Phim truyền hình đã có bước đi dài, thành công có, thất bại có. Khán giả
hy vọng với cái tâm của người làm nghề, sẽ có những phim truyền hình
hay hơn...
Hùng Thuận và Lê Bê La trong phim Hương bưởi
[Ảnh do đoàn phim cung cấp]
Mùa phim truyền hình 2011 khép lại với đủ đầy dư vị từ câu chuyện về
chất lượng phim, nhiều phim được đánh giá cao, đủ làm hài lòng khán giả
nhưng cũng không ít phim bị xem là “thảm họa”. Thực tế đã chứng minh rõ
ràng rằng không phải phim Việt làm mãi không hay mà mọi thứ đều khởi
nguồn từ cái tâm và trách nhiệm của những người làm nghề.
Cần nhất sự gần gũi, chân thựcĐiểm lại một số phim nổi trội được khán giả yêu thích trong năm qua có thể kể đến
Cá rô, em yêu anh!,
Vật chứng mong manh,
Ở rể,
Nước rút,
Ngày ta yêu nhau,
Theo dấu hương xưa,
Một thời ta đuổi bóng,
Sự thật vô hình…
Đây không phải là những phim khai thác “đề tài độc” hay là “cuộc trình
diễn” của những gương mặt ăn khách. Nói như thế để thấy rằng không cần
phải đi tìm “yếu tố thu hút” bằng những gương mặt hàng “sao, chân dài”
thì bộ phim mới có được sức nóng cạnh tranh trong dòng chảy chung của
phim truyền hình.
Đạo diễn – biên kịch Đinh Thiên Phúc nhấn mạnh:
“Sự gần gũi, chân thực mới là điều quan trọng nhất. Chạy theo trào lưu
làm phim với những đề tài câu khách hoặc mượn tên người nổi tiếng không
phải là cách tốt nhất để phim đến được với số đông khán giả.” Chia sẻ
này nhận được sự đồng cảm của những nhà sản xuất có tâm huyết. Bà Nguyễn
Thị Bảo Trâm, Giám đốc Hãng phim Vietcom - đơn vị có nhiều phim khá hay
phát sóng trên Đài Truyền hình Vĩnh Long, bày tỏ: “Lựa chọn kịch bản
cũng là một cuộc chiến đầy sức ép, không có kịch bản tốt thì cách gì
cũng không nhào nặn thành một bộ phim hay.”
Đạo diễn phim
Vàng trong cát
Đinh Thiên Phúc nói thêm: “Viết kịch bản mà chỉ ngồi một chỗ, không bỏ
công đi thực tế, bám sát cuộc sống thì cả câu chuyện và nhân vật sẽ rất
nhạt nhẽo. Người biên kịch phải biết thể hiện bằng sự chân thực giản dị,
sống động chứ không phải kể theo kiểu tưởng tượng quanh quẩn trong
những bối cảnh “vàng son”."
Trong cuộc chạy đua với thời gian để
có kịch bản cho nhà sản xuất, cũng không dễ dàng khi buộc tác giả kịch
bản phải dành thời gian ròng rã hằng tháng trời đi thực tế, đúng nghĩa
“trải nghiệm dấn thân” như cách mà các đạo diễn Đinh Thiên Phúc, Phương
Nam, Tường Phương… đã làm. Nhưng nói như bà Vũ Thị Bích Liên, Giám đốc
Công ty Sóng Vàng: “Có thể vẫn chỉ là những đề tài quen thuộc quanh
chuyện tình yêu, cuộc sống gia đình thôi nhưng cần nhất là cách thể hiện
như thế nào để khán giả không thấy đó là sự gượng gạo, giả tạo hay xa
rời thực tế.”
Phương Điền - đạo diễn của bộ phim
Cá rô, em yêu anh! - cũng bộc bạch rằng chỉ có sự chân thực, gần gũi mới có thể khiến bộ phim nhận được sự đồng cảm ở khán giả.
“Đôi
khi câu chuyện rất bình thường, không cần cứ phải quá bi kịch hoặc bối
cảnh xa hoa làm đẹp khung hình mà chỉ là sự thể hiện những nhân vật giản
dị, gần gũi như cách mà cuộc sống diễn ra thì câu chuyện cũng có thể đi
vào lòng khán giả” – đạo diễn phim
Một thời ta đuổi bóng Trương Dũng đúc kết.
“Không quyết liệt là chết!”Phim
truyền hình đã đi được một bước dài, tạo ra nhiều cơ hội cho những
người làm nghề nhưng cũng để lại không ít hệ lụy. Chất lượng phim trở
thành đề tài bàn cãi trong suốt thời gian qua và phần lớn ý kiến đều quy
về yếu tố chung nhất là “cái tâm của người làm nghề”.
“Việc đài
truyền hình siết chặt chất lượng kịch bản lên sóng cũng là điều cần
thiết cho cuộc cạnh tranh bình đẳng giữa các đơn vị sản xuất. Kịch bản
là vấn đề nan giải nhưng cũng chưa phải là bế tắc, cần thêm những người
làm nghề có trách nhiệm, hiểu nghề. Cộng lại tất cả những yếu tố đó hứa
hẹn phim truyền hình trong năm nay sẽ có một sự sàng lọc chặt chẽ, quyết
liệt hơn” – bà Vũ Thị Bích Liên kỳ vọng. Bà Nguyễn Thị Trúc Mai, Giám
đốc Hãng phim M&T Pictures, góp thêm góc nhìn: “Bây giờ, khán giả là
người lựa chọn phim để xem, nếu phim không hấp dẫn, họ sẽ chuyển kênh
ngay lập tức. Làm nghề mà không tận tụy, quyết liệt thì chỉ có chết! Nhà
sản xuất có thể đo theo thị hiếu số đông để thay đổi thể loại phim, tìm
kiếm đề tài cho đa dạng, phong phú nhưng nhất định không thể làm phim
qua loa, dễ dãi.”
Cùng đứng trong thời buổi kinh tế khó khăn
nhưng theo bà Vũ Thị Bích Liên, việc viện lý do “thiếu kinh phí, thiếu
thời gian” để bào chữa cho phim kém chất lượng là điều hoàn toàn không
thể chấp nhận được. “Nếu đến với phim truyền hình bằng tâm thế của một
người làm nghề có trách nhiệm, luôn đặt tiêu chí chất lượng ở mức cao
nhất, khi toàn bộ ê kíp thực hiện đều dồn sức, tận tâm thì không thể có
chuyện sản phẩm làm ra lại dở tệ hay cẩu thả được” – bà Bảo Trâm bày tỏ
quan điểm.
Giám đốc Công ty Sóng Vàng cũng trăn trở: “Bước chân
vào nghề này và muốn tồn tại được lâu bền thì cần nhất là sự nghiêm túc.
Hiểu thị trường là một chuyện nhưng nếu chỉ cứ chạy theo số lượng làm
phim cấp tập mà không quan tâm đến chất lượng thì sớm muộn gì cũng
“chết”. Người làm nghề cần phải hiểu rằng làm nghệ thuật không phải chỉ
để kinh doanh có lời hay là có tên tuổi. Phim ảnh không thể là một cuộc
dạo chơi mà cần cả một sự dấn thân, tâm huyết.”
Mùa phim đa dạng
Bên cạnh những
bộ phim đã hoàn thành, chỉ chờ ngày lên sóng, các đơn vị sản xuất cũng
bắt đầu tất bật với hàng trăm tập phim chuẩn bị cho năm 2012 với đa dạng
thể loại, phong phú đề tài.
Hãng phim M&T Pictures có Chuyện làng bè, Sỏi đá cũng biết yêu, Sao đổi ngôi, Cầu vồng sau mưa…; Vietcom Film có Giấc mơ cỏ may, Thời gian để yêu, Hương bưởi…; Sao Thế giới có Bà ngoại cũng yêu, Một nửa bóng tối…; Công ty Sóng Vàng có Trái tim hoa hồng, Ánh ban mai, Mặt nạ tình yêu, Cá cược cuộc đời, Chuyện ba người, Khi yêu thương quay về… |
Nguồn: Thanh Niên online
Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên
Facebook của chúng tôi