Movie Blogs

La La Land: Con đường em theo đó, đúng đấy em ơi

24/12/2016

Bài viết có tiết lộ nội dung phim, không dành cho những ai chưa xem và có ý định xem phim này.

Mà tôi cá là đến giờ thì các bạn xem hết rồi, tình tiết của bộ phim cũng đã được "soi" và phơi đầy trên mạng trước cả ngày công chiếu đầu tiên. Là một người hay  chờ xem phim ngày thứ tư "hạt dẻ", ngày mà tôi nghĩ giá vé phản ánh gần đúng giá trị của hầu hết các phim chiếu rạp ngày nay, lạ thay, tôi chẳng hề phẫn nộ trước làn sóng 'spoiler' này.

Sebastian (Ryan Gosling) và Mia (Emma Stone)

Hơn nữa, La La Land là một phim theo tôi hoàn toàn có thể xem ngược từ cái kết đến khúc mở đầu mà vẫn hay, thậm chí có thể hay hơn. Chẳng phải mỗi khi kết thúc một chuyện tình, ta vẫn thường đào xới ngược xuôi, nhớ về mọi thứ như một thước phim quay chậm ngược về những ngày xưa, rồi kết thúc có hậu ở cái nắm tay ban đầu đầy rung động ấy.

Tôi mang trái tim mình đi xem La La Land, bỏ lại tất cả những khen chê đã được đọc qua, dằn xuống những gờn gợn không hài lòng về nhịp điệu, thắt mở trong suốt nửa giờ chiếu đầu tiên (quả là có những lúc phim làm tôi chan chán), để rồi từ lúc nào tôi đã bước vào trong câu chuyện đó. Tôi chẳng nhớ hết những cảm xúc của mình, chỉ nhớ một rạp phim đông chật khán giả im ắng suốt nửa cuối phim, và hoàn toàn lặng đi khi màn hình chạy lên những dòng giới thiệu. Một vài bàn tay định vỗ lên một tràng tán thưởng, hoặc để cảm ơn những giờ phút phim ảnh và âm nhạc tuyệt vời, rồi đột nhiên nén lại, lặng ngắt. Buồn chứ sao!

Có hai điều ở đạo diễn Damien Chazelle khiến tôi phục lăn, hoàn toàn không thuộc về cảnh quay hay âm nhạc. Đó là ở thời điểm nóng ruột và bồn chồn nhất, khi Seb không kịp về xem buổi biểu diễn của Mia, Chazelle đưa vào phim một tay chụp hình "cà chớn" khiến mọi căng thẳng vỡ òa trong tiếng cười sằng sặc. Thú thực tôi vừa tra IMDb xem gã chỉ đạo cái cắn môi bập bập "kinh điển" ấy là ai (Miles Anderson, nhớ nhé).

Kế đến, phim không hề đề cập thẳng việc Mia có được nhận vai diễn ở Paris không, mà chỉ thể hiện việc trúng tuyển và chia vui với Seb ở vở nhạc kịch lý tưởng trong mơ được lồng trong vở nhạc kịch phũ phàng của thực tại. Tình tiết thông thường ta sẽ mong chờ đó, thực ra lại là một tình tiết thừa thãi. Mia có tất cả tố chất để thành công, trừ sự tự tin và một chút may mắn không thể thiếu trong con đường nghệ thuật. Mà ai ở vị trí của cô có thể tự tin — cô trượt dài trong chán nản từ những buổi thử vai xuất thần khóc cười như không tới lần thứ n bị đuổi ra khi chưa kịp hoàn thành câu thoại. "Đủ rồi, cám ơn!"


Chỉ đến khi chạm đáy sau bao năm vật lộn với nghiệp diễn, Mia mới tìm thấy thánh đường nghệ thuật của mình, nơi chỉ có mình cô và xung quanh là một bóng đêm tĩnh lặng. Ca khúc The Fools Who Dream không chỉ cứu vớt cô từ dưới lòng sông Seine mà còn cho cô sự tự tin để lại chân trần trầm mình xuống dòng nước lạnh. Không có vai diễn đo ni đóng giày ở Paris ấy, cánh cửa khác sẽ mở ra với cô, một kẻ khờ mộng mơ vừa thức tỉnh. "She'd do it, again!"

Chẳng ai biết trong năm năm sau đó, họ đã chia tay ở thời điểm nào. Có thể là bất kỳ lúc nào. Năm năm rồi không gặp, từ khi em lấy chồng. Anh dặm trường mê mải, đời chia như nhánh sông.* Seb đeo đuổi một thứ nhạc jazz khôi nguyên và mẫu mực, chặng đường anh đi bầm dập hơn Mia nhiều: gần chạm tới ước mơ, rồi bị lừa đảo ra tay trắng, anh chứng kiến ngọn hải đăng âm nhạc của mình sáng leo sáng lắt,  vì tình yêu chấp nhận buông xuôi thỏa hiệp chơi một thứ nhạc lai căng thị trường (với tôi thì một số bài không hề tệ). Tôi không biết Seb đau đớn thế nào khi đánh mất cô gái của cuộc đời mình, nhưng một nghệ sĩ đánh mất tâm hồn mình trên sân khấu hẳn là đớn đau tột cùng. Gosling thể hiện điều này không hề lên gân mà vô cùng tinh tế.


Bản piano Late for the Date vang lên day dứt và đầy ám ảnh, đưa ta về những kỷ niệm quấn quýt, trên lối xưa thiên đàng.* Giai điệu du dương ma thuật này một lần nữa khiến những kẻ khờ mộng mơ, mà đến lúc này hẳn cộng thêm rất nhiều khán giả ngồi dưới hàng ghế, đắm chìm trong mường tượng bay bổng. Âm nhạc quả là diệu kỳ, thật ngạc nhiên, nó khiến tôi bớt khắt khe trước một đoạn phim hồi tưởng kèm giả định mà giờ đây nghĩ lại thì đạo diễn đã chiều chuộng khán giả có phần hơi quá tay kiểu… Hàn Quốc.

Tôi bước ra khỏi rạp, nỗi buồn vụt tan khi nghĩ tới nụ cười mỉm trìu mến của Seb và Mia. Bất chợt tôi nhớ đến câu hát trong Bài không tên cuối cùng của nhạc sĩ Vũ Thành An, nếu chúng mình có thành đôi lứa, chắc gì ta đã thoát ra đời khổ đau.** Cuộc đời là vậy, Seb và Mia đã cất chuyện tình ấy vào một góc thiêng liêng ngày ngày nuôi dưỡng và soi rọi con đường của họ, con đường nghệ thuật mà để đi đến tận cùng đã phải đánh đổi bằng tình yêu đôi lứa.

Âm nhạc chính là 'ngọn hải đăng cuộc đời' của Sebastian

Seb tưởng như sẽ ngẩn ngơ sau lần chạm mặt duyên nợ ấy, nhưng anh chỉ tần ngần có mấy giây rồi lại bắt nhịp cho bản nhạc kế tiếp, tuy không được nghe nhưng tôi tin rằng nó đúng như âm nhạc anh hằng đeo đuổi, là phượng hoàng bay lên từ đống tro tàn.

Lạ thật, tôi xem phim bằng trái tim, nhưng lại viết đầy tỉnh táo. Biết làm sao, bởi đã yêu thì trái tim sứt sẹo cũng nhiều!

© Hoàng Hà @Quaivatdienanh.com


* Lời ca khúc Chuyện tình buồn của nhạc sĩ Phạm Duy, thơ Phạm Văn Bình.

** Bài không tên cuối cùng của nhạc sĩ Vũ Thành An ra đời năm 1965, đầy day dứt, dằn vặt và cay đắng:

"Này em hỡi
Con đường em đi đó, con đường em theo đó
Sẽ đưa em sang đâu?
Mưa bên chồng có làm em khóc
Có làm em nhớ những khi mình mặn nồng.

Này em hỡi
Con đường em đi đó, con đường em theo đó
Đúng hay sao em?
Xa nhau rồi, thiên đường thôi lỡ
Cho thần tiên chấp cánh xót đau người tình si"

Năm 1991, sau 26 năm, nhạc sĩ viết lời hai cho ca khúc với những ca từ đã trả lời cho câu hỏi cũ:

"Này em hỡi
Con đường em đi đó, con đường em theo đó
Đúng đấy em ơi…
Nếu chúng mình có thành đôi lứa chắc gì ta đã thoát ra đời khổ đau.”

Sau khi xem La La Land, lời bài hát đã theo tôi suốt chặng đường về, tôi không áp đặt nó cho nhân vật, hay câu chuyện trong phim, nhưng đó là sự liên hệ đã thôi thúc tôi viết bài blog này. Các bạn có thể nghe bài hát qua giọng hát của nam danh ca Tuấn Ngọc, người đã khiến tôi từ rất ghét nhạc jazz trở nên thay đổi qua những bản phối nhạc Anh và nhạc Việt tuyệt vời mang phong cách jazz hoặc blues/jazz.

+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.