Nhân vật & Sự kiện

Denzel Washington nói về tuổi thơ và ngày 11/9

17/01/2011

Khi anh trở thành diễn viên da đen đầu tiên sau Sidney Poitier đoạt giải Nam diễn viên xuất sắc nhất của Viện hàn lâm, Denzel Washington đã có một giải Oscar khác trong tay. Anh không mong đợi lập nên một cú hat-trick với vai diễn trong phim mới nhất của Tony Scott, nhưng anh cũng có những dự định khác.

Khi nói về mẹ, Denzel Washington cho biết, “Bà đã giúp tôi rời khỏi đường phố và gửi tôi vào một ngôi trường tư nhân.”

Với hai tượng vàng Oscar trong căn hộ ở Los Angeles và những khoản thù lao hàng triệu bảng, Denzel Washington không phải người dễ cảm thấy bị ấn tượng. Nhưng một cú điện thoại gần đây với nhà tâm lý học ở Đại học Harvard, Tiến sĩ Allen Counter, đã làm anh phải chú ý.

 

Denzel Washington

 

Vị giáo sư này gọi đến để mời Washington dẫn chương trình cho buổi lễ trao giải Nobel Hòa bình ở Oslo vào 11/12/2010, và điều này đã cho thấy chỗ đứng của anh trong số những người làm từ thiện đáng chú ý ở Hollywood, nhưng người có thể cũng thoải mái ở Nhà Trắng y như trên thảm đỏ.

Washington hiện giờ đang sinh hoạt trong một nhóm xã hội khá ấn tượng. Tổng giám mục Desmond Tutu đã chủ trì khi anh và vợ tổ chức hôn lễ lần thứ hai ở Nam Phi vào năm 1995. Anh cũng có vai trò lớn trong lễ nhậm chức của Tổng thống Obama đầu năm nay. Cùng lúc đó, đóng góp của anh cho Quỹ Nhi đồng Nelson Mandela cũng cho thấy anh đủ thân với vị cựu tổng thống Nam Phi để mời ông đến ăn tối ở nhà anh.

“Khi ông Mandela đến California, ông nói với tôi, ‘Tôi muốn đến nhà anh ăn tối với anh.’ Vợ tôi làm một món thịt gà và chúng tôi mời những người bạn như Oprah Winfrey đến dự.”

“Ông như người ông mà tôi luôn muốn có, ngồi kể chuyện cho tôi nghe. Các con tôi đều mời bạn đến gặp ông để được chụp ảnh với ông. Ông thật bình dị và muốn được đổi xử như thế. Và ông bình dị thật, nếu không để ý tới việc ông có máy bay trực thăng riêng và an ninh ở khắp nơi.”

Chúng tôi đang ngồi trên một chiếc ghế sofa nhung xanh trong một căn phòng đầy tính nghệ thuật tại Khách sạn Casa del Mar tại bờ biển Santa Monica. Với dáng người cao lớn, tôi càng dễ nhận ra thân hình lực lưỡng của anh. Với kế hoạch luyện tập cử tạ, quyền anh và bơi lội làm anh trông trẻ hơn tuổi ngũ tuần của mình. Phim của Washington đã thu về hơn 3 tỉ USD ở khắp nơi trên thế giới, gồm các phim bom tấn như The Pelican Brief, Crimson TideAmerican Gangster.

Nhưng anh cũng nổi tiếng với những phim tâm lý, những phim giúp anh có được năm đề cử Oscar. Đây là một kỷ lục đối với một diễn viên da đen (kỷ lục chung với Morgan Freeman). Phim của anh cũng đề cập tới các vấn đề gây tranh cãi, đáng chú ý là trong Cry Freedom của đạo diễn Richard Attenborough. Anh đóng vai Steve Biko, nhà lãnh đạo người Nam Phi chống phân biệt chủng tộc với người da đen. Anh còn được biết đến với vai diễn trong Malcolm X, bộ phim tiểu sử của Spike Lee về nhà vận động người da đen từng bị ám sát, và Philadelphia, bộ phim nói về bệnh AIDS.

Điểm duy nhất cho ta thấy anh đã 55 tuổi là mái tóc điểm bạc của anh. Anh là một con chiên ngoan đạo, quan tâm đến gia đình và cảm thấy không thoải mái khi nói chuyện về chính mình.

“Ngày nào tôi cũng đọc kinh thánh. Kinh Joshua cho tôi nhiều niềm cảm hứng,” Denzel cho biết.

Phim mới của anh, Unstoppable, ra mắt vào 24/11, do người bạn người Anh Tony Scott của anh đạo diễn (đây là em trai của đạo diễn Ridley Scott). Bộ phim là một chuyến tàu mạo hiểm, nhân vật của Denzel cố gắng ngăn một đoàn tàu không người lái.

 

Poster phim Unstoppable

 

“Trong khi quay các cảnh hành động, chúng tôi phải nhảy từ toa tàu này sang toa tàu khác,” anh cho biết. “Trong một cảnh chúng ta phải đi ngược để đuổi được con tàu chạy rông, tôi phải trèo lên nóc tàu, nhảy xuống giữa hai toa và kéo phanh tay để kiềm chế đoàn tàu. Tôi được treo trên một chiếc dây nhưng bạn vẫn có thể dễ dàng rơi xuống bất cứ lúc nào.”

“Người ta quay từ trên xuống, nhưng người quay phim thì ngồi trên một chiếc ghế với rào chắn ở tứ phía, và được buộc xuống, trong khi tôi phải chạy và trên đầu thì có trực thăng quay vù vù. Đạo diễn nói rằng điều này không có gì nguy hiểm – “Chiếc dây sẽ giữ anh lại nếu anh ngã” – nhưng cái dây thật lỏng và tôi vẫn có thể ngã xuống hai bên hay bị cành cây đập vào mặt.”

“Người cứ bay qua từng cửa sổ; họ thực sự đâm một đoàn tàu thật, họ làm nổ một đoàn tàu thật. Và bạn không tưởng tượng được đoàn tàu cao đến thế nào. Khi ở trên nóc, đây không phải là một chuyến đi tốt đẹp. Rất sốc và ồn và trong lúc đó, không cần biết bạn đang được trả bao nhiêu tiền, nếu bạn ngã khỏi một đoàn tàu đi với tốc độ một trăm cây số một giờ, thì chẳng còn ý nghĩa gì nữa.”

Mọi thứ còn tồi tệ hơn, theo diễn viên này, vì chứng chóng mặt của mình.

Hồi trẻ tôi không hề sợ độ cao, nhưng giờ tôi hơi sợ. Nếu tôi đi ra ban công, tôi cảm thấy bồn chồn. Đi máy bay không thành vấn đề, nhưng khi có không gian mở, tôi có thể cảm thấy luồng không khí, thì tất cả trở nên đáng sợ. Tôi phải bắt mình ra ngoài và đi dạo loanh quanh.”

“Tôi không thích cảm giác có người đi quanh người tôi – có thể là tôi sợ có người đằng sau sẽ đẩy tôi. Khi tôi ở phim trường và đoàn làm phim đang chuẩn bị cảnh, tôi chờ họ làm xong rồi tôi mới bước vào và diễn.”

Dù thế, đối tác lâu năm của anh, Scott (họ từng cùng hợp tác trong Crimson Tide The Taking of Pelham 123) vẫn đòi hỏi nhiều ở ngôi sao này.

“Tôi biết làm mỗi phim với Tony đều có một chút gì đó điên rồ, nên tôi đọc kịch bản rất cẩn thận. Nếu anh ấy gọi cho tôi về một kịch bản với máy bay hay nhà cao tầng, tôi luôn từ chối. Vì Tony hay tập leo núi, anh ấy không biết sợ là gì. Nhưng cuối cùng tôi vẫn luôn nhận lời vì tôi thích niềm đam mê và tinh thần của Tony. Khi phải trèo lên nóc tàu thì dần cũng quen, và đến một lúc lạ lùng nào đó bạn bắt đầu thấy thinh thích.”

Dù Washington cho biết anh chưa từng trải qua một thảm họa đời thực nào, sự kiện 11/9 cũng cho anh nhiều ấn tượng.

“Tôi là người New York nên tôi ở ngay hiện trường. Sự kiện đã thay đổi cuộc đời tôi. Tôi sẽ là người New York đến khi chết. Tôi luôn phải ở đó. Tôi bị sốc. Lúc đó tôi có thể đến ngay cái hố đó và nhìn xuống đống đổ nát. Đối với tất cả mọi người đây là một sự kiện đau đớn. Tôi thấy nhiều người ngồi ngoài đường mệt nhọc vì nhiều người phải làm hai ba ngày liền. Tôi nhớ tôi gặp một người bị mất giọng vì bị căng thẳng và hít bụi quá nhiều. Tôi đã gom một chút bụi về và bỏ nó vào túi để mang về nhà. Tôi vẫn có túi bụi đó. Đó là một sự kiện đau lòng. Thật lạ lùng vì nhiều người nhờ tôi chụp ảnh, nhưng tôi bảo họ tôi không muốn chụp ảnh vào lúc này. Nhưng có người lại bảo tôi, ‘Không, điều đó sẽ giúp người ta trở nên chóng bình phục hơn.’”

“Tôi nhìn quanh và thầm nghĩ, ‘Dưới đó có người chăng?’ Rồi tôi thấy ánh đèn pin dưới đống đổ nát. Người ta nói đó là những phần thân xác con người. Họ cứ nằm đó, đợi ai đó đến đưa họ ra.”

Lớn lên ở ngay ngoại ô New York với chị gái Lorice và em trai David, Washington không hề mơ tới Hollywood. Mẹ anh, Lynne, là một nhà trang điểm, và anh ít khi gặp cha, cũng tên là Denzel, vì ông là một cha xứ làm hai công việc.

“Không có gì là đặc biệt cả, chỉ là trong một gia đình làm việc chăm chỉ. Bố tôi làm việc suốt và giảng đạo vào cuối tuần. Với thế hệ của tôi, chẳng ai hay thấy mặt bố cả. Đó là cuộc sống. Ông khuyến khích chúng tôi học hết trung học và kiếm việc làm. Mẹ muốn chúng tôi đi học đại học. Bà muốn chúng tôi có cuộc đời tốt hơn.”

 

Denzel Washington trong Unstoppable

 

Những ảnh hưởng lớn trong đời anh là cách làm việc của cha mẹ và nhà thờ.

Denzel đã đoạt giải Nam diễn viên xuất sắc nhất của Viện hàn lâm với vai diễn trong phim Training Day.

“Cha mẹ tôi ly dị năm tôi 14 tuổi, nên tôi chỉ gặp cha đến lúc đó, nhưng cách giảng dạy tôn giáo của cha đã nâng đỡ tôi. Tôi thường đến nhà thờ. Gia đình chúng tôi đi nhà thờ mỗi chủ nhật, nhiều khi cả trong tuần nữa. Không có gì vui vẻ lắm. Khi còn là trẻ con, bạn không hề muốn đi nhà thờ – bạn muốn đi chơi với bạn.”

Khi bố mẹ ly dị, Washington đã nổi loạn trong một thời gian, chơi với bạn bè xấu và gây nhiều rắc rối.

“Đó là môi trường lớn lên của tôi. Tôi lớn lên trong thập kỷ 60. Tôi làm những gì thiếu niên ở New York làm, chơi bời ngoài phố. Nhiều người bị bắt và phải vào trại giam cho trẻ vị thành niên. Tôi không đến nỗi thế. Tôi khó sống sót nổi với hướng đi lúc đó. Đó đều là người tốt và dù tôi không có số phận như họ, tôi không hề tốt hơn họ. Đường phố đã làm hỏng họ. Tôi làm tất cả những gì họ làm – nhưng tôi không nên nói về bạn bè và những gì họ làm năm 15 hay 16 tuổi. Họ giờ đều có cuộc sống riêng. Nay đã hơn 40 năm rồi.”

Washington nói anh thoát khỏi ngưỡng cảnh vào tù vì “kinh nghiệm và khả năng nhận biết”.

Cơ hội hay bước ngoặt đổi đời của anh đến khi mẹ đưa anh vào Học viện Quân đội Oakland, ở ngoại ô New York.

“Bà cứu tôi khỏi đường phố, đưa tôi vào trường tư và vào mùa hè, bà đưa tôi đi trại hè. Đó là những quyết định đổi đời tôi. Ở trường, tôi trở nên yêu thích đọc sách. Tôi có một giáo viên thường đọc tờ New York Times cho chúng tôi nghe và điều đó mở ra cho tôi cả một thế giới mới. Tôi bắt đầu quan tâm hơn tới những gì diễn ra ngoài môi trường sống của tôi. Người thầy này cũng đưa tôi đến với văn học Ernest Hemingway và Scott Fitzgerald.”

Diễn xuất là một thứ “tình cờ đến”, anh cho biết.

“Tôi bắt đầu học y ở trường đại học nhưng nhanh chóng nhận ra tôi không muốn thành bác sĩ, và tôi không đủ thông mình và cảm thấy buồn chán.”

Ở tuổi 20, anh bắt đầu học các lớp diễn xuất trước khi đóng vai chính trong vở The Emperor Jones của Eugene O’Neill và Othello của Shakespeare, mang tới cho anh nhiều lời khen.

“Tôi từng nghĩ, ‘Mọi người đều nói là tôi diễn tốt, có thể đây là thứ tôi nên làm. Có thể sẽ có ngày tôi kiếm được 650 USD một tuần và diễn ở Broadway.’ Tôi chưa từng lên kế hoạch đến với Hollywood.”

Sự đột phá của anh đến khi anh đóng vai bác sĩ Phillip Chandler trong phim truyền hình về y học St Elsewhere. Anh đóng vai này trong sáu năm, cùng lúc đó, sự nghiệp điện ảnh của anh bắt đầu. Vào năm 1989 , Washington đoạt giải Oscar cho Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất cho vai diễn trong phim về Nội chiến Mỹ, Glory, và rồi đến năm 2002, anh trở thành người da đen thứ hai (sau Sidney Poitier) đoạt giải Oscar Nam diễn viên xuất sắc nhất cho phim Training Day.

“Tôi không thấy mình là một người tiên phong hay một tấm gương. Sidney và tôi chỉ giống nhau ở chỗ chúng tôi được nhìn nhận. Tôi có cơ hội đóng những vai người vĩ đại. Tôi luôn coi trọng tài năng tôi may mắn có được, và tôi muốn sử dụng nó vào việc tốt.”

Anh gặp vợ, Pauletta, tại phim trường của một phim truyền hình. Họ kết hôn năm 1983 và ở Hollywood, họ là một trong những đôi vợ chồng keo sơn nhất.

“Không hề dễ dàng,” anh nói. “Ai cũng có lúc thăng trầm. Chúng tôi cũng thế. Đó là cuộc sống. Nhưng chúng tôi đã tự nguyện đến bên nhau…nhưng cũng vất vả.”

Theo anh, công lao nuôi những đứa con của họ đều thuộc về Pauletta. Họ có bốn đứa con – John David 16 tuổi, Katia 22 tuổi và cặp sinh đôi Olivia và Malcolm 19 tuổi.

“Chúng tôi quyết định từ đầu là không nên kéo chúng đi khắp nơi. Thay vào đó, chúng tôi cố có một cuộc sống bình thường và vững chắc. Họ cũng phải học nhiều về việc làm việc chăm chỉ và công bằng. Bây giờ thứ quan trọng nhất đối với tôi là thành công của con. Tôi muốn được nhớ tới là một người cha tốt hơn hơn là một diễn viên giỏi.”

Những vấn đề xã hội đã tạo tiếng vang lớn trong cuộc đời diễn viên này.

“Ta luôn phải đối mặt với sự tuyên truyền từ khắp nơi. Tôi lo lắng về những ảnh hưởng lâu dài của việc có quá nhiều thông tin. Phải có người dạy thì ta mới biết ghét. Phải có người dạy bạn không thích một thứ gì đó. Malcolm X đã nói sau Thế chiến thứ hai, chúng ta được dạy là phải ghét người Đức và yêu người Nga. Mười năm sau, ta vẫn ghét người Đức và yêu người Nga. Ai đã thay đổi ý nghĩ đó? Nếu tôi có thể nói với mọi người, tôi sẽ nói, ‘Hãy cẩn thận với những thông tin bạn đang muốn tin như kinh thánh – ai đang cho bạn thông tin và tại sao bạn lại tin họ?’”

“Đạo Hồi không có lỗi về sự kiện 11/9. Những phần tử cực đoan của tôn giáo này có lỗi. Ta không thể nói là Đạo Thiên chúa phải chịu trách nhiệm cho những hành động cực đoan của họ. Ai cũng phải nhận thức được họ đang nhận thông tin gì. Đó không nhất thiết là sự thật.”

Washington nói anh không hề mong muốn giàu sang.

“Sự giáo dục tôn giáo của tôi dạy cho tôi biết rằng tiền bạc không mang lại hạnh phúc. Có một cha sứ từng nói với tôi, ‘Đằng sau xe tang không bao giờ có xe chuyển đồ – không ai được mang gì theo mình khi chết.’ Nên việc bạn có gì và đã đến đâu không giúp ích được gì cho con người bạn. Câu hỏi tôi muốn hỏi là, ‘Bạn đã giúp những ai?’”

Dịch: © Xuân Hiền @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Daily Mail