Một dòng bất tận những diễn viên đầy khát vọng đến Hoành Điếm, một thị
trấn ở tỉnh Chiết Giang chuyên dành cho việc làm phim. Rất ít người tìm
được danh tiếng mà họ khao khát.
Phút nói thật đã đến. Không gian tràn ngập căng thẳng. Đạo diễn êkíp
không hài lòng với kết quả của hai buổi diễn tập, nhưng mặt trời đã
xuống, làn mưa mỏng làm cho bầu trời xám trở nên tối hơn và cảnh phim
phải được quay.
“Chúng ta không thể phí phạm ngày hôm nay! Mặc đồ vào! Đây là một cảnh
hành động, phải có vẻ điên cuồng đấy!” một giọng nói phát qua loa, hô hào hơn
100 con người tụ tập trên trường quay.
Đây là cảnh cao trào của
War Against the Bandits,
phim bộ truyền hình lấy bối cảnh thời Nhật Bản chiếm đóng và cuộc
nội chiến tiếp sau đó, đưa Đảng Cộng sản của Mao Trạch Đông đến thắng
lợi. Đó là một giai đoạn lịch sử đã nhận được sự chú ý đáng kể từ các
công ty chế tác phim điện ảnh và truyền hình của Trung Quốc và vị đạo
diễn này phải nắm bắt sức tưởng tượng của một công chúng khán giả đang
trở nên đòi hỏi hơn bao giờ hết.
“Phải trông hoành tráng nữa,” đạo diễn bảo nhóm hiệu ứng đang căng thẳng.
Chất
nổ để biến con hẻm đầy sỏi thành “địa ngục trần gian” được đặt trong
các lọ, đèn và bất cứ chỗ nào khác có thể chứa chúng. Dây nhợ được nối
với một hộp nhỏ có vẻ lớn hơn bình điện xe hơi một chút, chắc chắn là
một thiết bị gây nổ quá thô sơ cho một cảnh phức tạp như thế. Ấy vậy mà,
các chuyên gia hài lòng. Nền đất bốc cháy bằng cách sử dụng giẻ tẩm dầu.
“Mọi người vào vị trí! Máy quay! Diễn!”
Trường quay War Against the Bandits
|
Một trận tấn công dữ dội. Các chiến sĩ đột chiếm con phố chìm ngập trong
một quả cầu lửa khổng lồ. Họ tiến lên, la hét và bắn vào xung quanh
trống không.
Máy quay, cả cố định lẫn trên vai những người
nghiêng ngả băng qua cảnh phim, ghi lại hành động. Một người quay phim
bị bắt lửa vào quần và anh ta kêu thét lên khi trợ lý tới dập lửa. Ngồi
trước một dãy màn hình, vị đạo diễn có vẻ hài lòng. “Cắt!” anh hô lớn.
Ai nấy giải lao, có người vỗ tay.
War Against the Bandits
chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện đang được kể ở Hoành Điếm, thị
trấn nhỏ trong thành phố Đông Dương, tỉnh Chiết Giang, đi xe buýt từ
Thượng Hải mất bốn tiếng. Là quê hương của khoảng 200.000 người, điều
tra dân số của Hoành Điếm cho thấy khoảng 50.000 trong số đó là diễn
viên. Khả năng cung ứng cho ngành công nghiệp nghe nhìn của thị trấn này
được thể hiện trong số liệu thống kê cho thấy khoảng 20% phim điện ảnh
và truyền hình của Trung Quốc được quay tại đây; và thị trấn đã là nơi
làm ra hơn 1.800 xuất phẩm trong hai thập niên kể từ lần đầu có tham
vọng trở thành Hollywood của Trung Quốc. Đây là một so sánh đi đâu cũng
gặp, từ các tập sách quảng cáo chính thức đến tranh vẽ tường trên đường
phố, tuy nhiên danh hiệu này sẽ sớm bị cạnh tranh khốc liệt bởi Siêu đô
thị Điện ảnh của khổng lồ bất động sản Dalian Wanda, ở Thanh Đảo, tỉnh
Sơn Đông.
Đoàn làm phim War Against the Bandits với thiết bị gây nổ thô sơ
|
“Phần lớn phim đoạt giải thưởng nước ngoài – trong đó có
Anh hùng
[2002], của Trương Nghệ Mưu – đã được quay [ở Hoành Điếm], cùng 80%
những phim bộ truyền hình nổi tiếng nhất của quốc gia này,” Tăng Túc
Lâm, giám đốc truyền thông của Tập đoàn Hoành Điếm, nói. “Và chúng tôi
tiếp tục phát triển, nhờ 700 công ty và 300 xưởng phim đã mở ở đây.
Nhưng trong số các mục tiêu của chúng tôi có mục tiêu quốc tế hóa dịch
vụ. Ví dụ, những cảnh từ phim
The Mummy 3 [2008] đã được quay ở
đây. Và chúng tôi tìm cách thu hút các đoàn làm phim từ 28 quốc gia
giúp chúng tôi hoàn thiện chất lượng kỹ thuật viên của chúng tôi.”
Tập
đoàn Hoành Điếm làm mọi thứ từ dược đến điện tử và sở hữu công ty chế
tác chính, Hengdian World Studios, được thành lập năm 1975 và hiện tuyển
dụng hơn 50.000 lao động.
Năm 2004, Hoành Điếm trở thành khu vực
thử nghiệm cho công nghiệp điện ảnh và truyền hình, về sau bổ sung thêm
“du lịch”. Hai lĩnh vực này nằm trong những lĩnh vực ưu tiên của chính
phủ Trung Quốc trong nỗ lực cải cách kinh tế, với khu vực tiêu dùng và
dịch vụ nội địa là những cỗ động cơ mới cho sự tăng trưởng.
“23
năm trước, ở Hoành điếm chẳng có gì cả. Thị trấn này là của nông dân và
chất lượng cuộc sống rất nghèo nàn. Thay vì xây nhà máy, nhà cầm quyền
chọn dựng phim trường lớn,” ông Tăng nhớ lại. Những ruộng lúa ông biết
lúc còn nhỏ giờ là cảnh nền cho những cung điện của những vương triều
quá khứ. Các hợp tác xã nông nghiệp nhỏ đã tiến hóa thành các hãng đại
diện nhân tài, công ty chế tạo đạo cụ và các xưởng biên tập âm thanh.
“Năm
ngoái, 250 đạo diễn đã làm việc ở Hoành Điếm. Chúng tôi có bối cảnh từ
tất cả mọi thời đại. Và cả nhân sự dồi dào cùng kinh nghiệm quản lý
nguồn lực để có thể quay những phim bộ dài 30 tập chỉ trong vòng ba
tháng, nửa thời gian đòi hỏi ở bất cứ nơi nào khác,” ông nói, với vẻ tự
hào không giấu giếm.
Một nữ diễn viên trên trường quay phim truyền hình Đại Đường vinh diệu
|
Đại đường vinh diệu là phim bộ truyền hình được quay trên phim
trường thiết kế tương đương một làng cổ 1.400 năm tuổi. Đây là một trong
những câu chuyện về tình yêu phức tạp kết hợp võ thuật bay lượn mà khán
giả Trung Quốc rất ưa chuộng. Một cảnh hành động sắp sửa bắt đầu: trận
chiến giữa các phe trong đó vai nữ chính bí ẩn giấu nhan sắc của mình
dưới mạng che mặt hạ kẻ thù bằng vài đường đao.
Hàng chục thanh niên tập luyện cùng với vũ khí để chuẩn bị cho cảnh này, do biên đạo võ thuật bậc thầy Master Yin dàn dựng.
“Phải
hoành tráng mà khả thi,” ông giải thích trong lúc giải lao. “Và quan
trọng là công tác biên đạo phục vụ cho máy quay, ghi hình từ nhiều góc
quay khác nhau.”
Mỗi cảnh quay kéo dài chỉ vài phút. Bất chấp mức độ tàn bạo của hành động, gỗ và đá lát sàn ở đây toàn là thật.
“Có
những nguy hiểm nghề nghiệp. Nhưng đáng mạo hiểm để kiếm tiền,” Ngô
Liên nói, khi người hóa trang thay cho anh mái tóc giả đã bị rơi trong
lúc quay. Ngô cho biết anh nhận khoảng 200 đến 400 tệ một ngày, cao hơn
nhiều so với mức 70 tệ đối với diễn viên quần chúng.
Nghiêu Sơn, có một vai trong bộ phim
The Hypnotised Hypnotist,
có tiếng nhờ đóng đúp cho các nữ diễn viên trong những cảnh cưỡi ngựa.
Cô gái trẻ này là người bộ tộc Nghiêu, gốc gác từ rừng núi tỉnh Quảng
Tây.
Nghiêu Sơn (bìa phải) và các diễn viên đóng thế khác đang nghỉ giải lao khi quay The Hypnotised Hypnotist
|
“Trước đây tôi làm việc cho một đoàn xiếc lưu động từ Nội Mông đến Tây
Tạng nhưng, năm 2014, tôi đã đến Hoành Điếm và quyết định ở lại để kiếm
tiền dành dụm,” cô Nghiêu nói.
The Hypnotised Hypnotist
lấy bối cảnh thời kỳ Dân Quốc (1912-1949), và tuy trong phim cô không
cưỡi ngựa, Nghiêu Sơn tham gia một trận đấu dao. Mặc dù không sắc, dao
sử dụng làm bằng kim loại.
Để minh họa cho sự nguy hiểm, như Nghiêu Sơn nói, một bạn diễn của cô rời trường quay trong nước mắt sau khi bị thương.
Hoành
Điếm không phải là nơi dễ dàng để làm nên sự nghiệp diễn viên, nhưng
điều đó không làm nản chí dòng người bất tận những thanh niên bị công
nghiệp điện ảnh quyến rũ.
“Tôi nghĩ đây như Hollywood – hàng ngàn
người đến, có lẽ chỉ hai người thành công,” Chương Ích Quốc, nam diễn
viên điều hành một trong số rất nhiều hãng đại diện nhân tài đã mọc lên
như nấm ở Hoành Điếm, nói. Vách tường văn phòng nhỏ của ông dán đầy ảnh
chọn diễn viên.
“Ngày nào cũng vậy, hàng trăm diễn viên háo hức
khát vọng đến đây. Nhưng cũng hàng chục người chấp nhận thất bại và ra
đi,” ông nói. “Hầu hết chỉ có thể hy vọng sống sót làm diễn viên quần
chúng. Rất khó nổi bật lên giữa hàng trăm con người, nên có được một
cảnh nói được vài câu đã là thành công. Chưa hề có ví dụ thành công nào
khác hơn như vậy.
Chương Ích Quốc (trái) và Vương Vĩnh Tường, người điều hành một hãng đại diện diễn viên ở Hoành Điếm
|
“Trong ngành điện ảnh Trung Quốc chỉ những ai hội đủ điều kiện mới thành
công,” ông Chương nói. “Họ cần có các đầu mối liên hệ trong nghề, phải
cực kỳ đẹp hoặc xấu đến nỗi không ai thay được họ, nói tiếng Quan thoại
chuẩn – điều mà nhiều người trẻ từ các tỉnh không làm được – và hết sức
kiên trì.”
Ngụy Tiểu chỉ hội đủ điều kiện cuối cùng nhưng, phát biểu tại hãng của ông Chương, anh vẫn lạc quan.
“Tôi
đã học diễn xuất, tôi đã trau dồi tiếng Quan thoại và trong vòng vài
năm tôi đã có được vai nhỏ có lời thoại,” anh nói. “Khó khăn, nhưng càng
ngày càng có nhiều xuất phẩm, kinh phí cũng tăng và cơ hội được cải
thiện.”
Số liệu ủng hộ anh. Năm ngoái, phòng vé Đại lục thu hoạch
kỷ lục 45,7 tỉ nhân dân tệ. Số liệu này không còn tăng trưởng ở mức sốt
của năm 2015, khi doanh thu tăng 48,7%, nhưng vẫn còn cho thấy tăng
3,7% so với năm trước. Nếu tăng trưởng tiếp tục ở tốc độ này, đến năm
2019 Đại lục sẽ là thị trường điện ảnh lớn nhất thế giới. Năm ngoái, thị
trường này đã vượt Mỹ về số rạp chiếu, với 40.917 so 40.759. Trong khi
đó, Tổng cục Báo chí, Xuất bản, Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình
(SAPPRFT) Trung Quốc ước tính rằng, năm 2016, phim bộ truyền hình đã thu
được hơn 25 tỉ nhân dân tệ, đạt tăng trưởng 17%.
Đây là làn sóng
tăng trưởng mà Lâm Uyển hy vọng cưỡi lên ở Hoành Điếm. Thắng cuộc thi
người mẫu Trung-Hàn từ Bắc Kinh đến Seoul của đài CCTV 6, cô đã ký hợp
đồng với hãng quản lý nhân tài của Thành Long và đã có một vai điện ảnh
trong bảng thành tích. Giờ cô đang quay các cảnh cho phim bộ truyền hình
The Punisherin trong một dinh thự mô phỏng thời Victoria.
Lâm Uyển (áo đỏ) trong phim The Punisher
|
Cô không lãng phí một giây phút nào. Một bạn diễn nữ nói lời thoại không
xong và đạo diễn Đặng Dũng Huy mất hết kiên nhẫn. Dưới ánh đèn trường
quay, những người vận hành máy quay và âm thanh ngủ gà gật ở các góc
trong lúc Lâm Uyển học thoại.
“Nếu tôi muốn có bước nhảy vọt về
chất trong sự nghiệp, tôi phải học hỏi cái mới. Tôi từng sang Mỹ hoàn
thiện kỹ năng diễn xuất của mình và giờ tôi luyện võ thuật và khiêu vũ,”
cô nói. Đây là lần đầu tiên cô quay ở Hoành Điếm nhưng cô tin chắc rằng
sẽ không là lần cuối. “Nhiều diễn viên còn mua căn hộ chung cư ở
đây vì họ ở thị trấn này rất nhiều đợt. Đây là khoảnh khắc hào hứng
nhiều hoạt động và tôi muốn tận dụng sự bùng nổ của thị trường Trung
Quốc. Tuy nhiên, so với Hàn Quốc hoặc Mỹ, lĩnh vực nghe nhìn của chúng
ta vẫn còn cả quãng đường dài.”
Những người khác chia sẻ quan điểm này.
“Có
rất nhiều xuất phẩm nhưng chất lượng chuyên môn không phải lúc nào cũng
tốt và có phim thiếu kịch bản hấp dẫn và mới mẻ,” Hà Tiểu Kiếm, người
cung cấp dịch vụ liên lạc giữa các nhóm kỹ thuật với Hengdian World
Studios, nói.
Kim Chính Huyễn, đóng vai tổng quản thái giám trong phim The Lonely Hero in the Desert, chuẩn bị cho vai diễn
|
“Vấn đề còn nằm ở những hạn chế trong kiểm duyệt,” Trương Bỉnh Kiên nói, ông là nhà làm phim và biên kịch của
North by Northeast,
một bộ phim đòi hỏi biên tập mạnh để làm vừa lòng kiểm duyệt. “Có rất
nhiều đề tài và hoàn cảnh bị cấm. Nên khó mà độc đáo và sắc sảo, vì nỗi
sợ bị bác đã giết chết sự sáng tạo.”
Những cơn đau đầu như thế được giảm đến tối thiểu ở Hoành Điếm, ông Tăng tuyên bố.
“Ngoài
việc quay phim ở đây không tốn phí – doanh thu từ thuế tạo ra từ các
hoạt động kinh tế – chúng tôi có ban kiểm duyệt tự quản được SAPPRFT
chấp thuận để cấp phép trình chiếu. Điều đó đơn giản hóa thủ tục cho nhà
làm phim và giảm tệ quan liêu đi rất nhiều.”
Tuy nhiên, sự thật
là không câu chuyện nào được kể ở Hoành Điếm mà có yếu tố nhạy cảm cả.
Đa phần là phim bộ tình cảm, phim hài thanh nhã và sử thi chiến tranh ca
ngợi Đảng Cộng sản Trung Quốc.
“Thế nên, phim điện ảnh Trung
Quốc ngày càng không kết nối với khán giả không còn muốn phim tuyên
truyền nữa và đòi hỏi một thế giới quan sâu sắc hơn,” ông Chương Ích
Quốc nói.
Một diễn viên trên trường quay The Lonely Hero in the Desert
|
Thực tế, năm ngoái, không phim Trung Quốc nào đạt hơn 7/10 điểm trên
trang Douban, trang web thu hút hàng triệu người dùng đánh giá và bàn
luận phim mới. Ví dụ, phim kỳ ảo mới
The Great Wall của Trương Nghệ Mưu, chỉ đạt năm điểm và là đề tài cho một dòng thác chỉ trích.
Tất
nhiên, khán giả có lựa chọn giới hạn, với việc Bắc Kinh quy định số
lượng phim không phải của Trung Quốc sản xuất phát hành mỗi năm chỉ được
34 phim. Thế nhưng, số phim đó lại chiếm đến 40% doanh thu của ngành
điện ảnh. Nếu điều này chưa đủ khiến những nhà làm phim Trung Quốc thấy bẽ
mặt, một báo cáo năm ngoái của hãng kiểm toán Deloitte ước tính khoảng
70% phim Trung Quốc không hề được trình chiếu thương mại, “một sự lãng
phi nguồn lực khủng khiếp và là mối đe dọa lớn cho các nhà đầu tư”.
Có lẽ vì lý do này, bộ phim
The Lonely Hero in the Desert bắt đầu khởi quay với lễ trừ tà của đạo Phật và giúp đảm bảo cho thành công của dự án.
8
giờ sáng và đạo diễn Mạch Điền là người đầu tiên thắp hương trước một
poster quảng bá cho bộ phim và bốn đĩa trái cây cúng. Dàn diễn viên và
đoàn phim lần lượt làm theo và buổi lễ kết thúc với việc cung kính vái. Cách đó chỉ vài mét là phim trường rất được cầu cạnh: một cung
điện.
“Có lúc lên tới 12 đoàn làm phim chờ sử dụng phim trường này,” đạo diễn Mạch nói.
Trợ lý của Chu Thiên Vũ tìm một cây phất trần trong nhà kho khổng lồ ở Hoành Điếm
|
The Lonely Hero in the Desert cần đến hàng đống trang phục và
dụng cụ gợi nhớ đời nhà Minh (1368-1644). Chu Thiên Vũ là người phụ
trách đảm bảo tính xác thực lịch sử của xuất phẩm. Anh đã dành nhiều
ngày lục lọi khắp các gian trong nhà kho khổng lồ nơi mà 5.000 năm lịch
sử Trung Quốc nằm trong một đống lộn xộn những ngai vàng vua chúa, những
bức vẽ Tưởng Giới Thạch và Mao Trạch Đông, những vũ khí của quân đội
Nhật và các phương tiện của Quốc Dân Đảng. Chu và trợ lý tập trung chú ý
vào hàng chục dãy kệ đầy ắp tách, ấm trà, bình, đèn lồng và vô số món
không dành cho mắt thường nhận diện.
“Chúng tôi đang tìm một cây
phất trần, một dạng chổi lông mà thái giám và phi tần dùng để đuổi ruồi;
và một bộ thẻ bài mà quan lại dùng để xử án,” Chu nói. “Không dễ tìm
thấy chúng, vì mọi thứ ở đây hỗn độn và không có kiểm kê.”
Ở một căn phòng đông đúc khác, một Lý Hiểu Đông bận rộn đang chuẩn bị trang phục.
“Có
gần 1.000 bộ đồ được thiết kế ở Bắc Kinh và sản xuất ở Hoành Điếm,” anh
nói. “Ở đây chúng tôi có cả một ngành công nghiệp phụ trợ khổng lồ cho
lĩnh vực nghe nhìn. Nghệ nhân làm ra bất cứ thứ gì từ nội thất trông có
vẻ cổ đến quần áo. Chúng phải được phân loại hoàn hảo và đánh số sao cho
lúc cần mặc đến không xảy ra rắc rối gì. Chúng tôi sẽ dành gần như cả đêm nay để
chuẩn bị chúng sẵn sàng.”
Diễn viên quần chúng ăn trưa trên trường quay The Lonely Hero in the Desert
|
Hóa ra nói vậy là không hề quá lời và đến nửa đêm vẫn còn rất nhiều thứ chưa xong.
Sáng
hôm sau, Kim Chính Huyễn, người đóng vai tổng quản thái giám trong
phim, mất một tiếng rưỡi để mặc trang phục cho cảnh đầu tiên. Không làm
duyên làm dáng gì cả; Kim mặc đồ ở chỗ ai cũng thấy, trong xe kéo mà Lý
Hiểu Đông chứa đầy trang phục. Anh dùng camera trên điện thoại di động
giúp người hóa trang đánh giá sự tiến triển của kiểu tóc mà cô ấy đang
làm; không ai tìm được một cái gương cầm tay. Đó là lúc bắt đầu một ngày dài vất
vả cho Kim và nhiều diễn viên quần chúng trên phim trường, có khi còn
không có lúc nào ăn cơm hộp gồm cơm và rau và – nếu may mắn – một miếng gà.
Ở
Hoành Điếm, hoạt động chẳng bao giờ ngừng. Đèn luôn sáng và máy quay
lăn bánh trong một thị trấn đang tiếp tục mở rộng. Một mô phỏng Cung
điện mùa hè của Bắc Kinh sắp hoàn thành, và ông Tăng, phát ngôn viên của
Hengdian World Studios, nói về kế hoạch bổ sung một con phố xưa của
Thượng Hải và một thành phố châu Âu nhỏ vào bộ sưu tập phim trường. Ông
biết thời gian là vàng bạc; Siêu đô thị điện ảnh Thanh Đảo của Dalian
Wanda đang lên.
“Chúng tôi hy vọng có thể hợp tác trong tương
lai, tuy rõ ràng lúc này sẽ là cạnh tranh,” ông Tăng nói. “Bất luận thế
nào, thị trường vẫn đủ lớn cho mọi người tìm thấy chỗ của mình.”
Dịch: © Ngân Mai @Quaivatdienanh.com
Nguồn: South China Morning Post