Lần đầu tiên Đài truyền hình Việt Nam thực hiện một bộ phim dài tập về
cuộc sống của người Việt xa xứ với đủ các cung bậc thăng trầm, những số
phận, những mảnh đời khác nhau. Phim được thực hiện chủ yếu ở châu Âu,
như Cộng hòa Czech, Ukraine, Đức và Ba Lan. Dự kiến Hai phía chân trời sẽ lên sóng vào khoảng tháng 11 năm nay.
Cảnh trong phim Hai phía chân trời
Những mảnh đời xa xứDài 33 tập, bộ phim bao gồm nhiều
tuyến nhân vật khác nhau, từ những người thành đạt khá giả cho đến người
nghèo khó lam lũ, vắt sức ra lao động từ tờ mờ sáng đến đêm khuya chỉ
đủ kiếm ăn. Đó là Lê, một doanh nhân thành đạt, nhưng không hạnh phúc
trong cuộc sống riêng tư. Là Vinh, anh chàng có vẻ bề ngoài xù xì gai
góc nhưng lại sống nội tâm, trọng nghĩa khí.
Đó là vợ chồng Minh –
Phương, kiếm đủ sống nhưng vẫn đau đáu một mong ước đưa mẹ sang chơi mà
chưa thực hiện được. Đó là Tình, người phụ nữ có số phận éo le, con gái
bị chết đuối trên đường vượt rừng sang Đông Âu, chấp nhận ở lại làm vợ
của ân nhân, nhưng trong lòng ngổn ngang nỗi nhớ chồng, thương con và
day dứt khôn nguôi… Đó là Hường, cô Tấm thầm lặng của Lê, nhưng không
dám mơ đến hạnh phúc dù chỉ ở cách mình chưa đầy gang tay…
Nhiều
nhân vật với ái - ố - hỉ - nộ; tham – sân – si, nước mắt, nụ cười, đau
khổ, hạnh phúc... giống như một xã hội Việt Nam thu nhỏ ở nơi cách xa
quê hương nửa vòng trái đất. Mỗi mảnh đời, mỗi số phận làm nên một mảng
màu của bức tranh đa sắc về cuộc sống người Việt ở châu Âu.
Đây
là dự án lớn của Đài truyền hình Việt Nam, được đầu tư kỹ lưỡng về công
sức, tiền bạc và cũng là dự án đầu tiên được thực hiện phần lớn ở nước
ngoài. Từ năm 2009, các nhà sản xuất, biên kịch và đạo diễn đã có chuyến
đi khảo sát đầu tiên, đặt nền móng cho bộ phim. Hai nhà biên kịch Trần
Hoài Văn và Phạm Ngọc Tiến được cử sang “nằm vùng” hơn một tháng ròng
tại Cộng hòa Czech để lấy chất liệu viết kịch bản.
Kịch bản
Hai phía chân trời được chuyển thể từ tác phẩm văn học
Máu của tuyết
của chính tác giả Trần Hoài Văn – người đã có cả chục năm trời sống,
làm việc và học tập tại một số nước Đông Âu. Sau đó, những chuyến công
tác khác, bao gồm cả chuyến lưu diễn Gala cười xuân 2012 cũng góp phần
tạo nền móng cho bộ phim
Để thực hiện bộ phim, toàn bộ ê-kíp đã
phải trải qua rất nhiều khó khăn, vất vả. Đạo diễn Quốc Trọng nói, đi
làm phim ở một tỉnh xa đã vô cùng vất vả rồi, huống chi làm phim ở một
nơi cách nhà hàng chục nghìn kí-lô-mét. Diễn viên người Đức gốc Việt Lâm
Vissay cho biết, mặc dù từng tham gia nhiều phim của Đức, nhưng anh
chưa bao giờ trải qua không khí làm phim căng thẳng và vất vả như thế
này, làm việc liên tục từ 6 giờ sáng tới 10 giờ đêm.
Đó là chưa
kể những khó khăn về thủ tục, vận chuyển máy móc thiết bị cồng kềnh từ
Việt Nam sang Frankfurt rồi đi ô tô sang Cộng hòa Czech... Các vai phụ
phải huy động cả nhân viên kỹ thuật, đạo cụ, ánh sáng, phục trang vào
diễn cùng... Đạo diễn Vũ Trường Khoa kể, ở những cảnh quay mưa tuyết,
đoàn làm phim phải ở trong cánh rừng giáp biên giới trong hai ngày giữa
trời rét như cắt ruột âm 25 độ C. Ngay cả người dân ở vùng đó cũng chưa
từng dám ở ngoài trời lâu như thế dưới nhiệt độ như vậy. Vậy mà đoàn làm
phim đã vượt qua tất cả.
Cảnh trong phim
Hội tụ những gương mặt được yêu mếnHai phía chân trời
quy tụ dàn diễn viên tên tuổi được khán giả yêu thích như Mạnh Cường,
Kiều Thanh, Vi Cầm, Kiều Anh, Quỳnh Hoa... đặc biệt là có sự trở lại của
những người đã lâu không tham gia phim truyền hình như Lê Vi, Xuân Bắc,
Lê Vũ Long.
Đối với Lê Vũ Long, vốn là một diễn viên múa, đạo
diễn, đã xa rời màn ảnh nhỏ từ rất lâu. Vai diễn mà anh để lại ấn tượng
sâu đậm nhất trong lòng khán giả là anh chàng Thắng trong
Xin hãy tin em
– bộ phim đầu tay của đạo diễn Đỗ Thanh Hải, nay là Giám đốc Trung tâm
phim truyền hình Việt Nam VFC, cũng là người “đứng mũi chịu sào” cho
Hai phía chân trời. Trong
Hai phía chân trời,
Lê Vũ Long đảm nhận vai một anh chàng sống theo kiểu xã hội đen ở Đông
Âu, con người có tấm lòng dành cho cộng đồng, nhưng cũng đầy toan tính,
giành giật và chấp nhận đổ máu để kiếm tiền.
Lê Vũ Long chia sẻ: “Thực ra trong những năm vừa rồi tôi chưa có duyên với phim nào. Đối với
Hai phía chân trời,
không khó để nhận thấy đây là một kịch bản tốt, câu chuyện hấp dẫn và
một ê-kíp làm phim tâm huyết và yêu nghề. Và tôi không có lý do nào để
từ chối cả.”
Còn với Xuân Bắc, mặc dù vô cùng quen thuộc với khán
giả màn ảnh nhỏ, nhưng lâu nay là với chương trình hài, hay với vai trò
MC, mà ít ai nhớ rằng, anh bén duyên với truyền hình từ những vai diễn
chính kịch.
Anh cho biết: “Lâu rồi tôi mới trở lại với phim
truyền hình, lĩnh vực yêu thích của mình. Những vai diễn đầu tiên, tôi
được các đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, Quốc Trọng dìu dắt, hướng dẫn. Qua
một thời gian dài diễn hài, nhiều đạo diễn cho rằng tôi không thể diễn
được vai nào khác ngoài hài, và gạch tên tôi khỏi các nhân vật chính
kịch. Tôi vẫn đi diễn kịch hằng đêm, và vẫn mong muốn được bộc lộ những
suy nghĩ, quan điểm của mình qua các nhân vật trên phim. Ở
Hai phía chân trời,
vai diễn của tôi có số phận, khác hoàn toàn với những nhân vật tôi từng
đóng. Và tôi hy vọng sẽ để lại ấn tượng qua vai diễn này.”
Đặc
biệt, trong phim có sự trở lại của nữ diễn viên Lê Vi, sau một thời gian
dài định cư cùng gia đình tại Pháp. Lê Vi thủ vai nhân vật Tình, một
phụ nữ vượt biên, con gái bị cuốn trôi khi vượt qua dòng sông. Tình chấp
nhận làm vợ của Pavel, người đã cứu mạng mình, nhưng trong lòng mang
nỗi đau khôn nguôi về đứa con xấu số và người chồng cũ đang chờ đợi ở
quê nhà.
Đạo diễn Quốc Trọng nói, khi đọc về Tình, anh nhớ ngay
đến Lê Vi và liên lạc với chị, mời chị đóng. Ông xã của Lê Vi đưa chị từ
Pháp sang Czech và ở bên cạnh vợ động viên chị trong suốt quá trình
đóng phim. Đối với Lê Vi, đây cũng là cơ duyên, bởi chính bản thân chị
cũng là một phụ nữ Việt xa xứ.
Phim còn có sự góp mặt của đông
đảo diễn viên nước ngoài như Lâm Visay, chàng trai mang hai dòng máu
Việt – Lào và sinh ra tại Đức, Andrea Ayber Camona, người mẫu teen gốc
Tây Ban Nha nhưng sống và làm việc tại Việt Nam, Damian Odess Gillet,
diễn viên Mỹ, Irina Jorrgensen, diễn viên người Czech gốc Nga... cùng
nhiều diễn viên Czech khác.
Bộ phim, như các nhà sản xuất nói,
giống như một món quà dành cho bà con Việt Nam ở xa tổ quốc, và cũng để
khán giả hiểu hơn về những nỗi nhọc nhằn vất vả trong cuộc sống của
người Việt ở nước ngoài, cũng như những nỗ lực để gìn giữ truyền thống,
gìn giữ văn hóa của bà con.
Nguồn: Nhân dân điện tử
Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên
Facebook của chúng tôi