Giải thưởng - LHP

Tại sao TIFF quan trọng - những điều có thể bạn chưa biết về Liên hoan phim quốc tế Toronto

13/09/2017

Giới điện ảnh nổi tiếng hục hặc nhau — tranh cãi vụn vặt về tác phẩm của đạo diễn nào đó là phách lối hay lỗi lạc, nóng nảy om sòm xung quanh các chọn lựa biên tập và hiệu ứng. Nhưng hàng năm cứ đến thu, ngay sau Lễ Lao động (thứ hai đầu tiên của tháng 9 ở Bắc Mỹ - ND), một TIFF lớn hơn chiếm lấy những cuộc bàn luận phim ảnh trong vài tuần: Liên hoan phim quốc tế Toronto – Toronto International Film Festival, mà hầu như ai cũng gọi bằng cái tên tắt TIFF.

Kể từ khi ra đời năm 1976, liên hoan dài 10 ngày này đã trở thành một trong những liên hoan phim lớn nhất và danh giá nhất thế giới, bệ phóng đưa những nhà làm phim mới nổi vào cảnh quan quốc tế và những niềm hy vọng giải thưởng hướng về mùa phim thu đình đám. Nhưng có rất nhiều điều về liên hoan này mà một ‘fan’ điện ảnh bình thường có thể không biết. Nhân kỳ liên hoan năm 2017 đã khai mạc vào ngày 7/9, sau đây là một số thắc mắc lớn nhất về TIFF — và những đáp án.

Tại sao TIFF lại quan trọng?

Đối với người xem phim thông thường, có một lý do lớn: Liên hoan diễn ra trong 10 ngày này là khởi động không chính thức cho “mùa phim danh giá” — nghĩa là dán mắt theo dõi chuyện gì ồn ào ở TIFF có thể cho bạn biết rất nhiều về diễn xuất của ai và phim nào sẽ là thành phần trong cuộc bàn luận giải thưởng cuối năm.

Thời điểm diễn ra — ngay sau Lễ Lao động — định vị liên hoan này trên thực tế mở màn mùa giải thưởng, cuộc đua marathon của hầu hết những phim nghiêm túc kéo dài khoảng sáu tháng, cho đến khi Oscar hạ màn vào đầu tháng 3.

Ryan Gosling tại buổi chiếu ra mắt bộ phim La La Land ở TIFF 2016

Nhưng TIFF có phải là một liên hoan phim quan trọng như, chẳng hạn, Cannes, diễn ra vào cuối tháng 5? Tùy bạn hỏi ai câu đó. Cannes giữ danh hiệu cao vời “liên hoan phim danh giá nhất”, và hầu hết nhà làm phim đều mong mỏi ngày nào đó có tác phẩm trình chiếu cạnh tranh ở đây. (Cannes còn có tuổi hơn TIFF những 30 năm.) Nhưng Cannes thiên hẳn về phim quốc tế và tinh tế kiêu kỳ, trong khi ở Toronto — có những chương trình nhiều phim hơn — bạn có thể tìm được những phim làm hài lòng đám đông lớn hơn vốn cũng có thể làm ra tiền ở phòng vé nhiều hơn và kết thúc là những đấu thủ lớn hơn của mùa giải thưởng. (Ví dụ: American Beauty, Slumdog Millionaire, The King’s Speech, và Silver Linings Playbook, tất cả đều ra mắt ở TIFF.)

Với những người yêu điện ảnh, hoặc những ai hăng hái theo dõi các giải thưởng, đó là điều khiến TIFF hấp dẫn. Chỉ vì một phim nào đó không trình chiếu ở TIFF không có nghĩa phim đó sẽ không thắng giải. (Chẳng hạn, Birdman, đoạt Oscar Phim hay nhất năm 2014, không xuất hiện ở Toronto.) Nhưng người thắng giải ở Cannes hiếm khi thắng giải Oscar, trong khi TIFF ấn định nhịp điệu cho cuộc bàn tán của mùa giải này.

Nhà làm phim lẫn giới phê bình đều rất thích TIFF. Toronto giữ được văn hóa điện ảnh sôi động (phần nào nhờ chương trình diễn ra quanh năm tồn tại xung quanh TIFF), nghĩa là hàng trăm ngàn người tham dự liên hoan này là người có văn hóa-điện ảnh và háo hức muốn xem những chương trình phim đa dạng ở đây, chứ không phải chỉ để bắt gặp các sao. Chuyên gia quảng bá cho phim cũng thích TIFF, vì tạo ra bàn tán xôn xao nơi những người thực sự quan tâm điện ảnh thì hay biết bao.



Năm 2011, Hạnh Nguyên — một thành viên thủy thủ đoàn tàu Quái vật Điện ảnh — đã có chuyến đi đến Toronto và chuyển về bài viết Một ngày cảm nhận Liên hoan phim quốc tế Toronto, ghi lại không khí của LHP, cảm xúc và hy vọng đầy hứng khởi: "muốn khám phá những tác phẩm nghệ thuật thú vị và không gò bó trong phạm vi công thức ăn khách, người xem phải hướng tầm nhìn ra khỏi Hollywood."

Còn đạo diễn và minh tinh điện ảnh thích trạng thái tương đối ít sôi nổi của liên hoan này; mặc dù giải thưởng được trao cho một số phim, nhìn chung có cảm giác TIFF ít cạnh tranh công khai như các liên hoan Cannes, Berlin, hay Sundance. (Và đến xem hay tham dự liên hoan này cũng rẻ hơn bất kỳ liên hoan phim châu Âu nào.) Suy cho cùng, mọi người đều nghĩ xem những bộ phim lớn đó làm ăn ra sao ở những giải thưởng lớn — và còn sáu tháng nữa thôi.

Ai đến TIFF?

Không như Cannes, chỉ mở cho khoảng 30.000 người làm nghề điện ảnh chuyên nghiệp, công chúng đại trà đều có thể mua vé đến TIFF — và ây chà, họ có mua không ấy nhỉ. Năm 2016, ước tính có 480.000 người tham dự và trong đó chỉ có 5.000 người trong nghề (gồm nhà làm phim, nhà phát hành, quảng cáo, và nhà báo).

Như thế là rất lớn. Ngược lại, Sundance 2017 thu hút 71.600 người tham dự. Liên hoan phim Berlin năm nay, nhìn chung được xem là liên hoan mở với công chúng lớn nhất thế giới, kết sổ 496.471 lượt xem, đó là tính cả vé bán cho công chúng lẫn 20.000 người làm nghề điện ảnh chuyên nghiệp trong số khách dự liên hoan, mang phù hiệu thay vì mua vé. TIFF là một trong những liên hoan phim đông người tham dự nhất thế giới — có lẽ phần vì chi phí ăn ở ở Toronto phải chăng và thời tiết đầu thu dễ chịu.

Người hâm mộ chờ bên ngoài một buổi chiếu chiêu đãi (gala screening) tại TIFF năm 2009

Việc công chúng tham dự TIFF nhiều đến thế báo điềm tốt cho phim trình chiếu ở đây. Nếu sự bàn tán xôn xao ùn lên quanh một phim nào ở TIFF, đó không chỉ vì giới phê bình viết về phim đó — mà hàng trăm ngàn người yêu phim có lẽ đang nói về phim đó ở nhà hàng, quán bar, và quán cà phê, và đăng tải lên mạng xã hội. Nghĩa là phong vũ biểu đo độ nổi tiếng của một bộ phim được phát tán rộng rãi hơn nhiều — và nhà làm phim có cơ hội đánh giá xem công chúng, bên cạnh các nhà phê bình, sẽ phản ứng thế nào khi phim ra rạp sau đó.

Loại phim nào trình chiếu ở TIFF?

Năm 2016, gần 400 phim trình chiếu ở TIFF, do ban tổ chức rất được kính trọng của liên hoan chọn lựa. Ngược lại, Sundance 2017 trình chiếu 181 phim; số phim của ba chương trình chính thức ở Cannes chỉ có 46, tuy nhiều phim hơn con số đó được trình chiếu ở các hạng mục song song với liên hoan chính thức.

Ban tổ chức của TIFF đưa số phim đó vào 14 hạng mục, mỗi hạng mục có tiêu chí và hương vị riêng. Có thể kể:

• Gala Presentations — phim đình đám và có sao bước đi thảm đỏ
• Special Presentations — các phim đình đám khác, và đôi khi là chiếu ra mắt thế giới
• Discovery — phim đạo diễn đầu tay hoặc phim thứ hai
• Midnight Madness — phim thể loại (chủ yếu là kinh dị và ly kỳ) mở màn nửa đêm và chiếu lại ngày hôm sau
• Masters — phim của những nhà làm phim nghệ thuật có tầm ảnh hưởng nhất thế giới
• Contemporary World Cinema — phim của những đạo diễn quốc tế đã có danh tiếng, nhưng chưa phải là cái tên cửa miệng
• Platform — hạng mục cạnh tranh dành cho phim truyện và phim tài liệu chưa được mua quyền để phát hành ở Bắc Mỹ. Một ban giám khảo quốc tế chọn người thắng giải thưởng trị giá 25.000 đôla Canada. Năm ngoái Jackie đã thắng giải này.

Jake Gyllenhaal dự sự kiện thảm đỏ đêm khai mạc TIFF năm 2015

Có những hạng mục dành cho phim ngắn, phim kinh điển, phim truyền hình nhiều tập, phim tài liệu, phim dành cho trẻ em và tuổi mới lớn, cũng như phim thử nghiệm.

Rất nhiều phim, và rõ ràng là, ngay cả người đi xem thức trắng đêm cũng chỉ xem được một phần trong số đó thôi. (Người viết bài này có thể coi xuể hết bốn ngày; nhà phê bình nào tham vọng hơn và/hoặc khổ dâm hơn không chừng có thể theo được sáu ngày, tức là trong 10 ngày liên hoan thì một nhà phê bình bận bịu có thể xem 40 đến 60 phim, còn người đi chơi liên hoan bình thường xem được ít hơn nhiều.)

Năm 2017, TIFF thực sự tinh tuyển cắt giảm 20%, phần nhờ loại bỏ hai chương trình. TIFF đã bị chỉ trích vì quá lớn và cồng kềnh cho những người trong nghề xem được hết tất cả những phim lớn, rốt cuộc gây thiệt hại cho những phim đáng được bàn đến nhưng lại mất tích trong số lượng lớn những phim cũng-xứng đáng.

Có những liên hoan phim hết sức tập trung vào giải thưởng — hãy xem Cành cọ vàng của Cannes, hay Gấu vàng của Liên hoan phim Berlin — nhưng Toronto nói chung ít tập trung vào giải thưởng đặc trưng của liên hoan bằng việc tạo bàn tán. Nhưng một giải thưởng tiên đoán tốt cơ hội nhận Oscar là Grolsch People’s Choice Award, do người xem phim bình chọn. Một số phim thắng giải gần đây, như The King’s Speech, La La Land, Room, và 12 Years a Slave, đã thừa thắng xông lên càn quét các giải thưởng cuối năm.

ĐỐI CHIẾU OSCAR VỚI CÁC GIẢI LIÊN HOAN PHIM, TỪ 2000 ĐẾN 2016

Hạng mục đề cử / giải thưởng Oscar
Gấu vàng Berlin Cành cọ vàng Cannes TIFF - Người xem bình chọn
Đề cử Phim hay nhất
0
3
9
Đề cử Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất
2
3
2
Tất cả các đề cử
8
18
91
Thắng giải Phim hay nhất
0
1
4
Thắng giải Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất 1
1
1
Chiến thắng ở tất cả các hạng mục
2
4
30

(Dữ liệu IMDB.com)

Và điều này làm nên ý nghĩa hoàn hảo. Đầu tiên và trên hết, TIFF là một liên hoan phim cho công chúng. Trọng tâm lớn nhất của TIFF là những bộ phim nào sẽ bắt mắt cả nhà phê bình lẫn người xem — những phim làm hài lòng đám đông có tiềm năng đoạt giải, thường thể hiện tốt với những nhà bầu chọn Oscar sau đó. Nên lẽ đương nhiên, giải thưởng do công chúng mua vé xem bầu chọn ra — chứ không phải chỉ một nhúm nhỏ những người nổi tiếng được chọn ngồi vào ghế giám khảo — là giải thưởng quan trọng nhất của liên hoan này.

TIFF ở đâu trên thang phân cấp các liên hoan phim toàn thế giới?

Có một hệ thống phân cấp rõ ràng các liên hoan phim thế giới. Khi TIFF bắt đầu năm 1976, mục tiêu của liên hoan là tập hợp những phim hay nhất từ các liên hoan đó và trình chiếu cho cư dân Toronto háo hức. Thực tế, từ hồi đó, liên hoan này được gọi là “Liên hoan của các liên hoan Toronto.”

Nhưng theo năm tháng, tốt cuộc Toronto đã nỗ lực vọt lên trên thang phân cấp để sánh vai với các liên hoan hàng đầu thế giới, gồm những liên hoan danh giá như Cannes, Berlin, Sundance, Venice, và Liên hoan phim New York. Những liên hoan này có được danh tiếng chủ yếu vì là chặng dừng đầu tiên cho những phim được bàn tán xôn xao nhắm đến lấy những giải thưởng lớn cuối năm. Các liên hoan công chiếu những phim ít được trông đợi — hoặc chủ yếu chiếu những phim đã ra mắt ở nơi khác — thường vẫn là trải nghiệm mê mẩn cho người tham dự và giới báo chí, nhưng không có cái danh giá của tốp đầu. Seattle, San Francisco, SXSW, và Liên hoan phim Tribeca đều thuộc hạng này.

Brie Larson và người hâm mộ tại buổi chiếu ra mắt Room ở TIFF năm 2015

TIFF lọt vào tốp hàng đầu bằng cách bắt đầu chiếu ra mắt phim lớn, hoặc dành cho chúng trình chiếu lần đầu trước công chúng đại trà. Ví dụ, Moonlight đã ra mắt ở Liên hoan phim Telluride thu năm trước, và sau khi ra mắt ở Venice, La La Land đã chiếu ra mắt Bắc Mỹ cũng tại Telluride. Nhưng tuy Telluride cực kỳ danh giá, đây vẫn là liên hoan nhỏ và quá đắt đỏ cho giới truyền thông tham dự. Nên hầu hết nhà phê bình lần đầu xem những phim cuối cùng trở thành đấu thủ sáng giá của Oscar ở Toronto một vài tuần sau.

Thời gian TIFF diễn ra còn giúp nâng vị thế lên. Vì liên hoan khai mạc ngay sau kỳ cuối tuần nghỉ Lễ Lao động, mùa phim hè đã chính thức kết thúc, nhiều hãng phim và nhà làm phim tìm kiếm sự quảng bá ở TIFF giúp tăng nhận thức về phim của họ trong tâm trí nhà phê bình và người bầu chọn giải thưởng, lẫn khán giả, những người sẽ đi xem phim trong những tháng sắp tới.

Tất nhiên, cũng có tác dụng ngược. Một trường hợp nổi bật năm ngoái là The Birth of a Nation của Nate Parker, ra mắt trước một khán giả cuồng nhiệt ở Sundance tuốt từ tháng 1/2016 và được kỳ vọng lặp lại thành tích đó ở TIFF lẫn khi ra rạp về sau. Nhưng cùng lúc, vụ tấn công tình dục năm 1999 và Parker xử lý vụng về công luận quanh vụ đó đã nhận chìm cơ hội của bộ phim cả với khán giả lẫn giải thưởng. Phim công chiếu gây tranh cãi và tắt ngấm ở phòng vé.

Nhưng mặc dù giới phê bình và tín đồ của liên hoan thường nói nước đôi về liên hoan nào danh giá nhất hoặc có phim hay nhất, TIFF nhìn chung được liệt vào hàng liên hoan hàng đầu thế giới, và có phim tham dự liên hoan này là bước đi lớn trong nghề nghiệp cho bất kỳ nhà làm phim nào.

Jessica Chastain giữa vòng vây người hâm mộ tại TIFF 2017

Có đặc trưng Canada nào về TIFF không?

Nhưng cũng như Sundance có đặc trưng Utah, hương vị tuyết, còn Cannes — với sự kiên định về thứ bậc khắt khe, giày cao gót, và đám đông la ó — thì rất Pháp, TIFF mang đặc trưng Canada rõ rệt, và liên hoan phim danh giá nhất tổ chức ở nước này. Chương trình của TIFF dành một phần lớn các suất tuyển chọn cho một nhóm các nhà làm phim Canada đa dạng hóa hơn bao giờ hết.

Cũng có nghĩa có tranh cãi về phim Canada có thể và nên như thế nào, và nên đương đầu với loại vấn đề gì. Tháng 1/2017, Giám đốc nghệ thuật của TIFF Cameron Bailey viết một bài xã luận trên tờ Globe & Mail kêu gọi tập trung phim Canada vào câu hỏi:

Nhưng có phải những hư cấu cá nhân của nền điện ảnh chúng ta, với những tổn thương cá nhân và khoái lạc thầm kín, bị loại trừ với thế giới này quá nhiều? Có phải thôi thúc đóng tổ kén trong câu chuyện riêng của một người là tương tự lực hướng tâm đẩy chúng ta ra khỏi khủng hoảng tất nhiên của người khác?

Vậy, nếu chúng ta nỗ lực hơn nữa với sự thật thì sao? Nếu nhà làm phim của chúng ta, cùng với các trường điện ảnh, nhà bỏ vốn, nhà phát hành, các liên hoan và nhà phê bình phim của chúng ta, quay sang đối mặt hiện thực vẩn đục định nghĩa Canada ngày nay? Nếu chúng ta thôi giả vờ Canada là nơi an toàn, đẹp đẽ và đủ buồn chán không thể lên màn ảnh rộng, trong khi chúng ta tập trung vào những chuyện hư cấu cá nhân? Thay vì thế, chúng ta có thể bóc trần và tiết lộ những hành động lừa dối, sát nhân, phản bội và tham nhũng của người Canada xảy ra mỗi ngày trên khắp đất nước rộng lớn này.

Cảnh trong phim Porcupine Lake của đạo diễn Ingrid Veninger, Canada, chiếu ra mắt thế giới trong chương trình Điện ảnh thế giới đương đại tại TIFF 2017

Bài xã luận đã làm dấy lên một cuộc bàn luận trong cộng đồng những người làm điện ảnh chuyên nghiệp Canada, và để hưởng ứng, TIFF nói rằng đã lên chương trình với một dàn phim đa dạng nhất về điện ảnh Canada trong lịch sử liên hoan đến nay.

Người ta đang ‘tweet’ về chuyện thang cuốn ở TIFF. Chuyện là thế nào?

Hãy bắt đầu bằng việc chấp nhận rằng những nhà phê bình mất ngủ có khuynh hướng cáu kỉnh và phờ phạc (có lẽ cả váng vất) sau vài ngày dự liên hoan, sau khi ngồi xem bốn, năm, thậm chí sáu phim một ngày, rồi lao về quán cà phê và quầy bar khách sạn để viết ào ào những bài bình phim và bài chuyên đề và không chừng nốc một ly (hay ba) trước khi bò vào giường chợp mắt vài tiếng đồng hồ rồi hôm sau trở lại làm y như vậy.

Nhưng ngay cả ở những chuẩn mực đó, Đại họa Thang cuốn năm 2016 áp đảo ‘feed’ Twitter của các nhà phê bình trong thời gian diễn ra TIFF năm ngoái. Nói vắn tắt, chuyện xảy ra như sau.

Hầu hết các suất chiếu cho báo giới và nhà nghề ở TIFF diễn ra ở tầng hai của Nhà hát Scotiabank ở Toronto, thường có một thang cuốn để khách không phải trèo 75 bậc thang lầu.

Peter Howell, nhà phê bình điện ảnh cho Toronto Star, chủ tịch Hiệp hội phê bình điện ảnh Toronto, tác giả ebook Movies I Can't Live Without, đã đăng bức ảnh này lên tài khoản Twitter của ông kèm lời bình: "Vui mừng đưa tin cả hai thang cuốn tại Nhà hát Scotiabank hiện đang làm việc." #TIFF 2016

Nhưng năm ngoái, thang cuốn “đi lên” bị hỏng ngay ngày đầu liên hoan, và vẫn hỏng đến tận ngày thứ tư, dẫn đến sự điên tiết và tuyệt vọng trong giới phê bình và một số lượng nhiều bất ngờ tin bài về sự cố này. (Có một thang dự phòng, nhưng không thể là phương pháp vận chuyển xuể bao nhiêu con người muốn lên rạp chiếu.)

Rõ ràng, những thang cuốn đã quá cũ và cần được thay. Nhưng trong một thắt nút thú vị, tháng 7 năm nay bắt đầu nổi lên tin trên báo rằng chúng lại hỏng nữa rồi, tuy giám đốc truyền thông của nhà hát này nói cả hai thang sẽ vận hành vào ngày TIFF khai mạc 7/9. (Thang lên được lên lịch thay sau khi liên hoan kết thúc.)

Nhưng thang cuốn có suy nghĩ riêng. Và nếu chúng hỏng vì TIFF 2017, cứ chắc ăn là bạn sẽ nghe tin trên Twitter.

Dịch: © Ngân Mai @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Vox


+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.