Tin tức

Điện ảnh 2013 nhìn lại: Điện ảnh Hoa ngữ - Người khổng lồ đang trở mình

28/01/2014

Năm 2013 có thể được xem là một bước ngoặt đối với công nghiệp phim ảnh Trung Quốc, khi các phim nước này chiếm 58% của con số 21,7 tỉ nhân dân tệ (tương đương 3,6 tỉ đôla) doanh thu phòng vé, tăng so với tỷ lệ 48% của năm 2012. Thành tích này đạt được dù đã giảm bảo hộ hành chính đối với phim Trung Quốc, với số lượng phim nước ngoài được chiếu ở Trung Quốc tăng kể từ năm 2012, khi hạn ngạch nhập khẩu tăng lên.

Vì thế thay vì lo lắng liệu công nghiệp phim ảnh Trung Quốc có thể sống sót hay không, sự tập trung giờ đây là nhắm vào phát triển bền vững, và một vài thay đổi có lợi trong năm 2013 bảo đảm phim ảnh Trung Quốc có sức cạnh tranh hơn trong tương lai.

Cơ cấu khán giả Đại lục thay đổi - thể loại phim thay đổi

Đáng chú ý nhất là có sự thay đổi trong cấu trúc khán giả, vì khán giả trở nên trẻ trung hơn. Theo cuộc khảo sát gần đây của Entgroup, một viện nghiên cứu của ngành giải trí Trung Quốc, độ tuổi trung bình của khán giả giảm xuống dưới 25, và vẫn đang tiếp tục giảm. Một phần nguyên nhân của điều này là nhiều rạp và phòng chiếu đã khai trương ở các thành phố cấp hai và cấp ba, và khán giả mới ở các thành phố nhỏ hơn chủ yếu là khán giả trẻ. Tổng số 5.077 phòng chiếu khai trương ở Trung Quốc năm 2013, và doanh thu phòng vé ở các thành phố cấp một chỉ chiếm 47,8% tổng doanh thu. Người ta dự đoán rằng tỷ lệ doanh thu của các rạp ở thành phố cấp một trong tổng số lợi nhuận phòng vé sẽ tiếp tục giảm trong những năm tới.

Cảnh trong phim So Young

Điều này dẫn đến một sự thay đổi trong thể loại phim được sản xuất, vì các nhà làm phim đang hướng mục tiêu sản phẩm của họ vào lứa tuổi thanh thiếu niên. Trong 10 phim có doanh thu cao nhất năm 2013, bảy phim là của Trung Quốc, trong số đó có năm phim hướng đến nhóm khán giả sinh sau năm 1980. Ví dụ, So Young / Gửi tuổi thanh xuân rồi sẽ trôi qua của chúng ta của nữ diễn viên nổi tiếng lần đầu làm đạo diễn Triệu Vy mô tả cuộc sống của một nhóm sinh viên trong những năm 1990 và đánh mất sự ngây thơ. Không có gì ngạc nhiên, đây là một tác phẩm đình đám và là phim có doanh thu phòng vé đứng thứ ba trong năm 2013, mang về khoảng 720 triệu nhân dân tệ.

Ở mức độ nào đó, sự thay đổi trong cấu trúc khán giả và đối tượng phim cung cấp một nền tảng vững chắc cho thị trường ổn định trong tương lai, và người ta đoán rằng Trung Quốc sẽ phát triển từ thị trường điện ảnh lớn thứ hai thành lớn nhất trong 10 năm tới, vượt mặt thị trường Mỹ.

Hệ thống chuyển mình: phi tập trung và chuyên môn hóa

Ngoài sự thay đổi này trong thị trường Trung Quốc, có những phát triển tích cực trong cấu trúc ngành công nghiệp điện ảnh Trung Quốc, khi chuyển từ một hệ thống tích hợp và quy mô lớn sang ngành công nghiệp điện ảnh phi tập trung, linh hoạt và chuyên môn hóa, một sự chuyển đổi tương tự như Hollywood đã trải qua trong những năm 1950 và 1960.

Một số lĩnh vực được chuyên môn hóa đã gặt hái những tiến triển tốt. Ví dụ như tiếp thị phim, trước đây do chính công ty sản xuất phim thực hiện. Ngày nay, công ty chuyên về tiếp thị đảm nhận khâu này và đã giúp nâng cao hình ảnh phim Trung Quốc. Dữ liệu cho thấy rằng trong số 26 phim Trung Quốc mang về hơn 100 triệu nhân dân tệ ở phòng vé trong nửa đầu năm 2013, có 17 phim do một bên thứ ba là công ty chuyên môn thực hiện tiếp thị.

Tiểu thời đại

Internet đã thúc đẩy quá trình tiếp thị phim Trung Quốc của bên thứ ba. Sự phổ biến của việc xem trên các trang web về phim ảnh, truyền thông xã hội và “từ trực tuyến (online) đến ngoại tuyến (offline)” đã thay thế một số chiến lược quảng cáo và tiếp thị truyền thống. Tiny Times / Tiểu thời đại là một ví dụ, phim nhắm đến khán giả tuổi hoa niên, chủ yếu là các cô gái độ tuổi từ 15 đến 25, bằng cách kết hợp nhiều vấn đề nóng bỏng được thảo luận trên microblog vào nội dung phim, đạo diễn và các diễn viên sẽ thảo luận những vấn đề này trực tuyến làm quảng cáo tiền phát hành cho phim. Điều đó giúp xây dựng khán giả cho phim, và nhiều khán giả trả tiền trước để đảm bảo họ nằm trong số những người đầu tiên xem phim, cuối cùng phim thu về gần 500 triệu nhân dân tệ ở phòng vé và đạt kỷ lục có tỷ lệ lợi nhuận trên chi phí sản xuất cao nhất trong các phim Trung Quốc trình chiếu năm 2013.

Các định chế đầu tư điện ảnh Đại lục xuất hiện

Có nhiều ủng hộ về mặt tài chính hơn đối với phim Trung Quốc, đã thúc đẩy tiềm năng phát triển của nền công nghiệp điện ảnh nước này. Sự hợp tác và tương tác giữa các công ty tài chính và công ty phim ảnh trở nên ngày một nổi bật, vì sự thành công của điện ảnh Trung Quốc gia tăng đang thu hút đầu tư nhiều hơn. Kết quả là các nhà làm phim Trung Quốc tập trung vào những dự án phim thương mại nhiều hơn để tối đa hóa lợi nhuận đầu tư. Ví dụ, tác phẩm điện ảnh mới của Phùng Tiểu Cương Personal Tailor, do Hoa Nghị Huynh Đệ sản xuất, được niêm yết trên thị trường chứng khoán Thâm Quyến. Phim đã phát hành ngày 19/12/2013 và thu về 570 triệu nhân dân tệ ở phòng vé trong hai tuần.

Có tin các ngân hàng thương mại Trung Quốc đã ban hành quỹ tín dụng hơn 600 triệu nhân dân tệ cho ngành công nghiệp phim ảnh từ năm 2006 đến năm 2011. Đến cuối năm 2013, số lượng cổ phiếu tư nhân đầu tư trong công nghiệp truyền hình và phim ảnh đã vượt quá 32 tỉ nhân dân tệ. Một lượng vốn khổng lồ và lực bẩy như vậy có thể giúp ngành công nghiệp này tận dụng được ưu thế của sản xuất quy mô lớn và chuỗi công nghiệp tích hợp. Tuy nhiên, cơ chế hỗ trợ, chẳng hạn như hệ thống đánh giá rủi ro và đảm bảo, là cần thiết để thu hút thêm vốn cho ngành công nghiệp phim ảnh Trung Quốc.

Personal Tailor của Phùng Tiểu Cương do Hoa Nghị Huynh Đệ bỏ vốn sản xuất

Ngành công nghiệp phim ảnh Trung Quốc có thể duy trì được những thuận lợi ở trên hay không sẽ có ý nghĩa cho sự phát triển trong tương lai, nhưng chắc chắn những thuận lợi này sẽ hỗ trợ cho sự bùng nổ trong năm 2014.

Điện ảnh Hồng Kông thua trên sân nhà

Trái ngược với Đại lục, điện ảnh Hồng Kông năm 2013 thua về tay Người Sắt!

Iron Man 3 thống trị phòng vé Hồng Kông năm 2013, trong khi Unbeatable thắng vô đối ở danh mục tốp 10 phim nói tiếng Hoa.

Phần ba bộ phim của Marvel do Robert Downey Jr. cầm chịch thu về 13,7 triệu đôla (106,4 triệu đôla Hồng Kông) trong hai tháng ra rạp ở thị trường này vào giữa năm 2013, theo Hong Kong Box Office Ltd., một đơn vị thuộc Hiệp hội công nghiệp điện ảnh (Motion Pictures Industry Association) và Hiệp hội rạp chiếu ở Hồng Kông. Đây là phim duy nhất không phải của James Cameron đạo diễn mà qua được mốc 100 triệu đôla Hồng Kông ở đặc khu này.

Về nhì là phim hoạt hình Monsters University của Pixar với 9,95 triệu đôla.

Phim về võ tổng hợp Unbeatable, do Trương Gia Huy đóng chính, thu được 5,7 triệu đôla, về ba trên bảng tổng sắp 10 phim có doanh thu cao nhất năm 2013 và là phim nói tiếng Hoa có doanh thu cao nhất.

Unbeatable

World War Z do Prad Pitt sản xuất và đóng chính về thứ tư với 5,5 triệu đôla, theo sau là một phim khác cũng của Marvel, Thor: The Dark World với 4,7 triệu, xếp thứ năm.

Man of Steel, Despicable Me 2, và Pacific Rim tiếp tục, với doanh thu theo thứ tự lần lượt là 4,3, 4,2 và 4 triệu đôla.

Trên bảng tốp 10 phim Hoa ngữ, bộ phim vẫn còn đang chiếu The White Storm về nhì với 3,9 triệu đôla, kế tiếp là Journey to the West, bom tấn thực sự ở Đại lục với 205,9 triệu đôla (1,24 tỉ tệ), kiếm được 3,65 triệu tại Hồng Kông. Firestorm ra rạp mùa Giáng sinh về thứ tư với 2,8 triệu đôla, còn The Grandmaster của Vương Gia Vệ, một trong 10 đấu thủ tranh giải thưởng Viện Hàn lâm hạng mục phim nói tiếng nước ngoài, về thứ năm với 2,7 triệu.

Tổng cộng phòng vé Hồng Kông năm 2013 đạt 209 triệu đôla (năm 2012 là 200 triệu), tăng 4,24%. Có 310 phim được phát hành, so với 301 phim của năm 2012. Trong số đó, 42 phim là của Hồng Kông sản xuất, 268 phim nhập khẩu. Số phim phi-Hồng Kông tiếp tục tăng lên ở vùng đặc khu có 200 rạp chiếu trong 2013 này, so với 249 phim nước ngoài được phát hành năm 2012.

Điện ảnh Đài Loan điểm mặt thành công

2013 là một năm bội thu với các tác phẩm từ tốt tới xuất sắc đồng loạt đến từ các nhân tố mới và các nhà làm phim kỳ cựu Đài Loan.

Tổng phô sư của Trần Ngọc Huân

Giành trọn lời khen từ cả khán giả và các nhà phê bình là Tổng phô sư (Zone Pro Site), một phim hài lôi cuốn đánh dấu sự trở lại đáng chú ý của đạo diễn Trần Ngọc Huân sau 16 năm vắng bóng. Nằm trong phong trào phim về văn hóa và bản sắc địa phương gần đây, bộ phim của đạo diễn Trần Ngọc Huân xoay quanh biện trác (bandoh) – một hình thức yến tiệc độc đáo của Đài Loan. Bộ phim thành công nhờ kịch bản thông minh với những pha hài hước sáng tạo cùng khuôn mẫu nhân vật sinh động như người mẹ hay to tiếng hoặc băng đảng xã hôi đen nghiệp dư. Câu chuyện của Tổng phô sư đầy biến động rối loạn mà vui vẻ như những nhân vật kỳ quặc của phim, nhưng vẫn chạm vào mọi tầng lớp khán giả qua những cảm xúc phổ quát.

A Time in Quchi của Trương Tác Chí

Sau bộ phim tình cảm When Love Comes năm 2010, đạo diễn Trương Tác Chí chuyển sang đề tài tuổi thơ trong A Time in Quchi, nói về một cậu bé 10 tuổi được cho về nghỉ hè với người ông sống ở ngoại ô Đài Bắc. Sự vô vọng và định mạng không lối thoát làm nên các bộ phim trước của Trương Tác Chí như Trung tử (Ah Chung, 1996) và Darkness and Light (1999) hoàn toàn biến mất. Hành trình làm quen với cuộc sống đồng quê của cậu bé đầy sự ấm áp và sinh động khi cậu bé tìm cách sống được ở vùng quê không có những tiện nghi đô thị và được thể hiện một cách cảm xúc qua trải nghiệm này.

Vương Vũ (dưới) và Trương Thiều Toàn trong Thất hồn của Chung Mạnh Hoành

Với sự tham gia của Trương Thiếu Toàn và Vương Vũ, bộ phim thứ ba của Chung Mạnh Hoành với tựa Thất hồn (Soul) giải quyết mối quan hệ cha-con — đề tài quen thuộc của đạo diễn Chung — dưới lốt một phim tâm lý ly kỳ về một người đàn ông tham gia giết người hàng loạt sau khi bị nhập hồn. Với kỹ thuật quay giàu xúc cảm và sang trọng, cách kể chuyện độc đáo cùng dàn diễn viên từ các phim trước của anh, Chung Mạnh Hoành, luôn tự làm nhà quay phim trong tất cả phim của anh, thiết lập vững chắc một cách diễn đạt thẩm mỹ và nhạy cảm độc đáo với bộ phim thứ ba.

Cảnh trong phim Poor Folk của Trần Đức Dận

Return to Burma (Thất quy lai nhân ) và Poor Folk (Cùng nhân, lưu liên, ma dược, thâu độ khách) đánh dấu tên tuổi mới Triệu Đức Dận, còn gọi là Midi Z. Gốc Trung Quốc nhưng lớn lên ở Myanmar, đạo diễn 31 tuổi này trở về quê nhà năm 2010 để sản xuất bộ phim đầu tay Return to Burma sau một thời gian tha hương ở Đài Loan. Một năm sau, anh tiếp tục cho ra mắt Poor Folk. Hoàn thành với một đoàn phim nhỏ và máy quay kỹ thuật số hạng trung, thế giới phim của Đức Dân có những thanh niên bị bóc lột sức lao động, luôn phàn nàn về mức lương ít ỏi hay tìm cách trốn sang các nước láng giềng. Thấm đẫm trong phim là cảm giác cô lập còn việc bị trục xuất là số phận không tránh khỏi. Bộ phim là một trải nghiệm điện ảnh thô ráp không khoan nhượng, mang lại cái nhìn chua cay về một vùng đất không được thế giới biết đến.

Cảnh trong phim Tomorrow Comes Today của Trần Mẫn Lang

Bộ phim đầu tay của đạo diễn người Mỹ gốc Đài Loan Trần Mẫn Lang, Tomorrow Comes Today, gợi nhớ về những bộ phim của Thái Minh Lượng khi đòi hỏi khán giả suy nghĩ. Xây dựng trên một mạch truyện rời rạc và đôi chỗ khó nắm bắt, bộ phim kể về một cậu bé giao hàng người Đài Loan đi tìm mẹ khắp New York với một bức ảnh của Marlene Dietrich. Người hàng xóm Wayne mà cậu chưa từng gặp, kiếm sống bằng nghề lau chùi các bốt điện thoại hàng đêm đồng thời tìm cách quên bạn gái cũ bằng cách làm theo hướng dẫn của những bài học trên băng video. Giống như các phim của Thái Minh Lượng, bộ phim tạo đột phá bằng biểu tượng, sử dụng những yếu tố như tắt tiếng và âm nhạc ủy mị để thêu dệt một câu chuyện độc đáo về vấn đề nhập cư và bản ngã.

Face to Face của Chung Quyền

Ở mảng phim tài liệu, đạo diễn Chung Quyền là một cái tên mới nổi. Face to Face bứt phá khỏi những bộ phim tài liệu tươi đẹp mang tính động viên của anh và thay bằng những hình ảnh chân thực về một nhóm người sống chật vật. Có mối quan hệ thân mật với các nhân vật trong phim – những võ sĩ đấu vật phẫn uất, bị từ chối cơ hội để khám phá bản thân và giành lấy sự tự tin trên sới đấu – Chung Quyền không e dè ký sự những va chạm giữa cái tôi của võ sĩ, điều tạo nên tranh cãi và tổn thương giữa họ. Anh cũng không ngần ngại trở thành một thành viên của bộ phim và nắm bắt những cảm xúc dâng trào bằng máy quay của anh. Thành quả là một tác phẩm thông minh phản ánh nghệ thuật đấu vật là loại hình giải trí có dàn xếp. Bộ phim khiến khán giả suy nghĩ nhiều hơn trước khi quyết định nhanh về cái thật và cái không thật.

Dịch: © Minh Phát - Ngân Mai - Phương Hà @Quaivatdienanh.com
Nguồn: ecns.cn, The Hollywood ReporterTaipei Times


Bài viết liên quan:

Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi