Khán giả lớn tuổi hơn lại có dịp hoài niệm thời hoa niên với bạn bè, trường lớp. Thế nhưng...
Cảnh trong phim Dành cho tháng sáu [Ảnh đoàn phim cung cấp]
Từ
Dành cho tháng sáu nhìn lại, có thể thấy các bộ phim có đề
tài liên quan đến đời sống học đường dành cho khán giả học trò hầu như
vắng bóng trên màn ảnh Việt.
Bỏ quên miếng bánh lớnCũng thật trùng hợp khi mùa hè năm nay có tới hai bộ phim đã và sẽ ra rạp đều có đề tài về học đường là
Dành cho tháng sáu và
Gia sư nữ quái.
Chưa nói đến nội dung hay hoặc dở nhưng việc chọn thời điểm ra rạp vào
mùa hè là một tín hiệu đáng mừng, ít ra cũng đúng thời điểm học sinh -
sinh viên nghỉ ngơi sau một năm học căng thẳng.
Trong khi các
hãng sản xuất phim lớn trên thế giới đều chú trọng đến đối tượng khán
giả trẻ tuổi (khoảng từ 13 tuổi trở lên) để cung cấp cho họ những món ăn
tinh thần đủ loại đủ khẩu vị, xây dựng đủ các kiểu thần tượng tuổi teen
để đáp ứng nhu cầu đó thì tại Việt Nam đây lại là mảnh đất bỏ hoang, dù
rất màu mỡ.
Nếu nói một cách sách vở, Việt Nam là một đất nước
có dân số trẻ và đương nhiên người trẻ cũng là khách hàng thường xuyên
và trung thành nhất của các loại hình giải trí, trong đó có điện ảnh.
Còn nếu lượn một vòng quanh các rạp chiếu phim hiện đại tại hai thành
phố lớn nhất cả nước, sẽ thấy có đến 90% khán giả đến rạp nằm trong độ
tuổi trẻ đó. Số còn lại phần lớn là khán giả ngoài 30 tuổi - một lứa
tuổi cũng chưa quá xa với những đề tài học đường. Vậy nhưng điểm lại
điện ảnh Việt đã có những bộ phim nào cung cấp cho nhu cầu được xem,
được hiểu hơn về đời sống của chính họ?
Xưa thật là xưa thì có
Chiến dịch trái tim bên phải
của Ðào Duy Phúc với sự xuất hiện của Hồ Ngọc Hà (lúc đó chưa nổi đình
nổi đám như bây giờ). Vào thời điểm đó, đây là một bộ phim hay và thu
hút được sự quan tâm không hề nhỏ của khán giả. Nhưng cũng vì bộ phim
không được quảng bá tốt nên hiệu ứng không thật sự mạnh. Sau đó bộ phim
cũng dễ dàng rơi vào quên lãng. Vài năm trở lại đây thì... khá hơn chút
ít với sự xuất hiện của
Bóng ma học đường,
Thiên sứ 99,
Giải cứu thần chết,
Công chúa teen và ngũ hổ tướng,
Nhật ký Bạch Tuyết.
Thế nhưng những bộ phim này cũng nhanh chóng thất bại về mặt doanh thu
hoặc về mặt chất lượng để sau đó không mấy ai nhớ tới nữa.
Cảnh trong phim Chiến dịch trái tim bên phải [Ảnh tư liệu]
Muộn còn hơn khôngÐã có tình trạng dù phim ghi "Cấm khán giả dưới 18 tuổi" nhưng vẫn ùn ùn những cô cậu học sinh mặc đồng phục mua vé vào xem.
Sự
thiếu hụt kịch bản về đề tài học đường có phải do phần lớn các biên
kịch không thể "đẻ" được những tác phẩm về lứa tuổi mà họ giờ đây lại
chưa thật sự am hiểu? Hay cũng vì các đạo diễn, nhà sản xuất lựa chọn
phương pháp an toàn với những bộ phim về xã hội chung chung? Không ít
nhà biên kịch thừa nhận viết về đề tài học đường là khó và khó hơn nữa
là thuyết phục được các nhà sản xuất chịu mua và chịu đưa vào sản xuất.
Nhưng
nói như thế cũng không hẳn vì truyền hình đã có khá nhiều bộ phim dành
cho lứa tuổi này (hoặc trẻ hơn) được đón nhận khá tốt như
Kính vạn hoa (2004 - 2008),
Nhật ký Vàng Anh (2006 - cho tới khi có xìcăngđan Hoàng Thùy Linh),
Thứ ba học trò (2009),
Bộ tứ 10A8 (2009),
Chít và Pi (2010),
Những phóng viên vui nhộn
(2011)... Viết kịch bản cho phim truyền hình khác với viết cho phim
nhựa, nhưng cũng có thể thấy vẫn có những biên kịch viết được đề tài học
đường. Hơn nữa tại Việt Nam, biên kịch của truyền hình và điện ảnh
thường xuyên là tình trạng "xài chung".
Nhà báo Hoàng Anh Tú - trưởng ban biên tập tuần báo
Hoa Học Trò, đồng tác giả kịch bản
Chiến dịch trái tim bên phải
- nhận định: "Các phim hiện nay theo tôi không có phim nào nói được
"giọng nói" của người trẻ, thậm chí ngay cả khi người trẻ viết kịch bản
cho người trẻ thì đôi khi cũng đặt mình cao hơn so với chính thế hệ của
họ và dẫn đến tình trạng hơi giả so với thực tế. Từ đó có thể thấy khả
năng khai thác của các đạo diễn, biên kịch hiện nay hơi kém. Hoặc cũng
có thể các nhà sản xuất điện ảnh thích theo đuổi những đối tượng khán
giả khác hơn."
Còn Nguyễn Hữu Tuấn - đạo diễn và biên kịch phim
Dành cho tháng sáu,
chia sẻ: "Theo tôi, khó khăn nhất khi viết kịch bản về lứa tuổi học
đường là đặt bản thân mình vào thời điểm đó như thế nào, có sự chia sẻ
làm sao để đồng điệu cùng lứa tuổi đó và tránh tối đa góc nhìn của người
lớn."
Ðành rằng có những cái khó, nhưng thị trường điện ảnh học
đường rất đáng được khai phá khi đối tượng khách hàng "tiêu thụ" các sản
phẩm điện ảnh hiện nay hầu hết là lứa tuổi sinh viên - học sinh. Có vô
lý không khi thiếu đi những sản phẩm dành cho chính họ?
Nguồn: Tuổi Trẻ online.