Tin tức

Hollywood học được gì từ thành công của những phim dành cho khán giả trưởng thành?

12/10/2012

Năm nay đánh dấu ít nhất là hai mùa hè liền người lớn trở lại rạp chiếu phim.

Meryl Streep và Tommy Lee Jones trong Hope Springs

Theo lẽ thường thì vào mùa hè rạp chiếu phim hoàn toàn dành cho trẻ em và trẻ vị thành niên, rằng Hollywood tin cậy những khán giả trẻ trải qua ngày nghỉ ngốn ngấu bắp rang và phim ảnh thoát ly thực tế trong khi cho khán giả trưởng thành ít động lực để rời khỏi ghế sofa và đối đầu với phòng vé.

Nhưng năm nay lại đánh dấu ít nhất là hai mùa hè liền người lớn trở lại rạp chiếu phim, dù là xem loại phim nghệ thuật thu hút rộng rãi (Moonrise Kingdom) hay phim thời thượng dán nhãn R. (Không kể đến The Dark Knight Rises [đã phát hành ở Việt Nam với tựa Kỵ sĩ bóng đêm trỗi dậy], một người hùng bom tấn thu hút cả người lớn.

Cuối cùng thì Hollywood có tìm ra cách mời khán giả trưởng thành quay lại rạp hay chưa? Hay những phim hè kia che giấu vấn đề lâu dài mà nhà rạp gặp phải khi giành lại lòng trung thành của khán giả trưởng thành phần lớn đã bỏ rơi họ?

Cảnh trong phim Moonrise Kingdom

Mùa hè này, phim nghệ thuật như Moonrise Kingdom The Best Exotic Marigold Hotel trụ khá lâu ở vị trí cao trên bảng xếp hạng phòng vé, noi gương Midnight in Paris hè năm ngoái. Không cứ là phim cần phải nhỏ và cầu kỳ mới thu hút người lớn, nhiều phim thời thượng Hollywood có nội dung thô tục xếp loại R cũng kéo phần lớn khán giả trưởng thành đến rạp hè này, (Ted, Prometheus [đã phát hành ở Việt Nam với tựa Hành trình đến hành tin chết], Magic Mike), lặp lại thành công hè năm ngoái của phim R (Hangover Part II, Bridesmaids, Bad Teacher / Cô giáo lắm chiêu, Horrible Bosses). Những phim này có thể không dự báo thị hiếu che phủ nhau hay cái gì khác ngoài tuổi tác, nhưng cũng chứng minh rằng hè không nhất thiết dành cho trẻ em nữa.

Tuy vậy không có chút dấu hiệu nào là Hollywood hưởng ứng các thành công đó bằng bất kỳ thay đổi nào trong chiến lược kinh doanh. Các hãng phim vẫn hướng đến việc làm phim sự kiện đắt tiền dành cho người dưới 25 tuổi (và khán giả nước ngoài thích hiệu ứng đặc sắc hơn là lời thoại trau chuốt), bỏ mặc mọi thứ nhắm đến những đối tượng khác. Thật thế, tháng 8 có sự ra mắt của phim tâm lý hài Hope Springs, với hai diễn viên kỳ cựu từng đoạt giải Oscar là Meryl Streep và Tommy Lee Jones trong vai cặp vợ chồng cố gắng cứu vãn cuộc hôn nhân của họ, một bộ phim noi gương phim tâm lý hài The Help đình đám năm ngoái trong việc phục vu khán giả trưởng thành trong một tháng 8 ảm đạm khác và có bước nhảy sớm vào mùa giải thưởng. Chứ còn không thì, hầu như chỉ toàn cháy nổ với lại trang phục bó sát cả.

Ted, phim hài dung tục xếp loại R cũng kéo được khán giả người lớn đến rạp ở Mỹ

Chắc bạn nghĩ Hollywood muốn làm thêm gì đó để thu hút người lớn. Theo một nghiên cứu năm 2010, khán giả trên 50 tuổi chiếm số đông nhất, dù họ không đi xem phim thường như thanh thiếu niên. Có nhiều lý do, những vấn đề mà ngành công nghiệp phim ảnh đang giải quyết một cách lung tung, bao gồm:

Giá vé

Giá của một buổi tối ở rạp phim là một trong những yếu tố khiến khán giả chùn chân và ở nhà xem phim trong phòng khách, đặc biệt là thời buổi kinh tế hiện nay. Một nghiên cứu gần đây của PricewaterhouseCoopers xác nhận rằng điều này sắp được giải tỏa, dự đoán giá vé trung bình những năm tới sẽ không tăng vọt như vài năm gần đây. Không may là chắc còn lâu mới có chuyện đỡ khổ; nói cho cùng nghiên cứu này cũng cho rằng lý do giá vé trung bình tăng mạnh những năm qua là vì bùng nổ phim 3D, kèm với tiền thuê kính. Phần phí thêm đó không có sớm mất đi được đâu, cả sự háo hức của các hãng phim lẫn nhà rạp đối với chiêu này. Điều đó có nghĩa, nếu giá vé giảm (hay tăng nhẹ), thì không phải vì vé ngày càng rẻ mà vì càng ít người đi xem nghĩ bỏ thêm tiền cho 3D là xứng đáng. Tính mới lạ rồi cũng qua đi. (Hay vì TV 3D sẽ phổ biến hơn và khiến trải nghiệm xem 3D ở rạp bớt đặc biệt).

Thức ăn

Không phải lượng vé bán mà chính thức ăn vặt mới là thứ giúp nhà rạp kiếm lời, và người lớn không mua bắp rang, nước ngọt nhiều như bọn trẻ. Một bài báo mới đây trên tờ Salon chỉ ra những vấn đề này (tựa bài là “Hollywood ghét người lớn?”) nêu tên một chủ rạp từng khẳng định khán giả trẻ bỏ 7 USD/người ở quầy thức ăn, so với 2USD một người lớn. (Người viết thì thích một rạp phim bán thức ăn vặt hay thức uống chỉ 2 USD). Vì thế có quá ít động lực để chủ rạp đặt mức giá hấp dẫn với người lớn hơn với khán giả trẻ.

Khi đến rạp theo phản xạ người lớn cũng chỉ tiêu thụ những túi bắp rang đầy dầu và nước ngọt nhiều đường

Dĩ nhiên, ngày càng nhiều rạp cố gắng tăng lượng thức ăn mà khán giả trưởng thành tiêu thụ bằng cách chào mời thêm các lựa chọn ăn uống phức tạp hơn, bao gồm ăn tại ghế ngồi (với chất lượng bữa ăn và dịch vụ như nhà hàng) cùng rượu bia (có lợi thế là buộc nhà rạp phải cấm các thanh niên choai choai dưới 21 tuổi xem một số buổi chiếu). Nhiều rạp khác thử thêm vào thức ăn vặt có lợi cho sức khỏe như nước trái cây hay thanh ngũ cốc vào thực đơn. Không may là, theo như Hiệp hội Rạp chiếu bóng Hoa Kỳ (NATO) ghi nhận thì thức ăn vặt có lợi cho sức khỏe không bán được. Khi đến rạp theo phản xạ chúng ta chỉ tiêu thụ những túi bắp rang đầy dầu và nước ngọt nhiều đường.

Trải nghiệm tại rạp

Vài năm qua, các rạp phim đã đầu tư hàng trăm triệu USD để nâng cấp khán phòng cùng những hàng ghế, hình chiếu kỹ thuật số và các tiện nghi khác, trong một nỗ lực dễ thấy là giúp cho trải nghiệm xem phim tại rạp của bạn dễ chịu và tiên tiến như xem đĩa Blu-ray tại nhà. Còn một khác biệt lớn giữa xem ở nhà và ở rạp là cảm giác chung, điều này cũng có thể nâng cấp được nhưng nhà rạp có lẽ không chỉnh sửa đúng cách. Trong một thế giới xem phim đầy những người bàn tán phía dưới, làm đổ nước ngọt dính trên sàn hay đem trẻ em còn quá nhỏ vào rạp, và một trong những phiền toái đáng bực nhất là điện thoại. Kể cả những người không nghe điện thoại vẫn nhắn tin khi đang xem phim, tiếng bàn phím bấm và ánh sáng le lói trong phòng chiếu tối om. Hai lần trong năm nay, NATO đã đề xuất đối phó với việc nhắn tin không phải bằng cách ra lệnh cấm (không muốn khiến trẻ em, khán giả thường xuyên của rạp nổi giận) mà bằng những buổi chiếu riêng cho phép nhắn tin. Thật may chuỗi rạp Alamo Drafthouse, tự hào với việc dập tắt được bất kỳ vị khách ồn ào nào, vẫn duy trì chính sách không khoan nhượng tương tự với nhắn tin. Một bài viết gần đây trên blog của chuỗi rạp này lập luận rằng nhân nhượng với hành vi bất lịch sự đó là mối đe dọa lớn hơn cho phòng vé so với việc quyết liệt với người nhắn tin. Song, các chuỗi rạp lớn hơn vẫn chưa vào cuộc, giám đốc điều hành của Regal và IMAX nói rằng họ có thể thử nghiệm các buổi chiếu cho phép nhắn tin.

Nhiều rạp đưa thêm lựa chọn ăn uống phức tạp như ăn tại chỗ, với chất lượng bữa ăn và dịch vụ như nhà hàng

Chất lượng phim

Theo một khảo sát vui không theo khoa học với những người theo dấu trên Twitter và Facebook của tác giả, điều khuyến khích người lớn đến rạp nhất là phim hay – phim chất lượng, cốt truyện hấp dẫn và nhân vật thú vị, và có thể có chút tình cảm nữa. Không phải phim nào hãng gán mác R cũng đạt (lý do Magic Mike thành công còn That’s My Boy thì không). Ngược lại, nhiều phim bom tấn hè đạt chuẩn (đáng kể phải là The Dark Knight Rises, đủ trí tuệ để thu hút người lớn cũng như khán giả trẻ thích hiệu ứng hoành tráng). Hình ảnh hấp dẫn cũng có lợi, Ted có thể khéo léo và hài hước, nhưng lại không có gì đậm chất điện ảnh cả, không giống như phần tiếp theo về Người Dơi của Christopher Nolan đẹp mắt, hoành tráng đến tỉ mỉ hay chân thật kỹ lưỡng như Moonrise Kingdom của Wes Anderson. (Người được khảo sát cho biết họ sẵn lòng chờ Ted phát hành đĩa xem tại nhà, nhưng lại háo hức đến rạp để xem Dark Knight Rises, kể cả ở IMAX).

Vậy bài học mà Hollywood nhận được từ thành công với khán giả trưởng thành mùa hè này là gì? Bom tấn nên vừa trí tuệ vừa hoành tráng? Những phim lập dị rẻ tiền có thể đem về một khoản kha khá? Hollywood không giỏi làm những phim như thế. Mà thay vào đó, chúng ta lại thấy phim siêu người hùng nhầm lẫn giữa sự kiên định và sâu sắc, rồi phim xếp loại R dựa vào mánh lòe bịp như vũ công nam thoát y và thú biết nói.

Dịch: © Thái Hiền @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Moviefone


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi

+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.