Nhân vật & Sự kiện

Thế giới phim 'noir' Hàn Quốc: Bạo lực cực đoan và khai thác sự khoái trá là những yếu tố phải có

24/05/2018

Phim ‘noir’ là một thể loại khó nắm bắt và thay đổi — thế cho nên, một số người mới đặt câu hỏi liệu có thể coi đây là một thể loại không. Có nên coi đây là một ‘phong cách’, một ‘phương thức’, một ‘chủ đề’, một ‘cách nghĩ’? Có phải ‘phim noir’ chỉ dành nói đến những phim Mỹ đen trắng được sản xuất trong giai đoạn cổ điển, 1940 đến 1958 không?

Seo Hyeong Kim trong The Villainess của Jung Byung Gil, một ví dụ điển hình về phim ‘noir’ Hàn Quốc

Đối với những người theo chủ nghĩa thuần túy, ‘phim noir Hàn Quốc’ có thể bị loại bởi mâu thuẫn về khái niệm. Nhưng nay, có lẽ hầu hết các nhà phê bình sẽ đồng ý rằng phim ‘noir’ đích thực, và những phim có các yếu tố kiểu ‘noir’, có thể được làm ở bất cứ nơi nào và vào bất cứ thời nào.

Ngay cả trong thời hoàng kim của phim ‘noir’ Hollywood, các nước khác cũng học đòi trong cùng một nguồn. Ở Anh, Carol Reed chỉ đạo Odd Man Out (1947) và The Third Man (1949), cả hai đều có cùng một chủ đề ‘noir’ then chốt: người đàn ông chạy trốn. Tương tự, một bộ phim khác của Anh tự hào về tên gọi chắc chắn được coi là điển hình của phim ‘noir’, Night and the City (1950) của đạo diễn gốc Mỹ, Jules Dassin. Dassin chuyển đến Paris, ở đây ông đã đạo diễn một tác phẩm ‘noir’ kinh điển khác, Rififi (1955) — một phim trộm cướp đầy chất Pháp khai thác một chủ đề rất phổ biến khác trong phim ‘noir’: lòng trung thành và sự phản bội.

Nhân vật chính trong A Bittersweet Life của Kim Jee Woon cho phép một cơn nhân đạo bốc đồng khiến bản thân bất tuân mệnh lệnh của tay trùm và sự trừng phạt đến ngay sau đó

Một thực tập viên hàng đầu khác của phim ‘noir’ Pháp là Jean Pierre Melville, với các phim tội phạm — Bob le Flambeur (1956), Le Doulos (1963), Le Samuraï (1967) — đưa tư thế đen tối cách điệu vào chất thần thoại của phim xã hội đen. Tại Nhật Bản, các yếu tố phim ‘noir’ đã manh mún trong các phim hiện đại của Akira Kurosawa: The Bad Sleep Well (1960) và High and Low (1963).

Định nghĩa phim ‘noir’ như thế nào? Lời của Paul Schrader thường được nhắc tới: “Nó không được xác định… bởi các quy ước về bối cảnh và mâu thuẫn, mà bởi những phẩm chất tinh tế nhất của giai điệu và tâm trạng thì đúng hơn.” Phẩm chất ‘tinh tế nhất’ luôn bị nghi ngờ; ngay cả trong thời hoàng kim tại Hollywood, sự đen tối cũng có thể dễ dàng trở nên quá mức. Và ở phim ‘noir’ Hàn Quốc trong thế kỷ 21, sự kiềm chế gần như không có. Bạo lực cực đoan, khai thác sự khoái trá, dường như là một nghi thức bắt buộc. Những cảnh tra tấn kéo dài là thường xuyên. Những cảnh chiến đấu mở rộng liên quan đến nhiều kẻ tấn công trang bị vũ khí các loại, kèm theo những cảnh đổ máu không ngừng, được phát triển vượt ra ngoài tất cả sự chính đáng. Sự tham nhũng trắng trợn và thân hữu gần như là một yếu tố phải có.

Khoảnh khắc thương hại một trong những nạn nhân được chỉ định khiến nhân vật nữ chính trong Coin Locker Girl gặp rắc rối với mẹ nuôi-một bà trùm băng đảng Incheon

Thông thường, phim ‘noir’ Hàn Quốc xoay quanh vấn đề lòng trung thành và sự phản bội. Nhân vật chính có thể là thành viên của một tổ chức tội phạm nhiều cấp không thể hiện sự trung thành tuyệt đối với sếp. Sun Woo, nhân vật chính trong A Bittersweet Life của Kim Jee Woon, là một ví dụ điển hình. Là quản lý khách sạn và làm theo lệnh của tay trùm tội phạm chủ khách sạn, anh lại cho phép một cơn nhân đạo bốc đồng ngắn khiến bản thân bất tuân mệnh lệnh. Sự trừng phạt đến ngay sau đó: anh bị lăng nhục, bị đánh đập, tra tấn và cuối cùng bị chôn sống.

Một kịch bản tương tự với cách nhìn nữ giới đã làm nên Coin Locker Girl (2015) của Han Jun Hee, trong đó nữ chính là một đứa trẻ mồ côi được người mẹ nuôi, một bà trùm băng đảng Incheon giống như Fagin, dạy dỗ để làm công việc bẩn thỉu của bà. Giống như Sun Woo, cô không chịu nổi một khoảnh khắc thương hại một trong những nạn nhân được chỉ định của mình, khiến cô gặp rắc rối nghiêm trọng với 'Mẹ'.

Asura: The City of Madness xoay quanh vấn đề lòng trung thành và sự phản bội giữa một cảnh sát biến chất làm việc cho thị trưởng tham nhũng

Một biến thể của cấu trúc kịch bản này là Asura: The City of Madness của Kim Sung Soo. Han Do Kyung là cảnh sát biến chất làm việc cho Thị trưởng Park tham nhũng. Nhưng khi anh ta giết một sĩ quan đồng nghiệp, anh lọt vào tầm ngắm của công tố viên trưởng, xuất hiện để tóm thị trưởng và yêu cầu sự giúp đỡ của Han. Sự trung thành của Han giờ đã bị xẻ thành hai đường - và mọi thứ chỉ có thể kết thúc một cách tồi tệ.

Một chủ đề phổ biến hơn trong phim ‘noir’ Hàn Quốc là sự trả thù — như trong Vengeance Trilogy của Park Chan Wook - Sympathy for Mr Vengeance (2002), Oldboy (2003) và Lady Vengeance (2005). Oldboy có lẽ là ví dụ được biết đến nhiều nhất về phim ‘noir’ Hàn Quốc cho đến nay. Nhân vật chính, Oh Dae Su, thức dậy sau một đêm say rượu trong thị trấn nhận ra mình bị cầm tù không có lý do rõ ràng. Ông bị nhốt trong 15 năm tới trước khi được thả một cách bí ẩn tương tự và được cho biết rằng ông có năm ngày để tìm ra lý do ông bị giam giữ.

Nhân vật nữ chính của Lady Vengeance cuối cùng cũng sống sót

Trả thù là chủ đề chính của Oldboy, nhưng theo cách nào đó chúng ta bị cuốn hút vào phim trước cả khi biết được ai đang trả thù và vì sao. Phim cũng cho thấy sự trả thù thường tác động ngược lên người trả thù. Điều này cũng áp dụng đối với Sympathy for Mr Vengeance, trong phim một vụ bắt cóc trẻ em trở thành thảm kịch, dẫn đến cái chết đau đớn cho đứa trẻ, những kẻ bắt cóc và cuối cùng là người cha của đứa trẻ tìm kiếm sự trả thù. Nhân vật nữ chính của Lady Vengeance cuối cùng cũng sống sót, nhưng với thiệt hại đáng kể về mặt thể chất và tinh thần.

Nhiều nhân vật chính trong phim ‘noir’ Hàn Quốc được định vị là những kẻ bên lề xã hội. Một cảnh sát lạc loài là người hùng trong The Unjust của Ryoo Seung Wan (2010), được giao giải quyết vụ án giết người hàng loạt nhắm vào nữ sinh. Trong phim The Chaser của Na Hong Jin (2008), Eom Jung Ho thậm chí còn là một người ngoài cuộc - một cựu cảnh sát nay làm ma cô. Tuy nhiên, anh là người duy nhất đánh lừa được kẻ giết người tàn bạo nhắm vào gái mại dâm, trong khi cảnh sát thường xuyên được khắc họa là bọn bất tài tự mãn.

Nhân vật chính trong phim The Yellow Sea của Na Hong Jin ngập trong nợ nần vì nghiện cờ bạc

Nhân vật chính trong bộ phim tiếp theo của Na Hong Jin , The Yellow Sea (2010) là một người ngoài cuộc khác — một tài xế taxi từ tỉnh Yanbian Trung Quốc, nơi nhiều người Hàn Quốc sống. Nợ nần vô vọng vì nghiện cờ bạc (mạt chược thay vì poker hay roulette), Gu Nam khinh suất nhận lời đề nghị một khoản tiền đáng kể của tay trùm băng đảng địa phương để đến Seoul và giết một người đàn ông mình chưa bao giờ gặp.

Như đã trình bày qua vài ví dụ trên đây, phim ‘noir’ Hàn Quốc trong những năm gần đây đã thiết lập các đặc điểm và quy ước riêng của mình trong thế giới phim ‘noir’ (hoặc ‘neo-noir’) quốc tế. Buổi chiếu quảng bá The Villainess của Jung Byung Gil (2017) ở Liên hoan phim Hàn Quốc tại London năm nay, và The Merciless của Byun Sung Hyun (2017) cùng với nhiều phim ‘noir’ khác trong liên hoan này, cho thấy chủ đề còn lâu mới cạn kiệt.

Dịch: © Chi Nguyễn @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Independent


+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.