Tin tức

Hollywood đang cạn kiệt kẻ phản diện

10/09/2020

Nhiều yếu tố kết hợp cho Mỹ sức mạnh và lan tỏa quyền lực mềm, nhưng giải trí và văn hóa đã luôn là trọng tâm.

Phim ảnh và truyền hình đã định hình cách thế giới nhìn nước Mỹ — và cách nước này nhìn các nước đối thủ. 

Nhưng ưu thế độc nhất đó có vẻ đang yếu đi. Khi nói đến những vấn đề lớn nhất về chính trị quyền lực toàn cầu ngày nay, Hollywood trở nên rụt rè thấy rõ. Và kín tiếng hoàn toàn về một số vấn đề nào đó.

Ví dụ rõ rệt nhất là các hãng phim Mỹ ngày càng thận trọng tránh không làm gì có thể gây nguy hại cho vị thế của họ trước Trung Quốc. Phòng vé Trung Quốc lớn ngang Mỹ, và trên hết giải trí là một ngành kinh doanh. Vậy nên Hollywood kiểm duyệt các chủ đề mà Bắc Kinh không thích. Nhưng hiện tượng này không chỉ với Trung Quốc, cũng không chỉ vì doanh thu. Các hãng phim, biên kịch, và nhà sản xuất của Hollywood đang ngày càng sợ họ sẽ bị hack thông tin hay bị hại nếu trình bày bất cứ nhà lãnh đạo nước ngoài nào theo hướng tiêu cực.

Hồi trước không như vậy. Những năm 1930, The Great Dictator của Charlie Chaplin nói về Adolf Hitler. Sau đó, Kundun của Martin Scorsese về Tây Tạng, và The Unbearable Lightness of BeingThe Hunt for Red October thổi sức sống cho Chiến tranh lạnh. Ngày nay, sức mạnh thị trường của Trung Quốc — và sức mạnh không gian mạng của một số quốc gia — đang khiến cho các hãng phim và người sáng tạo phải nghĩ lại trước khi sản xuất những phim thách thức, có tính chính trị rõ rệt. Và khi tăng tốc rút lui ra khỏi thể loại phim từng đẩy mạnh quyền lực mềm của Mỹ, Hollywood đang dần cạn nhưng kẻ phản diện thực tế.

Nhân vật tựa đề của bộ phim The Great Dictator, một tay độc tài có ria mép tên là Adenoid Hynkel, rõ ràng nhắm mục đích làm giảm sức hút nam châm của Hitler

CÚ NHẢY LÙI LỚN

Đức Quốc xã đang tiến quân vào Ba Lan khi Chaplin bắt đầu quay The Great Dictator. Nhân vật tựa đề của bộ phim, một tay độc tài có ria mép tên là Adenoid Hynkel, rõ ràng nhắm mục đích làm giảm sức hút nam châm của Hitler. Chính phủ Anh, tìm cách xoa dịu Đức, ban đầu gợi ý họ có thể cấm bộ phim ra rạp ở Anh. (Họ đổi ý sau khi chiến tranh bắt đầu.) Ngay cả trong số những người hợp tác với Chaplin ở Hollywood, nhiều người đã lo sợ sẽ có phản ứng. (Hollywood cũng có lợi ích tài chính trong việc tiếp cận thị trường điện ảnh rộng lớn của Đức, mặc dù các sử gia điện ảnh vẫn còn tranh luận về việc chuyện này đã khiến các hãng phim Mỹ phải tuân theo sở thích của Đức Quốc xã trong những năm 1930 đến mức nào.) Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt được cho là đã đích thân khuyến khích Chaplin tiếp tục sản xuất.

Khi bộ phim được phát hành vào năm 1940, nó chứng tỏ là một chiến thắng về nghệ thuật và chính trị và nằm trong số những bộ phim có doanh thu cao nhất năm đó. Không lâu sau, lên án công khai chủ nghĩa phát xít đã trở thành bình thường: từ năm 1942 đến năm 1945, hơn một nửa số phim Hollywood đề cập đến chiến tranh theo cách này hay cách khác, hàng trăm phim trong số đó có thông điệp chống Đức Quốc xã.

Dr. Strangelove chỉ ra sự phi lý của đối đầu hạt nhân ngày tận thế

Đi cùng với Chiến tranh lạnh là một đối thủ mới để triển khai lời hứa và sự hào nhoáng của chủ nghĩa tiêu dùng Mỹ. Hollywood đã đi đầu trong nỗ lực này. Phim Mỹ từ những năm đầu Chiến tranh lạnh thường tràn ngập chủ nghĩa sô-vanh hiếu chiến chống Liên Xô. (I Was a Communist for the FBI, phát hành năm 1951, là một phim kinh điển của thể loại này.) Thật vậy, gần một nửa số phim về chủ đề chiến tranh mà Hollywood sản xuất trong những năm 1950 được thực hiện với sự hỗ trợ và giám sát của Lầu Năm Góc để đảm bảo chúng có đủ tinh thần yêu nước. (Cho đến ngày nay, kết nối giữa Lầu Năm Góc và CIA với ngành giải trí vẫn còn hoạt động). Ngay cả tác phẩm nước ngoài cũng tham gia vào cuộc chiến văn hóa chống Liên Xô: vào năm 1954, khi các nhà làm phim hoạt hình Anh chuyển thể Animal Farm, ngụ ngôn nổi tiếng của George Orwell, họ được CIA bí mật tài trợ.

Đến những năm 1960, phim Hollywood sản xuất bắt đầu đưa Mỹ và vai trò của nước này trên thế giới vào một góc nhìn quan trọng hơn nhiều. Nhưng ngay cả khi đó không phải là hiệu ứng dự định của chúng, những bộ phim này đã thể hiện các giá trị Mỹ và củng cố quyền lực mềm của Mỹ theo cách riêng: bằng cách thể hiện sự cởi mở và khoan dung của người Mỹ đối với bất đồng chính kiến. Dr. Strangelove chỉ ra sự phi lý của đối đầu hạt nhân ngày tận thế. Apocalypse Now, Platoon và thậm chí phim truyền hình nổi tiếng M*A*S*H đã đưa ra những góc nhìn nhiều ẩn ý và đôi khi bi thảm về sức mạnh của Mỹ ở nước ngoài.

Mô hình nhân vật Optimus Prime trong Transformers tại buổi công chiếu thế giới của bộ phim Transformers: Age of Extinction ở Hồng Kông, tháng 6 năm 2014

Ngày nay, khán giả có thể có lựa chọn của họ: không thiếu những phim điện ảnh hay phim truyền hình theo chủ nghĩa sô-vanh hiếu chiến của Mỹ, cũng không thiếu những tư liệu thách thức các chính sách đối ngoại thân Mỹ. Tuy nhiên, khi nói đến việc miêu tả các cường quốc khác, một số chủ đề nóng bỏng đã bị giới hạn. Những phim Mỹ đề cập đến lịch sử và con người Tây Tạng, một chủ đề phổ biến trong những năm 1990, đã trở nên hiếm thấy. [...] Phiên bản Red Dawn làm lại năm 2012 được viết lại để biến Bắc Triều Tiên trở thành kẻ xâm lược Mỹ thay vì Trung Quốc. Và Variety gọi bom tấn năm 2014 Transformers: Age of Extinction là “một bộ phim yêu nước tuyệt vời, nếu bạn là người Trung Quốc”.

Các hãng phim Mỹ tỏ ra hết sức thận trọng với sự nhạy cảm của Trung Quốc. [...] Hồi năm 2019, đài truyền hình CBS đã kiểm duyệt bộ phim truyền hình The Good Fight của họ, cắt một cảnh ngắn đề cập đến một số chủ đề mà Bắc Kinh xem là cấm kỵ.

Red Dawn năm 2012 được viết lại để biến Bắc Triều Tiên trở thành kẻ xâm lược Mỹ thay vì Trung Quốc

Lý do rõ ràng nhất cho sự rụt rè của Hollywood là quy mô khổng lồ của thị trường Trung Quốc. Không như Liên Xô trong Chiến tranh lạnh, Trung Quốc vừa là đối thủ địa chính trị vừa là một đối tác kinh tế lớn. Số liệu phòng vé của họ sẽ sớm trở thành lớn nhất thế giới. Hollywood không bao giờ quan tâm đến việc phân phối phim của họ ở Liên Xô. Với Trung Quốc ngày nay thì hoàn toàn ngược lại.

Hứa hẹn về nguồn vốn của Trung Quốc là một lý do tiềm năng khác để các hãng phim Mỹ nhón chân trên lằn ranh với các vấn đề chính trị nhạy cảm. Chẳng hạn, gã khổng lồ công nghệ Tencent có trụ sở tại Thâm Quyến là nhà đầu tư vào phần tiếp theo rất được mong đợi của Top Gun. Trailer đầu tiên của bộ phim cho thấy Tom Cruise mặc chiếc áo khoác phi công dễ nhận biết của anh — nhưng không có miếng dán cờ Đài Loan và Nhật Bản được khâu vào mặt sau như trong phim đầu tiên năm 1986. Chuỗi rạp chiếu lớn nhất thế giới, bao gồm công ty con AMC Theaters của Mỹ, hiện thuộc sở hữu của tập đoàn Trung Quốc Wanda Group. Các nhà cung vốn nước ngoài có thể là những đối tác hữu ích, nhưng sự hiện diện của họ, không có gì đáng ngạc nhiên, cũng có thể khiến các nhà sản xuất cảnh giác với những nội dung có thể làm mất lòng họ.

Trailer đầu tiên của Top Gun Maverick cho thấy Tom Cruise mặc chiếc áo khoác phi công dễ nhận biết của anh — nhưng không có miếng dán cờ Đài Loan và Nhật Bản được khâu vào mặt sau trong bản đầu tiên năm 1986

Doanh thu phòng vé và nguồn vốn không phải là lý do duy nhất khiến Hollywood né tránh một số chủ đề nhất định. Nhiều khả năng các hãng phim và chuỗi rạp chiếu còn lo sợ rằng một số nội dung có thể khiến họ bị tin tặc nước ngoài tấn công. Bản thân Hollywood cũng đã bị ảnh hưởng vào năm 2014, khi Sony Pictures trở thành nạn nhân của một cuộc tấn công mạng lớn trước buổi công chiếu The Interview, bộ phim châm biếm nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên. Chính phủ Bắc Triều Tiên trước đó đã cảnh báo Sony, gọi sự miêu tả trong phim là “một hành động chiến tranh” và hứa hẹn “một phản ứng kiên quyết và không khoan nhượng”.

Trong ngành vẫn còn tranh luận về việc liệu vụ tấn công đó có thực sự là hành động của các tin tặc Bắc Triều Tiên hay là của những tay trong bất mãn — hoặc thậm chí có thể là của Nga. Bất kể thủ phạm là ai, vụ tấn công đó là một điểm uốn. Kể từ thời The Great Dictator, các hãng phim đã lo lắng rằng tư liệu gây tranh cãi có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của họ. Nhưng vụ hack thông tin của Sony đã làm tăng thêm nỗi lo sợ rằng tổn hại cá nhân hoặc nghề nghiệp có thể đến với những ai khiêu khích một số nhà lãnh đạo hoặc chế độ nào đó.

Red Sparrow, bộ phim năm 2017 dựa trên tiểu thuyết của một cựu đặc vụ CIA, vẫn giữ bối cảnh Nga nhưng tránh đề cập đến nhà lãnh đạo nước này như trong cuốn tiểu thuyết

Nga là một nỗi sợ đặc biệt đối với Hollywood. Khi ý tưởng chuyển thể cuốn sách Red Notice, trong đó kể chi tiết sự tham nhũng của giới thân cận lãnh đạo nước Nga, được thảo luận tại một hãng phim lớn cách đây vài năm, các giám đốc điều hành đã chùn bước, lo sợ những hậu quả tiềm ẩn, theo một nguồn tin biết rõ về các cuộc thảo luận. (Bộ phim hài cùng tên sắp ra mắt, do Dwayne Johnson đóng chính, không liên quan.) Red Sparrow, bộ phim năm 2017 dựa trên tiểu thuyết của một cựu đặc vụ CIA, vẫn giữ bối cảnh Nga nhưng tránh đề cập đến nhà lãnh đạo nước này như trong cuốn tiểu thuyết. Như The Hollywood Reporter đã chỉ ra vào thời điểm đó, “bằng cách tránh đề cập đến lãnh đạo nước Nga, Fox cũng sẽ tránh xa bất kỳ tin tặc Nga nào có thể phản ứng.”

Nỗi sợ bị tấn công mạng không phải là hư cấu. Những năm gần đây, HBO, Netflix và UTA, một trong những cơ quan tài năng lớn nhất Hollywood, đều đã bị hack thông tin; trong trường hợp của HBO, các công tố viên liên bang cuối cùng đã truy tố một cựu tin tặc quân sự Iran. Các cuộc tấn công mạng tàn phá nhằm vào các cơ quan khác của Mỹ [...] đã cho thấy không có tổ chức nào hoàn toàn miễn nhiễm với mối đe dọa. Hollywood nhận ra rằng tin tặc nước ngoài có kỹ thuật, tàn nhẫn và về cơ bản là không thể ngăn chặn.

Gerardo I. Lopez, giám đốc điều hành AMC, trái, trao đổi văn bản với Zhang Lin, phó chủ tịch Wanda Group, tại lễ ký kết thỏa thuận ở Bắc Kinh hồi tháng 5/2012

MỘT THỂ LOẠI CHẾT DẦN

Sự tự kiểm duyệt của Hollywood không phải là một trào lưu đến rồi đi. Bóng ma của các cuộc tấn công trả đũa — trực tuyến hay ngoại tuyến — khó có thể phai nhạt, và nếu không có suy thoái kinh tế lớn nào xảy ra, sức hấp dẫn của thị trường đông người xem phim của Trung Quốc sẽ vẫn còn. Việc Trung Quốc mua lại các chuỗi rạp chiếu phim, đầu tư vào nghiên cứu điện ảnh và đồng bỏ vốn sản xuất phim khiến Bắc Kinh trở thành một đấu thủ quan trọng có thể định hình nội dung giải trí của Mỹ — và do đó làm xói mòn quyền lực mềm của Mỹ.

Thật vậy, chính phủ Mỹ ngày càng xem ngành công nghiệp giải trí như một trách nhiệm an ninh quốc gia tiềm năng. Ủy ban Đầu tư Nước ngoài Hoa Kỳ (CFIUS), cơ quan chính phủ có nhiệm vụ kiểm tra các khoản đầu tư nước ngoài vào những ngành công nghiệp quan trọng, theo truyền thống không liên quan đến lĩnh vực giải trí. Nhưng có vẻ như gió đang đổi chiều. Vào năm 2016, Chuck Schumer, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ từ New York, đã viết thư cho Bộ trưởng Tài chính khi đó là Jack Lew, lưu ý việc Wanda Group mua lại AMC Theatres, cũng như các khoản đầu tư của tập đoàn này vào các hãng phim Mỹ, kêu gọi ủy ban chú ý hơn đến các thương vụ như vậy.

Bóng ma của các cuộc tấn công trả đũa — trực tuyến hoặc ngoại tuyến — khó có thể phai nhạt

Khi ranh giới giữa công nghệ và truyền thông tiếp tục mờ nhạt, CFIUS có thể sẽ sớm chú ý đến lời kêu gọi của Schumer. (Thật vậy, CFIUS đang tham gia xem xét ByteDance, công ty mẹ bên Trung Quốc của ứng dụng nổi tiếng TikTok.) Nhưng sự giám sát chặt chẽ hơn của chính phủ khó mà khiến các nhà điều hành hãng phim sẵn sàng chạy theo nội dung có thể chọc giận Bắc Kinh và đe dọa lợi nhuận của họ. Kết quả là một bối cảnh cạnh tranh không đồng đều có lợi cho những người chơi an toàn. Sự nhún nhường tương tự đối với Bắc Kinh có thể được mở rộng sang các quốc gia không có phòng vé lớn nhưng cho thấy họ sẵn sàng tấn công những bên nào mà họ nhìn nhận là đối thủ ở nước ngoài.

Chaplin đã tấn công Hitler và tạo ra tiền (và cả nghệ thuật) khi làm vậy. Nhưng thật khó tưởng tượng một Chaplin thời hiện đại sẽ làm được gì. Các nhân vật phản diện trong truyện tranh vẫn tồn tại — đúng hơn là đang sinh sôi nảy nở. Tuy nhiên, loại phim giật gân như tít báo từng củng cố quyền lực mềm của Mỹ so với các đối thủ đang ngày càng hiếm.

Áp phích phim Trung Quốc và phim Hollywood san sát nhau trên đường phố ở Thượng Hải

Cách đây không lâu, một biên kịch từng đoạt giải Oscar được yêu cầu viết lại một trong những chuỗi trò chơi điện tử lớn nhất. Công ty bắt đầu bằng cách nói rằng trò chơi dựa trên chiến tranh có một vấn đề: kẻ thù là ai? Tất nhiên không thể là Trung Quốc. Cũng không thể là Nga, Bắc Triều Tiên hay Iran. Như các giám đốc điều hành của công ty đã nói, “Chúng tôi không biết mình có thể cho ai làm nhân vật phản diện nữa.”

Lược dịch: © Phương Hà @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Foreign Affairs