Nhân vật & Sự kiện

Plan 75: Hình dung một nước Nhật với người cao tuổi tự nguyện chết của Chie Hayakawa

27/06/2022

Tiền đề cho bộ phim của Chie Hayakawa, Plan 75, gây sốc: chính phủ thúc đẩy an tử cho người cao tuổi. Trong một xã hội đang già đi nhanh chóng, người ta tự hỏi: phải chăng bộ phim có tính tiên tri?

Chie Hayakawa ở Tokyo. Bộ phim mới của cô Plan 75 nói về vấn đề nhức nhối nhất ở Nhật Bản: thách thức đối phó với xã hội già nhất thế giới

Đạo diễn phim người Nhật Bản Chie Hayakawa nảy mầm ý tưởng này cho một kịch bản phim khi cô quyết định kiểm tra tiền đề của mình trên những bạn bè lớn tuổi của mẹ cô và nhiều người quen khác. Câu hỏi của cô: Nếu chính phủ tài trợ một chương trình an tử cho những người từ 75 tuổi trở lên, bạn có đồng ý với chương trình đó không?

“Hầu hết mọi người đều rất tán thành ý kiến này,” Hayakawa nói. “Họ không muốn trở thành gánh nặng cho con cái hoặc người khác.”

Đối với Hayakawa, hưởng ứng có vẻ gây sốc này phản ánh mạnh mẽ về văn hóa và nhân khẩu học của Nhật Bản. Trong bộ phim dài đầu tay, Plan 75, đã thắng giải đặc biệt tại Liên hoan phim Cannes hồi tháng 5, chính phủ của một nước Nhật Bản trong tương lai gần ủng hộ những cái chết lặng lẽ có tổ chức và chôn cất tập thể cho những người lớn tuổi cô đơn, với những nhân viên kinh doanh vui vẻ chào hàng họ ý tưởng này như thể bán bảo hiểm du lịch.

Hayakawa, 45 tuổi, cho biết trong một phỏng vấn tại Tokyo trước khi bộ phim khởi chiếu tại Nhật Bản: “Não trạng là nếu chính phủ yêu cầu bạn làm gì, bạn phải làm điều đó.” Cô nói, tuân thủ luật pháp và không áp đặt người khác là những mệnh lệnh văn hóa “đảm bảo rằng bạn không bó buộc trong môi trường nhóm.”

Hayakawa với những người chiến thắng khác tại Liên hoan phim Cannes 2022

Bằng thủ pháp trữ tình, nhẹ nhàng, Hayakawa đã đối mặt với một trong những vấn đề nhức nhối nhất ở Nhật Bản: thách thức đối phó với xã hội già nhất thế giới.

Với gần một phần ba dân số từ 65 tuổi trở lên và Nhật Bản có nhiều người trăm tuổi trên đầu người cao hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Cứ năm người trên 65 tuổi ở Nhật thì có một người sống một mình và quốc gia này có tỷ lệ người mắc chứng sa sút trí tuệ cao nhất. Với dân số giảm nhanh chóng, chính phủ phải đối mặt với khả năng thiếu hụt lương hưu và các câu hỏi về cách quốc gia này sẽ chăm sóc cho những công dân sống lâu nhất của mình.

Các chính trị gia lớn tuổi chiếm số đông trong chính phủ, và các phương tiện truyền thông Nhật Bản nhấn mạnh những câu chuyện thú vị về những người bậc thầy thời trang cao tuổi hạnh phúc hoặc các cơ sở bán lẻ dành cho khách hàng cao tuổi. Nhưng đối với Hayakawa, việc tưởng tượng ra một thế giới mà ở đó những công dân lớn tuổi nhất sẽ bị gạt sang một bên trong một quy trình quan liêu không phải là chuyện quá xa vời — một luồng tư tưởng mà cô nói đã có ở Nhật Bản.

An tử là bất hợp pháp ở Nhật Bản, nhưng đôi khi lại nổi lên trong bối cảnh tội phạm rùng rợn. Năm 2016, một người đàn ông đã giết chết 19 người trong khi họ đang ngủ tại một trung tâm dành cho người khuyết tật ở ngoại ô Tokyo, tuyên bố rằng những người như vậy nên được an tử vì họ “cực kỳ khó khăn để sống ở nhà hoặc hoạt động xã hội.”

Chieko Baisho đóng vai một phụ nữ cao tuổi trong Plan 75

Vụ việc kinh hoàng đã gieo mầm ý tưởng cho Hayakawa. “Tôi không nghĩ đó là một sự cố hay một quá trình suy nghĩ riêng lẻ trong xã hội Nhật Bản,” cô nói. “Nó đã có khắp nơi rồi. Tôi rất sợ rằng Nhật Bản đang biến thành một xã hội cực kỳ bảo thủ.”

Đối với Kaori Shoji, chuyên viết về điện ảnh và nghệ thuật cho Japan Times và BBC và đã xem phiên bản ban đầu của Plan 75, bộ phim có vẻ không phải là chuyện hậu tận thế chút nào. “Có thế nào thì cô ấy kể như thế nấy thôi,” Shoji nói. “Cô ấy đang nói cho chúng ta biết: ‘Chúng ta đang đi tới đó, thật đấy.’”

Yasunori Ando, ​​phó giáo sư tại Đại học Tottori, nghiên cứu về tâm linh và đạo đức sinh học, cho biết tương lai có khả năng xảy ra đó càng đáng tin hơn trong một xã hội có những người bị đẩy đến cái chết do làm việc quá sức.

Ông nói: “Không phải là không thể nghĩ đến một nơi mà sự an tử được chấp nhận.”

Hayakawa quyết định sử dụng tông điệu tinh tế hơn cho bộ phim dài và tiêm vào đó cảm giác hy vọng

Hayakawa đã dành phần lớn những năm tháng trưởng thành suy ngẫm về sự kết thúc cuộc đời từ lợi ích rất cá nhân. Ở tuổi lên 10, cô biết cha mình bị ung thư, và ông mất một thập kỷ sau đó. “Đó là những năm tôi hình thành, vì vậy tôi nghĩ nó có ảnh hưởng đến quan điểm của tôi đối với nghệ thuật,” cô nói.

Là con gái của một công chức, Hayakawa bắt đầu tự vẽ sách tranh và làm thơ từ khi còn nhỏ. Thời tiểu học, cô đã mê Muddy River, bộ phim Nhật Bản kể về một gia đình nghèo sống trên sà lan trên sông. Bộ phim của đạo diễn Kohei Oguri đã được đề cử Oscar phim nói tiếng nước ngoài hay nhất năm 1982.

“Tôi không thể diễn tả thành lời về bộ phim đó,” Hayakawa nói. “Và tôi nghĩ, tôi cũng muốn làm những bộ phim như vậy.”

Cuối cùng, cô đã nộp đơn vào chương trình điện ảnh tại Trường Nghệ thuật Thị giác ở New York, tin rằng mình sẽ có được nền tảng tốt hơn trong việc làm phim ở Mỹ. Nhưng với khả năng tiếng Anh khiêm tốn, trong vòng một tuần sau khi nhập học cô đã quyết định chuyển sang khoa nhiếp ảnh, vì cô nghĩ mình có thể tự chụp ảnh.

“Não trạng là nếu chính phủ yêu cầu bạn làm gì, bạn phải làm điều đó,” Hayakawa nói

Những người hướng dẫn Hayakawa đã ấn tượng trước sự tò mò và đạo đức làm việc của cô. “Nếu tôi tự nhiên đề cập đến một bộ phim, cô ấy sẽ về nhà và thuê nó, còn nếu tôi đề cập đến một nghệ sĩ hoặc triển lãm, cô ấy sẽ đi nghiên cứu và có chuyện để nói về nó,” Tim Maul, nhiếp ảnh gia và là một trong những trợ giảng của Hayakawa nói. “Chie là người thực sự có động lực và động cơ riêng.”

Sau khi tốt nghiệp năm 2001, Hayakawa sinh hai con ở New York. Năm 2008, cô và chồng, họa sĩ Katsumi Hayakawa, quyết định quay về Tokyo, ở đó cô bắt đầu làm việc tại WOWOW, một đài truyền hình vệ tinh, giúp chuẩn bị cho các bộ phim Mỹ chiếu ở Nhật Bản.

Ở tuổi 36, cô ghi danh học ban đêm chương trình điện ảnh kéo dài một năm ở Tokyo trong khi vẫn tiếp tục làm việc vào ban ngày. Cô nói: “Tôi cảm thấy mình không thể dồn hết sức vào việc nuôi dạy con cái hoặc làm phim.” Nhìn lại quá khứ, cô nói: “Tôi tự nhủ không sao cả, hãy cứ tận hưởng việc nuôi dạy con cái của mình. Sau đó thì bắt đầu làm phim.”

Dự án cuối khóa, cô làm Niagara, kể về một cô gái trẻ lúc sắp rời trại trẻ mồ côi mình lớn lên thì biết rằng ông nội cô đã giết cha mẹ cô, và bà nội cô, mà cô nghĩ đã chết trong tai nạn xe hơi với cha mẹ mình, hóa ra còn sống.

Hayakawa cho biết cô không muốn làm một bộ phim chỉ đơn giản coi cái chết là đúng hay sai

Cô đã gửi bộ phim tới Liên hoan phim Cannes năm 2014 ở hạng mục dành cho tác phẩm dành sinh viên và đã sốc khi phim của cô được chọn trình chiếu. Tại Canne, Hayakawa đã gặp Eiko Mizuno-Gray, nhà báo điện ảnh, sau đó đã mời cô thực hiện một phim ngắn về chủ đề Nhật Bản 10 năm nữa trong tương lai. Đó sẽ là một phần trong hợp tuyển phim do Hirokazu Kore-eda, đạo diễn nổi tiếng người Nhật Bản, sản xuất.

Hayakawa đã phát triển ý tưởng cho Plan 75 là phim truyện dài nhưng quyết định làm một phiên bản rút gọn cho Ten Years Japan.

Trong khi viết kịch bản, cô thức dậy vào lúc 4 giờ mỗi sáng để xem phim. Cô cho rằng đạo diễn Đài Loan Dương Đức Xương, đạo diễn Hàn Quốc Lee Chang Dong và Krzysztof Kieslowski, đạo diễn phim nghệ thuật người Ba Lan, là những người có ảnh hưởng quan trọng. Sau giờ làm việc, cô sẽ dành vài giờ ngồi viết thư ở quán cà phê trong khi chồng chăm sóc con cái — điều tương đối hiếm ở Nhật Bản, nơi phụ nữ vẫn gánh vác hầu hết gánh nặng nội trợ và chăm sóc con cái.

Sau khi Hayakawa đóng góp 18 phút vào hợp tuyển phim đó, Mizuno-Gray và chồng cô, Jason Gray, đã làm việc với Hayakawa để phát triển kịch bản mở rộng. Thời điểm bắt đầu quay phim là giữa đại dịch. Hayakawa nói: “Trong đại dịch Covid, có những quốc gia không ưu tiên mạng sống của người cao tuổi. Theo một cách nào đó, thực tế đã vượt qua hư cấu.”

Hayakawa tại Cannes với hai diễn viên trong Plan 75, Hayato Isomura, trái, và Stefanie Arianne, đóng vai Maria

Hayakawa quyết định sử dụng tông điệu tinh tế hơn cho bộ phim dài và tiêm vào đó cảm giác hy vọng. Cô cũng thêm những trường đoạn tường thuật, bao gồm một đoạn kể về một người phụ nữ lớn tuổi và nhóm bạn thân thiết của bà, và một đoạn khác về một người chăm sóc người Philippines, nhận công việc tại một trong những trung tâm an tử.

Hayakawa nói cô đưa vào những cảnh về cộng đồng người Philippines ở Nhật Bản, như một sự tương phản với nền văn hóa thống trị. “Văn hóa của họ là nếu ai đó gặp khó khăn, bạn sẽ giúp họ ngay lập tức,” Hayakawa nói. “Tôi nghĩ đó là điều mà Nhật Bản đang đánh mất.”

Stefanie Arianne, có cha Nhật Bản và mẹ người Philippines, đóng vai Maria, người chăm sóc, cho biết Hayakawa đã khẩn khoản cô thể hiện sự kiềm chế cảm xúc. Trong một cảnh, Arianne nói, rơi nước mắt theo bản năng, “nhưng với Chie, cô ấy thực sự yêu cầu tôi không được khóc.”

Stefanie Arianne, có cha Nhật Bản và mẹ người Philippines, đóng vai Maria, người chăm sóc, cho biết Hayakawa đã khẩn khoản cô thể hiện sự kiềm chế cảm xúc

Hayakawa cho biết cô không muốn làm một bộ phim chỉ đơn giản coi cái chết là đúng hay sai. “Tôi nghĩ kết thúc cuộc sống và bạn muốn cái chết như thế nào là một quyết định rất cá nhân,” cô nói. “Tôi không nghĩ đó là chuyện chỉ có đen hoặc trắng.”

Dịch: © Yên Khuê @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The New York Times