Nhân vật & Sự kiện

Roger Ebert: Chiến đấu cho những bộ phim bằng ngòi bút và ngón tay cái

07/07/2014

Life Itself, phim tài liệu mới về Roger Ebert, nghiên cứu nhiều khía cạnh của nhà phê bình điện ảnh nổi tiếng nhất nước Mỹ: nền tảng nhà báo, cuộc chiến chống ung thư được ghi lại đến sức cùng lực kiệt kết thúc bằng cái chết của ông hồi năm ngoái, thói quen uống rượu, sự hóm hỉnh, tình yêu của ông dành cho vợ, Chaz.

Nhưng có lẽ một trong những khía cạnh ngạc nhiên nhất — xét nghề nghiệp của ông thường xuyên bị nhiếc móc bởi chính những người có tác phẩm bị soi — là danh tiếng của ông trong giới làm phim.

Bộ đôi nhà phê bình điện ảnh và dẫn chương trình truyền hình Roger Ebert, cận cảnh,
và Gene Siskel trong một khán phòng ở Chicago năm 1984
[Ảnh: Kevin Horan/Magnolia Pictures]

Trong phim, do Steve James thực hiện, Ebert là đề tài của những trích dẫn ấn tượng từ các đạo diễn. “Một chiến binh cho điện ảnh,” Werner Herzog tưởng niệm. Không có sự ủng hộ của ông “tôi đã chẳng có sự nghiệp”, Errol Morris tuyên bố. Và, trong một lời khen ngợi từ không phải nghệ sĩ vô danh nào, Martin Scorsese thú nhận, “Tôi không thấy mất tự nhiên với Roger.”

Nhà phê bình xem bộ phim là cách con người thấu hiểu và kết nối lẫn nhau, và sự dâng hiến đó đã mở rộng đến mối quan hệ của ông với những nhà làm phim mà ông đã bênh vực vào những thời điểm sống còn trong sự nghiệp của họ. Kể cả khi ông bộc lộ sự công kích không biết sợ trên chương trình truyền hình của ông với Gene Siskel — và xuất bản một cuốn sách toàn về những phim ông ghét — Ebert đã xây dựng qua việc viết lách của ông một sự kính trọng lẫn nhau với nhiều đạo diễn.

Trong số đó có Ava DuVernay. Tuy thành tích của cô bao gồm bộ phim độc lập Middle of Nowhere năm 2012 được đón nhận nhiệt tình và giờ đây cô là đạo diễn phim tiểu sử Martin Luther King Jr. Selma, DuVernay là cựu nhà báo điện ảnh cố gắng tạo dựng sự nghiệp toàn thời gian bằng công việc đạo diễn khi cô ra mắt phim truyện đầu tiên của mình. Cô vẫn còn ngạc nhiên trước sự ủng hộ hào phóng của Ebert cho xuất phẩm không tên tuổi đó.

Ebert và vợ, Chaz, năm 1992. Ebert mất vào tháng 4/2013 [Ảnh: Magnolia Pictures]

“Ông bênh vực cho cuốn phim kinh phí nhỏ xíu 50.000 đôla rất nhiệt tình, rất đam mê, đến mức ông buộc người khác phải xem xét tác phẩm của tôi, những người trước đó đã từ chối làm chuyện này,” DuVernay nói trong email. “Ông gọi bộ phim là ‘lời mời đến với sự cảm thông.’”

Ai mà chẳng hưởng ứng khi được khen ngợi, tất nhiên rồi, nhưng DuVernay cũng chọn ra một bài phê bình năm 1993 bộ phim của một đạo diễn khác, Ruby in Paradise của Victor Nunez làm một nguồn cảm hứng không ngừng.

“Bài phê bình của Roger được đính trên bản tin trên bàn làm việc của tôi,” DuVernay viết, và trích một đoạn: “'Chuyến phiêu lưu vĩ đại nhất trên đời không diễn ra ở những nơi chốn kỳ quái với những con người kỳ ảo. Chúng diễn ra ở nơi mà chúng ta đánh giá thế giới này và đánh liều với nó.’”

Những bài phê bình phim của Ebert cũng tạo động lực cho Marc Forster, đạo diễn phim World War Z. Một thời điểm ngặt nghèo đã xảy ra với bộ phim Monster’s Ball năm 2001 của anh. Halle Berry đoạt Oscar cho diễn xuất của cô, nhưng sự ủng hộ của Ebert dành cho bộ phim đã gia tăng thanh thế cho bộ phim trong suốt mùa giải.

Roger Ebert thời trẻ

“Khi một nhà phê bình như Roger hiểu tác phẩm của bạn, điều đó tạo hứng khởi cho bạn, và tôi cảm thấy mình không rời bỏ mục tiêu — đã khởi đầu sự nghiệp của tôi,” Forster nói trong một phỏng vấn qua điện thoại về sự quan tâm này, kéo dài đến bộ phim Stay, tác phẩm rắc rối ít được đón nhận năm 2005 của anh.

Một quan hệ sâu đậm hơn đã xảy ra giữa Ebert và đạo diễn Ramin Bahrani. Với Ramin, sự ủng hộ của Ebert là then chốt cho một thời điểm sống còn trong sự nghiệp của ông. Cả hai đã từng trao đổi với nhau, và Ebert khen ngợi Man Push Cart (2006) và Chop Shop (2008). Nhưng đến phim thứ ba, Goodbye Solo, Bahrani tự hỏi tiếp theo sẽ là gì, nếu có.

“Lúc đó tôi không chắc mì h có tiếp tục làm phim nữa không,” Bahrani nói. “Nhiều tháng trời bạn tự hỏi, ý nghĩa của chuyện này là gì?”

Nhưng rồi ông đọc một bài phỏng vấn Ebert đã làm với Herzog trong đó ông hỏi nhà đạo diễn này mục đích của việc làm phim nếu tận thế cận kề. Herzog mượn câu trả lời của Martin Luther với một câu hỏi tương tự: “Ông ấy đáp rằng, ‘Tôi sẽ trồng một cây táo.’ Tôi sẽ bắt đầu quay một phim mới.”

Gene Siskel và Roger Ebert (phải)

Cuộc trò chuyện đó, và sự biến dạng lẫn năng suất của Ebert trong lúc đối mặt với sức khỏe suy giảm, khiến Bahrani muốn làm phim mới khác.

“Có điều gì đó buộc tôi phải suy nghĩ. Tôi gửi email cho Roger về điều này, và lần nữa nó đã làm thay đổi đường đi của tôi,” Bahrani nói, thêm rằng kỳ vọng cao của Ebert khiến anh trở nên sắc sảo.

Cách tương tác với một nhà phê bình như thế này không nhiều trong một lĩnh vực mà các nhà làm phim chỉ thường nhớ sự chê bai, hay hoàn toàn tránh né những bài phê bình. Nhưng James nhớ lại khoảnh khắc còn lại của Life Itself trong đó Martin Scorsese liên hệ bài phê bình của Ebert dành cho bộ phim The Departed năm 2006 của ông. Với Ebert, bộ phim tội phạm hai mặt này tạo tiếng vang vì nhận thức đạo đức Công giáo mạnh mẽ của Scorsese:

“Bộ phim này như một sự nghiên cứu về lương tâm,” Ebert viết, “khi bạn thức trắng đêm cố tìm ra cách nói với linh mục: Con biết mình đã làm sai, nhưng, ôi, thưa Cha, con còn có thể làm gì khác nữa?”

Áp phích phim

Scorsese nói với James: “Khi tôi đọc thấy ông ấy viết như vậy, tôi nói, ‘Chà, phim đúng là như vậy.’ ý tôi là, ông ấy có thể nói, ‘À, thế chưa đủ.’ Trên phương diện suy nghĩ và nói năng của con người, tôi nghĩ rằng, ‘Tôi biết vầy là sai. Nhưng tôi không có lựa chọn, tôi không thể làm khác.’ Và phải mất nhiều năm để tôi hiểu rằng mình là thế đó. Và Roger biết điều đó.”

Dịch: © Yên Khuê @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The New York Times


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi