Ánh sáng kinh thành. Chuyện phim xoay quanh số phận của hai nhân vật chính là Xuân Tóc Đỏ và me Kiểm.
Việt Bắc trong vai Xuân Tóc Đỏ
Phim tái hiện một cách sinh động về thực trạng xã hội đô thị Việt Nam
thời kỳ những năm 1930-1945, mô tả một cách chân thực về số phận những
người nông dân bị bần cùng hóa, phải ra thành phố kiếm sống.
Từ
cuộc sống đơn giản chân chất ở nông thôn, bị lóa mắt bởi thứ ánh sáng ma
mị ở đô thị, nhiều người trong số họ đã thay đổi cả bản tính và con
người theo cả hai nghĩa tích cực và tiêu cực. Có những người kịp thức
tỉnh để thoát khỏi vũng bùn của một xã hội đang tha hóa như Đũi, nhưng
cũng có những người trở nên lưu manh hóa một cách toàn diện như Xuân Tóc
Đỏ. Phim
Trò đời cũng tập hợp các nhân vật đặc trưng mà độc
giả dòng văn học 30-45 vốn đã rất quen như cụ cố Hồng, vợ chồng Văn
Minh, cô Tuyết, Hoàng Hôn, me Kiểm…
Các nhà làm phim đã cố gắng
thể hiện đúng tinh thần trong các tác phẩm của nhà văn Vũ Trọng Phụng,
đó là mô tả một xã hội Việt Nam thời kỳ đó đầy bất an, kệch cỡm, giả
dối, hợm hĩnh, ích kỷ và vong quốc…
Minh Hằng trong vai bà Phó Đoan
Bộ phim
Trò đời là kết quả của sự hợp tác giữa hai đơn vị Trung
tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam VFC và Hãng phim Hội Điện ảnh.
NSND - Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, chỉ đạo nghệ thuật của bộ phim cho
biết, đây là ý tưởng được nảy ra trong quá trình suy nghĩ tìm hướng làm
phim sao cho khác biệt với dòng phim xã hội vốn đã quá nhiều trên sóng
truyền hình hiện nay. Ba tác giả được lựa chọn trong dòng văn học
1930-1945 là Vũ Trọng Phụng, Lan Khai và Thạch Lam. Anh cũng hy vọng bộ
phim
Trò đời sẽ là khởi đầu suôn sẻ cho dự án phim dựa trên các
tác phẩm văn học 30-45 của Hãng phim Hội Điện ảnh hợp tác với phía Đài
truyền hình Việt Nam.
Những gương mặt hoàn toàn mớiĐiều đáng nói ở
Trò đời
là sự góp mặt hùng hậu của lứa diễn viên rất trẻ, 8x, 9x. Vai chính
Xuân Tóc Đỏ do Trần Việt Bắc, cựu Thủ khoa Đại học Sân khấu Điện ảnh mới
ra trường, các vai Tuyết (Mai Chi), Đũi (Bảo Thanh), Hĩm (Thúy An) đều
là những gương mặt rất trẻ và chưa xuất hiện nhiều trên màn ảnh nhỏ.
Việc vào vai trong một tác phẩm lớn như của Vũ Trọng Phụng khiến các
diễn viên trẻ này khá “ngợp”, tuy nhiên họ đều thực hiện công việc của
mình một cách rất nghiêm cẩn.
Một cảnh quay trong phim
Việt Bắc chia sẻ: “Em còn trẻ cả tuổi đời và tuổi nghề nên biết rất ít
về xã hội và cuộc sống thời kỳ này. Em đã đi tìm đọc sách báo, các tác
phẩm viết về thời kỳ này, đặc biệt là đọc thật kỹ về nhân vật Xuân Tóc
Đỏ để có được hình dung cụ thể về một cậu trai nông thôn láu cá gặp
thời. Trong đoàn làm phim, các cô chú Nhuệ Giang, Thanh Vân và bác Hữu
Tuấn cũng nói chuyện, chỉ bảo cho em nhiều.” Diễn viên Bảo Thanh trong
vai Đũi, một nhân vật được xây dựng “ngoài” những tác phẩm của nhà văn,
cũng là một gương mặt khá mới mẻ trong làng phim truyền hình. Đũi là vai
chính đầu tiên của Bảo Thanh, vì thế cô diễn viên 9x này cũng chịu khá
nhiều áp lực khi vào vai. Bảo Thanh cho biết: “Khi mới vào phim tôi cũng
khá căng thẳng, vì hiểu rằng mình đang nhận một trọng trách nặng nề. Là
diễn viên trẻ, mới ra trường, chưa có nhiều kinh nghiệm sống và kinh
nghiệm diễn, vì thế mỗi ngày tôi lại phải cố gắng nhiều hơn. Đối với
tôi, chỉ cần khán giả xem và cảm thấy thoải mái là đã vui rồi.”
Mai
Chi, vai tiểu thư Tuyết, cũng là một diễn viên mới. Mai Chi cho biết,
vai Tuyết là một người ngây thơ và lãng mạn quá mức, tạo ra tiếng cười
châm biếm cho khán giả. Vì thế khi xử lý các tình huống trong phim, Mai
Chi thường áp dụng cách ứng xử của mình ngoài đời vào để cách diễn được
tự nhiên. Những diễn viên trẻ này, cùng với dàn diễn viên gạo cội như
NSƯT Minh Hằng, NSƯT Quốc Anh, các nghệ sĩ Phú Đôn, Quang Thắng, Thanh
Chi, Nguyệt Hằng, Diệp Bích, Chiến Thắng… đang dần làm nên hình hài một
bức tranh xã hội đặc trưng của thời kỳ 30-45 qua tác phẩm của Vũ Trọng
Phụng.
Nguồn:Nhân dân Điện tử