Tin tức

The Lone Ranger điển hình cho tất cả các vấn đề với phim bom tấn Hollywood

17/07/2013

George Lucas và Steven Spielberg gần đây tham gia một hội nghị, và đưa ra lời dự đoán rằng ngành điện ảnh sẽ chịu một sự sụp đổ khi cả hệ thống trở nên quá ám ảnh với khái niệm phim bom tấn.


Muốn tìm hiểu thêm về khả năng đó, Vulture tìm đến nhà sản xuất phim Lynda Obst, tác giả cuốn sách Sleepless in Hollywood: Tales From the New Abnormal in the Movie Business. Trong cuộc nói chuyện, nhà sản xuất này đồng ý với hai vị đạo diễn, và cho rằng, “Giờ đây, nếu trong cùng một mùa có bốn phim bom tấn thất bại, đó gần như là một thảm họa.”

The Lone Ranger (phát hành ở Việt Nam với tựa Kỵ sĩ cô độc) hay phim được một số khán giả đặt cho biệt danh Cướp biển vùng Ca-ri-bê 4.5: Sparrow ở miền Viễn Tây trông có vẻ giống một phim bom tấn như thế (với ngân sách được đồn đại là lên tới 215-250 triệu USD) và cũng vừa phải nhận thất bại tại phòng vé trong dịp cuối tuần vừa qua. Phim này cũng gần như là một ví dụ điển hình của tất cả những gì tồi tệ về hệ thống phim bom tấn của Hollywood. Ngoài việc là một phim cực kỳ đắt đỏ, The Lone Ranger chứng minh căn bệnh ám ảnh với những loạt phim nhiều phần của ngành điện ảnh, sự lười nhác tạo ra những câu chuyện mới, sự lợi dụng những pha bạo lực không máu và sự kém kiềm chế thời lượng phim. Đây không hề chỉ là các vấn đề nhỏ, và cũng không có gì cho thấy rằng những vấn đề này có thể nhanh chóng biến mất.

Johnny Depp trong The Lone Ranger

Vấn đề loạt phim nhiều phần

Tháng 11 năm ngoái, sau khi có tin Disney mua Lucasfilm và sẽ làm một bộ ba Star Wars mới, Kyle Buchanan của Vulture đã dự đoán rằng chúng ta đang bước vào một giai đoạn mới của ngành điện ảnh, và sẽ chỉ xem đi xem lại mãi một vài loạt phim được làm đi làm lại. Như Obst viết trong sách của cô, các hãng phim cần sự “hiểu biết trước” – hay những tựa phim đủ quen thuộc với khán giả để có khả năng bán vé cả ở Mỹ và nước ngoài. Bất kể đó là những loạt phim cũ như Star Wars hay những phim mới thành công bất ngờ mà hãng phim đó có thể biến thành một loạt phim nhiều tập tới khi ý tưởng trở nên chán ngắt (hay loạt phim Hangover), thì trò chơi phim nhiều phần về căn bản vẫn chỉ có thế.

Mỗi hãng phim có các loạt phim đại diện riêng: Disney ngày nay gần như là một bộ máy các loạt phim, gồm những loạt phim Star Wars, phim Marvel, Muppets, và thương hiệu Pixar; Paramount thì có Star TrekMission: Impossible; Fox có Ice Age, Planet of the Apes, và phim X-Men; Warner Bros. có Batman, Superman, và Lord of the Rings; Universal có BourneFast and Furious; Sony có Spider-Man.

Nhưng ngoài những tựa phim vốn đã rất quen thuộc kia, các hãng phim vẫn chịu áp lực phải đi tìm những loạt phim mới. Vì thế, họ có thể bám lấy bất cứ ý tưởng gì mà khán giả có thể đã nghe qua (như Battleship!), nhất là khi cái tên đó liên quan tới người thật, hay phim hoạt hình, hay siêu anh hùng. Disney từng thử qua cách làm phim này với John Carter và thất bại thảm hại.

John Carter

Ngoài vấn đề chất lượng (giới phê bình có nhiều ý kiến trái chiều) John Carter hoàn toàn bị khán giả tẩy chay. Điều này có thể vì ít người quan tâm tới một nhân vật từ một loạt tiểu thuyết khoa học viễn tưởng phiêu lưu xuất bản đầu thế kỷ 20. Năm trước đó, Seth Rogen đóng chính trong phim The Green Hornet của đạo diễn Michel Gondry, một người hùng cổ điển khác, và cũng là một nhân vật khán giả chẳng mấy quan tâm. Trong giữa thập kỷ 90, phim về hai nhân vật truyện tranh xuất bản trên báo và kịch truyền thanh, The Phantom và The Shadow, cũng thất bại không kém. Tuy vậy, các hãng phim vẫn đào lên bất cứ cái tên nào có thể được khán giả nhận ra trước khi xem phim để biến thành một loạt phim mới. Vì thế loại phim như thế này sẽ vẫn sẽ tiếp tục tồn tại. (Kể cả khi The Lone Ranger thất bại, Hollywood cũng từng chứng minh không biết rút kinh nghiệm từ thất bại trước.)

Vấn đề xuất thân nhân vật

Vấn đề này liên quan tới vấn đề thứ nhất. Đừng nhìn tựa phim kia mà bị lừa. The Lone Ranger kể về nhân vật phụ Tonto gần như nhiều hơn về nhân vật chính trong tựa phim. Đây là lựa chọn dễ hiểu, vì tên da đỏ đó được Johnny Depp đóng trong trang phục và phong cách đậm chất Jack Sparrow. Bạn không phí tiền thuê Johnny Depp chỉ để nhét anh ta vào góc màn hình.

Vì thế, bộ phim phải kể không chỉ một, mà là hai, câu chuyện về xuất xứ của nhân vật. Chúng ta được biết người thực thi pháp luật John Reid (Armie Hammer đóng) trở thành kẻ báo thù giấu mặt kia như thế nào, và tại sao Tonto lại sơn mặt, mang một con chim chết trên đầu và trở thành kẻ lang thang bị người cùng bộ tộc xa lánh.

Armie Hammer (trái) và Johnny Depp trong The Lone Ranger

The Lone Ranger dành nhiều thời gian gần như đánh dấu từng mục trong danh sách dài về những yêu cầu đối với câu chuyện về xuất thân của nhân vật, và không lại nhiều thời gian cho ý chính của phim. Nhưng khi đang muốn biến bộ phim thành một loạt phim nhiều phần, câu chuyện về xuất xứ, về sự khởi đầu này cần được kể, nhất là với những nhân vật còn xa lạ với khán giả như trong phim The Lone Ranger. Vì thế, bộ phim như mang một trách nhiệm nặng nề và một tình huống éo le – họ phải khởi động một loạt phim mới từ đoạn giữa của câu chuyện. Họ cần cho khán giả một câu chuyện hấp dẫn trước đã, rồi nếu khán giả đủ thích thú để mong ước có phần hai thì lúc bấy giờ mới nên kể những câu chuyện trong quá khứ, chứ không nên ném một đống thông tin ra trong ngay phần phim đầu tiên.

Vấn đề phân loại

Nhiệm vụ chính của một phim bom tấn hiện đại là tạo là lợi nhuận cao nhất có thể để mở đường cho các phần tiếp theo. Theo Obst, “Nếu phim của bạn mang về 200 triệu USD và bạn không thể biến nó thành phim nhiều phần thì đó là của bỏ đi.” Vì thế, để đảm bảo tính “nhiều phần” của một bộ phim, đủ hấp dẫn với tất cả các lứa tuổi, phim phải được phân loại PG hoặc PG-13. Bạn có tìm được phim bom tấn hè nào mà được phân loại R không?

Phần lớn thời gian, những phim phân loại R thường là những phim hài thô tục như This Is the End hay Ted của năm ngoái. Nhưng trong The Lone Ranger, một phim được cho là phim gia đình với phân loại PG-13, có những hiện tượng sau xảy ra: một người đàn ông ăn sống tim một người khác (không thể hiện trên hình), một bộ tộc người da đỏ Mỹ bị tàn sát, một nhóm cảnh sát Texas bị bắn chết trong tiếng súng ầm ĩ, hai người đàn ông bị một miếng gỗ lớn đè nát đầu. Tất cả những điều này xảy ra nhưng không thấy một giọt máu nào. Bộ phim cho ta thấy chết chóc và các cảnh bạo lực nhưng phủi phắt những hậu quả của những cảnh này.

World War Z

Điều này có thể gợi nhớ tới cảnh hủy diệt cả một thành phố trong Man of Steel / Người đàn ông thép hay cảnh thây ma ăn thịt người trong World War Z / Thế chiến Z. Về phần Lone Ranger, đó cũng là một điều những bài bình luận tiêu cực đề cập đến nhiều. Điều này cho thấy Lone Ranger, như bao phim bom tấn hè khác, đang vừa muốn có được cảnh bạo lực nhưng lại không muốn bị gắn mác phân loại cao, một điều thật sự khó đạt được.

Vấn đề thời lượng

Phim bom tấn hiện đại cũng gặp một căn bệnh nữa là thời lượng quá dài. Thời lượng điển hình cho một bộ phim mùa thu hoặc mùa Giáng sinh là ít nhất hai giờ. Năm ngoái, Les Misérables / Những người khốn khổ, Django Unchained / Hành trình Django, The Hobbit / Người Hobbit, Lincoln, và Zero Dark Thirty / 30 phút sau nửa đêm đều có thời lượng từ hai tiếng rưỡi tới ba tiếng. Phim bom tấn mùa hè cũng đang dần bắt kịp “mốt” mới này. The Lone Ranger có thời lượng hai tiếng rưỡi. Star Trek Into Darkness / Star Trek chìm trong bóng tối, Iron Man 3Fast and Furious 6 đều kéo dài hơn hai tiếng trong khi Man of Steel cũng dài hai tiếng rưỡi. Phim doanh thu cao nhất của năm ngoái The Avengers / Biệt đội siêu anh hùngThe Dark Knight Rises / Kỵ sĩ bóng đêm trỗi dậy, cũng kéo dài 2 giờ 23 phút và 2 giờ 45 phút. Phim The Pirates of the Caribbean / Cướp biển vùng Caribê— đều là những phim mùa hè với cùng đạo diễn, nhà sản xuất và diễn viên chính với The Lone Ranger — trung bình cũng dài khoảng hai tới ba giờ đồng hồ.

Johnny Depp trong The Pirates of the Caribbean

Phim dài không phải vấn đề. Roger Ebert từng nói, “Phim hay thì không phim nào đủ dài, phim chán thì bao lâu cũng không đủ ngắn.” Nhưng thật khó chấp nhận rằng phim bom tấn hè, dù mang tính giải trí cao, lại cứ phải dài gần bằng những phim nhiều “thịt” hơn của mùa Oscar. Phải chăng các hãng phim cho rằng, vì ngày nay người ta đến rạp ít hơn thì phim phải dài hơn để đáng đồng tiền bỏ ra? Thật khó tưởng tượng có ai sẽ bước ra khỏi phòng chiếu The Lone Ranger và cho rằng, “phim không hề quá dài hay quá ngắn, thật vừa đủ!”

The Lone Ranger được dự tính sẽ thu về 45 triệu USD trong dịp cuối tuần dài năm ngày quanh Quốc khánh Mỹ 4/7. (Phim kinh dị của Ethan Hawke, The Purge chỉ thu về ít hơn con số này 10 triệu USD trong một dịp cuối tuần không nghỉ lễ.) Phim bị giới phê bình chê bai, với điểm 24% trên Rotten Tomatoes và 37% trên Metacritic, và phim từng phải hoãn quay để chỉnh sửa lại ngân sách cho thấp hơn. Thật khó để không cảm thấy thương hại cho bộ phim chết tiệt này. Đây là một sản phẩm của một hệ thống sẽ không đi đến đâu. Hollywood đã tạo ra The Lone Ranger, chứ bộ phim này không tạo ra Hollywood.

Dịch: © Xuân Hiền @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Vulture.com


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi

+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.