Tin tức

Liệu mèo mun hoạt hình Flow của Latvia có trở thành ngựa ô Oscar 2025?

10/01/2025

Trong suốt 95 năm lịch sử của Giải thưởng Viện Hàn lâm, chưa có bộ phim nào của Latvia được đề cử giải Oscar. Năm 2025, có thể bộ phim tuyệt vời được ca ngợi Flow của Gints Zilbalodis sẽ không chỉ giành được đề cử phim hoạt hình mà còn một suất trong hạng mục phim quốc tế.

Bộ phim mở đầu với cảnh con mèo của chúng ta chạm trán bầy chó quá khích trong khu rừng nở hoa...

Với một bộ phim mà bề mặt là về một con mèo vô danh trải qua trận lũ kinh hoàng cùng một con chó tăng động, một con chuột lang nước Nam Mỹ thân thiện, một con vượn cáo và một con diều ăn rắn châu Phi uy nghi bị thương một cánh, thì những đề cử này có vẻ quá kỳ vọng.

Nhưng câu chuyện còn nhiều điều hơn thế nữa, Zilbalodis nói. Anh đã đột phá vào ngành phim hoạt hình thế giới sau khi tự mình dẫn dắt phim Away năm 2019. Nhà làm phim lấy cảm hứng tạo ra Flow phần nào từ em mèo anh nuôi hồi trung học. Vào thời điểm đó, câu chuyện được thể hiện trong phim ngắn “vẽ tay rất đơn giản” về một con mèo sợ nước — tuyến truyện phổ quát cho phép câu chuyện diễn ra mà không có nhân vật phản diện truyền thống.

...trước khi ngủ trưa trong một ngôi nhà theo phong cách Bắc Âu có vẻ bị bỏ hoang

“Chỉ là con mèo đối mặt với thiên nhiên, hoặc thực chất là con mèo đối mặt với chính nó. Nó phải vượt qua nỗi sợ hãi của mình,” Zilbalodis nói. “Nhiều năm sau, tôi quyết định xem xét lại tiền đề đó. Nhưng lần này tập trung nhiều hơn vào mối quan hệ của con mèo với các loài động vật khác. Nước vẫn ở đó, cơ bản là phép ẩn dụ cho nỗi sợ hãi này, bởi vì con mèo rất độc lập và nó phải học cách làm việc cùng những con vật khác và học cách tin tưởng chúng.”

Xuất phẩm hợp tác sản xuất giữa Latvia, Pháp và Bỉ, Zilbalodis đã chuyển từ một người nghệ sĩ đa năng sang thành lập công ty chế tác của riêng anh — qua đó tương đồng với chú mèo đơn độc đột ngột phải làm việc trong môi trường nhóm. “Tôi khá lo lắng khi làm việc kiểu đó. Và một số nỗi lo lắng được đưa vào câu chuyện này,” anh nói. Anh lao đầu vào một dự án lớn gấp 50 lần phim truyện trước của anh nhưng đáng chú ý là vẫn nhỏ hơn một bộ phim hoạt hình của Disney 50 lần.

Động vật phải hợp tác với nhau để sinh tồn trong Flow

Tuy nhiên, nhóm cộng tác lớn hơn không có nghĩa là ảnh hưởng của Zilbalodis không được thể hiện xuyên suốt bộ phim. Bên cạnh việc đạo diễn, sản xuất và thiết kế hầu hết các nhân vật chính, anh còn đồng viết kịch bản và là nhà quay phim, biên tập và soạn nhạc, cùng nhiều vai trò khác.

“Thật ngại khi thấy tên tôi vài lần trong phần danh đề, nhưng chúng tôi cần liệt kê những chức danh khác nhau đó cho mục đích hợp đồng,” Zilbalodis ngượng ngùng nói. “Tôi thực sự không tham gia những công việc làm hoạt hình thật, chuyển động của các nhân vật, diễn xuất, mà tôi để cho những người khác giỏi hơn tôi làm. Tôi đã thiết kế, chỉnh sửa và phụ trách ánh sáng cho mọi cảnh quay. Nếu một họa sĩ hoạt hình đề xuất điều gì, quan trọng là chúng tôi phải cố gắng đưa những ý tưởng đó vào.”

Flow phải đối mặt với vấn đề lâu đời của hoạt hình: tạo ra nước một cách chân thực

Tuy nhiên, Flow phải đối mặt với một số thách thức cấp bách. Đầu tiên là vấn đề lâu đời của hoạt hình: tạo ra nước một cách chân thực. Zilbalodis than rằng hầu như “mỗi cảnh đều cần phát triển một công cụ mới. Chúng tôi không có một công cụ cho mọi loại nước. Chúng tôi có một công cụ cho vũng nước, một công cụ cho hồ, biển động, một tí nước bắn, nhiều nước bắn. Vì vậy, chúng tôi phải phát triển rất nhiều công nghệ và công cụ mới.”

Bộ phim cũng giới thiệu một số cảnh quay đúp dài ấn tượng khi theo chân các nhân vật. “Một số cảnh quay này trở nên quá nặng nề, với quá nhiều nhân vật và môi trường khác nhau, khiến việc quản lý trở nên thực sự khó khăn. Tất cả các luồng công việc quen thuộc với họa sĩ hoạt hình đều không dành cho những cảnh quay như thế này. Bất kỳ sự điều chỉnh nào cũng sẽ khiến máy tính bị đơ giây lát mới điều chỉnh được.”

“Chỉ là con mèo đối mặt với thiên nhiên, hoặc thực chất là con mèo đối mặt với chính nó. Nó phải vượt qua nỗi sợ hãi của mình,” Zilbalodis nói

Bộ phim mở đầu với cảnh con mèo của chúng ta chạm trán bầy chó quá khích trong khu rừng nở hoa trước khi ngủ trưa trong một ngôi nhà theo phong cách Bắc Âu có vẻ bị bỏ hoang. Không thấy bóng người nào, nhưng dường như chủ cũ của ngôi nhà là một nhà điêu khắc lấy cảm hứng từ loài mèo.

“Tôi muốn ngôi nhà này có cảm giác vượt thời gian. Ngôi nhà có thể đã có từ hàng trăm năm trước. Nó cũng có thể là một ngôi nhà mới,” Zilbalodis nói. “Đó là cố ý. Môi trường liên tục phát triển và thay đổi, và không chỉ vì mục đích cho đẹp. Nó ở đó để giúp chúng ta hiểu những nhân vật này.”

Sau khi trận lụt nhấn chìm ngôi nhà của con mèo, nó thấy mình đang ở trên một chiếc thuyền buồm nhỏ cùng với ba con vật khác. Khi bộ phim tiếp tục, chúng đi qua những tàn tích kiến trúc thường khó xác định địa điểm cụ thể. Và Zilbalodis muốn chúng ta cảm thấy như đang trải nghiệm những địa điểm này lần đầu tiên giống con mèo. Và vì được nhìn dưới con mắt của loài mèo, mọi thứ dường như thậm chí còn lớn hơn so với từ mắt nhìn của con người.

Nếu bạn hy vọng có một cảnh giải thích dài dòng chuyện gì xảy ra trước trận lụt, bạn sẽ thất vọng. Gints Zilbalodis (ảnh phải) thấy “khá nhàm chán” khi đi theo con đường đó

Nếu bạn hy vọng có một cảnh giải thích dài dòng chuyện gì xảy ra trước trận lụt, bạn sẽ thất vọng. Zilbalodis thấy “khá nhàm chán” khi đi theo con đường đó. Anh tin rằng người xem nên là những người tham gia chủ động chứ không phải cứ đợi được bón cho từng chi tiết. “Tôi nghĩ nếu khán giả phải làm việc để có được điều gì đó, họ phải chú ý, thì họ sẽ quan tâm mọi thứ nhiều hơn, không chỉ thế giới mà còn cả câu chuyện. Họ sẽ đặt cảm xúc vào đó nhiều hơn.”

Dịch: © Phương Hà @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Los Angeles Times