Việt Nam

Việt Nam làm phim hoạt hình 3D Cô bé bán diêm

29/11/2011

Tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Andersen được êkíp toàn người Việt Nam chuyển thể thành phim hoạt hình ngắn cùng tên, định dạng 3D. Trailer của phim vừa xuất hiện đã nhận được nhiều ý kiến khen ngợi, ủng hộ.

Trailer của Cô bé bán diêm "made in Việt Nam" đưa lên mạng vào ngày 22/11 đã nhận được hàng trăm ý kiến đóng góp, nhận xét sôi nổi của cư dân mạng.

Điều khiến người xem bất ngờ nhất là thông tin cuối clip cho thấy bộ phim ngắn là tác phẩm của True-D Animation, một xưởng phim hoạt hình mới thành lập ở Việt Nam gồm những người Việt tâm huyết.

Trailer Cô bé bán diêm

Clip dài 1 phút 23 giây tái hiện bối cảnh câu chuyện cảm động vốn rất quen thuộc với trẻ em trên thế giới, nằm trong loạt truyện cổ tích của nhà văn Đan Mạch Hans Christian Andersen. Vào mùa đông, ở đất nước Bắc Âu lạnh giá, phủ đầy băng tuyết trắng, mọi người đang hối hả hoàn tất những công việc cuối cùng để về với mái ấm gia đình, vì chỉ còn vài tiếng nữa là đến thời điểm đẹp nhất trong năm: Đêm giao thừa... Lúc ấy, trên đường phố, một cô bé bán diêm lủi thủi trong màn đêm lạnh giá, rét buốt, đói lả với những giấc mơ riêng, cháy bỏng.

Nhân vật chính, cô bé bán diêm, được tạo hình sống động với đôi mắt to tròn, hồn nhiên và khuôn mặt đầy biểu cảm. Khung cảnh cổ kính của đất nước Bắc Âu với những mái nhà phủ tuyết cũng được thể hiện sắc nét, truyền được cảm giác thật và cái lạnh lẽo, buốt giá.

Khi xem đoạn trailer này, nhiều khán giả nhận xét một cách tự hào, nếu phim 3D của Hollywood điểm 10 thì Cô bé bán diêm của Việt Nam cũng được 7 hoặc 8. Nhiều người cho rằng, Việt Nam thực hiện được phim hoạt hình với hiệu ứng 3D như thế thì rất tốt, chứng tỏ một bước tiến xa trong kỹ thuật và là tín hiệu đáng mừng để khán giả trong nước tin tưởng về tương lai sáng sủa hơn cho phim hoạt hình Việt.

Sau Trên ngọn cây Dưới bóng cây, Cô bé bán diêm tiếp tục là một sản phẩm
hoạt hình 3D do các nhà làm phim độc lập Việt Nam thực hiện

Bên cạnh đó, có khán giả bày tỏ sự thất vọng vì họ mong chờ một bộ phim thuần chất Việt Nam hơn, ví dụ như nội dung về Tấm Cám, Sự tích Trầu Cau... Cũng có người cho rằng, nét biểu cảm của nhân vật còn cứng, chưa được uyển chuyển và linh hoạt như phim hoạt hình 3D của Mỹ.

Toàn bộ êkíp thực hiện phim, thuộc True-D Animation, đều chưa trải qua một lớp học nào về phương pháp làm phim hoạt hình 3D. Một thành viên trong dự án cho biết, mọi người trong nhóm đều tự học về kỹ thuật làm phim này trên mạng Internet bằng cách download tài liệu về mày mò. Khi người nào tìm được hiệu ứng hay cách làm hay thì sẽ chia sẻ với cả nhóm, để bàn bạc, trao đổi và tìm ra cách làm tốt nhất.

"Trong quá trình làm phim, cả nhóm cứ như du học tại chỗ, vì cứ lục lọi khắp nơi trên mạng để thu thập kiến thức," đạo diễn phim chia sẻ.

Phim Cô bé bán diêm hoàn thành có độ dài 6 phút 30 giây. Điều khiến nhóm thực hiện cảm thấy rất vui là phim đã đạt được các hiệu ứng đặc biệt về chuyển động của nhân vật sao cho tự nhiên từ nét mặt, mái tóc, đến từng lớp quần áo... Lửa, tuyết và gió trong phim cũng được làm sao cho sắc nét và cảm xúc.

Một đại diện của True-D Animation cho biết, thiếu nhân lực là một trong những cái khó của việc làm hoạt hình 3D hiện nay ở Việt Nam. Với êkíp khoảng hơn 10 người, các thành viên của nhóm phải nỗ lực hết sức mình, một người làm kiêm 2-3 việc khác nhau để hoàn thiện tác phẩm.

Tạo hình nhân vật cô bé bán diêm trong phim.
Phần nhạc phim do nhạc sĩ Dương Khắc Linh phụ trách

Trước ý kiến bày tỏ sự nuối tiếc vì phim không dựa trên câu chuyện thuần Việt, True-D Animation cho biết, Cô bé bán diêm chỉ là dự án đầu tiên để thể hiện những hiệu ứng nhóm học tập được. Sau phim ngắn này, nhóm đã thực hiện dự án hoạt hình 3D tiếp theo hoàn toàn là câu chuyện Việt Nam, với phong cách hài hước, vui nhộn. Còn tương lai xa, công ty rất muốn thực hiện được những bộ phim hoạt hình 3D dài, sâu sắc để phục vụ khán giả trong nước.

Nói về đầu ra cho dự án phim đầu tay, đại diện công ty cho biết, đang tìm nơi để phát hành phim Cô bé bán diêm vào mùa Giáng sinh năm nay. Phim có thể được mang ra chiếu ở các rạp lớn nếu nhà sản xuất thương lượng được với các đơn vị phát hành, hoặc sẽ được chiếu trên truyền hình cho khán giả cả nước... Ngoài ra, nếu các con đường phát hành này đều khó khăn, nhà sản xuất sẽ đưa phim lên trang Youtube làm món quà tặng cho mọi người.

Nguồn: Thể thao & Văn hóa