Mỗi quan hệ chị em giữa Mary (Scarlett Johansson đóng) và Anne dường như không tồn tại. Qua nguyên tác, ta có thể thấy rằng Mary yêu thì rất yêu Anne, nhưng cũng rất hận nàng. Ranh giới giữa hận và yêu đó thật nhỏ, đến nhiều khi chính Mary cũng khó ý thức được nó. Nhưng trong phim, mâu thuẫn đó chỉ xuất hiện trong chốc lát, khi Mary nhìn cảnh Anne và Henry thành hôn với đôi mắt đau đớn, hận thù. Bảy năm Henry theo đuổi Anne là thời điểm nguy hiểm cho Anne, với nhiều thử thách về tình cảm, nhưng chẳng lẽ thời gian đó lại không mang đến cho Mary nhiều đau đớn, khi người đàn ông nàng từng yêu giờ chạy đi tán tỉnh chị gái nàng? Mối quan hệ quá hời hợt này giữa hai chị em làm lúc Mary phải chứng kiến Anne bị chém đầu mất đi cảm giác nuối tiếc mà cảnh đó cần có.
Tôi không hiểu suốt cả bộ phim, hai người hoàn toàn vô tội, nhưng lại chịu nhiều đau đớn nhất – William Carey và Katherine – biến đi đâu. Khi làm người tình của Henry, Mary đã là phụ nữ có chồng, điều này được thể hiện qua việc nàng là Mary Carey chứ không phải là Mary Boleyn. Vậy mà dường như người chồng này không xuất hiện được lấy một giây trong phim (hay ít ra là anh ta tạo ra ít ấn tượng đến nỗi ta có cảm giác đó), và bản thân Mary cũng không chịu chút dằn vặt nào trong việc ngoại tình với một người cũng đã có vợ. Bản thân điều này có thể được sử dụng để thể hiện tính cách của Mary, nhưng phần còn lại của bộ phim lại phác họa Mary như một vị thánh sống, chỉ sa vào mối tình này vì bị gia đình bắt ép.
Điều làm câu chuyện của Mary và Henry trở thành bi kịch là Mary từng là người thân cận bên cạnh Katherine. Dù có phản bội Katherine, nàng vẫn khâm phục vị hoàng hậu này. Dù ngủ với chồng bà, Mary vẫn coi Katherine là bề trên, vẫn kính trọng, vẫn thương hại. Katherine cũng vậy, dù đau lòng, dù bị phản bội, dù không thể tin tưởng được Mary, bà vẫn thương hại cô gái chỉ biết làm quân cờ cho gia đình. Nhưng mối quan hệ cảm động nhất trong truyện của Gregory lại bị các nhà làm phim bỏ qua một bên một cách hoàn toàn. Đối với Mary, Katherine chỉ có sự khinh bỉ. Đối với Katherine, Mary chỉ có sự sợ hãi.
Câu chuyện của Anne Boleyn diễn ra trong bối cảnh ngọn lửa chính trị và tôn giáo bùng cháy. Không chỉ ở nước Anh, mà khắp châu Âu, những nhóm Thiên chúa giáo mới đang được hình thành, với những tập tục rất khác với Công giáo, và đều bị Giáo hội ở Vatican lên án. Việc Henry VIII tách khỏi Giáo hội Rome là một mốc lịch sử quan trọng của nước Anh và là tâm điểm của câu chuyện của Anne Boleyn; nó chính là phương tiện đã đưa Anne lên ngôi hoàng hậu. Vậy mà ngọn lửa này chỉ âm ỉ cháy trong phim - chúng ta không bao giờ thấy được hết hậu quả hay sự nghiêm trọng của hành động này của Henry. Thay vào đó, các nhà làm phim cố gắng thổi bùng ngọn lửa dục vọng và tình ái giữa Henry và Anne, nhưng ngọn lửa này cũng chẳng bùng cháy được như mong muốn. Nói chung, không khí bộ phim không thể hiện được sự căng thẳng chính trị tôn giáo của thời điểm mà cũng chẳng thành công trong việc làm cho người ta thấy được sự nóng bỏng của quan hệ Henry và Anne.
Không thể cho rằng vì đây chỉ là một bộ phim mà ta có thể bỏ qua những yếu tố lịch sử. Dù là câu chuyện hư cấu, nó cũng diễn ra trong một thế giới thật, với những con người từng sống thật, trong một thời đại đã từng tồn tại, và để hiểu được động cơ của các nhân vật, ta phải hiểu được thời kỳ họ đang sống. Bộ phim đã không làm được việc cơ bản nhất này. Bộ phim từng có tiềm năng trở thành một bộ phim sử thi xoay quanh mối tình của Anne và Henry. Trên thực tế, nó chỉ là một câu chuyện tình cảm hời hợt, làm cho khán giả không hiểu tại sao Henry, người có thể có bất cứ người đàn bà nào, lại chạy theo một Anne yếu đuối và thiếu bản lĩnh đến thế.