Tin tức

Có còn hy vọng cho điện ảnh Hồng Kông từng chưa bao giờ biết sợ?

24/01/2022

Đã có một thời, điện ảnh Hồng Kông tự do và phát triển mạnh mẽ. Kết quả là phim nhiều khủng khiếp, nhưng sản xuất nhanh và doanh thu phòng vé nhanh hơn cho phép nhiều nhà làm phim làm bất cứ gì họ muốn, dẫn đến một số lượng lớn phim thương mại có tính nghệ thuật và táo bạo được ngưỡng mộ.

The Way We Dance (2013) của Hoàng Tu Bình

Nhiều nghệ sĩ lớn của Hồng Kông đã khởi đầu sự nghiệp chính là bằng điện ảnh thương mại. Những nghiền ngẫm hiện sinh của Vương Gia Vệ lần đầu thấp thoáng trong các bộ phim xã hội đen còn Đỗ Kỳ Phong đã nhổ răng sữa điện ảnh của mình trong các bộ phim hài bạt mạng. Ngay cả Quan Cẩm Bằng, người có phim dường như chưa bao giờ mang tính thương mại cao, cũng bắt đầu với những phim tạo ngôi sao.

Cho đến khi và ngay cả sau khi Hồng Kông được chuyển giao vào năm 1997, các nhà làm phim không ngần ngại bày tỏ lo lắng hoặc sợ hãi Hồng Kông hút vào Trung Quốc Đại lục. Nhưng tự do tài chính để sáng tạo của các nhà làm phim bắt đầu khô cạn trong những năm 1990. Hollywood, với kỹ xảo CGI ngoạn mục và những bộ phim khủng long và siêu anh hùng, đã chiếm lĩnh thế giới, còn điện ảnh Hồng Kông thì mất đi hào quang. Đã có những thành công trong thiên niên kỷ mới, nhưng với rủi ro tài chính ngày càng tăng, những từ như “can đảm / bạo dạn / không biết sợ” sẽ ngày càng ít được sử dụng để miêu tả ngành này.

Still Human (2018) của Trần Tiểu Quyên

Thị trường Đại lục rộng lớn đã đến để giải cứu điện ảnh Hồng Kông về mặt tài chính, nhưng có một sự đánh đổi: để theo đuổi đồng nhân dân tệ, điện ảnh Hồng Kông sẽ phải phục vụ khán giả và các cơ quan quản lý ở Đại lục, có nghĩa là ngày càng ít đi chất đặc thù Hồng Kông. Phim sẽ diễn ra tại Hồng Kông và có sự tham gia của các ngôi sao Hồng Kông, nhưng nội dung đã được các nhà làm phim tự điều chỉnh cho phù hợp với Đại lục. Đó không là cách làm phim bạo dạn.

Nhưng vẫn có phim đại diện cho Hồng Kông. Các bộ phim tập trung vào địa phương này như The Way We Dance (2013) của Hoàng Tu Bình, Still Human của Trần Tiểu Quyên (2018), Mad World của Hoàng Tiến (2016) và My Prince Edward của Hoàng Ỷ Lâm (2019) đã nhận những tràng vỗ tay và được báo chí ca ngợi, và chính quyền Hồng Kông có nỗ lực đáng ngưỡng mộ khuyến khích các nhà làm phim trẻ, chẳng hạn như khởi động Sáng kiến Phim truyện Đầu tiên, cung cấp kinh phí và hướng dẫn các nhà làm phim mới; và còn Chương trình kế thừa của các đạo diễn, một chương trình hợp tác giữa các đạo diễn kỳ cựu với những đồng nghiệp trẻ tuổi. Sự phấn khích của chương trình này được đảm bảo nhờ có Vương Gia Vệ, Trần Khả Tân và Nhĩ Đông Thăng tham gia.

Inside the Red Brick Wall, 2020, do các nhà làm phim tài liệu Hồng Kông đạo diễn

Nhưng sáng tạo của các nhà làm phim trẻ này chắc chắn sẽ bị thử thách. Một năm sau khi Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông ra đời năm 2020, ngành công nghiệp điện ảnh Hồng Kông đã được thông báo những đề xuất sửa đổi về Sắc lệnh Kiểm duyệt phim. Trong số các đề xuất, phim Hồng Kông hiện sẽ bị kiểm duyệt trên cơ sở bảo vệ an ninh quốc gia. Về lý thuyết, các nhà làm phim có thể gặp rắc rối khi nói những điều hoặc chiếu những thứ trong phim của họ có thể bị hiểu là vi phạm an ninh quốc gia. Đối với một ví dụ về những gì cấu thành vi phạm an ninh quốc gia ở Hồng Kông ngày nay, gần đây có vụ kết án cựu bồi bàn Tong Ying-kit đã treo cờ mang khẩu hiệu ủng hộ dân chủ mà các công tố viên miêu tả là kích động ly khai. Các chính trị gia đã bị bắt vì hứa hẹn sẽ phản đối các chính sách của chính phủ nếu được bầu.

Trong bầu không khí này, kể cả khi các nhà làm phim Hồng Kông không thử các chủ đề chính trị, ai biết được khi nào điều họ làm sẽ bị coi là vi phạm an ninh quốc gia? Cơ quan kiểm duyệt của Đại lục từ lâu đã nổi tiếng với việc dời đổi tiêu chí và có thể dự đoán cơ quan kiểm duyệt của Hồng Kông cũng sẽ có xu hướng tương tự.

Coffin Homes, 2021, đạo diễn Trần Quả

Phần lớn điệu vũ giữa các nghệ sĩ và nhà kiểm duyệt là đối kháng; ngày càng có nhiều phim truyện và phim tài liệu ghi lại sự phân chia giữa Hồng Kông và Đại lục đã khiến Luật An ninh Quốc gia ra đời. Sự ra đời của luật này không chỉ đối phó với các cuộc biểu tình ở Hồng Kông năm 2019 mà còn với văn hóa xung quanh phong trào đó. Trong thập kỷ qua, sự bất mãn âm ỉ của tầng lớp các nhà hoạt động ở Hồng Kông đã lan rộng đến mọi ngóc ngách xã hội.

Phim ảnh giờ đây chỉ là một mặt trận khác trong cuộc chiến chống bất đồng chính kiến của Luật An ninh Quốc gia. Bên cạnh việc khiến phim ảnh phải tuân thủ những quan ngại về an ninh quốc gia, các sửa đổi gần đây cũng tăng mức phạt đối với việc trình chiếu bất hợp pháp, và thậm chí cho phép quan chức chính phủ thu hồi phê duyệt phim hiện có. Mọi thứ văn hóa bây giờ đều là đối tượng của Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông. Tác phẩm nghệ thuật sắp đặt, triển lãm bảo tàng, hội nghị chuyên đề văn hóa — một số hoặc tất cả đều có thể chịu sự điều tiết.

Từ trái qua: Đạo diễn Hoàng Tiến chỉ đạo Dư Văn Lạc và Tằng Chí Vỹ trên trường quay Mad World

Đáng buồn hơn, vẫn chưa biết đâu là ranh giới của tự do ngôn luận trong phim Hồng Kông tương lai. Rõ ràng, bất kỳ bộ phim tài liệu nào đề cập đến các cuộc biểu tình năm 2019 đều có nguy cơ bị kiểm duyệt, nếu không phải trong tương lai gần thì sau đó là hồi tố: điều này có thể xảy ra với phim tài liệu Inside the Red Brick Wall (2020), được trình chiếu công khai vào năm 2020 và có khả năng lý do lớn là những sửa đổi của Sắc lệnh Kiểm duyệt phim đã được đề xuất.

Tuy nhiên, trong khi các nhà làm phim tài liệu Hồng Kông có thể thấy sự phản đối từ chính quyền, họ sẽ được chào đón ở nước ngoài với vòng tay rộng mở. Đoán trước các quy định của địa phương, đạo diễn Chu Quán Uy đã công chiếu Revolution of Our Times (2021), phim tài liệu dài 152 phút về các cuộc biểu tình năm 2019 ở Hồng Kông, tại Liên hoan phim Cannes. Tránh chiếu trong nước để chiếu quốc tế là một lựa chọn khả thi cho các nhà làm phim hoạt động xã hội, mặc dù ai biết họ sẽ phải trả giá như thế nào ở Hồng Kông. Chu Quán Uy đã quyết định không rời đi và sẽ phải đối mặt với bất cứ phản ứng dữ dội nào, nếu có.

Đạo diễn Chu Quán Uy đã công chiếu Revolution of Our Times (2021), phim tài liệu dài 152 phút về các cuộc biểu tình năm 2019 ở Hồng Kông, tại Liên hoan phim Cannes

Nói tới phim hư cấu, thì còn trắc trở hơn. Có thể tưởng tượng nhiều nhà làm phim bịa ra câu chuyện diễn ra trong và xung quanh các cuộc biểu tình năm 2019, nhưng nhà chức trách sẽ không cho phép sản xuất, và làm phim hư cấu một cách bí mật, như Chu Quán Uy đã làm với bộ phim tài liệu của anh, thì còn khó hơn. Có thể tưởng tượng được rằng các tiêu chí xét duyệt có thể chuyển sang thái độ dễ hiểu hơn, nhưng khả năng đó có vẻ xa vời. Ngày nào đó người Hồng Kông sẽ nói về những chuyện gì khi nghĩ đến các cuộc biểu tình ở Hồng Kông năm 2019 trên phim? Có lẽ không nhiều.

Đối với các nhà làm phim Hồng Kông muốn đưa tinh thần hoạt động xã hội này vào phim hư cấu của họ, có lẽ lựa chọn tốt nhất là phải tưởng tượng và sáng tạo hơn nữa. Nguồn tư liệu để làm phim là có - nên làm đi, đừng nói rõ ràng về những thứ gây tranh cãi và thay vào đó hãy kể những câu chuyện phản ánh một cách sáng tạo những gì bạn không thể nói. Có lẽ nhà làm phim Hồng Kông hiện tại làm giỏi nhất chuyện này là Trần Quả, người có The Midnight After (2014) nắm bắt được cảm xúc mâu thuẫn của người Hồng Kông trong khi kể một câu chuyện khoa học giả tưởng về ngày tận thế, và Coffin Homes (2021) gần đây của ông thực hiện thủ thuật tương tự bằng cách sử dụng thể loại kinh dị với bối cảnh thị trường nhà đất chật chội của Hồng Kông.

The Midnight After (2014) của Trần Quả nắm bắt được cảm xúc mâu thuẫn của người Hồng Kông trong khi kể một câu chuyện khoa học giả tưởng về ngày tận thế

Từ buổi bình minh của điện ảnh đã có mặt các nhà kiểm duyệt rồi và các nhà làm phim đã tìm ra cách kể câu chuyện của họ bất chấp. Nhu cầu là mẹ đẻ của phát minh, và đối với điện ảnh Hồng Kông, nhu cầu này lớn hơn bao giờ hết.

Dịch: © Xuân Phong @Quaivatdienanh.com
Nguồn: ArtReview