Phương Lệ (phải) cùng Dennis Morley, người sống sót trên tàu Lisbon
Maru trong một cuộc phỏng vấn. Morley, người sống sót cuối cùng ở Anh,
đã qua đời vào năm 2021 ở tuổi 101
|
Trong một thế giới mà lịch sử thường chìm vào quên lãng, Phương Lệ, nhà
làm phim và chuyên gia về đại dương người Trung Quốc 70 tuổi, dấn thân
vào sứ mệnh hồi sinh những câu chuyện bị lãng quên từ đáy biển sâu và
biên niên sử của thời gian. Bộ phim tài liệu mới nhất của ông,
The Sinking of the Lisbon Maru, không chỉ thu hút khán giả mà còn được chọn đại diện Trung Quốc Đại lục dự tranh Oscar phim truyện quốc tế hay nhất.
Bộ
phim khám phá thảm kịch ít được biết đến về một tàu hàng Nhật Bản chở
1.816 tù binh chiến tranh (POW) người Anh từ Trận chiến Hồng Kông năm
1941. Tháng 10 năm 1942, khi đang trên đường đến Nhật Bản mà không có cờ
hiệu POW, con tàu đã bị tàu ngầm Mỹ phóng ngư lôi. Khi tàu bị chìm gần
quần đảo Đông Cấp ở Chu Sơn, tỉnh Chiết Giang, miền đông Trung Quốc,
quân đội Nhật Bản đã nhốt tù nhân dưới boong tàu hoặc bắn họ, khiến 828
người thiệt mạng. Bất chấp nguy hiểm, 255 ngư dân Trung Quốc địa phương
đã dũng cảm giải cứu 384 tù nhân người Anh giữa làn đạn.
Phương Lệ và nhóm của ông đã phỏng vấn gần 150 người trên khắp các
châu lục và tiếp xúc với khoảng 380 gia đình, tái hiện những câu chuyện
cá nhân
|
Phim tài liệu của Phương Lệ là minh chứng cho sự tận tụy của ông trong
việc khám phá những câu chuyện ẩn giấu này. “Ngay từ đầu, tôi đã cảm
thấy có trách nhiệm sâu sắc phải đưa câu chuyện này ra ánh sáng,” Phương
Lệ nói với China.org.cn. “Nếu không theo đuổi điều này, tôi sẽ là một
tội đồ của lịch sử.”
Là một nhà công nghệ hàng hải và nhà làm
phim, Phương Lệ đã phải đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình sản
xuất bộ phim này. Trong tám năm, ông đã đầu tư thời gian và tài chính
cá nhân, bán hết tài sản và tích lũy một khoản nợ lớn. Bất chấp gánh
nặng tài chính, Phương Lệ vẫn không nao núng.
“Đối với những
người chúng ta đang sống trong thời đại hòa bình ngày nay, việc làm bộ
phim này là đặt lịch sử lên trên lợi nhuận,” ông tuyên bố. “Chúng tôi
muốn quảng bá rộng rãi, cho phép nhiều người nhớ đến phân đoạn lịch sử
này để nó không bao giờ chìm trong thinh lặng nữa.”
Ảnh chụp phản xạ sóng âm (sonar) xác tàu Lisbon Maru
|
Kể từ khi ra mắt cách đây một tháng,
The Sinking of the Lisbon Maru
đã thu về gần 40 triệu nhân dân tệ (5,7 triệu đôla) và giữ điểm đánh
giá cao nhất trong số tất cả phim trong nước phát hành năm nay trên
Douban, trang tổng hợp đánh giá lớn của Trung Quốc. Đạt 9,3/10 điểm, dựa
trên hơn 84.000 đánh giá, đã giúp duy trì thành tích phòng vé của bộ
phim.
“Vụ thảm sát tàn khốc này đã bị chôn vùi dưới biển và bị
quân đội Nhật Bản phủ nhận suốt 82 năm,” Phương Lệ lưu ý. “Chưa có ai
phản đối giải trình của chính phủ Nhật Bản, vốn chỉ được đề cập đến một
lần vào năm 1943.”
Bộ phim tài liệu khám phá các sự kiện lịch sử
được ghi nhớ hay lãng quên thế nào. Phương Lệ và nhóm của ông đã phỏng
vấn gần 150 người trên khắp các châu lục và tiếp xúc với khoảng 380 gia
đình, tái hiện những câu chuyện cá nhân. Những nỗ lực của họ đã làm sáng
tỏ một chương lịch sử bị lãng quên và mang lại niềm an ủi cho những gia
đình chịu ảnh hưởng. Phương Lệ cũng tổ chức các sự kiện tưởng niệm tại
địa điểm chìm tàu với con cháu của những người liên quan.
Con cháu của các tù nhân chiến tranh Anh làm cuộc tưởng niệm tại tọa độ của con tàu Lisbon Maru bị chìm
|
Phương Lệ đã chia sẻ một số câu chuyện cảm động trích từ bộ phim. Một
câu chuyện miêu tả cảnh một tù binh chiến tranh lặn xuống nước để vĩnh
biệt người đồng đội hấp hối bị mắc kẹt trong thân tàu. Một câu chuyện
khác miêu tả mối tình thời chiến của một tù binh với một cô gái Hồng
Kông; mặc dù họ không bao giờ đoàn tụ, nhưng sau đó ông đã đặt tên con
gái mình theo tên cô. “Bất kể chủng tộc, thời gian hay khoảng cách, cảm
xúc vẫn trường tồn,” Phương Lệ nói.
Phương Lệ hy vọng chính quyền
địa phương sẽ thành lập một bảo tàng tưởng niệm chống phát xít trên
biển gần địa điểm chìm tàu. Ông cũng đã thảo luận với Brian Finch, thiếu
tá đã nghỉ hưu và là cố vấn quân sự của bộ phim, về khả năng trục vớt
con tàu bị chìm hoặc hồi hương hài cốt của các tù binh chiến tranh.
“Theo
truyền thống của người Anh, khi bạn chết ở đâu, bạn sẽ được chôn cất ở
đó như nghĩa trang chiến tranh,” ông giải thích. “Tôi lập luận rằng đây
không phải là nghĩa trang chiến tranh; đây là một nhà tù. Đây là những
linh hồn bị giam cầm, không phải bị giết trong chiến đấu mà là bị thảm
sát. Chúng ta có nên giải thoát những linh hồn đã bị giam cầm không?”
Hậu duệ của những tù binh sống sót gặp Lin Agen (giữa, ngồi), một ngư dân đã giúp giải cứu tù binh trên tàu Lisbon năm xưa
|
Dự án phim tài liệu tiếp theo của Phương Lệ có thể liên quan đến MH370,
chuyến bay của Malaysia Airlines đã biến mất năm 2014, trở thành một
trong những bí ẩn lớn nhất của ngành hàng không. Không ai biết số phận
của chiếc máy bay cũng như 239 hành khách và phi hành đoàn, chủ yếu là
người Trung Quốc. Vào đầu năm nay Malaysia cho biết có thể họ sẽ nối lại
công cuộc tìm kiếm.
Đạo diễn tiết lộ rằng dự án đã được cân nhắc nhiều năm và ông đang tích cực gọi vốn, hỗ trợ, nguồn lực và cộng tác viên.
Trước
đây Phương Lệ từng được biết đến với việc tìm thấy hộp đen của một
chiếc máy bay chở khách bị rơi ngoài khơi Đại Liên, thành phố cảng đông
bắc Trung Quốc, vào năm 2002 bằng cách sử dụng máy định vị sonar.
Người cầm hoa tại sự kiện đánh dấu 10 năm ngày Chuyến bay 370 của
Malaysia Airlines mất tích được tổ chức ở Subang Jaya, bang Selangor,
Malaysia, ngày 3 tháng 3 năm 2024
|
“Cuộc sống là sự tò mò khám phá,” ông nói. “Tôi mong muốn khám phá thêm nhiều sự thật và chia sẻ chúng với mọi người.”
Dịch: © Xuân Phong @Quaivatdienanh.com
Nguồn: China.org.cn