Tin phòng vé

Lý giải phòng vé Bắc Mỹ 28-30/10: Mèo đi hia gào vang, In Time khóc nhè

01/11/2011

Mèo đi hia Puss bấu chặt móng vào vị trí số 1 bảng xếp hạng doanh thu phòng vé nhờ giới phê bình cũng trở thành người hâm mộ mèo ta.

Người thắng cuộc tuần này: bộ phim hoạt hình hài Puss in Boots / Mèo đi hia của hãng DreamWorks Animation với doanh thu công chiếu ước tính 34 triệu USD.

Kẻ thua cuộc tuần này: bộ phim bị phê bình tơi tả của Justin Timberlake In Time (12 triệu USD) và The Rum Diary của Johnny Depp (5 triệu USD, chỉ bằng một nửa con số mà các tay mặc áo vest của hãng phim dự kiến).

Cớ sự làm sao: Chẳng cần suy nghĩ gì cũng hiểu tại sao chú mèo của DreamWorks lại được yêu mến dữ vậy: Ăn theo một loạt phim đã có doanh thu 1,2 tỉ đôla Shrek luôn thắng đậm với khán giả gia đình, nhất là một phim được tiếp thị thông minh đến thế: Meo! (Việc giới phê bình cũng thích phim này càng giúp ích thêm.)

Với giọng lồng tiếng của Antonio Banderas, Salma Hayek và Zach Galifianakis, bộ phim hoạt hình Puss In Boots đặt mục tiêu trở thành phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại trong tuần lễ Halloween, qua mặt kỷ lục năm 2006 của Saw III với 33,6 triệu đôla.

Giám đốc tiếp thị của DreamWorks Animation, Anne Globe, cho biết phim thể hiện tốt hơn trông đợi với một số đối tượng khán giả, chẳng hạn khán giả Mỹ Latinh, chiếm 35% lượng khán giả xem phim này cuối tuần rồi. Nhưng Mèo đi hia cũng gặp phải thách thức bất ngờ của trận bão tuyết trút xuống vùng Đông Bắc.

"Chúng tôi nghĩ đây là một khởi đầu rất tốt," Anne Globe nói. "Tuy nhiên, chúng tôi không ngờ Puss gặp phải ủng đi tuyết trong tháng 10, quả là một bất ngờ lớn." Bà ước tính thời tiết khắc nghiệt đã làm kết quả phòng vé của bộ phim lẹm mất khoảng 2 triệu USD.

Puss in Boots, do Paramount Pictures phát hành, hãng này cũng chiếm luôn vị trí xếp hạng thứ hai với Paranormal Activity 3. Bộ phim kinh dị kinh phí thấp này đã thu được 18,5 triệu đôla trong kỳ cuối tuần rồi, theo những ước tính ban đầu, nâng doanh thu trong nước lên 81,3 triệu đôla.

Than ơi, kết quả phòng vé cuối tuần này càng phấn khởi bao nhiêu thì phản ứng với In Time của Andrew Niccol càng yếu ớt bấy nhiêu, chỉ nhận được những bài bình luận đánh giá xoàng, nhưng hàng đống phim bị phê bình tệ hại cũng công chiếu đấy thôi.

“Ai cũng muốn vai diễn đó,” một trong những tình báo viên của mục Vulture, báo New York Magazine, tìm hiểu vai diễn của Timberlake, cho biết. “Niccol là một đạo diễn chắc tay… Tôi không nghĩ ông ta có được lấy một khán giả nam nào mà In Time rất cần.”

Lạ thay, khán giả nam trẻ có đấy chứ, thành phần khán giả này thoạt tiên xem ra là những người sẵn lòng cho Timberlake cơ hội làm người hùng hành động mới: một nguồn tin của hãng phim rò rỉ cho mục Vulture biết rằng 45% nam giới dưới 25 tuổi cho biết "chắc chắn muốn" xem In Time cuối tuần rồi, so với chỉ có 41% nữ giới dưới 25, và chỉ 32% nam giới trên 25 quan tâm đến bộ phim. Vấn đề là, theo tình báo cho biết, đám trai trẻ đó nào có đi xem.

“Mặc dù bọn con trai trẻ thấy Justin hay hay trong chương trình Saturday Night Live, họ không đi xem phim của anh,” một điều hành hãng phim giải thích, vị này từ chối phát biểu với tính cách đại diện có thẩm quyền. “In Time chứa đựng một khái niệm lớn lao và là khái niệm mà bạn kỳ vọng làm nên chuyện. Những khán giả nam giới thường đi xem phim có lẽ đã quay lưng chỉ vì Justin và những bài bình luận chê bai thôi.”

Tất nhiên, In Time chẳng cách gì sánh được với Gattaca của Niccol hồi năm 1997, có doanh thu công chiếu đạt chừng một nửa số tiền bộ phim ly kỳ của Timberlake đã kiếm được (khoảng 6,7 triệu USD tính theo thời giá 2011). Khó có hãng phim lớn nào chấp nhận nổi chuyện đó, nhất là Warner Bros. hiện đang triển khai Fully Automatic thành một phim hành động kiểu Lethal Weapon cho Timberlake.

Xét tiếp "bom xịt" khác của tuần này, có thể nói gì về Rum Diary nhỉ? Puerto Rico rõ là láng giềng với vùng Caribê rồi, nhưng đám khán giả nhai bắp rang xem Cướp biển ngửi ngay ra cái mùi khó hiểu của phim nghệ thuật.

Johnny Depp trong Rum Diary

Bất kể những màn quảng cáo rùm beng do đích thân Depp thực hiện ở nhiều trường đại học từ Berkeley, California, đến Austin, Texas, khán giả trẻ vẫn thờ ơ: cứ ba khán giả dưới 25 tuổi thì chỉ có một người nói “nhất định xem” phim này cuối tuần rồi, trong khi có 35% khán giả nữ dưới 25 nói như vậy.

Cũng đáng kết tội là quyết định có phần yếm thế của Film District, nhà phát hành bộ phim, phát hành Rum ở 2.000 rạp khi xây dựng một sự truyền miệng đảm bảo. Film District theo đuổi “chiến lược lùa người hâm mộ Johnny Depp vào rạp càng nhiều càng tốt trước khi tiếng xấu lan xa.”

Hãy so sánh với việc phát hành chọn lọc bộ phim Like Crazy của Paramount Vantage để thấy phim của hãng này đã làm ăn thế nào: sau khởi đầu hứa hẹn với Douchebag năm 2010, đạo diễn Drake Doremus thêm tự tin với Giải đặc biệt của ban giám khảo Liên hoan phim Sundance dành cho Like Crazy, và giải thưởng đã không trao lầm. Chỉ ra mắt tại bốn điểm chiếu tuần này, câu chuyện lãng mạn của Anton Yelchin–Felicity Jones đã kiếm được 120.000 USD. 30.000 đôla/một điểm chiếu là rất hứa hẹn cho việc phát hành đại trà.


Dịch: © Yên Khuê @Quaivatdienanh.com
Nguồn: New York Magazine, Wall Street Journal


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi