Tin tức

Ai quan tâm phim Napoleon sai cái gì? Sự thật lịch sử là kẻ thù của giải trí

29/11/2023

Từ The Sound of Music đến The Great Escape, ở Hollywood giấy phép nghệ thuật luôn quan trọng hơn độ chính xác — và điều này có thể còn tiếp tục lâu dài.

Cảnh trong phim Napoleon của Ridley Scott. Các nhà sử học nước Pháp vạch lỗi rằng Boney thật không có cùng kỵ binh xông trận

Người Pháp đang tỏ ra khó chịu với cách miêu tả Napoléon của Joaquin Phoenix trong phim bom tấn mới của Ridley Scott. Các nhà sử học nước này vạch lỗi rằng Boney thật không lên ngựa cùng kỵ binh xông trận, không nã đại bác vào các kim tự tháp, và ông cũng không có mặt ở Paris trong vụ hành quyết Marie-Antoinette — vào tháng 10 năm 1793, Napoléon ở cách đó hàng trăm dặm, đang trên cơ trong Cuộc vây hãm Toulon. Các nhà sử học ấy có lẽ còn muốn lưu ý rằng Joaquin Phoenix luôn đội mũ trong nhà và không buồn nói giọng đảo Corse.

Scott không hề bối rối trước những lời phàn nàn (“Làm sao họ biết? Bộ họ ở đó à? Hãy bảo những nhà sử học chết tiệt của các người như vậy đi”), và người viết cho rằng ông nói đúng. Ở Oxford, ứng viên đầu vào thường được hỏi: “Làm sao chúng ta biết Wellington thắng trận Waterloo? Đâu ai trong chúng ta có mặt ở đó.” Nói cách khác, thế nào là xác thực? Luôn luôn có định kiến, phỏng đoán, ngay cả trong tin tức tường thuật trực tiếp, tư liệu thời sự, lời kể của nhân chứng. Sự việc được trình bày thiên lệch, suy diễn, bị đánh lừa.

không có nã đại bác vào các kim tự tháp

Lịch sử là một sự hư cấu được đồng thuận, và phim truyện thì không phải là phim tài liệu. Trong Désirée, Napoléon của Marlon Brando thua trận Waterloo do mệt mỏi trong mối quan hệ với Eugénie Désirée Clary, về sau là Nữ hoàng Thụy Điển, do Jean Simmons thủ vai. Trong Waterloo, Rod Steiger hú hét và toát mồ hôi, trận chiến diễn ra không như ý vì bệnh trĩ bùng phát. Chẳng phải chuyện như vậy ít nhiều còn có vẻ hợp lý hơn là Napoléon trong Bill and Ted’s Excellent Adventure, du hành xuyên thời gian đến một công viên nước ở San Dimas, California, tình cờ được gọi là Waterloo, khám phá ra món kem và ăn thỏa thích hay sao?

Mô phạm là kẻ thù của nghệ thuật. Đối với người viết bài này, ghế trong toa tàu hỏa GWR có được bọc không đúng chất liệu vải thì cũng chẳng làm sao, khi có một số khán giả đã phàn nàn về các tập phim của Poirot. Khi Tom Jones của Tony Richardson được phát hành lần đầu tiên, các đồng nghiệp ở Khoa Tiếng Anh của người viết đã rất tức giận việc một trang viên có dây leo hoa tử đằng là lỗi thời. Giống như cái việc vạch lỗi trong The Crown trở thành một môn thể thao quốc gia — Diana chưa bao giờ chọn nhẫn đính hôn ở Monte Carlo, Martin Charteris xuất hiện trong những cảnh lấy bối cảnh năm 1979 trong khi ông đã nghỉ hưu từ năm 1977, Hoàng tử Philip không hẳn là nhân vật phản diện nhạo báng ngầm như miêu tả của Matt Smith, anh cũng không có khuôn mặt hài Stan Laurel của Jonathan Pryce, thực tế là vậy.

Trong Désirée, Napoléon của Marlon Brando (phải) thua trận Waterloo do mệt mỏi trong mối quan hệ với Eugénie Désirée Clary, về sau là Nữ hoàng Thụy Điển, do Jean Simmons (trái) thủ vai

Trong vở kịch Mary Stuart của Schiller, trình diễn lần đầu tiên vào năm 1800, do Donizetti chuyển thể opera, bối cảnh lớn là cuộc đối đầu giữa Nữ hoàng Mary của Scotland và Nữ hoàng Elizabeth I — tuy nhiên, mặc dù họ chưa bao giờ gặp nhau ngoài đời thật, cuộc đối đầu lúc này xem ra là then chốt của câu chuyện, như được thảo luận trong tiểu sử của Stefan Zweig và được miêu tả trong một bộ phim với Vanessa Redgrave và Glenda Jackson.

Chế độ quân chủ thực sự là một chủ đề phổ biến đối với giấy phép nghệ thuật, nghiên cứu, và những sai lầm. Để kỷ niệm Lễ đăng quang của Elizabeth II, Britten đã sáng tác Gloriana — ông mong đợi việc ông khắc họa một nữ hoàng bệnh tật, cô đơn và cuồng loạn sẽ được đón nhận như thế nào? Khi trình bày một Elizabeth I thiếu vắng hơi ấm của con người, phải chăng nhà soạn nhạc đã đưa ra một lời tiên tri?

Hilary Mantel đã làm nên tên tuổi khi sắp xếp lại lịch sử Tudor, sử dụng các chi tiết lịch sử để tạo ra những câu chuyện mới về Henry VIII và Anne Boleyn, những người từ lâu đã là những nhân vật nổi tiếng. Richard Burton và Genevieve Bujold nổi bật trong Anne of the Thousand Days, và bộ trang phục đoạt giải Oscar của Burton sau đó được Sid James mặc trong Carry On Henry, được miêu tả trên poster là: “A great guy with his chopper.” (tạm dịch: “Ông kẹ vác dao pha.”)

Richard Burton và Genevieve Bujold nổi bật trong Anne of the Thousand Days

Phim bộ Carry On khét tiếng đầy lỗi. Phải chăng đặc biệt có vấn đề khi Charles Hawtrey, trong vai Sir Roger de Lodgerley, đeo kính NHS hay Bill Maynard đóng vai Guy Fawkes, mà 23 năm sau khi Henry VIII qua đời mới được sinh ra? Các nhân vật còn uống trà, vài trăm năm trước khi thức uống này du nhập vào Vương quốc Anh, và tản bộ trong khuôn viên Lâu đài Windsor, được dựng vào thế kỷ 18.

E rằng không có bộ phim nào được làm ra trên đời này mà không có sai nọ sai kia. Trong The Sound of Music, thay vì hướng tới Thụy Sĩ tự do khi về đích, Von Trapps leo lên một con đường núi phía tây Salzburg dẫn thẳng đến khu nhà Berchtesgaden của Hitler. Là một gia đình Công giáo, trong suốt bộ phim họ lại hành lễ cầu nguyện Tin lành. Còn bối cảnh nữa chứ. Đối với hầu hết thế giới, Von Trapps của Christopher Plummer là một anh hùng — ở Áo thì không đâu, ông bị coi là kẻ đào ngũ.

Đối với hầu hết thế giới, Von Trapps của Christopher Plummer là một anh hùng trong The Sound of Music — ở Áo thì không đâu, ông bị coi là kẻ đào ngũ

Những câu chuyện về chiến tranh luôn dễ có sai sót. Trong The Great Escape, các phi công RAF mang theo vali lúc bị bắt còn tù binh chiến tranh thì đeo đồng hồ và nhẫn phù hiệu, trong khi trên thực tế họ đã bị lính canh tịch thu hoặc lấy trộm hết cả. Steve McQueen tẩu thoát trên chiếc Triumph 650, sản xuất năm 1963, còn James Coburn trốn thoát qua dãy Pyrénées đến Tây Ban Nha, ngụ ý rằng anh đã băng qua hầu hết nước Đức và toàn bộ nước Pháp bị chiếm đóng mà không bị phát hiện. Trong phim Trân Châu Cảng, y tá đang làm nhiệm vụ, như Kate Beckinsale, mà tô son đánh phấn xinh đẹp quyến rũ, và máy bay ném bom bay ở tầm cao, trong khi lẽ ra phải bay tầm thấp để tránh radar.

Nhưng ai muốn điện ảnh là trường học, hay sân khấu và văn học là giáo trình ở trường đại học chứ? Nhân tiện, nói luôn một chủ đề — quả là chỉ có thể biết nhiều hay biết ít chứ biết làm sao cho hết — xuyên suốt cuốn sách gần đây của người viết về Richard Burton và Elizabeth Taylor. Xem xét, so sánh và đối chiếu nhiều tiểu sử trước đó, phát hiện chúng đầy rẫy những khác biệt — ngày tháng, nơi chốn, địa chỉ, hồi ức; như thể không có gì được phép đứng yên, mọi thứ đều phải chuyển dịch, như thể đang chuyển động. Nhật ký của Burton cũng có những niên đại bị bóp méo, những tài liệu được đưa vào sau đó, trong đủ thứ tâm trạng say rượu hoặc tỉnh táo.

Trong The Great Escape Steve McQueen tẩu thoát trên chiếc Triumph 650, sản xuất năm 1963

Nhìn qua kính hiển vi, tài liệu, một khi đã trơ lì, sẽ cong vẹo. Đặt ra câu hỏi lớn hơn: rốt cuộc thì đâu là sự thật mà trong mọi trường hợp không bao giờ tự nói được cho chính mình? Đời thật bất định; không hợp lý tí nào — giống như, trong Cleopatra, dép quai và giày cao gót của Taylor, trang phục và tóc giả, hết cảnh quay này sang cảnh quay khác. Còn nữa, nữ hoàng Ai Cập của Taylor tiến vào Rome qua Khải hoàn môn Constantine, được xây dựng 350 năm sau, đâu có ở Quảng trường La Mã lúc đó. Trong quan điểm của Twentieth Century Fox về quá khứ cổ xưa thì Viện Nguyên lão mặc áo chùng (toga) màu tím, trên thực tế đây là màu chỉ dành riêng cho hoàng đế — dù trong Carry On Cleo thứ họ mặc là quần lót màu đỏ hàng hiệu Marks and Spencer.

“Cuộc đời tôi thật lãng mạn biết bao!” Napoléon lịch sử đã thốt lên, hiểu rằng sự nghiệp của ông là thứ dành cho các tiểu thuyết gia (Tolstoy) hoặc nhạc sĩ (Beethoven), tức ông cũng chính là hiện tượng chín muồi cho những đánh giá mâu thuẫn trường cửu hoặc đánh giá lại gây tranh cãi. Các sự kiện sẽ được cơ cấu lại, định hình lại, hình thức và nội dung sẽ đối chọi nhau — tình cờ theo kiểu truyện tranh như trong một bộ phim khác của Ridley Scott, Gladiator. Trong phim đó, con chó của Maximus là giống chó chăn cừu Đức (Alsatian), mà mãi đến năm 1899 mới được nhân giống, một đấu sĩ sử dụng chùy gai xích sắt, một loại vũ khí được phát minh vào cuối thời Trung cổ, những bức tượng do Canova chạm khắc vào năm 1795 trang trí cho cung điện của Commodus và khán giả trong đám đông đeo kính râm.

Trong Cleopatra, Nữ hoàng Ai Cập của Elizabeth Taylor tiến vào Rome qua Khải hoàn môn Constantine, được xây dựng 350 năm sau, đâu có ở Quảng trường La Mã lúc đó

Ai nói Hollywood có nhiệm vụ quay phim hiện thực chứ? Giải trí thôi mà.

Dịch: © Hải Đăng @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Telegraph


+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.