Bình luận phim

Bardo: Ký sự giả về đôi chút sự thật chính là câu chuyện thân phận nhà làm phim của Alejandro G. Iñárritu

10/12/2022

Không ngạc nhiên — thậm chí ắt phải thế thôi — một trong những cảnh bị chỉ trích dữ dội trong Bardo: Ký sự giả về đôi chút sự thật, bộ phim mới tuyệt vời và điên rồ của Alejandro G. Iñárritu, là cảnh một nghệ sĩ đối đầu với nhà phê bình thẳng tay nhất.

Nghệ sĩ — nhân vật chính của bộ phim — là Silverio Gama (Daniel Giménez Cacho), nhà báo và nhà làm phim tài liệu nổi tiếng thực hiện chuyến trở về Mexico sau vài năm chuyển đến Los Angeles.

Silverio Gama (Daniel Giménez Cacho) đối đầu với nhà phê bình cay nghiệt Luis (Francisco Rubio)

Nhà phê bình, người mà anh gặp trong một bữa tiệc, là Luis (Francisco Rubio), nhân vật truyền hình đã biến Silverio thành đích chỉ trích thường xuyên trong chương trình trò chuyện của anh ta.

Khỏi nói, Luis không phải là người hâm mộ tác phẩm mới nhất của Silverio, bài bác nào là “giả dối”, “một mớ hỗn độn những cảnh vô nghĩa” và “thiếu cảm hứng thi ca”. Nhưng theo anh ta, tội ác nghệ thuật nghiêm trọng nhất của Silverio không phải là buông thả bản thân hay phản bội nguồn gốc Mexico mà là sự hèn nhát, che giấu con người thật đằng sau những lớp siêu hư cấu mượt mà: “Nếu anh muốn nói về cuộc đời mình,” Luis bảo, “hãy nói thẳng.”

Có thể đó cũng là một sự đào sâu vào bản thân bộ phim Bardo ngoằn ngoèo, gây chia rẽ, dễ đoán, bán tự truyện kỳ ảo làm mờ đi lằn ranh đâu là cuộc đời Silverio và đâu là cuộc đời Iñárritu.

Bán tự truyện kỳ ảo làm mờ đi lằn ranh đâu là cuộc đời Silverio và đâu là cuộc đời Iñárritu

Bộ phim (do đạo diễn đồng viết kịch bản với Nicolás Giacobone) là cuộc dạo chơi theo phong cách lễ hội xuyên thời gian và ký ức, mắc nợ chủ nghĩa hiện thực ma thuật như mê cung của Jorge Luis Borges và đôi chút chủ nghĩa siêu thực vui nhộn của Federico Fellini.

Iñárritu và nhà quay phim của ông, Darius Khondji, đưa máy ảnh trôi nổi trên bãi cát ngập nắng và lao xuống các hành lang ý thức, đánh sập rào cản giữa lịch sử và ảo giác, giữa hài kịch và chính kịch, giữa sự sống và cái chết, giữa Silverio và Alejandro. Đối với cả hai người này, bộ phim — phim đầu tiên của Iñárritu quay chủ yếu ở Mexico từ sau phim đầu tay năm 2000 của ông, Amores Perros — đánh dấu một lần trở về quê hương hiếm hoi, một sự trở lại đầy niềm vui và nỗi nhớ, nhưng cũng có cả mâu thuẫn và thất vọng.

Một trong những câu hỏi mà Bardo để lại cho bạn suy nghĩ là liệu Iñárritu, sau nhiều năm thành công đáng ghen tị ở Hollywood, giờ có cảm thấy xa lạ với đất nước mà ông đã bỏ lại phía sau hay không. Bạn cũng có thể tự hỏi, bỏ qua một bên những nhà phê bình Luis trên đời, sự nghiệp của Silverio có tạo ra sự khinh bỉ của công chúng mà Iñárritu thường mắc phải hay không.

Daniel Giménez Cacho và Alejandro G. Iñárritu trên trường quay Bardo: Ký sự giả về đôi chút sự thật

Nói như vậy về một nhà làm phim lâu nay có đầy người ủng hộ thì quả là kỳ, nhưng trên thực tế, sự từ chối gay gắt của giới phê bình đối với Iñárritu là dạng việc chỉ có thể xảy ra với một nghệ sĩ cả ngành đề cao trọng vọng. Và với tư cách là người đã từng thăng trầm cùng Iñárritu trong nhiều năm và cảm nhận tác phẩm của ông lúc thì phòng thủ khi thì khinh khỉnh, đối mặt với tác phẩm cá nhân trần trụi nhất và lời khiêu khích công khai nhất dành cho những người chỉ trích ông — người viết cảm thấy mình vừa khớp để cân nhắc gánh nặng hành trang đó.

Trong một phương tiện nghệ thuật thường được thúc đẩy bởi tài năng và cá tính của đạo diễn, không phải như một số nhà phê bình luôn thay đổi danh sách các nhà làm phim được yêu thích nhất và ít được yêu thích nhất của họ, đồng thời, trong các danh mục cá nhân đó, những nỗ lực được yêu thích nhất và ít được yêu thích nhất. Và đối với không ít người phản đối Iñárritu gay gắt trong cái giới đó, bộ phim hay nhất của ông vẫn là bộ phim đầu tiên. Một bộ ba câu chuyện hấp dẫn được kết hợp với nhau bằng những vụ đâm xe, những đam mê bốc lửa, những gã đàn ông độc ác và những con chó ăng ẳng, Amores Perros đã khiến người xem choáng váng ghê tởm cảnh bạo lực dữ dội nhưng đủ sức tạo ra sự ca ngợi để trở thành tác phẩm đầu tiên của Mexico sau 25 năm kiếm được một đề cử Oscar cho phim nói tiếng nước ngoài hay nhất.

Silverio mà chúng ta thấy cái bóng anh ta vụt qua sa mạc trong cảnh mở đầu phim uể oải 

Amores Perros cũng giới thiệu với thế giới một nhân vật mới đầy sức hút tên là Gael García Bernal, đồng thời làm nên danh tiếng cho Iñárritu và biên kịch của ông, Guillermo Arriaga, là những người kể chuyện khéo léo với cảm giác chủ nghĩa hiện thực gai góc có chiều sâu hơn và một thủ pháp kiểu Tarantino cho những câu chuyện rời rạc.

Những phẩm chất đó vẫn tồn tại — và tiếp theo là nhiều đề cử Oscar hơn — với 21 Grams (2003) nghiệt ngã-hơn-cả-nghiệt ngã, một tập hợp kịch tính khoa trương lởm chởm khác với sự tham gia của Sean Penn, Naomi Watts và Benicio Del Toro đầy mê hoặc, và với Babel (2006), tấm thảm gồ ghề những câu chuyện thổn thức trải dài từ các ngọn núi đầy bụi ở Ma-rốc đến những hộp đêm nhấp nháy ánh đèn ở Tokyo.

Xem lại ba phim đầu tiên này, với sự thay đổi trọng tâm dần dần chuyển từ Mexico sang Mỹ rồi đến toàn thế giới, là để nắm bắt toàn bộ quy mô tham vọng quá lớn của Iñárritu. Nhưng những gì mà đối với một số người thấy có vẻ là tham vọng thì nhiều người khác bắt đầu thấy là sặc mùi kiêu ngạo, những người ngày càng mất hứng với những gì họ coi là chủ nghĩa khốn khổ phô trương và hoang tưởng phóng đại trong phim của ông.

Bằng cách bắt đầu với chính mình trong Bardo, Iñárritu lại tìm đường đến được nơi khác đáng xem

Với tư cách là một người yêu thích 21 Grams và là một người hâm mộ đủ tiêu chuẩn của Babel, người viết luôn cảm thấy có chút biện hộ cho giai đoạn đầu sự nghiệp của Iñárritu; với tất cả sự thao túng và sai lầm rõ ràng, thì hai bộ phim này đạt được sức mạnh cảm xúc sâu sắc mà rất ít tác phẩm của ông đạt được kể từ đó. Người viết cũng ngờ rằng Arriaga đóng vai trò quan trọng hơn một chút đối với thành công của hai phim đấy, điều dường như càng rõ ràng hơn sau khi biên kịch và đạo diễn đường ai nấy đi (trong những hoàn cảnh không mấy thân thiện) và Iñárritu bắt đầu với Biutiful (2010), một bộ phim nặng nề mà ngay cả diễn xuất xuất sắc của Javier Bardem cũng không thể cứu vãn nổi.

Biutiful đã khiến Iñárritu nhận những đánh giá tồi tệ nhất trong sự nghiệp và có thể đã kích động ông phun ra quan điểm bài xích giới phê bình trong lần trở lại năm 2014, Birdman or (The Unexpected Virtue of Ignorance), bộ phim châm biếm Broadway với Michael Keaton trong vai Riggan Thomson, một diễn viên hết thời đang nỗ lực trở lại chính mình.

Biutiful cũng đánh dấu một sự đột phá hoàn toàn về phong cách; sau nhiều năm làm việc với đạo diễn hình ảnh Rodrigo Prieto, Iñárritu nhận thấy ở Emmanuel Lubezki, nhà quay phim có những cảnh quay dài được dàn dựng đẹp mắt, uyển chuyển có thể đạt được sự hợp nhất mới ngoạn mục cho hình thức. Thay vì cắt cảnh thành những đoạn lộn xộn (mặc dù vẫn giữ nguyên biên tập phim Stephen Mirrione đa tài), Iñárritu theo đuổi sự gắn kết hình ảnh mới; thay vì phân chia sự chú ý giữa một loạt các nhân vật ở xa, ông mở ra toàn bộ kịch tính — điềm báo trước Bardo — trong ý thức bồn chồn, tự trừng phạt của một người.

Silverio là hình đại diện của sự thiếu tự tin

“Hay là hay thôi, không phải nói hay làm sao thì mới là hay,” một tấm bưu thiếp trên gương trong phòng thay đồ của Riggan viết. Người viết chợt nhớ lại dòng đó — và cảnh đáng nhớ khi Riggan xung đột kịch liệt với một nhà phê bình sân khấu của New York Times (Lindsay Duncan) — khi lần đầu xem Bardo vài tháng trước và bắt gặp cảnh đối đầu trong buổi tiệc.

Tuy nhiên, lần này, Iñárritu không chỉ thản nhiên ngoáy mũi; xem ra ông còn đang cố gắng ngăn chặn những lời chỉ trích và cho thấy ông có thể chịu đau mà cười, miễn kiểm soát được nguồn gốc và thời lượng của tiếng cười. Dường như ông còn muốn cho những kẻ gièm pha phim của ông nếm thử liều thuốc cay độc của chính họ. Và vì vậy, Silverio coi Luis không hơn gì “một kẻ làm trò, kẻ rao giảng quan điểm”, người tranh giành lượt thích trên mạng xã hội. Ui! “Chính những người như anh khiến chúng ta không có sự thật,” Silverio tuyên bố, ngay trước khi nhấn nút tắt tiếng để những lời phản bác của Luis bị câm bặt.

Thật dễ hình dung Iñárritu phải tưởng tượng việc bịt miệng những kẻ khủng bố ông trong giới báo chí. Đồng thời — và đây là chỗ để Bardo thể hiện khía cạnh vui tươi một cách hiệu quả — bạn phải tự hỏi, nếu thế, tại sao ông tiếp tục cho họ tiếng nói và quan điểm nổi bật như vậy trong tác phẩm của mình. Có phải ông đang xây dựng một kiểu địa ngục nhà phê bình-nghệ sĩ, đặt một cái bẫy thông minh cho nhà phê bình và quan sát họ sụp bẫy? Hay, bằng cách tự hạ mình xuống mức có lẽ là tận cùng trước những kẻ gièm pha, nên cơ bản là rơi vào cái bẫy của chính mình?

Một người đàn ông mặc áo khoác và thắt cà vạt đứng giữa các vũ công trong câu lạc bộ

Người viết không biết. Có lẽ ông không đừng được nữa. Có lẽ Iñárritu cảm thấy với Birdman, thực sự ông đã được đền đáp cho cái việc công kích các nhà phê bình, trớ trêu thay, bộ phim lại khôi phục được rất nhiều thiện cảm của giới phê bình cho Iñárritu. Tuy nhiên, không phải tất cả: người viết thấy Birdman hài hước, sáng tạo và rực rỡ, nhưng cũng mỏng manh, quá quyết đoán và hơi không đáng phải dùng tới một tài năng bậc thầy.

Tuy nhiên, không thể không cảm thấy sảng khoái sau cuộc chạy marathon khốn khổ trước đó của Iñárritu; Birdman đã dễ dàng thắng giải thưởng Viện Hàn lâm phim hay nhất và mang về cho Iñárritu giải Oscar đầu tiên về đạo diễn. Ông sẽ giành được một giải khác vào năm sau cho bộ phim viễn tây The Revenant (2015) báo thù đen tối, bạo lực là một trải nghiệm vô cảm, màn vỗ ngực xưng mình đạo diễn rỗng tuếch nhất của Iñárritu.

Khi viết bài này, Viện Hàn lâm không có vẻ sẽ dành cho Bardo những giải thưởng tương tự, mà không chừng ta có thể đổ lỗi cho những người mà Iñárritu thích đổ lỗi nhất: các nhà phê bình! (Có thấy vòng luẩn quẩn như thế nào chưa.) Khi được công chiếu lần đầu tại các liên hoan phim Venice và Telluride vào mùa thu năm nay, bộ phim đã thu hút phản ứng đồng loạt, trong số đó có vài chỉ trích sự dài dòng, sự làm cho đã tay, và thời lượng hơn ba giờ đồng hồ.

Daniel Giménez Cacho và Griselda Siciliani trong Bardo: Ký sự giả về đôi chút sự thật

Phản ứng ban đầu của riêng người viết là pha trộn giữa ngưỡng mộ và bực tức khi đối mặt với thứ mà dù sao cũng có vẻ giống như “một tượng đài hùng vĩ, cuối cùng cũng không thể vượt qua được sự tuyệt vời của chính [Iñárritu].” Những người khác không tử tế được như vậy.

Bất luận do ông phải thúc thủ trước sự phản ứng — hay, vì một chiến dịch giải thưởng tiềm năng nhờ một số quyền lực ở Netflix — Iñárritu đã thông báo ngay sau đó rằng ông sẽ cắt bớt khoảng hơn 20 phút thời lượng của bộ phim trước khi phát hành. Và thực sự, phiên bản mới của Bardo: Ký sự giả về đôi chút sự thật — phiên bản đang chiếu tại rạp và bắt đầu phát trực tuyến ngày 16 tháng 12 trên Netflix — chính xác là 160 phút, so với phiên bản trước đó 184 phút. Thật sự 24 phút thì thay đổi được gì so với phiên bản đã hứng chịu phản ứng ở các liên hoan nữa không biết.

Chưa hết. Và chưa, và chưa, và chưa. Với 160 phút và trong lần chạm trán thứ hai, Bardo là — nói sao nhỉ? — chịu đựng được. Cảm giác đỡ ngột ngạt hơn, đỡ ì ạch, tươi sáng hơn và duyên dáng hơn. Có nặng nề, nhưng cũng quay cuồng, nhảy múa và — như Silverio mà chúng ta thấy cái bóng anh ta vụt qua sa mạc trong cảnh mở đầu phim uể oải — thậm chí còn vút lên được.

Daniel Giménez Cacho và Ximena Lamadrid trong một cảnh phim

Hai mươi bốn phút đã cắt đó thực sự tạo ra khác biệt như thế ư? (Ngoại trừ một cảnh bị loại bỏ nhìn ra được ngay — cuộc gặp gỡ tình dục đang hình thành giữa một Silverio trẻ tuổi và một phụ nữ lớn tuổi với những quả trứng chiên che ngực — người viết thấy những thay đổi khiến thật khó theo dõi.) Có thể nào một khi đã được thấy qua trong chuyến tham quan, địa ngục lung linh của Bardo đột nhiên có cảm giác mời gọi mới mẻ, đắm chìm mới mẻ? Bộ phim thực sự đã thay đổi hay người viết đã thay đổi?

Có lẽ cả hai bên đều có một chút thay đổi. Khi lần đầu tiên xem Bardo — kỳ thực khách quan mà nói — bộ phim đem lại ấn tượng đây là nỗ lực duy ngã nhất của Iñárritu. Lần xem thứ hai, thật kỳ lạ, thuyết duy ngã hoặc rút lui hoặc tự cấu trúc lại.

Xét cho cùng, hầu hết phim của Iñárritu đều là những tác phẩm của cái tôi tàn bạo, đó là một lý do khiến người viết không bao giờ chịu nổi Birdman The Revenant, những bộ phim được cho là nói về những thứ khác — người nổi tiếng và sự sáng tạo, lịch sử và báo thù — nhưng rốt cuộc cũng chỉ là Iñárritu và sự tàn bạo bậc thầy riêng của ông. Nghịch lý thay, bằng cách bắt đầu với chính mình trong Bardo, Iñárritu lại tìm đường đến được nơi khác đáng xem, mở lòng ra với những nhánh ý nghĩa mới. Đây là bộ phim mở rộng trí tuệ và vui tươi nhất của ông.

Liệu Silverio có điểm chung nào có ý nghĩa với những người đã biến mất và mất tích ở Mexico, vô số đàn ông và phụ nữ mà chúng ta thấy bỏ thây trên đường phố của một Thành phố Mexico im lìm đến kỳ lạ?

Hay là hay, không phải được nói là hay thì mới là hay. Nhưng cũng có khi thế sự thay đổi. Sự trở cờ của riêng người viết đối với Bardo chắc chắn thừa kịch tính để gây băn khoăn và đoán già đoán non, cảm giác như là phản ứng công bằng và trung thực đối với một bộ phim mà nhân vật chính của nó, Silverio, là hình đại diện của sự thiếu tự tin. Anh ấy cũng là một người chồng, một người cha, một người mơ mộng, một nhà thám hiểm và một người quan sát lịch sử khinh khỉnh một cách khô khan, với góc nhìn hài hước sâu sắc về quá khứ, hiện tại và tương lai của Mexico.

Những nhận xét đanh thép của anh ta về việc Hoa Kỳ đã trả quá ít để lấy Nhượng địa Mexico năm 1848 ăn khớp với một số cuộc trò chuyện châm biếm việc Amazon sắp mua lại Baja California ở phông nền. Iñárritu hầu như không cần phải nhắc nhở chúng ta, vùng biên giới Hoa Kỳ và Mexico từ lâu đã là địa hình tranh chấp tàn khốc. Và Silverio cùng bản ngã căng thẳng, đau khổ khác của anh khớp vào đâu trong vùng tranh chấp đó là câu hỏi không ngừng ám ảnh câu chuyện này, mang lại động lực và độ dày kể cả khi chậm như rùa bò.

Phim đặt ra câu hỏi tổng hợp khiến người ta tò mò muốn biết một nghệ sĩ hoặc một loại hình nghệ thuật đạt được gì bằng cách đưa lịch sử chiến tranh và tàn bạo lâu đời của Mexico lên sân khấu

Liệu Silverio có điểm chung nào có ý nghĩa với những người đã biến mất và mất tích ở Mexico, vô số đàn ông và phụ nữ mà chúng ta thấy bỏ thây trên đường phố của một Thành phố Mexico im lìm đến kỳ lạ? Anh ta có thành thật đồng cảm với những người di cư mà anh đã chụp ảnh và ghi lại hành trình dài gian khổ của họ nhân danh nghệ thuật không?

Hình ảnh Silverio lang thang trên sa mạc, một linh hồn đi qua trạng thái luyện ngục (nguyên lý “bardo: giai đoạn chuyển tiếp” của Phật giáo Tây Tạng truyền cảm hứng cho tiêu đề), biểu lộ hợp nhất hay là cô lập — vĩnh viễn tách khỏi bản sắc văn hóa của anh ta? Liệu nhà cung cấp phim phi hư cấu này có bất kỳ sự thật thực sự nào để phơi bày không, hay anh ta chỉ là một kẻ màu mè, giả tạo, phản bội?

Iñárritu để cho khán giả chúng ta định đoạt. Nhưng diễn xuất hóm hỉnh và cảm động của Giménez Cacho nói rằng ngay cả câu trả lời cay nghiệt nhất cũng không thể khiến Silverio kém hấp dẫn đi. Năng khiếu hài kịch tự dằn vặt của nam diễn viên đã thể hiện rõ trong Zama, phim sử thi Nam Mỹ xuất sắc của Lucrecia Martel, trong đó anh vào vai một gương mặt tồi tệ của chủ nghĩa thực dân Tây Ban Nha thế kỷ 18.

Silverio suy nghĩ về câu hỏi đó, mà cũng là câu hỏi về danh phận của chính anh. Anh đánh mất mình trên một sàn nhảy chật cứng

Trong Bardo, động lực chính trị đã thay đổi: Silverio của anh cuối cùng thấy mình đối mặt với kẻ chinh phục Hernán Cortés trong một cảnh bẻ cong thời gian ấn tượng, thừa nhận lịch sử chiến tranh và tàn bạo lâu đời của Mexico, đồng thời đặt ra câu hỏi tổng hợp khiến người ta tò mò muốn biết một nghệ sĩ hoặc một loại hình nghệ thuật đạt được gì bằng cách đưa những điều đó lên sân khấu.

Silverio suy nghĩ về câu hỏi đó, mà cũng là câu hỏi về danh phận của chính anh. Anh đánh mất mình trên một sàn nhảy chật cứng, đi tàu điện ngầm Los Angeles và tranh cãi với nhân viên hải quan sân bay tuyên bố rằng Silverio không có quyền gọi nước Mỹ là quê hương. Đi bất cứ đâu và đối đầu với bất kỳ ai, Silverio sẽ đưa người xem đi cùng.

Gia đình của anh, đối với anh bằng tình cảm lẫn bực tức, chắc hẳn cũng thấy anh không thể từ bỏ được. Silverio vẫn hết lòng vì vợ mình, Lucía (Griselda Siciliani), mặc dù những khoảnh khắc hạnh phúc gia đình và đam mê tình dục của họ liên tục bị phủ bóng — trong những đoạn kỳ lạ và sâu sắc nhất của bộ phim — bởi những nhắc nhở về cái chết của đứa con đầu lòng, Mateo. Những đứa con còn sống của họ, Camila (Ximena Lamadrid) và Lorenzo (Íker Sánchez Solano), xinh đẹp và thông minh, có tinh thần hiếu chiến nhưng luôn trung thành khi cần thiết.

Silverio cùng vợ và các con tại một khu nghỉ mát bên bờ biển

Những cảnh trữ tình và cảm động nhất trong Bardo cho thấy Silverio cùng vợ và các con tại một khu nghỉ mát bên bờ biển, nơi những tai ương quá khứ, những lo lắng tương lai và những bất bình đẳng hằng ngày hiện tại hội tụ — và trôi qua sau đó, trong một pha êm đềm hiếm hoi. Bạn thoáng cảm thấy Silverio cuối cùng đã về nhà — không phải vì vùng đất cụ thể dưới chân, mà vì anh chia sẻ vùng đất đó với những người anh yêu thương.

Dịch: © Hải Đăng @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Los Angeles Times


+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.