Movie Blogs

Up in the Air – hãy xem lại cách tồn tại của bản thân

01/06/2011

Nhìn vào poster và chiến dịch quảng bá tranh giải Oscar 2009 Up in the Air tôi luôn nghĩ đây là một bộ phim khô khan, có lẽ về vấn đề chính trị nặng nề nào đó chắc hẳn tôi ít quan tâm. Rồi tôi phải ngạc nhiên và thích thú khi thấy đây thật ra lại là một bộ phim hài, mà hài về một vấn đề không hài chút nào: cuộc khủng hoảng kinh tế và hậu quả của nó đối với người lao động. Có lẽ chính sự kết hợp lạ lùng này lại khiến Up in the Air trở thành một bộ phim đáng suy ngẫm.

Up in the Air, với sự tham gia của các diễn viên
George Clooney, Vera Farmiga và Anna Kendrick

George Clooney đóng vai Ryan Bingham; công việc của người đàn ông này là đi khắp nước Mỹ và thay mặt các công ty sa thải nhân viên của họ. Cả cuộc đời anh diễn ra trên máy bay, trong những căn phòng khách sạn, và ngày qua ngày, anh sa thải nhiều người đến nỗi không còn cảm xúc gì với những con người xấu số. Anh đẹp trai, quyến rũ, và khi đứng trước người bị sa thải anh thể hiện một vẻ mặt thông cảm được lặp đi lặp lại nhiều đến nỗi ai cũng nhận ra là không thật lòng. Anh không khác gì một sát thủ, nhưng thứ anh đang lấy đi không phải là mạng sống, mà là hy vọng, và ở một khía cạnh nào đó điều này còn máu lạnh hơn việc giết người.

Dù thế, George Clooney cũng làm ta cảm thấy không thể ghét con người này, dù biết rõ một con người sống cô lập như Bingham nhiều khi có thể thật đáng khinh bỉ. Ta chỉ cảm thấy thương hại cho anh, một người ngày nào cũng phải đẩy nhiều con người khác tới những bờ vực của sự tuyệt vọng. Cùng lúc đó, phương châm sống của anh là không tạo và giữ mối quan hệ bền chặt với bất cứ ai, kể cả với chính gia đình của anh: căn hộ ở Omaha của anh trống trơn, trắng sạch một cách lạnh lẽo và quanh anh – trên máy bay và ở khách sạn – luôn đầy người, nhưng là những người xa lạ. Họ không biết anh, anh không biết họ và thật ra cũng chẳng muốn biết họ.

Anna Kendrick và George Clooney trong một cảnh phim

Anna Kendrick vào vai Natalie Keener, một cô gái thông minh vừa tốt nghiệp đại học Cornell hàng đầu ở Mỹ, vào làm ở công ty của Bingham và lập tức muốn đảo lộn cả cuộc sống của anh bằng một cuộc cách mạng công nghệ: Natalie muốn đưa quá trình “thay công ty sa thải nhân viên” lên một tầng cao hơn – sa thải họ trực tuyến qua internet! Xuyên suốt cả bộ phim, ngoài quá trình nhìn lại bản thân của Bingham, Natalie cũng phải trưởng thành. Cô phản đối cách sống cô lập và phong cách thẳng thắn đến lạnh lùng của Bingham, nhưng chính ý tưởng của cô cũng đang biến quá trình sa thải kia trở nên mất tính người hơn bao giờ hết, dù có lẽ cô không ý thức được điều này. Đối với cô và có lẽ với cả bao người trẻ tuổi của thế hệ cô, internet chỉ là một tiện ích…

Anna Kendrick thực sự có vai diễn tuyệt vời trong bộ phim này. Cô không xuất hiện đủ trong loạt phim Twilight để tôi để ý đến cô, và thành thật mà nói thì việc cô xuất hiện trong Twilight cũng từng là một yếu tố làm tôi nghi ngờ bộ phim này, và đề cử Oscar của cô. Nhưng không, cô đã làm tôi phải thán phục tài năng của cô, và tôi chỉ có thể hy vọng rằng cô sẽ có cơ hội để thoát khỏi cái bóng của Twilight, vì nếu đó là tác phẩm nổi tiếng nhất của cô thì thật đáng phí!

Alex Goran (Vera Farmiga đóng) là một người phụ nữ vì công việc cũng phải đi đây đi đó nhiều như Bingham và hai người nhanh chóng bắt đầu một cuộc tình. Giữa hai diễn viên có một sự kết nối thực sự làm bạn phải hy vọng cuối cùng họ sẽ có một mối quan hệ lâu bền hơn, dù biết phương châm sống của Bingham không cho phép. Sự lắt léo trong mối tình này là việc Alex đã có gia đình, dù có lẽ nếu là một khán giả tinh mắt sẽ nhận ra ngay từ đầu. Cảnh khi Alex cho Natalie những lời khuyên về việc tìm bạn đời cho thấy đây là một người phụ nữ có kinh nghiệm trong cả tình yêu và hôn nhân. Và sự thực này chỉ nhấn mạnh sự cô đơn của Bingham – anh luôn tách rời khỏi mọi người, đến khi anh muốn chủ động kết nối với ai thì người đó lại không thể. Khi nhận ra điều này, ta cảm tưởng chính Bingham cũng muốn thay đổi lối sống, vì có lẽ anh đã nhận ra đây không hẳn là điều anh muốn, nhưng anh đã dấn quá sâu vào cuộc sống như thế. Anh không còn đủ lý trí và không biết phải thoát thân như thế nào. Bi kịch của anh nằm ở đây.

Đoạn kết của bộ phim có thể quá trừu tượng, tuy nhiên nó lại tóm gọn được sự bấp bênh, không chắc chắn của một cuộc sống theo phong cách Bingham. Điều đáng nói nhất về bộ phim này là việc kịch bản không hề biện hộ cho những gì diễn ra trong phim. Tất cả đều là sự thực: kinh tế gặp khủng hoảng, công ty làm ăn thua lỗ, nhân viên mất việc hàng loạt và thế giới kinh doanh lạnh lùng đến nỗi có những người làm ra tiền từ công việc sa thải này. Và nhân vật chính, Ryan Bingham, chính là công cụ kết nối giữa khủng hoảng đó, thế giới kinh doanh đó và những con người phục vụ chúng. Bộ phim không lên án việc các công ty thuê một bên trung gian để sa thải nhân viên, cũng không lên án hay giải thích lý do khủng hoảng kinh tế. Chúng chỉ là bức phông dựng nên bối cảnh để ta có cái nhìn sâu hơn về cuộc sống con người trong tình cảnh như thế, cả người chịu ảnh hưởng xấu lẫn những người hưởng lợi từ nó.

Ở một góc nhìn rộng hơn, cuộc sống của Ryan Bingham như một sự phản ánh tiêu cực hơn về xu hướng của cuộc sống của ta: chúng ta ngày càng kết nối một cách trực tuyến nhiều hơn và dần trở nên xa lánh những kết nối thật hơn. Sa thải nhân viên qua internet và chia tay người yêu qua tin nhắn điện thoại (như bạn trai của Natalie đã làm với cô) có vẻ tiện lợi, nhanh chóng và đỡ mất tiền, nhưng ngay việc từ chối cơ hội gặp mặt trực tiếp đã là một hành động vô tình vô nghĩa, thiếu tôn trọng. Vậy ta có thể áp dụng nó cho những hoạt động khác mà đang dần được thay thế bằng các hoạt động ảo không?


© Xuân Hiền @Quaivatdienanh.com