Không hẳn là quay phim về Brad Pitt và George Clooney trên đường phố,
thế nhưng các phim tài liệu năm nay lại giành được nhiều sự chú ý hơn
mọi năm tại Liên hoan phim Quốc tế Toronto.
Ngoài bộ phim mở màn cho liên hoan, From the Sky Down, phim tài
liệu về ban nhạc Anh U2 của đạo diễn Davis Guggenheim, các phim tài
liệu của những đạo diễn kỳ cựu như Werner Herzog, Morgan Spurlock, Wim
Wenders và Alex Gibney cũng sẽ trình chiếu tại liên hoan phim này vào
tuần từ 11/9 đến 17/9/2011.
Thom Powers, người soạn chương trình
phim tài liệu tại liên hoan phim cho biết, "Chúng tôi đã dành nhiều chỗ
cho phim tài liệu tại các rạp chiếu phim năm nay hơn bất cứ năm nào
khác. Điều này chứng tỏ sự hiện hữu ngày càng quan trọng của phim tài
liệu trong nền văn hóa của chúng ta ở nhiều khía cạnh khác nhau."
Cách
thảm đỏ nơi phim tài liệu về U2 ra mắt vào thứ năm 8/9/2011 vài con
phố, hơn một ngàn người chen nhau đến rạp chiếu phim để xem bộ phim Into the Abyss lần đầu trình chiếu trên thế giới, phim tài liệu do đạo diễn Herzog (Cave of Forgotten Dreams) thực hiện.
Đạo diễn Davis Guggenheim, Bono và The Edge [Ảnh: Lia Grainger]
Spurlok, từng gây tiếng vang với phim Super Size Me năm 2004 sẽ ra mắt phim mới nhất của mình, Comic Con: Episode IV - A Fan's Hope, phim kể về văn hóa phổ biến đang rất thịnh thông qua lễ hội truyện tranh thường niên ở San Diego.
Wenders sẽ trình làng phim Pina, về nhà bố trí vũ đạo có nhiều ảnh hưởng Pina Bausch, còn Gibney sẽ ra mắt The Last Gladiators, kể về thế giới của những cầu thủ khúc côn cầu.
Trong khi kỳ bầu cử tiếp theo sắp diễn ra, phim Sarah Palin - You Betcha! - được quảng cáo là hành trình tìm kiếm Sarah Palin "thật sự" ở quê nhà của bà, bang Alaska, hứa hẹn sẽ gây sự chú ý lớn.
Ngày
trước từng bị giới hạn ở phạm vi truyền hình công cộng và sân khấu nhạc
kịch, hiện nay thể loại phim tài liệu đang trở nên phổ biến hơn, khiến
những nhà đạo diễn phim tài liệu cũng được biết đến nhiều hơn thay vì
chìm trong bóng tối như trước.
Những phim tài liệu từng đem về doanh thu cao gồm có Fahrenheit 9/11 của Michael Moore, và An Inconvenient Truth
của Al Gore, đã cho thấy khả năng thu về lợi nhuận của thể loại này,
còn những phim tài liệu có kinh phí thấp hơn lại khá hấp dẫn với các nhà
sản xuất.
Into the Abyss
Herzog, một
trong những nhà tiên phong của thể loại phim tài liệu, đã được mọi người
đứng dậy vinh danh ngay cả khi đèn chưa tắt vào thứ năm 8/9/2011.
Đạo diễn Werner Herzog
Into the Abyss theo chân nhà làm phim này khi ông đi phỏng vấn
những người từng có liên quan tới vụ án giết người xảy ra ở thị trấn
Conroe bé nhỏ bang Texas vào mười năm trước.
Ban đầu, phim chú
trọng vào hai người đàn ông bị xử án tù cho vụ giết người - bao gồm một
người sẽ bị xử tử tám ngày sau cuộc phỏng vấn - Herzog dần dần nới rộng
phạm vi của phim, đưa thêm gia đình và bạn bè của cả nạn nhân lẫn những
kẻ giết người vào nội dung, và cả những nhân viên canh tù thường xuyên
tiếp xúc với tội phạm.
Không như những phim tài liệu về tội phạm
khác, Herzog không có ý định đòi lại công bằng cho một sự bất công nào
đó, và tuy ông thể hiện rõ thái độ phản đối án xử tử ở ngay đầu phim,
ông nhấn mạnh rằng đây không phải là một bộ phim kêu gọi sự thay đổi.
Herzog
nói trong một cuộc phỏng vấn, "Đây không phải là một bộ phim nêu lên
một vấn nạn. Tuy điều này có được nhắc đến tế nhị trong bộ phim, đây
không phải là phim kêu gọi xóa bỏ án tử hình."
Thay vào đó, ông
dùng biện pháp phỏng vấn đối thoại - điều có thể dẫn đến sự thẳng thắn
quá mức - ví dụ như khi ông nói với phạm nhân Michael Perry, "Tôi nói
chuyện với anh, không có nghĩa là tôi thích anh" - để tiết lộ những chi
tiết quan trọng về quá khứ của cả nạn nhân lẫn kẻ gây án, và những thực
trạng cơ cực ở vùng quê phía đông bang Texas.
Ông cho biết thêm,
"Đó là một trong những khía cạnh của bộ phim: tội ác thật khủng khiếp,
nhưng kẻ phạm tội không hẳn là quái thú, họ cũng chỉ là con người, và
tôi để họ được thể hiện tính người đó."
Herzog, từng thực hiện cả
phim tài liệu lẫn phim truyện trong suốt 50 năm, nói rằng ông nghĩ sự
phổ biến gần đây của phim tài liệu có liên quan đến việc khoa học kỹ
thuật đang được tận dụng, làm mờ đi ranh giới giữa cái "thật" và cái
"giả tưởng."
Ông nói, "Chúng ta có những công cụ có sức mạnh đến
không tưởng như công nghệ thực tế ảo, trò chơi điện tử, những nhân vật
tưởng tượng trên Facebook... Chúng ta có hiệu ứng trong phim tạo ra được
những chú khủng lo trông y như thật... và chương trình truyền hình thực
tế, mà trong thực tế, vẫn được giàn dựng từ kịch bản. Phim tài liệu có
khả năng và có nhiệm vụ định nghĩa lại quan hệ của chúng ta với thực tế,
và đây cũng là lý do nhiều người đang chuyển sang hướng làm phim tài
liệu."
Dịch: © Hạnh Nguyên @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Reuters