Tin tức

Les Misérables: Mơ một giấc mơ nhiều giải thưởng hơn

18/12/2012

Vào đầu bản chuyển thể điện ảnh sắp ra mắt của Les Misérables (phát hành ở Việt Nam với tựa Những người khốn khổ), Anne Hathaway và một nhóm công nhân nhà máy lấm lem hát về “một ngày mới đang rạng dần”. Liệu đó có là một ngày tốt hơn không? Hay công sức của họ chỉ đổ sông đổ biển?

Poster phim

Working Title Films, đồng sản xuất Les Misérables với Cameron Mackintosh, đang đương đầu với câu hỏi tương tự khi hãng đã hồ hởi một chiến dịch giải thưởng rầm rộ cho phim. Bộ phim nhạc kịch toàn sao này có thể tạo tiếng vang tại các cụm rạp, tràn vào giải Oscar và lập tức vực dậy công ty đã có vài năm không yên ả này. Hoặc Les Misérables có kết cục như bản chuyển thể The Phantom of the Opera năm 2004 – doanh thu phòng vé ảm đạm, một vài đề cử Oscar, chẳng có giải thưởng nào.

Working Title, có cơ sở ở London, từng là một trong những nhà cung cấp phim thương mại kinh điển đáng tin cậy nhất của Hollywood: Fargo, Billy Elliot, Elizabeth, Bridget Jones’s Diary, Four Weddings and a Funeral, Pride & Prejudice. Nhưng công ty này, từng có 53 đề cử và sáu giải Oscar, đã mất phương hướng trong những năm gần đây. Thi thoảng hãng vẫn mang đến tác phẩm đáng giá – Tinker Tailor Soldier Spy là một trong số đó – nhưng con số đánh hụt đã vượt quá con số trúng.

Như nhiều nhà cung cấp phim có chất, Working Title đã bị đánh văng khỏi thế cân bằng bởi nhiều thế lực khác nhau. Doanh số DVD rơi không phanh. Khán giả bắt đầu khước từ phim hài tình cảm, từng là một trong những thể loại hãng cậy dựa vào. (Đã điều chỉnh theo lạm phát, Love Actually của hãng do Richard Curtis đạo diễn thu về 300 triệu USD trên toàn cầu năm 2003.) Trong lúc đó, Universal Pictures, công ty trả phí phát triển kịch bản cho Working Title và cấp kinh phí cho hầu hết các phim của hãng, trải qua thời kỳ khủng hoảng về quản lý.

Tim Bevan (trái) và Eric Fellner

Hệ quả: Tim Bevan và Eric Fellner, chủ tịch của Working Title, bắt đầu lệch khỏi lối đi họ giỏi nhất. “Chúng tôi làm phim nhỏ với kinh phí lớn, điều đó chẳng khi nào tốt cả,” ông Fellner nói, kể về những nỗi thất vọng gồm phim chính kịch chiến tranh Green Zone, bí ẩn báo chí State of Play và phim hài lịch sử Pirate Radio.

“Thật lòng mà nói, chúng tôi đã có nhiều quyết định chẳng đúng,” ông thêm vào gọn lỏn.

Les Misérables, cùng với tác phẩm có tầm nhỏ hơn nhiều Anna Karenina của Working Title, có thể là đợt hồi phục phong độ của ông Fellner và ông Bevan. Vẫn còn sớm, nhưng Les Misérables, chỉ tốn một mức khá rẻ là 61 triệu USD để sản xuất (sau khi đã cân nhắc vấn đề thuế má), đang trở thành vừa là bom tấn vừa là một ứng viên giải thưởng lớn. Trong lúc vài nhà bỏ phiếu cho Oscar có thể bị ‘dội’ bởi độ dài phim – 2 tiếng 38 phút – tiếng râm ran từ các đợt chiếu trong ngành đã mang tính hứng khởi tràn ngập, đặc biệt hướng về Hathaway, người vào vai Fantine hấp hối.

Anne Hathaway trong Les Misérables

Dù một nhà phê bình của The Hollywood Reporter đã cho Les Misérables một bài bình luận chỉ trích dữ dội, giới phát hành vẫn liệt kê phim này là “ngựa ô” trong chín hạng mục Oscar. Deadline.com cho rằng phim là “một ứng viên lớn tức thời” sau đợt chiếu cuối tháng 11 ở New York và Los Angeles. Có thể đảm bảo là một xấp đề cử dày là mức tối thiểu dành cho tác phẩm sẽ ra rạp vào Giáng sinh này. Bộ phim gần nhất do Universal phân phối đoạt giải phim hay nhất là A Beautiful Mind năm 2001.

Anna Karenina siêu kỳ ảo, tốn khoảng 30 triệu USD sản xuất, đang có chặng đường vất vả hơn. Hai ông Bevan và Fellner hy vọng rằng ghép Keira Knightley với đạo diễn Joe Wright lần ba – họ từng cộng tác trong Pride & Prejudice (Kiêu hãnh và định kiến) năm 2005 và ‘con cưng’ của các nhà phê bình Atonement năm 2007, đều cho Working Title – sẽ mang đến kết quả mạnh mẽ tương tự. Tuy vậy, đang có phê bình nhiều chiều và doanh thu bán vé cho đợt ra mắt chưa rộng khắp của phim vững vàng nhưng không ngoạn mục.

Anna Karenina đã thu về khoảng 16,2 triệu USD trên toàn cầu từ khi mở màn vào ngày 16/11. Gần như chắc chắn phim sẽ nhận được sự chú ý của Oscar trong các hạng mục như thiết kế trang phục (các đề cử trong các hạng mục tốn năng lượng hơn cũng là khả thi), điều này có thể thúc đẩy tình hình phòng vé. Lễ trao giải Oscar sẽ diễn ra vào ngày 24/2/2013.

Anna Karenina

Nếu Universal mà có chút gì không hào hứng với hướng Working Title hiện đang nhắn đến, bạn cũng sẽ không nhận ra khi nói chuyện với Donna Langley, đồng chủ tịch của hãng, đâu. “Các phim này cực kỳ quan trọng với chúng tôi,” bà nói.

Các phim của Working Title đã luôn thể hiện tốt ở nơi khác hơn ở Bắc Mỹ. Cuối thập niên 1990, với thành công quốc tế của các phim như Dead Man Walking, công ty sản xuất này được biết đến ở Hollywood như là Miramax của châu Âu. Giờ đây, với ngành kinh doanh phim đang dần phát triển trên toàn cầu, ngón nghề “nói chuyện được với khán giả thế giới” của Working Title, như cách bà Langley miêu tả, làm cho hai ông Bevan và Fellner trở thành các đối tác trọng yếu.

Hợp đồng của họ với Universal sẽ hết hạn năm 2015.

Hai ông Fellner và Bevan phục hồi phong độ một phần bằng cách dựa nhiều vào các mối quan hệ sáng tác trụ cột của họ. Họ nhờ ông Wright làm Anna Karenina chẳng hạn. Ông Curtis có một phim chính kịch hài vào tháng 5/2013 tên About Time, có Rachel McAdams và Bill Nighy đóng chính. “Tim và Eric tạo nên một môi trường đầy tính động viên và an toàn,” ông Wright nói. “Họ đang liều lĩnh một cách sáng tạo, và điều đó cực quan trọng cho tương lai điện ảnh.”

Keira Knightley (phải) và Joe Wright trên phim trường

Les Misérables, do Tom Hooper – người đã đoạt Oscar năm ngoái cho việc đạo diễn The King’s Speech – chỉ đạo, không có vẻ là nước cờ liều cho lắm. Phim dựa trên một vở nhạc kịch nổi như cồn đã được khoảng 60 triệu khán giả xem ở 43 nước. Cùng với Hathaway, Les Misérables còn có sự tham gia của Hugh Jackman và Russel Crowe, trong dàn diễn viên còn lại.

Nhưng bộ phim dựa trên quyển tiểu thuyết mang tính tượng đài về Cách mạng Pháp của Victor Hugo này “không là một trận thắng chắc,” bà Langley nói. Phim nhạc kịch, lại còn nói về lịch sử, có thể đầu độc phòng vé. Câu chuyện cũng khá u ám; dù khi lên sân khấu trông như một câu chuyện thần tiên, thì tội phạm, các cuộc cách mạng (và cống rãnh) rõ mồn một trên phim.

Mặt khác, khán giả có thể cảm nhận rõ hơn lúc nào hết câu chuyện về người tư sản và vô sản. Và Bevan hy vọng quyết định sáng tạo để cho diễn viên hát trực tiếp trên phim trường (thay vì nhép miệng theo nhạc đã được thu âm đẹp đẽ) sẽ thu hút khán giả.

“Đó gần như là một trải nghiệm trực tiếp và mang cả một chiều khác đến cho phim, thứ bạn chưa từng thấy,” ông Bevan nói. “Điều đó thêm vào một chút nguy cơ – bản năng hơn, hào hứng hơn, cảm xúc hơn.”

Dịch: © Mai Khanh @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The New York Times


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi

+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.