Chuyển thể từ tiểu thuyết, phim bộ về “khâm sai vận vải” trở thành hiện tượng truyền hình mùa hè.
Khi tiết trời sang hạ, trái vải trở thành một trong những món được săn
lùng nhất mùa. Tuy nhiên, đối với người dân miền bắc Trung Quốc thời
xưa, trái vải là món xa xỉ, hầu như không thể có được.

Phim bộ truyền hình nổi tiếng The Litchi Road, Lôi Giai Âm
vào vai Lý Thiện Đức, một vị quan cấp thấp góa vợ nuôi con gái nhỏ, phim kể về những truân
chuyên của ông giữa cuộc sống khó khăn
|
Để thể hiện tình yêu với Dương Ngọc Hoàn, sủng phi đời Đường (618–907),
Đường Huyền Tông đã lệnh cho các quan cung tiến vải từ Lĩnh Nam (khu vực
gồm các tỉnh Quảng Đông và Hải Nam, khu tự trị dân tộc Choang Quảng
Tây, và một số vùng của tỉnh Vân Nam và Phúc Kiến) về Trường An, kinh đô
khi đó, nay là Tây An, tỉnh Thiểm Tây, tây bắc Trung Quốc.
Hành trình dài hơn 2.500 cây số (nếu tính từ Quảng Đông) và mất hơn 20 ngày cưỡi ngựa, trong khi vải chỉ giữ tươi được ba ngày.
Làm
sao các quan có thể nghĩ ra phương cách khả thi thực hiện mệnh lệnh
dường như phi lý của vua? Thất bại là đồng nghĩa với chết. Trọng trách
sống còn này giáng xuống Lý Thiện Đức, “khâm sai vận vải” hư cấu trong
tiểu thuyết bán chạy
The Litchi (lychee) Road của nhà văn từng thắng giải thưởng Mã Bá Dung.

Nhạc Vân Bằng vào vai thê huynh của Lý Thiện Đức
|
Lần đầu tiên xuất bản trên tạp chí văn học
Harvest vào năm
2021, câu chuyện vốn dài 70.000 từ đã được chuyển thể thành phim truyền
hình 35 tập cùng tên, lên sóng CCTV-8 và phát trực tuyến trên Tencent
Video.
Có diễn viên Lôi Giai Âm vào vai Lý Thiện Đức, một vị quan
cấp thấp, phim kể về những truân chuyên của ông giữa cuộc sống khó
khăn. Là người góa vợ nuôi con gái nhỏ, ông đã vay một khoản tiền lớn để
chuộc lại căn nhà từng cầm cố.
Bị quan trên và đồng liêu mưu
hại, Lý Thiện Đức, trước đây không dám gánh vác trọng trách nan giải
này, đã bị lừa nhận lãnh nhiệm vụ, vô tình trở thành khâm sai được giao
cung tiến trái vải tươi làm quà sinh nhật cho sủng phi của hoàng đế.

Vai diễn một phụ nữ có lai lịch phức tạp của nữ diễn viên người Mỹ gốc Hoa Vivienne Tien
|
Hồi đầu tràn đầy tuyệt vọng, nam nhân kiên cường với tài năng toán học
này đã dấn thân vào hành trình đầy gian nan để nghiên cứu cách kéo dài
thời gian bảo quản trái vải đồng thời giảm thiểu thời gian di chuyển.
Trên đường đi, ông phải vượt qua trở ngại thiên nhiên và những quan lại
Lĩnh Nam ghen ghét tìm cách phá hoại trọng trách.
Ngoài việc bám
sát cốt truyện nguyên tác, bộ phim còn giới thiệu các nhân vật mới, bao
gồm thê huynh của Lý Thiện Đức là Trịnh Bình An, do diễn viên hài Nhạc
Vân Bằng thủ vai, được giao nhiệm vụ mật thám thu thập bằng chứng quan
lớn Lĩnh Nam cấu kết với một nhân vật quyền lực trong triều đình.
Ngay
trước buổi chiếu thử bộ phim tại Bắc Kinh vào ngày 3 tháng 6, trong căn
phòng chất đầy sách để ký tặng người hâm mộ, Mã Bá Dung cho
China Daily biết rằng ông cảm thấy như thể được văn tinh ban phúc, chẳng màng nghỉ ngơi và viết tiểu thuyết này chỉ trong 11 ngày.

Quan cai trị vùng Lĩnh Nam do nam diễn viên Phùng Gia Di thủ vai
|
“Tôi không có thời gian nghĩ ngợi gì cả. Đó là một trải nghiệm đời chỉ
có một lần. Ý tưởng tuôn ra như nước lũ. Lần đầu tiên, đầu óc tôi còn
nhanh hơn cả tay gõ. Suốt mấy ngày ấy, tôi đắm chìm trong câu chữ, viết
từ sáng đến khuya, bỏ cả ăn lẫn ngủ. Không quan tâm hạn mức số từ mỗi
ngày. Tôi quên cả việc học hành của con cái, hủy mọi cuộc hẹn bên ngoài.
Tôi dốc toàn tâm trí viết xong câu chuyện,” ông hồi tưởng.
Trước
khi trở thành nhà văn chuyên nghiệp, Mã Bá Dung từng làm việc tại một
công ty quốc tế suốt 10 năm sau khi tốt nghiệp Đại học Waikato ở New
Zealand. Tự nhận mình khi ấy là “người vô danh tiểu tốt”, ông nói bản
thân biết lắng nghe và quan sát những câu chuyện, sự việc chung quanh,
dần dần tích lũy cảm hứng cho các tác phẩm văn chương của mình.
Chẳng
hạn, Lý Thiện Đức gửi bộ quan phục bẩn đi giặt và dặn ngày hôm sau phải
trả khi vừa đặt chân đến Lĩnh Nam. Tuy nhiên, người dân lại cười y như
thể ông là kẻ khờ.

Trường An, thời Đường, hiếm khi được miêu tả như thế trên màn ảnh
nhỏ: Trường An rất giống các thành phố quốc tế hiện đại như Bắc Kinh hay
Thượng Hải ngày nay, đầy rẫy người ngoại quốc
|
“Cảm hứng này từ chính trải nghiệm lần đầu tôi đến Quảng Châu. Lúc đó là
mùa mưa và tôi chỉ mang theo hai bộ quần áo, nghĩ mình có thể đưa giặt
một bộ và mặc bộ còn lại, sau đó luân phiên. Tôi không nhận ra đó là tư
duy từ cuộc sống ở phía bắc — ở Quảng Châu không như vậy," ông giải
thích.
Đạo diễn Tào Thuẫn, một người bạn của Mã Bá Dung đứng sau thành công của phim cổ trang
The Longest Day in Chang’an /
Tràng An mười hai canh giờ, chuyển thể từ chính tiểu thuyết ăn khách cùng tên của Mã Bá Dung, đã nhận
The Litchi Road trên bàn làm việc của mình trước khi tác phẩm được xuất bản chính thức.
Sau
khi đọc xong, Tào Thuẫn lập tức cuốn hút theo cốt truyện đầy nút thắt,
diễn viên Lôi Giai Âm, nổi tiếng với vai người đàn ông trung niên chất
phác, lương thiện nhưng hay bị bắt nạt trên màn ảnh, hiện ngay trong tâm
trí ông là ứng viên thích hợp nhất cho vai chính.

Trong một cảnh phim khôi hài, Lý Thiện Đức lần đầu ghé phủ quan cai
quản Lĩnh Nam. Vị đại nhân đó mặc chiếc áo rộng đã bỏ tay áo, chân trần,
nhai mía ngấu nghiến
|
Ví phim này như một cuộc “giao vận thần tốc” kỳ lạ thời Trung Hoa cổ
đại, Tào Thuẫn nói ông từng thảo luận ý tưởng cùng Mã Bá Dung nhiều lần,
cuối cùng quyết định chọn hai vùng đất làm bối cảnh chính — Trường An
và Lĩnh Nam — trong đó Trường An, thời Đường, hiếm khi được miêu tả như
thế trên màn ảnh nhỏ.
Vì nhiệt độ trung bình của Lĩnh Nam dao
động trên 20 độ C quanh năm và có thể hơn 35 độ vào mùa hạ, người dân ở
đây có xu hướng thoải mái với các loại trái cây hiếm thấy ở phía bắc,
chẳng hạn như khế, mía và dừa.
Trong một cảnh phim khôi hài, Lý
Thiện Đức lần đầu ghé phủ quan cai quản Lĩnh Nam. Vị đại nhân đó mặc
chiếc áo rộng đã bỏ tay áo, chân trần, nhai mía ngấu nghiến. Tương phản
hoàn toàn, cảnh khác cho thấy một viên quan phương bắc ăn vận chỉnh tề,
nhai mía nhã nhặn, nhưng vật vã nuốt bã mía vì không biết ăn — nhai lấy
nước rồi nhả bã.

Tràng An có một tinh thần rất hiện đại, và dẫu câu chuyện có bối
cảnh quá khứ, nó vẫn phản ánh rõ nét những giằng xé và khát vọng của con
người đô thị ngày nay
|
Nhà văn Mã Bá Dung cho biết thêm rằng phim nhằm phản ánh muôn mặt đời
sống Lĩnh Nam qua những cảnh như chọi gà, một trò tiêu khiển phổ biến và
cũng là màn cá cược trong đó hai chú gà trống được nuôi chỉ để chọi
nhau mua vui.
“Khán giả Trung Quốc đã thấy Trường An trong nhiều
phim truyền hình trước đó, nhưng với văn hóa, người dân, và sản vật đặc
sắc, Lĩnh Nam sẽ là sức hút mới trong phim này. Khán giả cũng sẽ thấy
thời Đường chịu ảnh hưởng nhiều nền văn hóa nhờ Con đường Tơ lụa trên
biển,” ông nói.
Tào Thuẫn tiết lộ rằng phim cũng nhằm thể hiện sự
cởi mở của nhà Đường, một trong những triều đại phồn thịnh bậc nhất về
mặt văn hóa trong lịch sử Trung Hoa. Một minh chứng tiêu biểu cho khí
chất rộng mở ấy là việc nhiều nhân vật chính ở Lĩnh Nam là thương nhân
ngoại quốc đóng vai trò then chốt giúp Lý Thiện Đức đưa được vải về đúng
kỳ hạn.

Với văn hóa, người dân, và sản vật đặc sắc, Lĩnh Nam sẽ là sức hút mới trong phim này
|
Khi được hỏi liệu bộ phim có cộng hưởng với khán giả nước ngoài hay
không, đạo diễn Tào mong khán giả nước ngoài đồng cảm với nhân vật. Dù
bối cảnh cách nay 1.300 năm, nhưng cảnh dân thường phải chật vật mưu
sinh hay theo đuổi những gì họ xem trọng vẫn luôn phổ quát.
Sự
nổi tiếng của tiểu thuyết khiến nhân vật Lý Thiện Đức nhận được nhiều
đồng cảm từ độc giả mạng vốn là những người thấu hiểu nỗi vất vả của một
người siêng năng phải xoay xở trong ma trận quan trường rối rắm dưới
trướng một thượng quan hà khắc.
Thú vị thay, Mã Bá Dung, cũng đảm
nhận vai trò cố vấn, nói rằng ông từng đến phim trường ở huyện Tượng
Sơn, Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang. Thế nhưng, chuyến đi nhanh chóng trở
thành một nhiệm vụ đầy áp lực, khi đạo diễn Tào lập tức sắp xếp cho ông
ngồi một mình trong lều dã chiến để viết lại các điểm then chốt của cốt
truyện, bởi lúc ấy kịch bản vẫn chưa mượt.

Nam nhân kiên cường với tài năng toán học này đã dấn thân vào hành
trình đầy gian nan để nghiên cứu cách kéo dài thời gian bảo quản trái
vải đồng thời giảm thiểu thời gian di chuyển
|
Khi tiết lộ điều then chốt để duy trì đam mê viết lách, Mã Bá Dung thừa
nhận rằng việc khai thác từ chính trải nghiệm cá nhân khiến ông hao tổn
tinh thần. Từng làm việc nhiều năm trong môi trường văn phòng quốc tế và
trải nghiệm bộ máy quan liêu, ông lấy cảm hứng từ chính cách người ta
trò chuyện.
Mã Bá Dung nói thêm: “Trường An rất giống các thành
phố quốc tế hiện đại như Bắc Kinh hay Thượng Hải ngày nay, đầy rẫy người
ngoại quốc. Họ mang theo văn hóa đa dạng, đến Trung Hoa để theo đuổi
giấc mơ của mình. Theo nghĩa ấy, Tràng An có một tinh thần rất hiện đại,
và dẫu câu chuyện có bối cảnh quá khứ, nó vẫn phản ánh rõ nét những
giằng xé và khát vọng của con người đô thị ngày nay.”

Mỗi tập phim đều đạt trung bình 6,29% trong tổng số thuê bao truyền hình
trên toàn quốc, với tập có lượt xem cao nhất chạm mốc 7,07%, vượt qua
tất cả các chương trình phát sóng cùng khung giờ, theo CSM Media
Research, đơn vị nghiên cứu truyền thông có ảnh hưởng trong ngành.
Dịch: © Minh Phát @Quaivatdienanh.com
Nguồn: China Daily