“Đánh lừa” được sự mong đợi bấy lâu của giới truyền thông và khán giả về một phim bắn giết, Long Ruồi
(kịch bản: Mai Anh - Lê Thanh Sơn, đạo diễn: Charlie Nguyễn) chọn cái
tông hoàn toàn khác, giao thoa giữa phim xã hội đen và hài hước. Chắc
chắn phim này sẽ tạo ra những dư luận khác nhau, nhưng từ phía khán giả
mê giải trí, phim đã có được những nét ý vị, thu hút.
Điểm nổi bật dễ nhận thấy của phim là ba vai diễn “đo ni đóng giày” cho
Thái Hòa, gần như “chiếm màn ảnh” suốt thời lượng. Đầu tiên là vai Tèo,
đầu bếp bánh xèo của quán Ba chị em ở dưới quê, cận thị nặng, tính tình
cù lần và ngố. Tiếp theo là vai giả đại ca Long Ruồi, đang cố thay chất
quê bằng chất phố, ở khách sạn 5 sao, đi xe xịn... nên lóng ngóng là khó
tránh khỏi. Vai cuối cùng là Long Ruồi chính tông, luôn đi trước thiên
hạ hai bước, máu lạnh, đầy mưu mô.
Đổi trục kịch bản
Vào
phim khoảng 30 phút, người xem chỉ có thể đoán một vài diễn tiến sẽ xảy
ra: Tèo đóng giả Long Ruồi một thời gian rồi thối lui; hoặc thành đại
ca thực thụ; hoặc lấy được tình cảm của Nga (do Tinna Tình thủ vai) rồi
cả hai cùng chạy trốn... Nhưng không, mọi chuyện đâu vào đấy, Tèo là
Tèo, Long Ruồi là Long Ruồi, Nga là Nga, nên nghịch cảnh chỉ diễn ra
trong quá trình đóng giả.
Thái Hòa diễn hai vai, Tèo (bên trái) và Long Ruồi
Có lẽ đây là một trong số rất ít kịch bản phim Việt chọn kết cấu khá
phức tạp cho đường dây câu chuyện, nhằm “chạy trốn” sự đoán định của
người xem. Trục kịch bản liên tục được thay đổi, nó giống với các phim
hình sự điều tra của phương Tây, nên buộc người xem phải tập trung cao
độ. Càng về sau, trục càng thay đổi nhanh, chỉ cần xem lơ là một chút,
đến gần kết, nếu phải đoán, cũng khó biết kết thúc.
Cũng chính vì
lẽ đó, nên khi phim đi được ba phần tư quãng đường, đạo diễn vẫn khá
thênh thang trong việc chọn lựa cái kết. Có thể là một trận đánh đẫm
máu, để qua đó cái cốt tìm ra đất sống; hoặc kết có hậu đột ngột, khiến
khán giả hoàn toàn ngỡ ngàng. Thế nhưng, tất cả điều ấy đã không diễn
ra, nên có thể thấy cái kết tuyến tính và có hậu là một chọn lựa thông
minh, nhưng mạo hiểm. Thông minh vì đánh lừa được suy đoán của người
xem; còn mạo hiểm vì phim xã hội đen mà không có máu me, phim hài mà
không cốt chọc cười.
Đây có thể xem là lát cắt thời gian trong
cuộc đời của các nhân vật, khi cả Long Ruồi và đàn em, Nga và Tèo...
cùng dựng lên một Long Ruồi giả. Và câu hỏi được đặt ra rằng, suốt bộ
phim, phải giải quyết sự giả này như thế nào cho hợp lý. Bởi kiểu kịch
bản một người đóng hai ba vai như thế nào đã quá quen thuộc rồi. Kết
quả, phim cũng đạt đến sự hợp lý nhất định, pha trộn không khí xã hội
đen với tình cảm đời thường và chất hài hước.
Đổi chất cả đạo diễn
Sau phim đình đám Dòng máu anh hùng,
Charlie Nguyễn từng phát biểu: “Thật ra tôi cũng không mê phim hành
động lắm. Tôi thích nhiều thể loại phim khác nhau.” Từ đó đến nay, anh
đã giữ đúng lời.
Nhìn rộng hơn các phim mà anh đã đạo diễn như Thời Hùng Vương 18, Vật đổi sao dời, Để Mai tính... thì Long Ruồi đã chọn cái chất khác. Bởi Long Ruồi
đi giữa xã hội đen và hài hước; trong khi có thể dễ dàng chọn một trong
hai thứ đó. Đại ca Long Ruồi và đại ca Khắc (Khương Ngọc thủ diễn) đã
sẵn một đám đàn em mấy chục đứa, súng ống đồ nghề đủ thứ, thêm các pha
bắn giết tàn bạo là thành xã hội đen, thế nhưng phim lại không một tiếng
súng. Hoặc nhấn vào các tình huống trớ trêu khi Tèo giả Long Ruồi thì
cũng đủ hài hước, nhưng phim cũng không muốn điều đó.
Xem xong Long Ruồi,
với những ai chỉ mê phim xã hội đen hoặc hài hước, thì có thể thất
vọng, vì nó chưa đủ độ mạnh cho mình. Nhưng nếu nhìn rộng hơn trong bối
cảnh phim “bom tấn” về các thể loại đang thống lĩnh rạp chiếu hiện nay,
việc Charlie Nguyễn chọn cách đi chính giữa cũng là khôn khéo và “tránh
voi chẳng xấu mặt nào”. Đạo diễn muốn tìm hiểu xem khi Tèo không đổ bánh
xèo, Long Ruồi không đâm chém... thì họ sẽ sống ra sao? Nếu ta chia sẻ
được suy nghĩ này, chắc sẽ thấy một phim đi chính giữa cũng là thú vị.
Phim
công chiếu trên toàn quốc vào ngày 26/8, còn có sự tham gia của Phi
Thanh Vân, Khương Ngọc, Hiếu Hiền, Lan Ngọc... và nhiều diễn viên khác.
Nguồn: Thể thao & Văn hóa