Việt Nam

Cuộc vượt ngục thần kỳ - Ngợi ca những anh hùng

28/07/2011

Cuộc vượt ngục thần kỳ (30 tập phim, kịch bản: Đinh Thiên Phúc; đạo diễn: Nghệ sĩ Ưu tú Lê Đức Tiến; Hãng phim truyện Việt Nam và HTV phối hợp sản xuất), đang được phát sóng lúc 18 giờ trên HTV9 từ thứ năm đến chủ nhật hàng tuần.

Người xem như sống lại một giai đoạn lịch sử oanh liệt, hào hùng của dân tộc; chứng kiến những câu chuyện, tấm gương anh dũng của các cán bộ, chiến sĩ Khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Dù bị đày đọa trong ngục tù Côn Đảo, nhưng các chiến sĩ vẫn kiên cường đấu tranh và tổ chức vượt ngục thành công…

Một cảnh trong phim Cuộc vượt ngục thần kỳ

Chuyện phim lấy bối cảnh giai đoạn 1945-1954. Đảng ủy Côn Đảo chủ trương tìm mọi cách giải thoát cho một số lớn cán bộ xuất sắc trở về đất liền tiếp tục tham gia kháng chiến chống Pháp. Nhiệm vụ quan trọng và nặng nề này được giao cho Xuân Bách (Thiện Tùng đóng) - một chiến sĩ tình báo mưu trí và dũng cảm, từng tham gia hoạt động cách mạng tại Sài Gòn. Bị địch bắt đày ra Côn Đảo, nhưng nhờ nghề thuốc giỏi mà Xuân Bách tiếp cận và cảm hóa được Helen (Phan Như Thảo) - con gái chúa đảo.

Trong nhóm của Xuân Bách còn có: Hùng Năm Căn (Hữu Thạch) giỏi sông nước và đóng thuyền; Mẫn “xiếc” (Minh Ngân) từng hoạt động quân báo nội thành Sài Gòn; Tư Cầu Muối (Nguyễn Hoàng) đại ca khét tiếng trong giới giang hồ được Bách và Hùng cảm hóa đi theo cách mạng… Nhóm Xuân Bách gặp muôn vàn khó khăn, gian khổ và cả những sự mất mát hy sinh, nhưng với ý chí kiên cường, đã có chuyến vượt biển thành công, về đất liền tiếp tục tham gia kháng chiến.

Thuộc đề tài cách mạng, truyền thống, nhưng Cuộc vượt ngục thần kỳ vẫn là một bộ phim lôi cuốn bởi các mối quan hệ tình cảm đẹp đẽ của tình đồng đội, tình yêu đôi lứa và những tình tiết gay cấn hấp dẫn trong từng tập phim. 30 tập phim là 30 câu chuyện với đủ mọi cung bậc, cảm xúc: lo lắng, hồi hộp, xúc động, yêu thương…

Theo đạo diễn Lê Đức Tiến, tuyến nhân vật chính trong phim được xây dựng theo nguyên mẫu là những cán bộ cách mạng, chiến sĩ lực lượng vũ trang đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định.

Đoàn phim đã tham khảo tư liệu từ Bảo tàng Cách mạng Hà Nội, TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu; từ tiểu thuyết Vượt Côn Đảo của nhà văn Phùng Quán, Võ Thị Sáu - Con người huyền thoại của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Thống và từ những hồi ký, tự truyện của những cựu tù Côn Đảo. Chính từ “kho” tư liệu quý giá này, Cuộc vượt ngục thần kỳ đã thật sự là những thước phim xúc động, chân thực về những tấm gương chiến đấu, hy sinh vô cùng cao đẹp của các chiến sĩ cách mạng.


Nguồn: Sài Gòn Giải Phóng online