Đúng 150 năm sau ngày bị đốt cháy trên dòng sông Nhựt Tảo, chiến hạm
L’Espérance (Hy Vọng) đã xuất hiện trở lại ở nơi thờ tự người anh hùng
“Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần”.
Những phân cảnh cuối của bộ phim lịch sử Anh hùng Nguyễn Trung Trực
(dài 20 tập, đạo diễn Phan Hoàng, Hãng phim Cửu Long sản xuất) đang
được thực hiện tại thành phố Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang). Đoàn phim đã nỗ
lực hết sức mình để thực hiện đại cảnh cuối cùng của bộ phim.
Chiến hạm L’Espérance của thế kỷ XXI
150
năm trước, trên vàm Nhựt Tảo, trưa 10/12/1861, Nguyễn Trung Trực cùng
59 nghĩa quân đã dùng mưu kế đánh úp chiến hạm L’Espérance, tiêu diệt
hàng chục sĩ quan, binh lính Pháp cùng lính Ma Ní, lính tập và đốt cháy
tan tành “pháo đài nổi” bọc đồng, được trang bị vũ khí hiện đại.
Đạo
diễn Phan Hoàng chia sẻ: “Bằng mọi giá phải có được chiến hạm
L’Espérance vì trận đánh trên vàm Nhựt Tảo vô cùng quan trọng, là dấu
mốc khắc tên anh hùng Nguyễn Trung Trực như một tượng đài của lòng dân.”
Mô hình chiến hạm L’Espérance
Chiến hạm L’Espérance được phục dựng có chiều dài 33m, rộng 8m cùng cột
buồm cao 16m đậu sừng sững trên dòng sông Cái Lớn (khu vực cảng cá Tắc
Cậu, xã Bình An, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang), nơi sử dụng làm bối
cảnh quay cho nhiều phân cảnh trong phim. Trên chiến hạm, như một điểm
nhấn nổi bật giữa nền trời xanh, đoàn phim hàng chục người phơi nắng
phơi gió thực hiện các cảnh quay cuối cùng trong đó có cảnh trận “hỏa
hồng” làm kinh bạt kẻ thù trên vàm sông Nhựt Tảo…
Thực tế, những
cảnh quay không khó khăn bằng sự sắp xếp làm sao để “chiến hạm bối
cảnh” đến đúng vị trí cần thiết. Con tàu mô hình được thực hiện để… “lên
phim” hoàn toàn không có khả năng cân bằng khi ra cửa biển. Để thực
hiện đại cảnh sau cùng, đòi hỏi chiến hạm L’Espérance mô hình này phải
được đưa ra cửa sông Cái Lớn (nơi chọn làm bối cảnh sông Nhựt Tảo). Đạo
diễn Phan Hoàng phải nhờ đến Sở Giao thông Vận tải tỉnh Kiên Giang hỗ
trợ hai chiếc phà chạy song song, “kè” chiến hạm ra địa điểm quay và
cũng tiếp tục “án ngữ” hai bên khi tàu Hy Vọng không thể căng buồm.
Trận
“hỏa hồng Nhựt Tảo” diễn ra đúng như lịch sử đã ghi. Đó là một đám cưới
giả của nghĩa quân Nguyễn Trung Trực nhằm ngụy trang để bất ngờ đánh úp
giặc Pháp trên chiến hạm L’Espérance. Riêng phần “hỏa hồng” sẽ được xử
lý bằng kỹ xảo 3D, bảo đảm chiến hạm trên phim bốc cháy ngút trời nhưng
trên thực tế vẫn còn nguyên vẹn để đưa về làm công trình lưu niệm và
khai thác du lịch cho tỉnh Kiên Giang.
Cảnh anh hùng Nguyễn Trung Trực tự nộp mình cho giặc Pháp
Bộ phim mất nửa năm để ghi hình thì đạo diễn Phan Hoàng và ê kíp thực
hiện mất gấp đôi thời gian để có được bối cảnh hoàn chỉnh cho trận “hỏa
hồng Nhựt Tảo”. Bắt đầu từ nguồn tư liệu ít ỏi về tàu Hy Vọng, đạo diễn
Phan Hoàng đã phải liên lạc với Bảo tàng Paris để có được hình ảnh chính
xác nhất về con tàu này neo đậu trên dòng Nhựt Tảo vào năm 1861, khi
quân đội Pháp có đến ba chiến hạm mang tên L’Espérance ở những thời điểm
khác nhau. Có được hình ảnh rồi vẫn chưa yên tâm, đạo diễn lại phải nhờ
chuyên gia người Pháp Gerard nghiên cứu tư liệu chính xác về từng chi
tiết con tàu, sau đó chuyển ngữ sang tiếng Việt và bắt tay vào bản vẽ -
dưới sự giám sát, thẩm định của Gerard.
Họa sĩ Trần Xuân Chức,
chịu trách nhiệm chính việc phục dựng mô hình tàu, đã phải mất nhiều
tháng ròng rã một mình một xe máy lặn lội đến Vũng Tàu, Kiên Giang, Bến
Tre… để tìm cho được một “xác tàu” ưng ý, phù hợp với mô hình phục dựng.
Sàng lọc, thương thảo hàng chục lần mới mua được “cái sườn tàu” ở xứ
dừa, đưa về xưởng đóng tàu tại Kiên Giang, thực hiện dựa trên bản thiết
kế đã được chăm chút từng chi tiết từ khung sườn, cabin, ống khói, các
khẩu súng thần công… Riêng cột buồm phải thuê một đơn vị chuyên làm cột
buồm từ Đà Nẵng thực hiện.
Họa sĩ Trần Xuân Chức nói: “Cái khó
không phải là quá trình thực hiện con tàu mà phải làm sao để có được
những chi tiết chính xác nhất của chiến hạm L’Espérance.”
Làm bằng tất cả nhiệt huyết
Đạo
diễn phim cũng bộc bạch rằng anh làm phim bằng tất cả nhiệt huyết, sự
tôn kính và trên hết là tấm lòng dành cho người anh hùng dân tộc Nguyễn
Trung Trực. Tình cảm này cũng đã được người dân vùng đất Kiên Giang ghi
nhận và góp sức. Hàng chục diễn viên phụ tại địa phương đã nhiệt tình
vào vai quần chúng trên phim. Đoàn Nghệ thuật Trung tâm Văn hóa tỉnh
cùng tham gia các tiết mục múa hát cho những cảnh quay tiệc mừng của
lính Pháp trên chiến hạm. Các cơ quan, ban, ngành tỉnh cũng nhiệt tình
hỗ trợ. Con tàu khổng lồ với kinh phí 1,5 tỉ đồng này được tỉnh Kiên
Giang hỗ trợ 1 tỉ đồng.
|
Nguồn: Người lao động