Tâm (Porter Lynn Duong) và Brendan (John Ruby) - anh thợ máy
vẫn đến tiệm nail cô làm để làm sạch những ngón tay [Ảnh: Galaxy]
Brendan (John Ruby) là một thợ máy người Mỹ da trắng, tính tình khá trầm
lặng. Brendan đang trầm cảm vì phải đối mặt với bi kịch riêng khi gia
đình anh ở bờ vực của đổ vỡ. Anh tìm đến tiệm nail (làm móng) của người
Việt tại Mỹ để làm sạch những ngón tay đầy dầu máy của mình, bởi anh
nghĩ rằng chính vì những ngón tay đó mà đã tám tháng nay Sandie (Melinda
Bennett) - vợ anh - từ chối ngủ với anh.
Trailer bộ phim Touch
Ở tiệm nail, Brendan đã gặp Tâm (Porter Lynn Duong). Sáng tạo, khéo léo
và chăm chỉ, Tâm làm hài lòng tất cả khách hàng đến tiệm. Nhưng mỗi tuần
Tâm có một mối quan tâm khác. Đó là người cha (Long Nguyễn). Sau tai
nạn xe hơi vợ ông qua đời, còn ông tàn tật, phải ngồi xe lăn. Tâm đến để
giúp cha mình vui vẻ, chăm sóc và kể cả tắm cho ông. Cha của Tâm là
người đàn ông duy nhất Tâm từng chạm vào, cho đến khi gặp Brendan...
Kinh phí ít ỏi của một phim độc lập khiến bối cảnh trong
Touch rất
tiết giảm, gần như chỉ loanh quanh trong tiệm nail nơi Tâm làm việc,
nhà Brendan, phòng của Tâm và phòng của cha Tâm... Ngôn ngữ trong phim
là tiếng Việt pha lẫn tiếng Anh tự nhiên như cuộc sống hằng ngày của
người Việt ở hải ngoại. Các cuộc trò chuyện của những phụ nữ đến làm
nail hay những phụ nữ làm nail rất trần tục, luôn gắn với tình dục và
được nói thẳng ra không một chút né tránh.
Diễn xuất là một lợi thế lớn nhất của
Touch,
đặc biệt là diễn xuất của Porter Lynn Duong, Tâm của Potter bằng vẻ rụt
rè, luôn bị quá khứ ám ảnh đến mức gần như một người tự kỷ nhưng có khi
lại mãnh liệt tự nhiên đến kỳ lạ... đã tạo nên nhiều xúc cảm nơi khán
giả, thậm chí là rơi nước mắt, nhất là những khi Tâm phải đối diện với
cha của cô.
Khán giả cũng được gặp lại nữ diễn viên Lê Thị Hiệp - người phụ nữ từng có mặt trong bộ phim
Trời và đất của Oliver Stone với vai Lệ Lý. Trong
Touch,
Lê Thị Hiệp đóng một vai nhỏ (mẹ của Tâm) nhưng khá ấn tượng với đôi
mắt to như biết nói, đôi mắt đã ám ảnh Tâm ngay cả khi mẹ cô đã mất.
Trước khi được “mang về” Việt Nam,
Touch đã
ra mắt ở Mỹ vào năm ngoái, chu du qua nhiều liên hoan phim và giành
được các giải như giải khán giả bình chọn cho phim truyện xuất sắc nhất
tại Ðại hội Điện ảnh Việt Nam quốc tế (ViFF), giải phim hay nhất, quay
phim đẹp nhất và nữ diễn viên chính xuất sắc nhất tại Liên hoan phim
quốc tế Boston, giải phim đầu tay xuất sắc nhất tại Liên hoan phim quốc
tế Santa Rosa, giải giám khảo tại Liên hoan phim quốc tế châu Á ở
Atlanta...
Không kén khán giả, nhưng
Touch là một phim
dành cho người lớn. Hơn thế, là phim dành cho những người đã trải nghiệm
cuộc sống vợ chồng, đôi lứa. Và sẽ không ít người nhận ra ẩn sâu đằng
sau những hành vi đôi khi khá khó hiểu của Tâm là thông điệp về sự nhạy
cảm rất người dường như sẽ được đánh thức nếu như ta biết cách “chạm”
vào nhau.
Đạo diễn Nguyễn Đức Minh:
Tôi thích bối cảnh tiệm nail lắm
Sau buổi chiếu ra mắt Touch ở TPHCM tối 26/3, đạo diễn Nguyễn Đức Minh đã trở thành “VIP” của báo chí vì dư âm bộ phim tạo ra. Anh chia sẻ với phóng viên Tuổi Trẻ về bộ phim truyện dài đầu tay này.
* Cảm hứng từ đâu cho thế giới sống động, đời thường ở tiệm nail mà anh đã tạo được trong Touch?
-
Tôi không thích các vai diễn dành cho nữ trong những phim trước đây khi
thấy họ luôn nói chuyện lịch sự, không chửi thề... Tôi tự hỏi tại sao
không được nhỉ? Tôi muốn đổi hướng cho không khí phim tự nhiên hơn. Tôi
thích bối cảnh tiệm nail lắm, nó rất thân thuộc với người Việt ở hải
ngoại. Trong đó những người phụ nữ thân thiết với nhau như chị em, đôi
khi vui, đôi khi... chửi bới nhau. Tôi cũng có một người bạn là thợ máy,
đôi tay anh ấy lúc nào cũng dơ. Đó là cảm hứng cho Touch. Và khi phim ra thì giới trẻ rất thích, nhưng cũng không ít khán giả lớn tuổi phàn nàn sao thoại phim trần trụi thế.
* Diễn viên là một bất ngờ ấn tượng anh đã làm được trong Touch. Anh tìm ra họ bằng cách nào khi chỉ có khoảng 200.000 USD cho toàn bộ kinh phí làm phim?
-
Diễn viên chính của tôi hầu hết chưa có kinh nghiệm. Diễn viên phụ trừ
Long Nguyễn và Lê Thị Hiệp thì còn lại là diễn viên không chuyên. Tôi
đăng báo người Việt bên Mỹ để tuyển diễn viên. Cô diễn viên đóng vai chủ
tiệm nail là người mang mấy đứa con trai đến để dự tuyển, nhưng ngoại
hình của cô ấy đã khiến tôi không thể không mời cô ấy vào phim. Khó khăn
khi làm việc với diễn viên lại là khi phải làm việc với con nít (Tâm
lúc nhỏ). Còn cảnh sex, diễn viên của tôi chỉ hơi run ở cảnh quay đầu
tiên, còn sau đó họ nhập vai rất tự nhiên.
* Touch sẽ là một tấm giấy “thông hành” cho anh bước vào thị trường phim ảnh ở Việt Nam chứ?
- Tôi rất thích bối cảnh ở Việt Nam nên nếu có cơ hội làm phim tại Việt Nam tôi sẽ không từ chối. Hiện tại chỉ mong muốn Touch
được nhiều người thích, còn tương lai chưa biết. Tôi đã có kịch bản cho
phim tiếp theo, nhưng đó sẽ là một phim được quay tại Mỹ. |
Nguồn: Tuổi Trẻ online
Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên
Facebook của chúng tôi