Bốn phần năm phim đã về đích. Đó là những câu chuyện bình dị nhưng
đầy suy ngẫm về một miền bản sắc Việt ở hành trình chuyển
mình thời “đô thị hóa” sẽ lên sóng Discovery châu Á vào thời gian
tới.
Sau hơn một năm triển khai, dự án “First time Filmmakers Vietnam”, cuộc
thi phim tài liệu do kênh truyền hình Discovery châu Á kết hợp với hãng
Uproar Productions tổ chức, với sự tài trợ của Quỹ Ford, đã về đích
với bốn phần năm phim được hoàn thiện. Vào cuối tháng 4 này,
lịch phát sóng bốn bộ phim của dự án sẽ được kênh Discovery
châu Á thông báo chính thức.
Đẹp, ấn tượng
Với
mục đích thỏa mãn trí tò mò của khán giả thế giới, “đề bài” mà ban tổ
chức cuộc thi đưa ra cho các ứng viên Việt Nam là kịch bản phải được xây
dựng trên cơ sở người thật, việc thật mà điểm tựa chính là chủ đề “đô
thị hóa”. Tưởng hẹp nhưng thực chất đây là đề tài mở với biên độ rất
rộng bởi sau hơn 20 năm liên tục đổi mới, Việt Nam đã chuyển mình nhanh
chóng. Tuy nhiên, sự tăng trưởng của kinh tế cũng kéo theo những vấn đề
xã hội mà chúng ta phải đối mặt và tháo gỡ...
Tuyển chọn gắt gao, theo đúng bài bản của quy trình làm phim
quốc tế, từ năm dự án được đưa vào sản xuất, với kinh phí
20.000 USD/phim, đã có bốn phim về đích và được đánh giá cao về
chất lượng. Đó là Thành phố 1.000 năm (đạo diễn Mạnh Hà), Sống và chết trong thành phố (đạo diễn Đào Thanh Tùng), Ông Long chiếu phim dạo (đạo diễn Mạnh Cường) và Những chiến binh chống tắc đường (đạo diễn Duy Linh).
Cảnh ông Long chiếu phim cho khán giả tại Công viên Thủ Lệ trong bộ phim Ông Long chiếu phim dạo
được đánh giá thú vị nhất [Ảnh do đoàn phim cung cấp]
Quay đẹp, hình ảnh ấn tượng, đa dạng trong cách “kể”, bốn bộ
phim là bốn câu chuyện bình dị nhưng đầy suy ngẫm về một miền
bản sắc Việt ở hành trình chuyển mình thời “đô thị hóa”. Với
Thành phố 1.000 năm, đạo diễn Mạnh Hà gửi gắm những
ý tưởng về một thành phố chuyển mình mạnh mẽ thông qua ba nhân
vật. Đó là một bà cụ sống hơn 40 năm trong một hốc nhỏ ở Ô Quan
Chưởng.
Vào dịp đại lễ chào mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Ô
Quan Chưởng được trùng tu và bà cụ đã buộc phải rời xa nơi đã
gắn bó 40 năm đời mình; là họa sĩ Đào Anh Khánh với những
chương trình biểu diễn nghệ thuật đương đại thể hiện khát vọng
vươn ra thế giới; là một kiến trúc sư trẻ đau đáu với dự án
về một thành phố xanh - sạch - đẹp trên nền của những xô bồ, ô
hợp đâu đó hiện nay...
Cũng lấy Hà Nội 1.000 năm tuổi
làm nền cho sự phát triển ý tưởng, đạo diễn Duy Linh lý giải
hình ảnh tắc đường triền miên thông qua những lát cắt ấn
tượng. Những lát cắt ấy dẫn đến những thể nghiệm, những nỗ
lực của những “chiến binh chống tắc đường”, trong đó có đội
ngũ của những người làm chương trình VOV Giao thông.
Đạo
diễn Đào Thanh Tùng, qua câu chuyện cải táng ở nghĩa trang Văn
Điển (Hà Nội) và những trăn trở mưu sinh của những người làm
nghề cải táng khi nghĩa trang này đóng cửa, giới thiệu khá kỹ
những tục lệ mang tính tâm linh của người Việt.
Trong số bốn dự án phim đã hoàn thiện, Ông Long chiếu phim dạo
được đánh giá là thú vị nhất. Phim kể về một ông lão đã
nhiều chục năm nay sống bằng nghề chiếu phim dạo ở công viên.
Với chiếc máy chiếu tự tạo độc đáo của mình cùng hàng ngàn
thước phim đủ loại mà ông sưu tầm từ những cuốn phim cũ, cộng
với những bộ phim tự làm bằng cách vẽ trên giấy..., ông đã đem
đến cho khán giả những phút giây thư giãn vốn không thể tìm
thấy trong các rạp chiếu bóng hiện đại.
Cánh cửa mở ra thế giới
Trước
Việt Nam, Discovery đã tổ chức nhiều dự án sản xuất phim với một số
nước ở châu Á như Trung Quốc, Malaysia và khá nhiều phim của dự án này
đã được trao giải thưởng.
Ông Micheal Digregoro, đại diện Quỹ
Ford, cho biết: “Hầu hết các phim hay về đề tài Việt Nam phát trên các
kênh của nước ngoài hoặc công chiếu tại các rạp trên thế giới đều do các
nhà làm phim nước ngoài thực hiện. Điều này thật đáng tiếc, khi mà Việt
Nam đang có sẵn một đội ngũ những người làm phim giàu kinh nghiệm.
Hơn
ai hết, các nhà làm phim Việt Nam hiểu rõ những vấn đề mà Việt Nam đã
và đang trải qua; hiểu những chuyển dịch của xã hội Việt Nam ở thời kỳ
hội nhập; hiểu giá trị văn hóa truyền thống và biết rõ những nét đặc sắc
của văn hóa bản địa. Tuy nhiên, cái mà các nhà làm phim Việt Nam đang
thiếu là công nghệ, kỹ thuật làm phim với những chuẩn mực hiện đại -
điều kiện cần thiết để phim ra được với thế giới.
Với dự án làm
phim lần đầu do Discovery châu Á tổ chức, chúng tôi mang đến cho các bạn
Việt Nam một định dạng mới, kỹ thuật làm phim theo tiêu chuẩn quốc tế.
Đồng thời với nó là cánh cửa ra thế giới của họ được mở bởi một cây cầu
“uy tín”- kênh Discovery, được khán giả trên toàn cầu yêu thích.
Thông
qua cánh cửa này, các nhà làm phim Việt Nam có cơ hội chứng minh tài
năng của mình, mang những câu chuyện của Việt Nam ra với thế giới, khẳng
định với thế giới những câu chuyện của Việt Nam cũng rất đáng quan tâm,
rất đáng khám phá.”
Giở trò tiêu cực?
Riêng phim Thành phố của đam mê
(đạo diễn Phan Ý Ly) vẫn chưa hoàn thiện. Đây cũng là dự án
mà phía người thực hiện và đơn vị quản lý dự án tại Việt Nam
đã phải chia tay giữa chừng.
Lý do là phía quản lý dự
án không chấp nhận chi tiền khi phía thực hiện không đưa ra
những hóa đơn tài chính hợp pháp thể hiện việc chi tiêu cho dự
án, đặc biệt là khi phía quản lý dự án có trong tay xác nhận
của những người chưa từng nhận tiền hoặc chỉ nhận một khoản rất
nhỏ (so với số tiền ghi trong biên nhận của một số người mà
phía thực hiện dự án cho rằng đã chi trả tiền bồi dưỡng. Để
dự án được tiếp tục thực hiện, phía nước ngoài đã nhảy vào
cuộc trực tiếp quản lý dự án này.
Nhiều người cho rằng
việc được “đặt hàng” làm phim và phát sóng trên kênh Discovery
là cơ hội tốt cho các nhà làm phim Việt Nam được tiếp cận quy
trình làm phim hiện đại của nước ngoài và có cơ hội đưa tác phẩm
của mình đến với khán giả thế giới.
Đáng tiếc là chúng ta
vẫn quen kiểu làm phim chụp giật, manh mún nên dự án làm phim
cho Discovery đã bị kéo dài so với kế hoạch và đã có lúc
tưởng vỡ giữa chừng.
Nguồn: Người lao động