Nhân vật & Sự kiện

Làm ăn trong thị trường điện ảnh của Trung Quốc là như thế nào

10/10/2018

Trung Quốc được cho là đang tái tạo ngành công nghiệp điện ảnh toàn cầu, và điều này không phải là phóng đại.

Cuối năm 2016, Trung Quốc đã vượt Mỹ về số lượng phòng chiếu, và doanh thu phòng vé đã tăng 144% kể từ năm 2012, khi so sánh với 6% của Bắc Mỹ. Ngày nay, một phim có thể hoàn toàn thất bại ở Hollywood nhưng vẫn trở thành thành công thương mại, phần lớn nhờ vào sức mạnh của thị trường Trung Quốc. Hãy xem Transformers: The Last Knight: thu về 123 triệu đôla Mỹ cuối tuần mở màn ở Trung Quốc, trong khi chỉ thu về 69 triệu đôla ở Bắc Mỹ.

Một êkíp đang ghi hình trên phim trường thực địa ở Trung Quốc

Trung Quốc là một cường quốc giải trí — và công bằng mà nói thì đúng như vậy — nhưng sức mạnh đến cùng nhiều thử thách. “Dễ dàng gọi vốn hơn tại Trung Quốc [để làm phim], và chắc cũng dễ làm phim hơn,” Bennett Pozil, phó chủ tịch điều hành và trưởng khối ngân hàng doanh nghiệp tại East West Bank, người đã giúp đỡ một số giao dịch đồng sản xuất lớn nhất giữa Hollywood và Trung Quốc, cho biết. “Nhưng cũng dễ mất tiền hơn.”

To lớn như vậy nên Trung Quốc có thể khó hiểu. Thực sự làm phim trong nền công nghiệp giải trí của Trung Quốc là như thế nào? Pozil và nhiều bậc thầy Hollywood khác chia sẻ kinh nghiệm đáng nhớ của họ khi làm ăn ở Trung Quốc.

Thứ nhất — phát triển quan hệ

Bất cứ ai đã từng làm ăn ở Trung Quốc sẽ đều nói với bạn rằng phát triển mối quan hệ thân thiện với giới doanh nhân Trung Quốc là quan trọng — và chuyện này cũng không khác biệt nhiều trong ngành giải trí.

Phim trường Hoành Điếm của Trung Quốc nhìn từ trên cao

Bo An, một chuyên viên phát triển tại China Lion Entertainment, ví thông lệ Trung Quốc này giống Hollywood ngày xưa, khi mà mọi người giao dịch với những người mà họ coi là bạn bè. “Ở Mỹ, mọi thứ cơ bản sẽ được bàn bạc trước, hoặc ít nhất là trong vài vòng thương thảo đầu tiên,” cô cho biết. Tuy nhiên, An cảnh báo mọi người đừng cho là vậy, chỉ vì các công ty Trung Quốc không ngay lập tức bất đồng trong các cuộc gặp gỡ ban đầu, thì mọi việc suôn sẻ. “Họ có xu hướng khiến cho mối quan hệ thân thiện ngay từ đầu,” cô nhấn mạnh. “Khi họ cảm thấy họ đã tạo được một sợi dây quan hệ đủ mạnh, đủ để làm dịu không khí khó chịu do những bất đồng, thì họ mới đưa những vấn đề đó ra.”

Các công ty điện ảnh Trung Quốc đang tìm kiếm gì

Sau những chi tiết nhỏ mở đầu, giao dịch sẽ được đẩy nhanh tại Trung Quốc, theo William Pfeiffer, chủ tịch điều hành và đồng sáng lập của Globalgate Entertainment. “Người ta sẽ bớt tập trung chú ý xem câu chữ đúng sai trong hợp đồng, thay vào đó họ cố gắng tìm các lý do chiến lược biện minh đây là một cơ hội kinh doanh chắc chắn,” ông chia sẻ.

Các công ty Trung Quốc thường sẽ đưa các đối tác ngoài ngành giải trí đầu tư vào phim. Ví dụ, Pfeiffer nói rằng một hãng phim có thể mời một chuỗi rạp chiếu để tăng số lượng nhà phát hành phim, hoặc một hạ tầng xem phim trực tuyến để quảng bá và marketing kỹ thuật số. Đây là một điều khác biệt tại Trung Quốc so với Mỹ. “Ở Mỹ khi quảng cáo phim, vẫn chủ yếu dựa vào quảng cáo truyền hình, bảng xếp hạng, tạp chí và các phương tiện truyền thông truyền thống khác,” Pfeiffer giải thích. “Phần lớn quảng cáo phim là trên các hạ tầng trực tuyến.”

Tái dựng một nông trang Trung Quốc thập niên 90 ở Hoành Điếm

Đối với các công ty quốc tế tìm kiếm cơ hội làm ăn với các công ty điện ảnh Trung Quốc, Pfeiffer khuyên rằng họ nên xem xét toàn cảnh những gì các công ty Trung Quốc hy vọng đạt được, thay vì từng giao dịch. “Quan trọng là phải xem xét mục tiêu chiến lược của công ty đó và động cơ của họ, để chắc chắn rằng bạn có một mối quan hệ hữu nghị dài lâu với họ,” ông nói.

Khác biệt ngôn ngữ

Dù là trong việc soạn hợp đồng, hay để tên ai trong phần cuối phim, quan trọng là phải cẩn thận với vấn đề khác biệt văn hóa ngôn ngữ.

“Bạn phải có một bản dịch tiếng Anh (của hợp đồng) và thương thảo dựa vào đó. Nếu vậy, bạn phải cẩn trọng để chắc chắn rằng bản tiếng Trung phản ánh chính xác các điểm đã thương lượng,” Pfeiffer nói. “Có vấn đề trong khác biệt ngôn ngữ, liên quan đến các định nghĩa và khái niệm luật có trong hợp đồng. Bạn vẫn phải đặc biệt cẩn thận đối với các định nghĩa về quyền. Trên hết, là vẫn còn việc làm lậu DVD cũng như tải lậu lên mạng ở Trung Quốc — bạn sẽ bảo vệ mình thế nào trước vấn đề này?”

Diễn viên quần chúng trên trường quay The Story of Ming Lan ở Hoành Điếm

An cho biết thêm, khi cấu trúc giao dịch, các công ty Trung Quốc xử lý phần ‘credit’ phim khác các công ty Mỹ. “Ở Trung Quốc, phần ‘credit’ quan trọng nhất thuộc về các định chế tài chính lớn,” cô giải thích. “Khi nói ‘sản xuất bởi’ hoặc ‘nhà sản xuất’, có một sự khác biệt văn hóa tại Trung Quốc. Ở Trung Quốc, zhipianren hay zong zhipianren — nhà sản xuất tổng — khi họ nói đến hai vai trò này, ý thực sự của họ là các ông lớn về tài chính và phân phối. Họ không nói đến giám đốc sáng tạo, hay các nhà sản xuất làm việc ngày qua ngày tại phim trường.”

Một quá trình sản xuất tốc độ hơn

Xem xét thực tế rằng chỉ mất 20 năm để chuyển Phố Đông Thượng Hải từ một khu nông thôn cằn cỗi thành trung tâm tài chính hiện đại, không ngạc nhiên sự phát triển điện ảnh và quá trình sản xuất phim ở Trung Quốc cũng nhanh gấp đôi.

“Trung Quốc khác biệt đến mức toàn bộ quá trình quay và phát triển nhanh hơn tại Hollywood rất nhiều,” Pfeiffer nói. “Thời gian để thai nghén nội dung phim, lên kịch bản, hoàn thiện tiền sàn xuất, sản xuất và cuối cùng là ra phim nhìn chung đều ngắn hơn nhiều so với ở Hollywood.”

Ghi hình một cảnh phim cổ trang Trung Quốc

An cho biết thêm, bởi không có hiệp hội nào bảo vệ người làm trong ngành công nghiệp giải trí Trung Quốc, họ có thể ép làm việc dài hơn và quay vòng nhanh hơn.

Việc thương lượng trực tiếp với các tài năng cũng đơn giản hơn, An nói. Mặc dù diễn viên Trung Quốc thường được ký hợp đồng dài hạn, một lúc nhiều phim với các hãng phim lớn, vẫn dễ giao dịch với họ hơn nhiều. “Thậm chí bạn có thể nói chuyện trực tiếp với các tài năng này,” An nói. “Nếu họ thích thú với dự án, bạn có thể giao dịch theo cách dễ dàng hơn với công ty đại diện của họ. Ở Mỹ, nếu bạn muốn ký hợp đồng với một tài năng, bạn phải làm việc với quản lý của họ trước, rồi đến công ty đại diện, và rồi luật sư của họ. Bạn phải hoàn tất tất cả các cuộc trao đổi và thương thảo với nhóm người này, và rồi bạn mới có thể làm việc với các tài năng Mỹ.”

Ngược lại, Pozil nói khó giữ tài năng hơn nhiều do có nhiều cơ hội trong ngành công nghiệp điện ảnh Trung Quốc. “Họ liên tục được đề nghị công việc với thu nhập cao hơn,” ông nói. “Chúng tôi thấy nhiều người di chuyển khắp các phim trường, nhưng bởi ngành công nghiệp điện ảnh đang chậm lại một chút, có lẽ chúng ta sẽ thấy ổn định hơn.”

Một cảnh phim chiến tranh quay tại Hoành Điếm ngày 11/8/2015

Gọi vốn

Dòng tiền tại Trung Quốc đổ vào Hollywood đa dạng và đầy đủ thông tin, nhưng Trung Quốc cũng có cách đôc đáo để gọi vốn cho phim nhà.

Ở Hollywood, An nói rằng các hãng phim không thường gọi vốn bằng tài sản, hay như cách cô đề cập là tiền “thật”. Đầu tiên các hãng sẽ cố gắng tìm tiền “mềm” nhiều nhất có thể — như tín dụng hoặc giảm thuế đối với việc làm phim tại một số khu vực nhất định, hoặc tiền từ việc phát hành quốc tế trước mà họ có thể sử dụng làm bảo đảm cho các khoản vay ngân hàng — trước khi họ chốt tiền “thật”.

“Ở Trung Quốc, chúng tôi không có những phương thức này — ít nhất là không phổ biến,” An nói. “Đa phần, nhà đầu tư vốn sẽ hỏi nhà sản xuất phim rằng họ cần bao nhiêu để sản xuất một phim, và rồi họ sẽ cung cấp 100% những gì cần — vốn cổ phần.” Tuy nhiên, các nhà đầu tư phim Trung Quốc không chuyển toàn bộ tiền một lần; họ sẽ rót thành từng đợt, dựa trên tiến độ hoàn thành phim.

Trên trường quay phim Coffee, xuất phẩm đồng sản xuất Trung Quốc-Italy đầu tiên, với câu chuyện diễn ra ở Trung Quốc, Italy và Bỉ. Phim đã ra rạp hồi đầu năm 2018

Mặc dù quá trình gọi vốn có vẻ đơn giản hơn ở Trung Quốc, Pozil cảnh báo rằng việc này cũng có rủi ro. Do các nhà làm phim Trung Quốc không thường dựa trên việc bán trước hay hoàn thuế để lấy lại vốn của bộ phim, họ dựa vào việc bán vé nhiều hơn. “Nếu bạn ở Trung Quốc, nếu bạn làm phim, cơ bản bạn có một hoặc hai phim ra rạp, nhưng bạn có thể có hoặc không có bất cứ khoản lợi nào khác đi kèm,” Pozil nói.

Trái phiếu làm phim — trái phiếu bảo đảm thực hiện

Để đảm bảo cho cấu trúc gọi vốn phức tạp tại Hollywood vận hành, An nói rằng các hãng phim sử dụng trái phiếu đảm bảo thực hiện để đảm bảo phim được phát hành đúng thời gian và sử dụng đúng ngân sách. Thậm chí tiền cũng chuyển vào tài khoản phong tỏa của công ty phát hành trái phiếu đảm bảo thực hiện, chứ không phải của công ty sản xuất. Tuy nhiên, khái niệm trái phiếu làm phim này không tồn tại ở Trung Quốc.

Aoni Ma, điều hành tác nghiệp tại công ty phát hành trái phiếu Film Finances Asia, nói rằng, mặc dù mọi người xem xét ý tưởng về trái phiếu làm phim, khó có thể thực hiện. “Vẫn còn chút khó khăn cho chúng tôi để thâm nhập vào thị trường Trung Quốc,” cô thừa nhận. “Tại Trung Quốc, hoạt động phát hành trái phiếu bảo đảm không diễn ra. Với họ, lần đầu nghe về chúng tôi, họ nói, ‘ồ, chúng tôi có dự phòng vốn.’ Điều họ không hiểu là chúng tôi ở đây là để giám sát quá trình và khiến mọi việc được hoàn thành.”

Hai bạn trẻ Trung Quốc đi qua bảng quảng cáo một bộ phim Mỹ trên đường phố Thượng Hải

An cho biết thêm, “Khi nhà sản xuất phim Mỹ thực hiện cơ chế gọi vốn phúc tạp, họ nghĩ họ đang tiết kiệm tiền và giảm thiểu rủi ro. Nhưng khi bạn mô tả cơ chế gọi vốn phức tạp này với các khoản nợ, tiền mềm, bán trước với một nhà đầu tư điện ảnh Trung Quốc, họ sẽ không muốn đầu tư — lần nào cũng vậy, đó là điểm khiến giao dịch thất bại.”

Tuy nhiên, Ma có một cái nhìn đầy kỳ vọng vào tương lai của trái phiếu điện ảnh. “Khi chúng tôi thực hiện [bảo đảm], sản xuất sẽ mất nhiều quyền kiểm soát. Đó là lý do họ sợ,” cô nói. "Họ bảo, ‘bạn có ý gì khi bạn nói có thể tiếp quản? Bạn có ý gì khi nói có thể trao đổi với đạo diễn và nhà sản xuất?’ Vì vậy họ có xu hướng lùi lại. Nhưng tôi nghĩ, nay, mọi người đều đã cởi mở với vấn đề này — họ nhận ra rằng đây là cách cả thế giới đang vận hành, và họ cần theo kịp.”

Dịch: © Chi Nguyễn @Quaivatdienanh.com
Nguồn: China Film Insider