Việt Nam

Làm sao sản xuất hơn mười phim/năm?

13/01/2011

10 phim Việt/150 phim ngoại hằng năm trên thị trường hơn 80 triệu người. Một con số tưởng “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” nhưng vẫn lại “không nói không chịu được”.

Và chỉ xoay quanh con số đó cũng đã đủ cho diễn đàn của hội thảo “Tăng cường giải pháp sản xuất phim Việt Nam” trong khuôn khổ Liên hoan phim quốc tế Việt Nam nóng lên.

Điện ảnh Việt Nam - hoa hậu cao 1,4m có số đo ba vòng bằng nhau (!?)

Cách ví von có phần ngoa ngoắt nhưng đầy hình ảnh của nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm giúp không khí của hội thảo sôi động lên. Ông Cầm nhận định: “Phim Việt Nam được sản xuất và thẩm định bởi tư duy xuê xoa kiểu nháy mắt thông cảm 'tạm được, sắp hay'. Phim lại ít, phim nào ra cũng được coi như không hoa hậu thì á hậu nên chưa ra đời đã được vội vàng gửi đi các liên hoan phim quốc tế xa gần."

"Hệ quả là những hoa hậu, á hậu phim Việt Nam so với phim thế giới sẽ giống như những hoa hậu cao 1,4m, số đo ba vòng bằng nhau, lắm khi vừa nói lắp vừa nói ngọng”

Mực thước và cẩn trọng hơn, nhà biên kịch Lê Ngọc Minh lý giải: “Nếu như năm 1998, với một tỉ đồng đã có thể làm được một bộ phim trung bình, thì năm 2008 cần ít nhất sáu tỉ đồng cho một bộ phim cùng quy mô. Chưa có thị trường đa dạng và ổn định, hạ tầng cơ sở để sản xuất và chiếu phim yếu kém, đội ngũ ngày càng yếu (theo cả nghĩa đen là tuổi tác và thể lực), tài năng xuất hiện chậm và thưa... là những lý do dẫn đến hiện trạng của điện ảnh Việt Nam.”

Tiến sĩ Lương Hồng Quang từ Viện Văn hóa Nghệ thuật đưa ra một kết quả nghiên cứu khác rất đáng suy nghĩ: trong thói quen tiêu dùng văn hóa của người Việt Nam, tiêu dùng thụ động nhất là xem truyền hình chiếm tỷ trọng lớn nhất cả về ba tiêu chí: thời gian, sự thích thú và sự chi trả. Tiêu dùng qua các thiết chế văn hóa khác, đặc biệt là điện ảnh, rất thấp.

Nền tảng công nghệ kém cũng là một trong những nguyên nhân của thói quen tiêu dùng này.

 

Ngô Ngạn Tổ (giữa) giao lưu với khán giả Việt Nam tối 18/10
tại Liên hoan phim quốc tế Việt Nam
[Ảnh: Tiến Thành]

 

Muốn có khách phải nghĩ đến khán giả

Cũng khác với những hội thảo mang tính chính thống trước, bàn nhiều về thực trạng và giải pháp cuối cùng là... xin tài trợ nhà nước, hội thảo này hướng đến những mục tiêu cụ thể và thiết thực hơn.

Nếu có đụng đến chuyện dùng tiền ngân sách thì như tiến sĩ Lưu Trọng Hồng đưa ra những nhóm giải pháp ngắn hạn - nó cũng phải tập trung và hiệu quả.

Ngoài việc đề nghị trong vòng mười năm tới thay vì đầu tư dàn trải, nhà nước chỉ cần tập trung vào hai đến ba phim/năm cho ra tấm ra món, tiến sĩ Hồng đề nghị: trong ba đến năm năm tới nhà nước đầu tư xây dựng khoảng 14 cụm rạp hiện đại trong cả nước ở những vùng “trắng” về rạp chiếu, tạo “thói quen xem phim văn minh” cho khán giả, và khẩn cấp tuyển chọn nguồn nhân lực để đưa đi đào tạo nước ngoài bằng ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, ông Hồng cũng khuyến cáo: các nước khác có thể chọn một giải pháp sốc vì hạ tầng kỹ thuật là phim và chiếu bóng của họ vốn rất mạnh, chúng ta bắt buộc phải làm đồng bộ, ngắn hạn và “khéo thu vén hơn”.

Không đồng ý với hầu hết ý kiến của đồng nghiệp về việc nhà nước đầu tư cho điện ảnh, đạo diễn Lê Hoàng gay gắt: Nhà nước đầu tư cho điện ảnh không phải ít mà là quá lãng phí: một máy quay vài trăm ngàn USD, một máy kỹ xảo một triệu USD không mấy khi dùng đến. Việc đầu tư làm phim ra tấm ra món cũng thế.

“Ai cũng biết các phim sử thi và lịch sử của chúng ta có số phận như thế nào, ai xem chúng?”. Vị đạo diễn đáo để này cũng phản đối luôn việc nhà nước bỏ tiền xây rạp: “Cứ để tư nhân làm. Nếu có khách xem, chả cần đến nhà nước, tự tư nhân sẽ bỏ tiền xây rạp. Họ có thừa tiềm năng và biết phải xây ở những đâu.”

Giải pháp duy nhất đạo diễn Lê Hoàng đồng ý với tiến sĩ Hồng và các diễn giả khác là phải gửi người đi đào tạo ở nước ngoài: “Đó là một việc cực kỳ cần thiết nhưng cũng cực kỳ tốn kém. Không tư nhân nào kham nổi vì nó chưa cho lợi nhuận ngay trước mắt. Phải là nhà nước có chính sách dài hơi.”

Một tin vui được ban tổ chức công bố vào cuối buổi hội thảo: phim Trung úy của đạo diễn Hà Sơn đã “cháy” vé hai ngày liền tại Trung tâm chiếu phim quốc gia.

Tuy khán phòng của trung tâm không lớn và vé bán cũng chỉ từ 20.000-30.000 đồng/vé, nhưng chừng đó cũng là đủ để đạo diễn Hà Sơn xúc động chia sẻ trên diễn đàn: “Tôi đồng ý với anh Lê Hoàng, phim làm ra không phải để phục vụ một dịp lễ lạt nào đó. Phim muốn có khách phải nghĩ đến khán giả trước đã, nhất là khán giả trẻ. Họ mới là người bỏ tiền mua vé xem phim.”

Nguồn: Tuổi Trẻ online