Movie Blogs

My life as a dog

11/01/2011

Một phim hài, nhưng có nhiều lúc không biết nên cười vì tình huống buồn cười quá, hay nên buồn vì chuyện lúc đó thực sự rất buồn. Nhưng qua sự so sánh cuộc đời của mình và những người bất hạnh khác, Ingmar nhận ra rằng mình bất hạnh, nhưng cũng không có gì quá tệ. Đó là ý tưởng chủ đạo của phim.

Ingmar sống trong một gia đình chỉ có bà mẹ độc thân nuôi hai đứa con là Ingmar và anh trai Erik. Người cha của em ở đâu không ai rõ, nhưng em bảo với cô bé tóc vàng “vợ” của mình rằng bố em đang chuyên chở chuối ở vùng xích đạo nào đó. Khi cô bé hỏi em sao bố không về nuôi hai anh em, em trả lời, “Vậy thì ai sẽ lo cho chuối? Phải có ai lo cho chuối chứ.” Vì em thật sự cũng không biết phải trả lời như thế nào. Cuộc sống tiếp diễn, mẹ em bệnh nên không thể chịu được hai anh em trai suốt ngày chọc nhau đánh nhau, và Ingmar được gửi về vùng quê ở với cậu. My Life as a Dog nói về quá trình trưởng thành của Ingmar cũng như việc em phải đối đầu với người mẹ bệnh tật của mình, cảm giác như bị bỏ rơi, và tất cả những xáo trộn tâm lý của đứa trẻ mới lớn.

Poster phim My life as a dog

Phim đề cập rất nhiều đến khía cạnh giới tính nhưng theo một cách trong sáng. Cô bé tóc vàng gọi em lại nằm chung vì “tớ cởi đồ ra rồi này,” nhưng Ingmar thích đọc sách hơn là nằm xuống với “vợ.” Về vùng quê, Ingmar lại gặp Saga, cô bé ngổ ngáo giả làm con trai để được đấm bốc và tham gia đội đá bóng của làng. Ingmar giúp Saga che giấu sự thật mình là con gái bằng những chuyện buồn cười, mà dễ thương nhất là lúc phòng thủ trong trận đá bóng, Saga lấy hai tay che ngực lại bị Ingmar huých và bảo phải che ở… chỗ mà con trai cần che. Rồi cũng có chuyện tình “tay ba”, khi cô bé tóc vàng khác thích Ingmar và Saga chạy đến kéo Ingmar đi, và cái cách hai đứa bày tỏ “tình cảm” của mình bằng cách chơi đấm bốc – những khi xúc động, Saga không chịu đấm bốc tiếp nữa mà ôm chặt lấy Ingmar.

Điểm sáng của phim là những người ở quê – ông cậu đam mê bóng đá, cô gái nóng bỏng Beritt, ông Fransson 365 ngày đều đóng đinh sửa sang lại mái ngói, người họa sĩ điêu khắc tình cờ tái tạo lại được khoảnh khắc Beritt nằm khỏa thân giơ tay lên trời, đồng thời Ingmar từ trên mái nhà vì muốn nhìn lén mà rơi xuống ngay đôi tay của Beritt, Beritt trông như người mẹ đang bế bổng đứa con trai của mình nhìn ngắm nó. Những người trong ngôi làng này đã giúp Ingmar vượt qua được nỗi đau mất mẹ, không gia đình, cả con chó yêu quý nhất cũng đã bị đem đi tiêm thuốc cho chết.

Ingmar luôn so sánh mình với những người khác để cảm thấy cuộc sống của em không đến nỗi nào – với một người vì xem phim Tarzan mà trèo lên cột điện cao thế đu dây rồi bị điện giựt chết, với người vì muốn lập kỷ lục thế giới phóng xe đạp qua 31 chiếc xe bus mà rơi xuống đường chết ngay khi bánh xe đạp đã chạm chiếc xe bus thứ 31, v.v... Và nhất là em hay so mình với Laika, con chó được đem lên tàu Sputnik phóng lên không gian nhưng rồi chết ở trên đó.

Ingmar và Sickan

Hình ảnh con chó Laika này là biểu tượng xuyên suốt phim vì Ingmar và con chó Laika có nhiều điểm tương đồng – hình ảnh con chó chơi vơi trong không gian cũng như em chơi vơi trong môi trường xa lạ, trong cuộc sống mới, trong những suy nghĩ, cảm xúc lẫn lộn của tuổi mới lớn, trong sự khủng hoảng vì mẹ qua đời. Thế nhưng không như con chó Laika, em vẫn còn những người hàng xóm kỳ quái nhưng dễ thương, còn ông cậu lo cho mình, và nhất là vẫn còn cô bạn gái Saga cùng em đồng hành qua những cảm xúc bối rối của hai đứa trẻ – sắp – nhưng chưa lớn. Phim kết thúc với cảnh hai đứa trẻ ôm nhau ngủ trên ghế trường kỷ, trong khi cả làng reo hò vì võ sĩ Thụy Điển Ingmar Johansson (cùng tên với Ingmar) đã thắng võ sĩ Mỹ Floyd Patterson ("nickname" mọi người dùng để gọi Saga vì em rất giỏi đấm bốc), và ông Fransson lại tiếp tục leo lên mái nhà đóng đinh.

Mình chợt nghĩ đến nỗi đau mà Ingmar phải gánh chịu, thế mà phim làm một cách tỉnh như không có gì xảy ra. Khi còn nhỏ như vậy, em đã phải cố gắng đè nén bao nhiêu nỗi đau? Khi em hân hoan đi khoe với mẹ áo khoác mới, khi em hăm hở cùng cô “vợ” mười tuổi đi sắm lò nướng bánh mì cho mẹ nhưng chưa bao giờ trao được lò bánh mì đó đến tay mẹ, khi em nằm trằn trọc nghe người ta chửi mình là đồ điên. Chửi em, vì tối hôm đó em cứ xắn mãi miếng bánh mì mà không ăn, vì đó là ngay sau lúc mẹ em qua đời. Em đã đè nén bao nhiêu, để rồi khi Saga bảo rằng con chó Sickan đã chết, em chịu không nổi nữa. Không phải vô tình mà đầu phim, Ingmar bảo rằng, “Tôi nghĩ tôi yêu con Sickan bằng yêu mẹ.” Khoan hãy buộc tội thằng bé là yêu chó hơn yêu mẹ, tuy rằng chính miệng nó nói ra điều đó! Bố không có nhà, anh chỉ hay chọc phá mình, thằng bé luôn rong ruổi với con chó chạy khắp nơi, chạy trốn ông “bố vợ”, đốt lửa để rồi cả chủ cả tớ đều bất lực nhìn ngọn lửa bùng cháy quá mức kiểm soát. Con chó là những gì quen thuộc nhất, nếu nói nghiêm trọng hơn chút nữa thì con chó không chỉ là bạn mà còn là gia đình của em. Vì vậy, khi Saga bảo con Sickan đã bị giết, em chịu không nổi nữa. Chỉ đến khi đó, em mới có thể thốt lên, “Sao mẹ không muốn con?” Có lẽ em đã tự hỏi nhiều lần, sao em không bớt quậy phá đi một chút cho mẹ được nghỉ ngơi khi mẹ mệt? Nhưng làm sao khác được? Một thằng bé thông minh, hiếu động, tò mò, làm sao có thể khác đi? Và có lẽ trong cái đầu óc thơ bé đó, có lúc em cũng tự hỏi phải chăng em đã góp phần gây ra cái chết của mẹ?

Lại nhớ đến lúc em quậy phá xong, ân hận và vào bảo mẹ “Mẹ muốn ăn gì vậy?” Hoặc khi em ngồi đọc truyện với mẹ. Mẹ em chỉ chơi với em, chứ không chơi với anh của em, vì em làm trò cho mẹ cười, vì em quấn quýt bên mẹ suốt ngày. Nhưng em cũng vẫn là thằng bé bình thường, nhiều khi quậy phá khiến mẹ buồn. Ôi thằng bé ngốc. Ôi những đứa trẻ ngốc nghếch ngây thơ nhưng cũng rất tinh tế như Ingmar thật đáng yêu, và đáng thương biết bao…

Cuộc sống nhiều lúc thật khó khăn, nhưng tình cảm của con người cũng rất ấm áp giúp người ta vượt qua những lúc khó khăn đó.

Đạo diễn: Lasse Hallstrom
Sản xuất: Waldemar Bergendahl
Quốc gia: Thụy Điển

© Hạnh Nguyên @Quaivatdienanh.com