Movie Blogs

Eat Pray Love và Letters to Juliet – phim về nỗi khổ của những kẻ có quá nhiều tiền

12/03/2011

Eat Pray Love và Letters to Juliet có những điểm tương đồng gì? Cả hai đều diễn ra ở Ý (hay ít nhất một phần của Eat Pray Love diễn ra ở Ý) và cả hai đều là những phim dù đầy ắp phong cảnh đẹp như tranh vẽ nhưng lại có nội dung nhàm chán đến đau đớn.

Nhiều người sẽ xếp hai phim này vào thể loại hài lãng mạn hay cái gì đó tương tự. Tôi thì cho rằng hai phim này thuộc thể loại nói về “những người có quá nhiều thời gian, tiền bạc và vấn đề tình cảm nhưng không biết giải quyết chúng ra sao nên quyết định đi du lịch hưởng thụ trong khi không hề đối mặt với các vấn đề của mình nhưng cuối cùng bằng một cách nào đó vẫn có vẻ hạnh phúc”.

Ta hãy bắt đầu với chuyến du lịch hoàn toàn chẳng có mục đích của Liz trong Eat Pray Love. Cô là một phụ nữ vừa ly dị chồng, chia tay bạn trai và cảm thấy nhàm chán với cuộc sống của mình ở Mỹ nên muốn đi du lịch Ý, Ấn Độ và Indonesia để “tìm lại bản thân”.

Vấn đề là tôi không hiểu trước khi ly dị, hoặc trước khi lấy chồng, Liz là người ra sao, và cũng vì thế tôi cũng chẳng hiểu Liz đang đi tìm cái gì. Mục đích cuộc sống ư? Mục đích cuộc sống được tìm trong việc ăn một lượng thức ăn Ý khổng lồ à? Hay việc vào một ngôi đền ngồi niệm kinh và ngồi thiền, dấn thân vào một tôn giáo nửa vời, chẳng phải Phật giáo mà cũng chẳng phải Ấn Độ giáo, mà Liz tỏ vẻ chẳng mấy quan tâm? Hay là…cái gì đó Liz làm ở Bali, Indonesia mà bây giờ tôi không thể nhớ nổi và cũng không có đủ hứng để đi xem lại? À, đúng rồi, ở Bali, Liz yêu một người đàn ông Brazil và trong một sự sắp đặt đúng kiểu Hollywood, cô không cho phép mình quá yêu anh, dù khán giả luôn biết cuối cùng thế nào hai người cũng có cảnh ngã vào lòng nhau.

Julia Roberts trong vai Liz

Ở Bali, Liz cũng gặp một bà mẹ đơn thân nghèo không có đủ tiền mua nhà và đã viết email cho bạn bè, yêu cầu họ gửi tiền giúp người mẹ này. Nếu việc kiếm tiền từ thiện lại dễ dàng như việc chỉ cần viết email cho bạn bè là có đủ tiền để xây nhà cho người nghèo thì nhiều người khác đã làm từ lâu rồi. Đây có thể là cử chỉ thiện mỹ, và cũng có thể là cái Liz đang tìm, nhưng nếu là vậy thì bộ phim đã nói về nó một cách quá hời hợt. Nếu đó là “mục đích cuộc sống” của Liz thì cô đã gây thất vọng khi sau khi có được số tiền xây nhà cho hai mẹ con ở Bali, cô cũng chẳng có vẻ gì là quan tâm đến làm việc thiện nữa.

“Đi tìm bản thân” – đây là một khái niệm quá trừu tượng mà bộ phim muốn ta tin rằng Liz tin điều này chỉ có thể được thực hiện trong chuyến đi du lịch toàn thế giới. Chẳng phải vấn đề nằm ở bản thân Liz sao? Vậy sao cô phải đi đuổi theo những thứ vô hình ngoài bản thân thay vì đối mặt với những vấn đề và cảm xúc của chính mình? Hay câu hỏi đó lại chính là tiền đề và mục đích của bộ phim mà tôi hoàn toàn không nắm được? Tôi cũng chẳng biết nữa.

Eat Pray Love đúng với cái tên của nó - đó là tất cả những gì diễn ra trong phim, đúng theo trình tự đó, và không có gì khác xảy ra. Đây có lẽ là cái tựa phim "chính xác" nhất trong lịch sử điện ảnh. Xem xong phim, tôi chỉ có cảm giác không biết mình vừa làm cái gì và tại sao lại phải bỏ ra từng ấy thời gian xem một bộ phim chẳng để lại cho tôi điều gì.

Nếu Eat Pray Love cho tôi cảm giác khó chịu khi xem thì tôi lại càng không thể tập trung vào Letters to Juliet, vì nó quá phi lý và quá dễ đoán. Từ khi thấy anh chàng hôn phu của cô gái nhân vật chính – tôi không còn nhớ tên cô là gì, nhưng cứ gọi cô là Amanda Seyfried đi – bỏ cô để đi chạy theo những dầu ôliu và pho mát, chẳng ai ngốc nghếch đến nỗi cho rằng hai người này cuối cùng sẽ vẫn lấy nhau. Và khi anh chàng ngạo mạn người Anh xuất hiện – tôi cũng chẳng nhớ tên anh ta là gì nữa và cũng chẳng nhớ là ai đóng – thì chắc phải đến từ sao Hỏa bạn mới không thể đoán được là hai người này có thể ghét nhau từ cái nhìn đầu tiên và cãi nhau như chó với mèo nhưng cuối cùng sẽ yêu nhau. (Ngoài đời có những cặp đôi như thế thật à?) Ồ, họ cãi nhau, họ hiểu lầm, họ xa nhau ư? Đâu phải vấn đề! Phim đã hết đâu! (Nhưng xin hãy hết lẹ lên...)

Amanda Seyfried ở Ý chỉ đâu có một tuần thôi, nhưng trong thời gian đó, cô có thể tham gia nhóm “thư ký của Juliet”, viết trả lời một bức thư tâm sự do một bà già viết trước đó mấy chục năm và giấu trong nhà của Juliet. Cùng trong tuần lễ đó, thư được chuyển từ Ý đến Anh, người phụ nữ lớn tuổi kia (Vanessa Redgrave đóng) cùng cháu nội bay từ Anh đến Ý và cùng với Amanda lang thang khắp vùng Tuscany để đi tìm người tình thất lạc của bà. Tất cả diễn ra trong một tuần lễ. Hay có thể là ít hơn..

Amanda Seyfried trong Letters to Juliet

Tôi đã bảo là phi lý mà. “Thư ký của Juliet” là nhóm phụ nữ làm việc với ngân sách nhà nước, tôi không tin họ lại có đủ tiền gửi thư chuyển phát nhanh FedEx hay DHL từ Ý đến Anh, dù bức thư trả lời đó có bị muộn mấy chục năm đi nữa.

Bản thân tôi thì có cho tiền tôi cũng chẳng đi tìm lời khuyên về tình yêu từ một cô gái 13 tuổi đã tự tử vì một đứa con trai mới quen được hai ngày như Juliet.

Còn cả chuyến đi ngẫu hứng để tìm người tình cũ của Vanessa Redgave (thấy không, tôi không tập trung được vào phim và vì thế chẳng nhớ bất cứ một cái tên nhân vật nào) cũng quá dễ đoán trước kết quả. Tất nhiên họ sẽ gặp khó khăn và tất nhiên chỉ đến khi gần hết hy vọng họ mới tìm ra được người cần tìm. Kể cả khi các nhân vật dường như đã tìm thấy “mộ” của người đàn ông kia, tôi cũng không tin đó là người họ đang tìm, vì, nhìn xem, vẫn còn từng ấy thời lượng phim cơ mà!

Diễn biến làm tôi mất hết niềm tin vào bộ phim này là khi anh chàng người Anh, đúng với kiểu Romeo, trèo lên một giàn cây leo để đến bên Amanda đang đứng trên một ban công. Hay ít ra là anh cố gắng trèo… trong phim hài lãng mạn thì khi có nhân vật nam đang trèo lên cây thì tất nhiên anh ta sẽ ngã xuống và khiến nhân vật nữ phải hớt ha hớt hải chạy xuống xem anh có bị thương không.

Eat Pray Love và Letters to Juliet nếu là phim quảng bá ngành du lịch ở các nước Ý, Ấn Độ và Indonesia thì phù hợp và hiệu quả hơn. Cả hai bộ phim khiến ta ao ước được đến với những phong cảnh nên thơ đó, tận hưởng thiên niên đẹp như tranh và nếm thử những món ăn tuyệt đỉnh. Nhưng để có thể làm thế, ta cần tiền, và đó có vẻ là một thứ các nhân vật trong hai phim này đều không hề thiếu. Chính điều này càng làm cho khán giả bình thường của bộ phim trở nên xa cách với nhân vật hơn, và thật ra thì bộ phim cũng chẳng cố gắng khiến ta quan tâm tới nhân vật ngay từ đầu. Điều này cũng khiến ta thật khó cảm thông hay thương hại cho những vấn đề họ gặp phải. Họ thiếu thốn gì cơ chứ?


© Xuân Hiền @Quaivatdienanh.com