Movie Blogs

Les Misérables - nước mắt khán giả chính là thành công

12/01/2013

Khi dịch bài bình luận phim Những người khốn khổ của nguồn The Star-Ledger, tôi đã phải tự hỏi có phải đôi khi những người làm nghề bình luận phim xem phim một cách quá lý trí không? Họ xem phim để đánh giá từng góc độ kỹ thuật, từ một ánh mắt của người chuyên môn.

Nhưng nhiều khi, có lẽ một bộ phim không cần phải được “soi” một cách khắt khe thế, mà cần chạm được trái tim người xem, khiến cảm xúc dâng trào. Và nếu đánh giá theo những tiếng sụt sịt của khán giả suốt nửa thứ hai của bộ phim trong buổi chiếu tôi xem hôm nay, thì Les Misérables chắc chắn đã thành công trong nhiệm vụ đó.

Tôi nghĩ, một phần vấn đề của bộ phim này là tác phẩm nhạc kịch gốc đã quá nổi tiếng và được yêu thích. Thế nên, ngay từ những ngày chưa có diễn viên, bộ phim đã bắt đầu được tung hô và kỳ vọng là một trong những phim hay nhất sẽ ra mắt trong năm 2012. Song lẽ, trừ khi phim thực sự xuất sắc, thì thật khó đạt được những kỳ vọng đó. Với điểm 70% trên Rotten Tomatoes, Les Misérables thực ra cũng có thể được là phim khá, dù có thể không là tuyệt tác như mọi người muốn. Không phải bộ phim hoàn hảo, nhưng cũng không có nghĩa đây không phải là phim không đáng xem.

Một điều tôi cảm thấy có thể khiến mọi người cho rằng phim này khó xem là, giống bản sân khấu gốc, đây là nhạc kịch với lời nhạc hoàn toàn, và cả bộ phim có được trên dưới 10 lời thoại nói ngắn. Thường thì phim ca nhạc mà chúng ta quen xem vẫn có một lượng thời thoại nói lớn, và những bài hát được dùng để thể hiện những khoảnh khắc quan trọng hay cao trào của bộ phim. Nhưng Les Misérables được hát từ đầu tới cuối. Có thể trên sân khấu, khi giọng hát của các diễn viên có được sức vang hơn, thì cách này thực sự hiệu quả hơn.

Trên màn ảnh rộng, nhiều khi những câu hát đối thoại lẻ, được thu trực tiếp trên phim trường khi diễn viên diễn, nghe có lúc cũng đều đều như nói, nhất là khi chúng chỉ nhằm kể chuyện chứ không có những nốt nhạc cao trào cùng cảm xúc. Khi hát mà đã như nói, thì thà nói còn hơn. Có lẽ chính những đoạn đó đã khiến ấn tượng của người xem về chất lượng âm nhạc của cả bộ phim đi xuống. Vì trên thực tế, những bài hát trong những khoảnh khắc quan trọng và cao trào như I Dreamed a Dream, On My Own, Bring Him Home, Empty Chairs at Empty Tables, Do You Hear The People Sing?, Valjean's Death, chính là những khúc nhạc khiến khán giả phải rơi nước mắt.

Hugh Jackman trong vai Jean Valjean

Hugh Jackman trong vai Jean Valjean đảm nhiệm một vai trò lớn trong bộ phim, và không phải lúc nào anh cũng khiến tôi hài lòng. Có vài cảnh, không hiểu có phải vì cách thu âm giọng hát ngay trên trường quay của đạo diễn hay không mà tôi phải nhăn mặt vì: 1) chẳng nghe thấy anh hát gì và 2) có nghe nghe được lời hát thì cũng có cảm giác thiếu sức sống. Nhưng trong những bài hát quyết định như Who Am I, Bring Him Home The Confrontation với Javert, giọng hát anh thực sự bay cao và anh trở nên tuyệt vời.

Điều ngạc nhiên là sau những lời bình luận không mấy tốt lắm của nhiều nhà phê bình về vai Javert của Russell Crowe, tôi thích cách thể hiện nhân vật này hơn tôi nghĩ. Giọng hát của anh thực sự là không đều lắm, nhưng mà ai ngoài đời hát được như ca sĩ trong phòng thu? Và có lẽ trong một bộ phim thế này, chất giọng thật ít chỉnh sửa khiến nhân vật thật hơn. Và vì đây là Russell Crowe, cảm xúc hiện trên nét mặt Javert trong những bài hát như Stars Javert's Soliloquy cũng hoàn thành nhiệm vụ thể hiện nội tâm nhân vật.

Valjean và Fantine (Anne Hathaway đóng)

Từ khi ra trailer, người ta đã bắt đầu khẳng định là Anne Hathaway hoàn toàn có thể an tâm về giải Oscar cho hạng mục Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất chỉ với khúc hát I Dreamed a Dream. Tôi không biết có được Oscar hay không, nhưng khoảnh khắc nghẹn ngào, tức ngực, mắt cay cay đầu tiên của tôi khi xem Les Misérables chính là lúc nghe bài hát này. Chỉ nghe tiếng hát trong trailer thôi thì chưa đủ, bạn còn phải xem cả những nét đau khổ, tuyệt vọng mà Anne Hathaway thể hiện lúc đó. Gần suốt bài hát, trên màn ảnh chỉ là cận cảnh mặt Fantine, và bạn có thể thấy từng giọt lệ, từng nét đau thương. Khoảng không đen tối trống vắng bên cạnh và đằng sau cô chỉ nhấn mạnh sự cô đơn nhục nhã của nhân vật lúc đó. Có chút hy vọng thoáng nở trong Fantine khi cô hát về người yêu đã ở bên cô suốt mùa hè, nhưng với câu “khi mùa thu đến, chàng đã ra đi”, cả nét mặt và giọng hát của cô bỗng vỡ òa, nét đau khổ hiện thật rõ trong ánh mắt. Nhưng có đau khổ, tức là cô vẫn còn có cảm xúc. Điều đau đớn thực sự cho người xem là ánh mắt vô hồn của Fantine trong những nốt nhạc cuối cùng, khi giấc mơ, hạnh phúc, hy vọng đều đã tắt.

Ngoài Anne Hathaway, nếu có một diễn viên khác hoàn hảo trong phim này, thì phải là Isabelle Allen trong vai Cosette khi nhỏ. Đôi mắt xanh sâu thăm thẳm của cô bé cùng giọng hát trong trẻo khiến cô bé với ước mơ lâu đài trên đám mây trở nên càng đáng thương hơn.

Tôi phải nói là tôi thấy Cosette khi lớn cứ… nhạt nhạt thế nào ấy. Có lẽ vì tôi không thấy mối tình giữa Cosette và Marius hấp dẫn cho lắm. Chỉ đến cuối phim, trong khúc hát khi Valjean chết, tôi mới thực sự có cảm xúc cho nhân vật này.

Éponine và Marius trong cảnh bài hát A Little Fall of Rain

Còn trong mối tình kia, thật ra tôi ấn tượng hơn nhiều với Samantha Barks trong vai Éponine, cô gái ôm tình yêu đơn phương với Marius. Khi hát On My Own khi cô nhận ra Marius sẽ không bao giờ yêu mình và trong bài A Little Fall of Rain, hát khi cô sắp chết vì đỡ đạn cho Marius, Samantha Barks đã biến Éponine thành một cô gái không chỉ tồn tại trên màn ảnh. Cô là hiện thân của bao mối tình đơn phương cả trong phim và ngoài đời. Tôi thương cảm cho tình yêu cô dành cho Marius, sự ích kỷ cũng như sự hy sinh của cô trong mối tình đó, hơn là cho tình yêu màu hồng của Cosette. (Và cảm ơn trời là không ai cho Taylor Swift vào vai này như người ta từng đồn!)

Eddie Redmayne có thể nói là đóng tròn vai Marius cho đến cuối cùng, anh thực sự trở nên xuất sắc với Empty Chairs at Empty Tables, khi Marius tưởng nhớ những người bạn tử mạng trong cuộc cách mạng. Đến lúc đó, ít ai ngồi quanh tôi trong phòng chiếu còn cầm được nước mắt. Những giọt lệ chảy dài trên má Marius cũng là nước mắt của khán giả. Tôi không thể tả được cái gì trong cách thể hiện bài hát đó của anh khiến cảnh đó trở nên đau nhói tới thế, chỉ biết là đó là một trong những bài hát hút hồn nhưng cũng đau nhất trong cả bộ phim.

Do You Hear the People Sing?

Đây là một bộ phim từ đầu đến cuối luôn bắt khán giả phải khóc, nhưng bộ phim vẫn kết thúc trong hy vọng hướng tới một tương lai tươi đẹp hơn, với Do You Hear the People Sing? rộn ràng lặp lại ở cuối phim. Nếu phải chọn bài hát tôi thích nhất trong tất cả, thì tôi sẽ chọn bài này.

Tôi nghĩ điều cần nhớ khi xem phim này là đây là phim chuyển thể từ vở nhạc kịch chứ không phải chuyển thể từ tiểu thuyết. Mục đích của nó không phải là thể hiện chi tiết những thông điệp về xã hội, tôn giáo, chính trị, ân điển và tha thứ của tiểu thuyết. Tất nhiên, vì nhạc kịch được dựa theo tiểu thuyết, nên một phần những thông điệp đó cũng xuất hiện, nhưng sức hút chính của bộ phim vẫn là tiếng hát. Vì người hát là diễn viên, không phải ca sĩ và vì họ hát với những cảm xúc của nhân vật trong những khoảnh khắc đó, tất nhiên giọng hát không thể trơn tru như trong phòng thu. Cách thu giọng hát trực tiếp thay khi diễn của đạo diễn Tom Hooper có điểm yếu của nó, nhưng vẫn giữ được cảm xúc lúc diễn của diễn viên. Chính những cảm xúc đó đã khiến khán giả phải khóc, và có lẽ đó chính là cái hay của bộ phim này.

© Xuân Hiền @Quaivatdienanh.com


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi