Nhân vật & Sự kiện

Marvel, Star Wars, Harry Potter: Tại sao thương hiệu phim còn tỏa sáng hơn cả các ngôi sao?

24/08/2016

Russell Crowe là diễn viên hàng đầu Hollywood. Hay ít ra, trước kia là thế. Ông nắm trong tay một giải Oscar và hàng tá phim được đánh giá cao, gồm L.A. Confidential, GladiatorA Beautiful Mind. Nhưng ông có sức mạnh ngôi sao để mang lại màn ra mắt lớn cho một bộ phim không?

Chắc là không, nếu ta nhìn vào doanh thu phòng vé gần đầy của ông. Phim gần đây nhất, The Nice Guys mở màn ở vị trí thứ tư, và bị vượt mặt bởi The Jungle Book, Captain America: Civil War và, à thưa vâng, Angry Birds. Cả Will Smith, từng hút hồn khán giả khắp thế giới với Independence DayMen in Black, cũng có hai phim ra mắt trong năm nay, ConcussionFocus, và cả hai phim chỉ thu về xấp xỉ 200 triệu USD toàn cầu.

Loạt phim Harry Potter

Có một thời, tên tuổi diễn viên là tất cả để tạo nên sự thành công của một bộ phim, giúp phim có doanh thu lớn trong dịp cuối tuần công chiếu đầu tiên, và kéo phim tới một cái đích đáng nể. Nhưng rồi điều gì đã xảy ra?

Đơn giản: Hollywood đã chuyển đổi từ một nền kinh tế dựa vào tên tuổi ngôi sao sang một nền kinh tế dựa theo nên tuổi nhân vật. Tên diễn viên được giới thiệu đầu tiên không còn quan trọng bằng tên nhân vật nằm trong tựa phim.

Sự thay đổi này được thúc đẩy bởi việc doanh thu phòng vé toàn cầu bỗng trở nên có giá trị hơn. Từ giữa thập kỷ 1980 đến giữa những năm 2000, doanh thu phòng vé trong nước Mỹ là thứ duy nhất các hãng phim quan tâm tới, và các diễn viên được trả tiền theo khả năng họ có thể thu hút khán giả trong nước. Khi một diễn viên có cátxê 20 triệu USD – một mức kỷ lục được Jim Carrey phá vỡ vào năm 1996 với The Cable Guy – thì lý do là vì anh có khả năng mang về 20 triệu USD doanh thu phòng vé trong dịp cuối tuần đầu tiên phim ra rạp. Những diễn viên thực sự cao cấp có thể được tham dự các chiến dịch tuyên truyền quốc tế để nâng cao tên tuổi bộ phim. Những diễn viên này có thể gồm các tên tuổi như Arnold Schwarzenegger, Bruce Willis, Julia Roberts, Tom Cruise và Smith, cùng một số khác.

Zoe Saldana trong Guardians of the Galaxy

Nhưng càng nhiều thị trường mới được mở ra – Trung Đông, Mỹ Latinh và quan trọng hơn cả, Trung Quốc, đất nước mà doanh thu phòng vé từ phim Hollywood tăng từ 1,5 tỉ USD vào năm 2011 lên tới 11 tỉ vào năm 2015. Khản giả ở các thị trường này là hàng tỉ người chưa từng được tiếp cận truyền thông kiểu Mỹ trong nhiều năm, và họ không có phản ứng tích cực đối với các diễn viên như với các nhân vật. Với những ý tưởng được sở hữu trí tuệ.

“Thị trường quốc tế ngóc lên và bảo, ‘Đó là Ninja rùa, và chúng tôi muốn xem phim đó. Và chỉ cần thế thôi. Thương hiệu là tất cả,” Paul Dergarabedian, nhà phân tích truyền thông của comScore, cho biết. “Nhìn Warcraft mà xem: phim bị các nhà phê bình chê tả tơi, trong nước cũng không mở màn lớn lắm, nhưng ai quan tâm chứ, khi mà ở Trung Quốc và các thị trường khác, phim vẫn thu tiền?”

Ngày nay, nhân vật là thứ thu hút khán giả. Daniel Radcliffe có phải ngôi sao điện ảnh không? Cũng chưa chắc. Nhưng Harry Potter chắc chắn là ngôi sao. Zoe Saldana đã từng làm 25 phim với doanh thu cộng lại lên tới hơn 5 tỉ USD, nhưng 4,4 tỉ trong số đó được thu về từ Avatar, Guardians of the GalaxyStar Trek. Trong những phim này, nhân vật của cô có da mang màu cơ bản, hoặc diễn ra trong vũ trụ, hoặc cả hai.

Robert Downey Jr. trong vai Người Sắt

Nhìn doanh thu cho các phim The Soloist (38,3 triệu USD) và The Judge (84,4 triệu USD) mà xem. Cả hai được ra mắt sau khi Iron Man mở ra Thế giới Điện ảnh Marvel. Người ta không phải muốn đi xem Robert Downey Jr. mà là đi xem Tony Stark. Phim Marvel không mang tên nhân vật này nhưng có sự xuất hiện của anh, Captain America: Civil War tính tới nay có doanh thu 1,1 tỉ USD tại phòng vé toàn cầu.

Vì thế, bài toán ngôi sao hiện đang đè nặng trên vai các nhà làm phim, chứ không phải cuộc bàn luận về lương cơ bản cho diễn viên. Việc khán giả ra rạp để thưởng thức những yếu tố được sở hữu trí tuệ thay vì sự nổi tiếng, sẽ khiến các hãng phim phải nâng tầm hào nhoáng của các bộ phim.

Đương nhiên, vẫn có những ngoại lệ. Theo các nguồn tin trong ngành, các diễn viên như Dwayne Johnson và Downey vẫn có thể đòi hỏi từ 20 đến 25 triệu USD cho các phim như The Fast and the Furious và Marvel. Tương tự, Melissa McCarthy và Kevin Hart chứng tỏ mình là những diễn viên hiếm có không cần một loạt phim bom tấn để tạo tên tuổi cho bản thân.

Melissa McCarthy

“Có những ngôi sao chỉ cần xuất hiện thôi là đã bị hàng tá người hâm mộ vây quanh,” Dergarabedian nói. “Tôi không phải đang muốn phủ nhận điều đó. Nhưng nếu ý tưởng là vua ở Bắc Mỹ, thì nó còn có giá trị gấp mười lần ở thị trường quốc tế.”

Và Hollywood, như thường lệ, vẫn muốn tạo ra những ngôi sao mới để thu hút khán giả. Chính vì thế mà họ luôn tung hô những “Ngôi sao đang lên” như Taylor Kitsch, Jai Courtney, Armie Hammer, Garrett Hedlund và Robert Pattinson.

Cách này cũng có lúc thành công. Jennifer Lawrence đã gom hết sức hút ngôi sao của mình thu thập từ các loạt phim như Hunger Games X-Men đổ vào những bộ phim thân thiện với Oscar mà cô làm với đạo diễn David O. Russell. Không có diễn viên nào ngoài Lawrence có thể cho một bộ phim tâm lý nhỏ bé như Joy có một dịp cuối tuần mở màn lên tới 17 triệu USD.

Jennifer Lawrence trong loạt phim X-Men

Rồi còn có Chris Pratt, được “thó” từ Parks and Recreation trên truyền hình vào các hai chính trong hai bộ phim lớn nhất của những năm trở lại đây: Guardians of the GalaxyJurassic World. Gánh nặng thành công của các bộ phim này ban đầu không nằm trên vai anh. Dù khán giả xem Jurassic World cuối cùng vẫn thích sự thân thiện của Chris Pratt, ban đầu họ không tới rạp để xem anh, mà là để xem đám khủng long ăn thịt anh.

Sức hút của Pratt bây giờ có đủ để lý giải cátxê 10 triệu USD anh nhận được cho phim Passengers của Sony sắp ra mắt không thì còn chưa rõ. Nhưng bạn diễn của anh, Lawrence, thì rõ ràng là thoải mái đút túi luôn 20 triệu USD, vì trong mắt khán giả, cô vẫn là cô gái bắt lửa.

Điều này dẫn tới việc một số người tuyên bố rằng khái niệm cái chết của ngôi sao đã bị phóng đại.

“Ngôi sao vẫn còn sức mạnh ở Hollywood, có thể là hơn bao giờ hết,” Stephen Ujlaki, nhà sản xuất phim và trưởng Khoa Điện ảnh và Truyền hình tại Đại học Loyola Marymount, cho biết. “Các sự kiện lớn và các loạt phim bom tấn vẫn cần các ngôi sao lớn để làm trụ cột cho sự đầu tư lớn của các hãng phim. Thực tế là các ngôi sao có thể giúp khán giả loại bớt những sản phẩm nhỏ hơn trong cuộc diễu hành triển lãm sản phẩm vô tận này.”

Chris Pratt trong Jurassic World

Nhưng phần lớn thời gian, khi bạn nghe tin về việc các hãng phim chi tiền lớn ngày nay, không phải là để thu hút các ngôi sao về chiếu của mình, mà là khi NBC/Comcast mua DreamWorks Animation để có thể sở hữu những Kung Fu PandaShrek.

Dù sao thì, khi Disney trả Pixar hay Lucasfilm hay Marvel hàng tỉ đôla, họ không phải đang mua cơ sở hạ tầng các hãng này, hay những tài năng sáng tạo, mà là mua chính những tên tuổi Buzz Lightyear, Luke Skywalker và Captain America kia.

Dịch: © Xuân Hiền @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Los Angeles Times


+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.