Nhân vật & Sự kiện

Quyền lực mềm-tiền cứng: Điệu tango quyến rũ Trung Quốc-Hollywood dần rõ nét

19/12/2020

Sức ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Hollywood đang ép Mỹ đối diện với những câu hỏi căn bản liên quan đến giá trị, tính toàn vẹn của nghệ thuật và tự kiểm duyệt giữa những căng thẳng kinh tế và chính trị dâng cao giữa hai người khổng lồ, theo các nhà phân tích điện ảnh.

Hồi tháng 7, Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ William Barr đã công kích các công ty truyền thông và giải trí Mỹ quá sẵn lòng hợp tác với Trung Quốc. “Tôi ngờ là Walt Disney sẽ chán nản khi thấy công ty ông thành lập đối phó với những nhà nước chuyên chế ra sao thời nay,” Barr nói, nói thêm là Hollywood đã liên tục oằn mình trước áp lực và kiểm duyệt các phim “để làm vừa lòng Trung Quốc.”

Lưu Diệc Phi (giữa) trong phiên bản làm lại người đóng Mulan của Disney. Bất chấp các mối quan hệ Mỹ-Trung rạn nứt, Bắc Kinh sẽ tiếp tục cố gắng mở rộng quyền lực mềm trên phim, ngay cả khi Hollywood thòm thèm thị trường Trung Quốc

Walt Disney, qua đời năm 1966, chắc là phản đối — nhưng công ty của ông từ lâu đã tán tỉnh Trung Quốc làm thị trường cho các phim và công viên trò chơi của mình.

Ngay lúc Barr phát biểu, Disney còn đang hy vọng thông báo ngày phát hành mới cho một trong những phim lớn nhất của họ trong năm: phiên bản người đóng của Mulan, chuyện kể về một cô gái can đảm cải nam trang để chiến đấu trong quân đội mà Disney đã kể lại lần đầu trong bản hoạt hình năm 1998.

Đại dịch gần như đã đánh bại Disney — phải phát hành Mulan trực tuyến vào ngày 4 tháng 9 — nhưng mối quan hệ Trung Quốc-Hollywood tiếp tục lớn mạnh. Chỉ trong tuần cuối tháng 7, một quyển sách và báo cáo mới đều tập trung vào sức ảnh hưởng đang tăng của Trung Quốc trong ngành phim ảnh đã đưa ra kết luận khác với của Barr rất nhiều. Thay vì giảm nhẹ mối quan hệ, chúng đưa ra luận điểm để đẩy mạnh nó, dù theo cách cẩn trọng.

Feeding the Dragon: Inside the Trillion Dollar Dilemma Facing Hollywood, the NBA and American Business, của nhà điều hành giải trí Chris Fenton, cho rằng tiếp tục gắn kết văn hóa là thiết yếu để ngăn chặn một sự đổ vỡ nguy hiểm trong các quan hệ.

Trong khi Hollywood phụ thuộc ngày càng nhiều vào mắt nhìn của Trung Quốc, Trung Quốc lại trở nên ít dựa dẫm vào Hollywood hơn khi ngành phim của riêng họ phát triển. Trong ảnh là poster phim Chiến lang 2, bom tấn Trung Quốc năm 2018, ở một rạp chiếu

Made in Hollywood, Censored by Beijing, một báo cáo phát hành vào tháng 8 từ nhóm vận động tự do ngôn luận PEN Mỹ, thuật lại ảnh hưởng văn hóa ngày càng mở rộng của Trung Quốc đồng thời cảnh báo về những đánh đổi tiềm ẩn.

Cả hai văn bản — và nhiều nhà phân tích — đồng ý ở hai điểm: Bắc Kinh sẽ tiếp tục cố gắng mở rộng quyền lực mềm trên phim, ngay cả khi Hollywood thòm thèm thị trường Trung Quốc.

“Bắc Kinh đa phần quan tâm tới sức ảnh hưởng. Họ nhận ra quyền lực mềm của họ là hạn chế, đặc biệt ở phương Tây,” Stanley Rosen, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Nam California và chuyên gia về điện ảnh Trung Quốc, nói.

Với Hollywood, Rosen nói, “đó là chuyện tiền bạc, nhưng Hollywood vẫn cần cẩn thận đừng khúm núm với Trung Quốc và dẫn tới sự giám sát của quốc hội.”

Loạt công kích của Barr đến ngay sau đạo luật được Thượng nghị sĩ Ted Cruz, một thành viên Đảng Cộng hòa từ Texas, đưa ra vào tháng 5 nhằm hạn chế sự trợ giúp của chính phủ cho các hãng phim thay đổi phim để xoa dịu các nhà kiểm duyệt của Trung Quốc.

Disney có 47% cổ phần trong công viên Disneyland Thượng Hải trị giá 5,5 tỉ USD

Rosen xem báo cáo PEN là một phong vũ biểu cho sự ngờ vực ngày càng tăng của Mỹ trước Trung Quốc, một xu hướng dần càng khiến Hollywood bị cuốn theo. Rosen cho biết, nếu Tổng thống Donald Trump, với cam kết “tách rời” hai nền kinh tế, tái đắc cử vào tháng 11, mối quan hệ của Hollywood với Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng.

Nhưng ngay cả chiến thắng của ứng cử viên Đảng Dân chủ Joe Biden cũng thách thức ngành phim, ông nói thêm.

“Các chính trị gia không làm mất phiếu bầu bằng cách cứng rắn với Trung Quốc đâu,” Rosen nói. “Với Hollywood, họ cần thị trường Trung Quốc hơn bao giờ hết”.

Cuốn sách của Fenton là một cái nhìn cá nhân về các sự kiện từ 2000 tới 2014, một thời kỳ quan trọng khi Bắc Kinh nắm đằng chuôi của các hãng phim Hollywood ngày càng lớn, với lợi nhuận của ngành ngày càng phụ thuộc vào thị trường nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc.

Từng là chủ tịch của DMG Entertainment Motion Picture Group, Fenton là người trung gian trong nhiều dự án quảng bá, âm nhạc và phim phương Tây liên quan đến Trung Quốc. Trong đó có phim ly kỳ giả tưởng Looper (2012) và Iron Man 3 (2013) dựa trên nhân vật truyện tranh Marvel.

Minion Land trong khu phức hợp công viên giải trí và khách sạn Universal Beijing Resort trị giá 6,5 tỉ USD

Ông tự thể hiện mình như một đại sứ văn hóa ở “mũi nhọn rất nhạy cảm của ngọn giáo kinh tế và chính trị,” lường trước những lo ngại của các nhà kiểm duyệt và thuyết phục các nhà điều hành Hollywood sửa đổi kịch bản và tông điệu để được phát hành phim của họ ở Trung Quốc.

“Văn hóa và thương mại,” theo ông là những dụng cụ để duy trì “mô liên kết” của họ.

“Sứ mệnh của tôi là giữ hai đất nước không tiến vào chiến tranh lạnh,” Fenton nói trong một buổi phỏng vấn. “Chúng ta đang trên đà chiến tranh lạnh. Tôi tin trao đổi văn hóa là một nguồn lực cực kỳ mạnh mẽ giữ hai đất nước làm việc và nói chuyện với nhau.”

Cuốn sách bao gồm một số phê bình khiêm tốn về Trung Quốc, một miêu tả về vai trò của ngành phim trong việc “giữ 1,4 tỉ dân đủ vui vẻ để không nổi loạn.”

“Bạn không thể làm gì khiến chính quyền Trung Quốc xấu mặt hay người dân họ bất bình,” ông viết. “Một khi hiểu được khái niệm này, mọi thứ khác trở nên rõ ràng hơn nhiều.”

Poster Black Panther ở Bắc Kinh, tháng 3 năm 2018

Những chỉ trích chính của Fenton dành cho Mỹ, bao gồm đề cập đến tính kiêu ngạo, lòng tham và sự thiếu hiểu biết văn hóa của Hollywood cũng như vai trò của DMG trong việc xây dựng những cầu nối. (Fenton đang kiện DMG sau một sự ra đi không vui vẻ.)

Trong các chương cuối, ông có vẻ chuyển hướng khi quan hệ Mỹ-Trung ngày càng xấu đi, đại dịch hoành hành và việc tìm ra thế trung gian trở nên khó khăn hơn trong mối quan hệ ngày càng phân cực.

“Mặc dù tôi ngày một hiếu chiến hơn, nhưng tôi vẫn phải nhấn mạnh tầm quan trọng của việc coi Trung Quốc là một cơ hội lớn,” ông viết.

Trong báo cáo của họ, PEN America coi Hollywood như một lời cảnh báo sớm cho thế giới ngày càng chịu áp lực lớn phải rón rén, tự kiểm duyệt và nằm lòng những ưu tiên của Trung Quốc để tránh làm Bắc Kinh nổi giận.

“Báo cáo này muốn gióng hồi chuông,” James Tager, tác giả chính, nói trong một phỏng vấn. “Nếu bạn không vạch ra ranh giới, ranh giới sẽ được vạch ra cho bạn.”

Một diễn viên nhảy lên nóc một tòa nhà dân cư cũ trong quá trình quay cảnh phim Transformers: Age of Extinction ở Hồng Kông vào tháng 10 năm 2013. Bộ phim mang về tổng doanh thu 320 triệu USD ở Trung Quốc

Báo cáo lập luận rằng, sức ảnh hưởng đang lớn mạnh của Trung Quốc ngày càng định hình việc chọn diễn viên, cốt truyện, thoại và bối cảnh thế giới của Hollywood, giữa những lo ngại rằng bất cứ sơ suất nào cũng có thể gây nguy hại cho lợi nhuận khổng lồ.

“Nhún nhường trước quyền lực của thị trường Trung Quốc đa phần đã xảy ra lặng lẽ, ít được nhận ra và thường là ít tranh luận,” PEN nhận thấy. “Mà lẽ ra nên được hiểu và đem ra tranh luận.”

Đa số diễn viên, nhà sản xuất và các ông trùm Hollywood không sẵn lòng cởi mở về sức ảnh hưởng đang tăng của Trung Quốc, PEN nói.

Đòn bẩy lớn nhất của Bắc Kinh chủ yếu gắn liền với việc tiếp cận thị trường rạp chiếu khổng lồ và đang phát triển nhanh chóng của họ, đã có doanh thu 9 tỉ USD vào năm ngoái so với 11,4 tỉ USD của Mỹ và đã vượt qua thị trường Mỹ trong năm nay để trở thành thị trường lớn nhất thế giới, với Covid-19 đẩy nhanh sự thay đổi đó khi nền kinh tế Trung Quốc phục hồi nhanh hơn. Theo một ước tính trước đại dịch, đến năm 2023, doanh thu phim Trung Quốc có thể đạt 15,5 tỉ USD.

Spider-Man: Far From Home năm 2019 kiếm tiền ở Trung Quốc nhiều hơn ở Mỹ

Nhưng trong khi Hollywood phụ thuộc ngày càng nhiều vào mắt nhìn của Trung Quốc, Trung Quốc lại trở nên ít dựa dẫm vào Hollywood hơn khi ngành phim của riêng họ phát triển, PEN nhận xét.

Vào 2014, bom tấn Mỹ Transformers: Age of Extinction — có phân đoạn quân đội Mỹ cứu thế giới — mang về doanh thu tổng 320 triệu USD ở Trung Quốc.

Một năm sau, Trung Quóc sản xuất phim hành động phiêu lưu cây nhà lá vườn, Monster Hunt, thu về 382 triệu USD. Và một danh sách ngày càng dài phim Mỹ, gồm Spider-Man: Far From Home năm 2019, giờ kiếm tiền ở Trung Quốc nhiều hơn ở Mỹ.

Trong khi đó, căng thẳng chính trị Mỹ-Trung làm tăng khả năng khuấy động thêm các cấm vận từ Đại lục lên phim Mỹ và thêm hỗ trợ cho các sản phẩm sản xuất trong nước.

Trước 2018, Hollywood lấn át Trung Quốc trong tốp 10 phim doanh thu phòng vé. Giờ họ chỉ chiếm được bảy trong tốp 25, với Avengers: Endgame là phim duy nhất lọt tốp 10, PEN nói.

Khán giả Trung Quốc đi xem suất nửa đêm Avengers: Endgame

Trung Quốc ảnh hưởng lên Hollywood bằng việc trừng phạt hay đe dọa những ai nói về các chủ đề “dễ tranh cãi”, PEN nói, gồm Đài Loan, Tây Tạng, Tân Cương, Pháp Luân Công, lãnh đạo cấp cao Trung Quốc và các cuộc biểu tình ở Hồng Kông.

Các công cụ chính của họ đã được ghi nhận gồm việc đưa vào danh sách đen các đạo diễn, nhà sản xuất và diễn viên, chẳng hạn Richard Gere — đã lên tiếng về các vấn đề Tây Tạng và đóng trong Red Corner (1997) vẽ nên một bức tranh không đẹp về hệ thống cảnh sát và tư pháp của Trung Quốc — và Brad Pitt, đóng chính trong Seven Years in Tibet (1997). Tuy nhiên, PEN cho biết thêm, hệ thống này rất năng động, với các cấm vận của Trung Quốc thường được thêm vào và dỡ bỏ không lời giải thích.

Các công ty sản xuất và công ty mẹ của hãng phim nào phớt lờ những quan ngại của Bắc Kinh có nguy cơ bị trả đũa trong các ngành kinh doanh khác, PEN nói. Disney có 47% cổ phần trong công viên Disneyland Thượng Hải trị giá 5,5 tỉ USD và Universal Studios có kế hoạch mở khu phức hợp công viên giải trí và khách sạn Universal Beijing Resort trị giá 6,5 tỉ USD vào năm tới.

Richard Gere (phải) trong Red Corner (1997) vẽ nên một bức tranh không đẹp về hệ thống cảnh sát và tư pháp của Trung Quốc

Hollywood đã đáp ứng bằng việc đưa ra những bản phim chỉ dành cho Trung Quốc, trong đó có Mission: Impossible III (2006), bỏ đi một cảnh cho thấy dây treo quần áo lót ở Thượng Hải và cảnh giết một tay sai là người Trung Quốc.

Nhưng sự nhạy cảm tăng lên của Bắc Kinh về hình ảnh toàn cầu của nước họ đang khiến các nhà sản xuất phim làm việc sát sao hơn từ đầu với các tư vấn viên làm việc ở Trung Quốc và những người thân cận với ban kiểm duyệt Trung Quốc.

Abominable, một phim hoạt hình Mỹ-Trung hợp tác năm 2019, làm dấy lên tranh luận với một cảnh bản đồ thể hiện đường lưỡi bò chín đoạn ở Biển Đông.

Sony trước đó đã thay đổi Red Dawn, bản làm lại năm 2012 của phim thời 80 trong đó người Nga và Cuba xâm lược Mỹ. Bản làm lại cho lính Mỹ chiến đấu chống cuộc xâm lược từ Trung Quốc — nhưng đã bị thay đổi sau khi quay thành Bắc Triều Tiên.

Brad Pitt trong Seven Years in Tibet

Trung Quốc với thị trường và sức ảnh hưởng kinh tế khổng lồ có thể chặn đứng các câu chuyện toàn cầu trên quy mô chưa từng có, PEN lập luận, và kêu gọi tiết lộ nhiều hơn về sức ảnh hưởng của Trung Quốc ở Hollywood, những quyết định phòng tối và những đánh đổi xã hội được thực hiện.

Rosen, Đại học Nam California, nhận xét những đề nghị của PEN hơi thiếu thực tế, với thực trạng kinh tế của Hollywood và lịch sử dựng khiên che chắn mỗi khi có xung đột liên quan đến Trung Quốc của ngành phim ảnh.

Rosen cũng nói rằng cuốn sách của Fenton có vẻ muốn tránh tỏ ra phê phán bất cứ ai.

Tuy nhiên, hai văn bản chắc chắn soi sáng mối quan hệ Mỹ-Trung và vai trò của phim ảnh trong cuộc cạnh tranh giành quyền lực mềm, ông nói.

Cảnh trong phim Red Dawn, bản làm lại năm 2012 cho quân Bắc Triều Tiên xâm lược Hoa Kỳ

“Mỹ xây dựng quyền lực mềm dựa trên ‘các giá trị bao trùm’ đến từ các hệ thống văn hóa chính trị và chính sách đối ngoại, rõ ràng đã thụt lùi không phanh dưới thời Trump,” Rosen nói. “Nhưng quyền lực mềm không phải là một trò chơi có tổng bằng 0, và không phải khi Mỹ mất đi quyền lực mềm thì Bắc Kinh giành được nó.”

Lược dịch: © Phương Hà @Quaivatdienanh.com
Nguồn: South China Morning Post


+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.