Việt Nam

Người đồng tính méo mó trong phim Việt

24/08/2011

Trong rất nhiều phim Việt, vai đồng tính thường được gán cho nhân vật “má mì”. Nếu nhìn tổng thể, các nhân vật đồng tính trong phim Việt chỉ đủ để chọc cười khán giả.

Những năm gần đây, ăn theo trào lưu thế giới, các đạo diễn Việt Nam cũng rục rịch làm phim về đề tài đồng tính hoặc người đồng tính. Tuy nhiên, phim Việt về đề tài này mới chỉ dừng lại ở chỗ gợi tò mò cho khán giả chứ chưa phản ánh đúng tâm lý đối tượng này. Thậm chí hình ảnh về người đồng tính được xây dựng trong một số phim còn gây phản cảm cho khán giả.

Cứ “má mì” là đồng tính

Những cô gái chân dài của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng thường được nhắc đến như bộ phim có yếu tố đồng tính đầu tiên của điện ảnh Việt. Trong đó nhân vật Khoa (Trương Thanh Long) thầm yêu Hoàng (Minh Anh). Và tình yêu đồng tính này không làm khán giả quá khó chịu bởi diễn xuất của nhân vật không quá lên gân; âm nhạc, lời thoại cho những pha xuất hiện của nhân vật có cảm xúc.

Sau Những cô gái chân dài, tần suất đề tài đồng tính được mở ra với nhiều phim khác: Gái nhảy, Lọ lem hè phố, Hồn Trương Ba da hàng thịt, Thập tự hoa, Chuyện tình Sài Gòn… Tuy nhiên, nhân vật đồng tính chỉ được điểm xuyết trong những phim này để thu hút khán giả.

Thực tế, các diễn viên Anh Vũ, Minh Nhí vào vai “má mì” trong hai phim Gái nhảyLọ lem hè phố chỉ tạo thêm tình huống gây cười cho phim nhờ vẻ ưỡn ẹo, ngúng nguẩy. Vai “má mì” của nghệ sĩ Minh Nhí chỉ gây ấn tượng nhờ mái tóc tém vàng chóe, nhẫn hột xoàn to đùng, môi son má phấn… cùng những bộ trang phục màu mè, diêm dúa... Nhiều khán giả nhớ đến nhân vật “má mì” Anh Vũ trong Gái nhảy nhờ duyên hài nhưng đây cũng là nhân vật được nhiều người đồng tính cho là quá cường điệu.

Còn trong Một thế giới không có đàn bà (loạt phim Cảnh sát hình sự), các nhân vật phục vụ quán bar dù có ngoại hình rất nam tính nhưng mắt môi vẫn được tô xanh đỏ. Anh Jerry Quân - chủ diễn đàn Thế giới thứ ba cho biết tại Hà Nội và TPHCM hiện có khá nhiều quán bar dành cho người đồng tính. Ở những quán bar này, nhân viên phục vụ có vẻ ngoài vẫn rất nam tính chứ không như trong bộ phim trên. “Có những đối tượng đồng tính thích có vẻ ngoài như phụ nữ. Tuy nhiên, với những đối tượng đồng tính có ngoại hình nam tính, hoàn toàn không có chuyện mắt xanh, môi đỏ như trong phim. Chính kiểu nửa mùa này làm hình ảnh người đồng tính xấu đi” - anh Jerry Quân khẳng định.

Diễn viên Lương Mạnh Hải và Linh Sơn phim Hotboy nổi loạn và câu chuyện về thằng cười, Cô gái điếm và con vịt
một trong những dự án phim về người đồng tính sẽ ra mắt trong năm nay

Trong phim Để Mai tính, nhân vật đại gia đồng tính Phạm Hương Hội (diễn viên Thái Hòa đóng) cũng tạo nên cơn sốt nơi khán giả. Phía sau những pha gây cười bởi hình thức “bóng lộn” của Hội vẫn có những góc khuất của tình yêu đồng tính. Tuy nhiên, với cộng đồng người đồng tính Việt thì các vai đồng tính nam trong phim Việt đều chưa đạt, thậm chí kệch cỡm.

Cái nhìn lệch lạc về người đồng tính

Điểm chung của các nhân vật đồng tính trong phim Việt chính là trang phục lố lăng, trò chuyện õng ẹo, nhân vật chưa cần mở lời khán giả đã biết đó là người đồng tính. Đành rằng trong thực tế, một số người đồng tính vẫn thích có vẻ ngoài như phụ nữ. Tuy nhiên, nếu chỉ xây dựng hình ảnh nhân vật đồng tính theo hướng chế giễu, gây hài sẽ làm cho khán giả có cái nhìn lệch lạc về người đồng tính; thậm chí khiến bộ phim mất hẳn tính nhân văn.

“Không biết do ý đồ đạo diễn, kịch bản hay do diễn viên tự sáng tạo khi diễn mà có những cảnh phim rất phản cảm. Chính những cảnh phim quá kệch cỡm về người đồng tính đã khiến người xem có cái nhìn không đúng về chúng tôi” - anh Jerry Quân tâm sự.

Mở màn cho đề tài đồng tính của các đạo diễn châu Á là Bá Vương biệt Cơ của đạo diễn Trần Khải Ca. Năm 1994, giải Oscar phim nước ngoài hay nhất đã được trao cho bộ phim này. Bộ phim trên cũng giành được giải Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes cùng năm. Những nhân vật đồng tính trong phim đã lấy đi nước mắt của rất nhiều khán giả. Vượt lên trên tình yêu đồng tính đó là tình yêu lớn dành cho Kinh kịch cùng những mâu thuẫn, nghi ngờ trong tình yêu trải dài theo một giai đoạn lịch sử hà khắc của xã hội Trung Hoa.

Gần đây, đề tài đồng tính tiếp tục được các đạo diễn châu Á khai thác nhiều hơn: Brokeback Mountain (Lý An) với ba giải Oscar, The King and the Clown (Lee Joon Jk) với bảy giải Daejong, The Love of Siam (Chookiat Sakveerakul) với năm giải phim hay nhất tại Thái Lan… Những bộ phim trên là câu chuyện về những cuộc tình đồng tính đầy dằn vặt và xúc động chứ không nhằm mục đích gây cười như phim Việt. Đặc biệt, sau khi xem những bộ phim này, khán giả có thể hiểu và cảm thông hơn với người đồng tính, cùng họ vượt qua những định kiến xã hội.

Đề tài đồng tính nở rộ

Năm 2010, rất nhiều bộ phim truyền hình được phát sóng đề cập đến tình yêu của những người thuộc thế giới thứ ba: Cổng mặt trời, Tha thứ cho anh, Gia đình sóng gió, Phía sau hào quang

Đề tài đồng tính tiếp tục nở rộ trong năm 2011 với dự án điện ảnh Hotboy nổi loạn và câu chuyện về thằng cười, Cô gái điếm và con vịt (đạo diễn Vũ Ngọc Đãng). Gần đây nhất là buổi ra mắt đoàn phim Cảm hứng hoàn hảo của đạo diễn Việt kiều Nguyễn Lê Dũng. Bộ phim là câu chuyện về một thanh niên lệch lạc giới tính khi sống trong thế giới của ba người chị gái.


Nguồn: Người lao động online

+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.