Nhân vật & Sự kiện

Xu hướng Hollywood mùa hè 2013: Phim bom tấn là phim thực sự hay!

30/09/2013

Khi nói về phim bom tấn hè của Hollywood, phần lớn giới truyền thông và các nhà phê bình đưa ra ý kiến không khác gì những người đa nhân cách.

Từ đầu tháng 5 tới cuối tháng 8, khi thảm đỏ được đem ra mỗi tuần để đón một, hai bộ phim ngân sách khổng lồ được ra mắt với mục đích thu về một núi tiền, hòa lẫn vào những lời rao bán quảng cáo lớn tiếng cũng là tiếng tung hô hưởng ứng từ khắp nơi. Tại sao không chứ? Phim mùa hè, khi hay, là một loại giải trí đặc biệt và thường các nhà phê bình cũng không hề tiết kiệm những lời lẽ bay bổng khen ngợi những phim này. Họ vỗ tay ủng hộ rào rào. Đương nhiên, vẫn có một số phim gặp ai cũng bị chê như Transformers hay Hangover hay The Lone Ranger / Kỵ sĩ cô độc, nhưng những phim này là ngoại lệ. Đọc những bài bình luận phim hè mỗi tuần, bạn sẽ khó có thể cho rằng các nhà phê bình phim là người khó tính.

Nhưng vẫn có một điều đáng nhớ: Ở một mức độ nhất định, các nhà phê bình phim không coi trọng những phim bom tấn mùa hè lắm, và tự họ cũng chẳng coi trọng những lời khen của chính bản thân cho các phim đó. Lý do của chuyện này là, dù phim hay thật, thành công thật, chúng vẫn được coi là phim không nghiêm túc. (Và vì thế, đến mùa giải thưởng, nhiều phim mùa hè bị bỏ rơi.)

Star Trek Into Darkness

Chúng ta có những định kiến sẵn về văn hóa phim bom tấn, có thể tóm tắt như sau:

Phim mùa hè có thể vui nhộn, nhưng bản chất của chúng là những cỗ máy in tiền. Phim hè là những sản phẩm lòe loẹt, những loạt phim đắt tiền với mục đích giải trí. Chúng có những phương thức đã được thị trường kiểm định, không cần kịch bản thông minh tinh vi mà chỉ cần những câu chuyện theo một nhịp nhất định, với hành động và kỹ xảo. Đây là phim giải trí, không phải nghệ thuật.

Mùa hè này, khi viết bình luận phim, tác giả bài này cũng viết với tâm lý ấy. Nhưng dần dần, người viết cũng phải nhận ra, nhiều phim được xem trong mùa hè 2013 — Iron Man 3, Star Trek Into Darkness / Star Trek: Chim trong bóng tối, World War Z / Thế chiến Z, This Is the End, Monsters University / Lò đào tạo quái vật, 2 Guns / Điệp vụ 2 mang — không chỉ là “phim mùa hè hay”, thành công nếu đem những dòng trên ra làm thước đo thành công. Chúng thực sự là những phim hay, không thêm thắt gì cả. Ra mắt với bản chất là phim thương mại đại chúng, các phim này vẫn có những mục tiêu cao cả hơn: tôn trọng trí thông minh của khán giả, kể những câu chuyện độc đáo bằng những phong cách mới mẻ, táo bạo, đầy ngạc nhiên, và làm tất cả một cách thật thà không những giải trí nhưng cũng đầy tính nghệ thuật.

Nói tóm lại, khái niệm rằng hè là mùa phim 3D phô trương, súng nổ đùng đoàng, xem xong có thể quên ngay, dường như đã trở nên bất công với những thành tựu một số phim mùa hè 2013 đem lại. Sau đây là một số xu hướng thường thấy trong phim mùa hè vừa qua, và lý do ta cần phải xem xét lại tâm lý rằng phim hè chỉ là phim giải trí không đáng nghĩ tới khi mùa giải thưởng đến.

• Bí quyết của một phim siêu anh hùng hay là gì?

Như Iron Man 3 cho thấy, ta không nên bị kìm chân bởi những câu chuyện nguồn gốc nhân vật. Phim chuyển thể từ truyện tranh là thể loại phù hợp trở thành loạt phim nhiều phần. Nhưng những năm gần đây, thể loại này dường như cứ quanh đi quẩn lại chỉ có những phim làm lại, khởi động lại… Lý do là khi nhắc tới phim siêu nhân, Hollywood chỉ tin tưởng sức hút và sự thành công của một câu chuyện nguồn gốc nhân vật. Với một số ngoại lệ (như The Dark Knight), họ chưa tìm được cách làm những phần tiếp theo thực sự hấp dẫn.

Robert Downey Jr. trong Iron Man 3

Vì thế bây giờ phim khởi động lại mới nhiều đến vậy: chúng là hiện thân của cơn nghiện câu chuyện nguồn gốc kia. Có thể sắp tới ta sẽ lại có một phim về Green Lantern khác. (“Chúng tôi xin thề, lần này sẽ hay hơn nhiều!!”) Hay lại Man of Steel / Người đàn ông thép khởi động lại? (Nếu thế thì chẳng phải phim này sẽ là phim khởi động lại của khởi động lại của khởi động lại sao?) Mỗi phần mới của X-Men nếu không kể về Wolverine đều không hẳn là phần tiếp theo, mà chỉ là những câu chuyện nguồn gốc của một nhân vật khác. Với mỗi phần phim, loạt phim lại có vẻ đang bắt đầu lại từ đầu. Cái đang thiếu trầm trọng là những tập phim ở giữa, đưa chúng ta sâu vào thế giới siêu anh hùng này, những yếu tố hấp dẫn nhất của một câu chuyện siêu anh hùng truyện tranh.

Cái tuyệt của Iron Man 3, ngoài kịch bản với lời thoại nhanh, thông minh của Shane Black, là việc bộ phim bỏ rơi Tony Stark của Robert Downey Jr. giữa một nơi heo quạnh với bộ giáp tan tành, chỉ có thể trông cậy vào trí khôn của mình. Chúng ta không hề biết câu chuyện sẽ hướng tới đây, chỉ biết rằng bộ phim sẽ khám phá những nỗi sợ vốn bị chôn chặt của Stark. Tất cả tạo nên một không khí mới cho loạt phim. Chính những màn kỹ xảo cũng mới mẻ: những hình ảnh bay lượn có nhằm mục đích giúp kể câu chuyện thay vì chỉ là làm lác mắt khán giả.

Nhân vật phản diện của Ben Kingsley cuối cùng hóa ra lại là một con rối trong tay người khác, và đây là bước ngoặt không ai đoán trước trong câu chuyện khiến bộ phim trở thành một câu chuyện châm biếm thế giới thực chúng ta đang sống mà không biết nằm trong tay ai, một ý tưởng mang tính rất đương đại. Iron Man 3 có cốt truyện độc đáo nhưng lại không kể về nguồn gốc của một nhân vật nào, và cái hấp dẫn của phim bom tấn này là các nhân vật đang phải đánh cược rất nhiều và có nhiều khả năng mất đi tất cả.

Star Trek Into Darkness chứng minh rằng J.J. Abrams là lựa chọn đúng đắn để đưa Star Wars trở lại. Tác giả bài này là một trong số những khán giả không hề quan tâm tới nguồn gốc sâu xa của Khan, không quan tâm liệu Khan từ hồi xửa hồi xưa có đồng bộ với Khan của ngày nay không, và chỉ biết ngả người trên ghế và thán phục nhân vật phản diện cực kỳ hấp dẫn và siêu cuốn hút mà Benedict Cumberbatch đã tạo nên. Tác giả thích cách anh dùng vẻ bề ngoài kiêu ngạo của một anh chàng người Anh thượng lưu để tạo nên mặt nạ cho nhân vật.

Benedict Cumberbatch trong Star Trek Into Darkness

Dù thế, với tác giả, điểm mạnh nhất của Into Darkness — ở một mặt nào đó thật ra còn hay hơn Star Trek 2009 — là sự tương tác giữa các thành viên tàu USS Enterprise đã trở thành một màn hài kịch không hề kém phần sâu sắc. Đây là câu chuyện về chính trị văn phòng trong kỷ nguyên vũ trụ, đầy mâu thuẫn về lòng trung thành và sự cạnh tranh, phản bội. Kirk của Chris Pine và Spock của Zachary Quinto là một đôi hợp tác giữa một cái đầu nóng và một cái đầu lạnh, sự hòa hợp âm dương; khi đối đầu nhau, họ cũng ghép thành một đôi hoàn hảo như khi hòa hợp.

Tác giả xem Into Darkness trước khi có tin Abrams sẽ làm loạt phim Star Wars mới, nhưng khi xem phim, tác giả không tránh được liên tưởng tới Star Wars. Người viết nhớ lại cách George Lucas đã từng tạo thăng bằng giữa những mâu thuẫn với người máy, hiệp sĩ Jedi, và nhân vật phản diện kim loại đen sáng lóa, tạo ra một bộ phim đầy kịch tính với kỹ xảo đẹp mắt nhưng cũng không kém phần nghệ thuật. Đó là những gì Abrams đã làm ở đây: anh tạo ra một bữa tiệc thị giác với tàu Enterprise bay lên từ biển cả, Kirk ngã tự do từ một thiên thạch. Into Darkness chứng minh Abrams hoàn toàn có đủ bản lĩnh để làm phim phim Stars Wars đầu tiên kể từ The Empire Strikes Back mà sẽ không chỉ trông đẹp mắt, mà còn mang được cái hồn của loạt phim này.

• Những phim mùa hè năm nay không hề giảm trong chỉ số thông minh – ngược lại, chúng trở nên thông minh hơn.

Chán nản với Man of Steel dù có mới mẻ nhưng không đủ độc đáo (đâu phải phim nào của mùa hè này cũng hay!), người viết tìm xem lại Superman II , một phim tác giả chưa xem từ khi nó ra mắt, năm 1981, nhưng nhớ mình từng rất thích. Ấn tượng đó cũng… hơi hơi giữ nguyên. Bộ phim vẫn kịch tính và đáng xem, nhưng vẫn “tưng tửng” và dường như không nghiêm túc lắm. Những phim kinh phí cao thập kỷ 80! Ôi, cũng chẳng khác gì truyện tranh ở những thập nhiên trước khi có kỹ thuật hình ảnh vi tính. Tất cả trông nghiệp dư và nhiều lúc, phim đơn giản tới mức bạn có thể dùng một phần tư não bộ xem phim thì cũng hiểu được hết. Ngược lại, Iron Man 3, Star Trek Into Darkness, hay bộ phim ly kỳ về đề tài tham ô trong thế giới hiện đại 2 Guns đều là những phim khiến bạn phải suy nghĩ. Thông tin được đưa ra từ khắp nơi, nhiều đến nỗi cứ ngỡ phim phải dài như phim truyền hình mới giải quyết hết được. Đây là ví dụ cho thấy phim “bắp rang” ngày nay đã trở thành thứ khiến người xem phải suy ngẫm.

This Is the End

• Bộ phim hài đình đám nhất của mùa hè cũng là phim độc đáo nhất.

Phim hài chẳng phải làm gì khác ngoài việc khiến khán giả cười, hết tràng cười này tới tràng cười khác, và không thể phủ nhận, This Is the End khiến bạn phải cười không ngớt. Nhưng sự chạm trán của những tên tuổi hài lớn nhất Hollywood cũng mang một phong cách thực sự thiên tài, hay thậm chí còn có thể được cho là tiên phong: bằng cách cho Seth Rogen, James Franco, Jonah Hill, và nửa tá diễn viên khác không những đóng vai và châm biếm bản thân, mà còn tạo thế giới giả tưởng khiến khán giả tin rằng các diễn viên này thực sự đang đóng chính họ theo nghĩa đen, ta tạo nên một màn kịch phản ánh văn hóa của sự nổi tiếng: thế nào là thật, sức hấp dẫn của ngành điện ảnh và sự bới móc đời tư người nổi tiếng. Bộ phim qua đó cũng còn lật tấm màn che với thế giới của truyền hình trực tuyến, khi những khoảnh khắc hài hước không khác gì một ngôi nhà gương.

• Thành công trong việc khiến thây ma trở thành quái vật đáng chú ý trở lại.

World War Z chứng minh rằng “mâu thuẫn phim trường” cũng có thể mang tính sáng tạo. Dù thích World War Z, nhiều khán giả vẫn nhìn bộ phim này với con mắt ngờ vực vì phim có nhiều tin đồn bất hòa trên phim trường, có nhiều cảnh phải quay lại từ đầu, kéo Damon Lindelof vào để viết lại phần cuối của kịch bản. Vượt qua những lời đồn đại đó, World War Z thực ra là một bộ phim kinh dị, kinh phí cao hoàn chỉnh một cách hiếm có. Nó còn là bộ phim thây ma đầu tiên trong một khoảng thời gian dài đưa ra những hậu quả trọng cho việc thây ma tấn công. Chúng ta thấy với sự tấn công này, thế giới kinh tế toàn cầu sụp đổ và những cột trụ của thế giới không còn đứng vững được nữa.

World War Z không đi quá sâu vào hình ảnh máu me be bét hay truyền thuyết thây ma để đánh lạc hướng khán giả. Điều đó là vì bộ phim này tạo ra những hình ảnh đáng sợ hơn nhiều, nhất là hình ảnh những xác sống trèo tường thành Jerusalem. Đây, trước hết, là một bộ phim, chứ không đơn thuần là phim về xác sống. Phần kịch bản của Lindelof cũng là một trong những phần hay nhất của bộ phim – một đoạn kịch bản mà chính Hitchcock cũng phải thán phục – khi ta thấy Brad Pitt đối đầu với một thây ma trong một cảnh đầy kịch tính khi chỉ có Pitt mới đủ can đảm tin rằng nó sẽ không chạm vào anh.

World War Z

• Mùa hè là mùa những nhà làm phim tài năng có thể tái sinh với phim thương mại hơn.

Xu hướng này bắt đầu khi Tim Burton đồng ý đạo diễn Batman (1989), và phát triển mạnh trong vòng cả thập kỷ, đến tận 2004, khi Alfonso Cuarón tiếp bước Y Tu Mamá También với Harry Potter and the Prisoner of Azkaban và Paul Greengrass có một cú ngoặt sự nghiệp sau phim Bloody Sunday thực tế nghiêm túc chuyển sang The Bourne Supremacy.

Nhưng cũng như các diễn viên ngày trước coi thường truyền hình ngày nay lại đổi qua đổi lại giữa hai thể loại, việc một nhà làm phim nghệ thuật đắm mình vào dòng phim thương mại là một hiện tượng rất thực. Họ làm thế không chỉ vì đó là một hành động sinh lời, mà chính dòng phim thương mại kia thúc đẩy trí tưởng tượng và sự sáng tạo của họ. Cách Marc Forster đạo diễn World War Z còn mang tính nghệ thuật hơn Finding Neverland nhẹ nhàng hơn, hay phim mang đầy triết lý Monster’s Ball.

James Mangold (Walk the Line) dùng phong cách âm u, buồn rũ của mình để biến The Wolverine thành một bộ phim noir với móng vuốt. Trong trường hợp của Shane Black, Iron Man 3 cũng là một bước ngoặt sự nghiệp: sau khi làm biên kịch cho các phim hành động (Lethal Weapon, The Last Boy Scout) mang lại cho anh sự nổi tiếng hợp là uy tín, anh đã dùng dòng phim siêu anh hùng để tạo một hình ảnh mới cho bản thân. Sam Mendes, bằng các ký hợp đồng đạo diễn phim Bond thứ hai, đã đắm mình vào loạt phim này (và không thể phủ nhận chúng là phim “mùa hè” dù thực tế ra mắt cuối thu).

• Ai có thể nói rằng ngôi sao điện ảnh giờ không còn ý nghĩa, và cái quan trọng chỉ là “khái niệm” phim?

Mùa hè này, tên các diễn viên rất quan trọng. Sự mãnh liệt lạnh lẽo của Brad Pitt chính là thứ khiến World War Z trở nên hấp dẫn. Robert Downey Jr. trong Iron Man 3 tiếp tục thực hiện điều các diễn viên đóng vai siêu anh hùng nên làm nhưng trên thực tế ít khi làm được: biến nhân vật trở thành những con người đa chiều như chính bản thân chúng ta. Trong The Heat, Melissa McCarthy chứng minh cô là một diễn viên hài thực lực, một sức mạnh tiếng cười chỉ cần một người. Còn phải kể tới Leonardo DiCaprio với Gatsby / Đại gia Gatsby; hay Vin Diesel, với hình ảnh đầu đinh như đã thành biểu tượng cho loạt phim Fast & Furious. Wolverine của Hugh Jackman là một X-Man với sức hút làm mê hoặc lòng người, và Matt Damon trong Elysium / Kỷ nguyên Elysiumlấy hình ảnh hướng đạo sinh pha trộn với sự lạnh lùng của lòng thù hận và biến nhân vật trở thành một con người rất riêng. Với Denzel Washington và Mark Wahlberg trong 2 Guns, họ biến cuộc nói chuyện đùa cợt giữa hai người bạn thành một cuộc thảo luận về sự can đảm cần có khi sống trong một thế giới với chính quyền đương đại. Hãy tưởng tượng những phim này khi thiếu đi các diễn viên này và chắc hẳn bộ phim sẽ rất khác.

Leonardo DiCaprio trong The Great Gatsby

The Lone Ranger, bộ phim đắt đỏ nhưng tẻ nhạt, lại là ngoại lệ của mùa hè này. Phim quá dài, với quá nhiều cảnh hành động bạo lực khiến người xem đau đầu, và có cốt truyện lộn xộn. Phim như hiện thân của một bom tấn rỗng tuếch. Không có yếu tố gì trong phim có thể khiến khán giả quan tâm đến nó, kể cả Johnny Depp hóa trang thành người Mỹ da đỏ. Nhưng điều đáng nói là, mùa hè này, chỉ có một phim đáng bỏ qua như thế. Chính bản thân bộ phim cũng chịu mất mát ở phòng vé khi bị khán giả tẩy chay. Việc họ bỏ qua The Lone Ranger cho thấy một sự thật đáng làm chúng ta phấn chấn: khán giả đang đi tìm những phim bom tấn hè chất lượng hơn.

Dịch: © Xuân Hiền @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Entertainment Weekly


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi