Nhân vật & Sự kiện

Shim Hyung Rae không ngừng khát khao vươn tới Hollywood

03/03/2011

Nhà làm phim xuất thân từ diễn viên hài Shim Hyung Rae là người mơ mộng hão huyền. Ông theo đuổi giấc mơ làm một bộ phim giành vị trí dẫn đầu phòng vé tại Hollywood suốt nhiều thập kỷ qua bất chấp mọi sự chênh lệch.

Nhiều nhà phê bình gọi giấc mơ này là hão huyền và phi thực tế. Đương nhiên ông biết còn một quãng đường dài phải đi nhưng ông tự tin rằng một ngày nào đó giấc mơ của ông sẽ trở thành hiện thực.

Phim Hàn Quốc đã rất thành công tại châu Á và thu hút sự chú ý tại nhiều liên hoan phim quốc tế.

Tuy nhiên, sự hiện diện của phim Hàn tại thị trường Mỹ gần như là không có. Các chuyên gia cho biết điện ảnh Hàn Quốc thiếu vốn, kỹ thuật, các ngôi sao đẳng cấp quốc tế và nhiều yếu tố khác để thu hút khán giả Mỹ.

Đạo diễn Shim Hyung Rae

Tuy nhiên, Shim Hyung Rae lại cho rằng đó là do thiếu sự thử nghiệm.

“Chúng ta sẽ không biết làm thế nào thâm nhập thị trường Mỹ nếu không thử nghiệm,” Shim Hyung Rae trả lời phỏng vấn The Korea Times. “Nhiều đạo diễn và chuyên gia Hàn Quốc đã học tập tại Mỹ và hiểu rõ điện ảnh nước này. Nhưng kiến thức chưa đủ để thâm nhập thị trường. Điều quan trọng là kinh nghiệm, không phải những kiến thức trong sách vở.”

Shim Hyung Rae, 53 tuổi, “ông vua của những trò vui nhộn” tại Hàn Quốc xuất hiện lần đầu tiên với tư cách diễn viên hài năm 1982 và nổi tiếng vào cuối những năm 80 với nhân vật ngốc nghếch Younggu trong phim truyền hình, một người vụng về ngốc nghếch nhưng đáng yêu.

D-WarLast Godfather

Ông sản xuất nhiều phim thiếu nhi trong những năm 90 và năm 2007, ông gõ cửa Hollywood với bom tấn khoa học viễn tưởng đầu tiên D-War.

Bất chấp hàng loạt những lời bình luận tiêu cực từ các nhà phê bình Hàn Quốc và Mỹ, phim đạt doanh thu 10,8 triệu đôla tại Bắc Mỹ, trở thành phim Hàn có doanh thu cao nhất tại đây.

Bộ phim D-War của Shim Hyung Rae

Tháng 12/2010, ông cho ra mắt phim hài The Last Godfather tại Hàn Quốc, thu hút 1,3 triệu khán giả trong tuần khởi chiếu và vượt qua mức 2,5 triệu khán giả vào giữa tháng 1/2011.

Bộ phim nói tiếng Anh do đội ngũ sản xuất người Mỹ thực hiện, có sự tham gia của ngôi sao Harvey Keitel, sẽ được công chiếu tại 12 thành phố lớn ở Mỹ vào ngày 1/4.

Sự lựa chọn của Shim Hyung Rae trong việc xây dựng nhân vật và bối cảnh rời rạc đã trở thành dấu ấn của người đạo diễn này. Trong phim Yong-gari (1999), ông đưa một nhà cổ sinh vật học người Mỹ đến vùng phía bắc núi Ural ở Nga; trong phim tiếp theo, D-War, ông thả một con rồng vào trung tâm Los Angeles, và lần này, ông đã mang một chàng trai nông thôn Hàn Quốc đến New York – con trai của một thành viên xã hội đen New York.

Những phim của Shim Hyung Rae không thiếu bất cứ tiêu chuẩn nào đối với một phim Hollywood. Chúng sử dụng kỹ xảo đồ họa vi tính, những nghệ sĩ nổi tiếng và có sự góp mặt của những bối cảnh có một không hai.

Tuy nhiên, ông bị chỉ trích bởi chất lượng đồ họa vi tính kém và sự “thiếu khéo léo và chuyên nghiệp trong làm phim”. Một số thậm chí đã buộc tội ông bôi nhọ hình ảnh của Hàn Quốc và yêu cầu ông chấm dứt sự nghiệp đạo diễn của mình.

Đáng chú ý, ông còn bị đả kích kịch liệt bởi Jin Joong Gwon, một nhà phê bình xã hội hàng đầu, trên trang điện tử xã hội của ông, trong đó Jin Joong Gwon viết rằng ông sẽ “không bao giờ phí thời gian để xem phim của Shim Hyung Rae” và gọi The Last Godfather là một “sản phẩm khiếm khuyết”.

Về điều này, ông cho biết “Tôi hiểu rằng có những người chống lại những gì tôi làm; tuy nhiên, họ không nên nói những điều nằm ngoài bản thân bộ phim.”

Shim Hyung Rae cho rằng thành công của các phim Hàn tại Mỹ chủ yếu phụ thuộc vào việc các đạo diễn Hàn Quốc thu hẹp khoảng cách văn hóa trong phim, nhằm thu hút sự chú ý của khán giả nước ngoài tới bộ phim.

“Đó là lý do đầu tiên khiến tôi lựa chọn thể loại phim hài điệu bộ, sử dụng ít ngôn từ hơn và là biện pháp gây cười mang tính toàn cầu giống như Charlie Chaplin và Mr. Bean (Rowan Atkinson),” ông nói. “Thẳng thắn mà nói, chúng tôi không có kỹ thuật điện ảnh tối tân và nguồn vốn dồi dào để sản xuất các phim bom tấn có quy mô và tính thị trường như Avatar hay loạt phim The Lord of the Rings. Điều chúng tôi có thể làm và nên làm là tìm ra những nhân tố có sức hút vượt ra ngoài biên giới và vạch ra một chiến lược dựa trên những điều đó để tiến vào thị trường Mỹ.”

Shim Hyung Rae (phải) trong The Last Godfather

Khoảng cách về hệ thống sản xuất phim

Ông cũng chỉ ra khoảng cách mang tính hệ thống mà các nhà sản xuất phim Hàn Quốc phải vượt qua để đàng hoàng đứng trên sân khấu lớn.

“Mọi bước trong quá trình làm phim tại Mỹ đều hoàn toàn dựa trên hợp đồng, nghĩa là các nam, nữ diễn viên cũng như các nhân viên hỗ trợ đều phải tuân thủ những điều khoản trong hợp đồng có liên quan đến bộ phim, nhưng ở Hàn Quốc thì không như vậy,” Shim Hyung Rae nói, nhấn mạnh đến sự cần thiết phải có một kế hoạch làm phim cẩn thận để công việc tiến triển như dự kiến. “Làm phim tại Hàn Quốc đương nhiên cũng dựa trên hợp đồng. Tuy nhiên, trên thực tế, đạo diễn có một quyền lực tuyệt đối. Để đảm bảo đúng tiến độ, họ thường xuyên quay thâu đêm và yêu cầu những phần biểu diễn không có trong hợp đồng, những điều không hề có ở Mỹ.”

Shim Hyung Rae cho biết có rất ít thông tin ở Hàn Quốc cho biết làm thế nào có được nhiều lợi nhuận hơn ở thị trường thứ cấp với DVD, sản phẩm liên quan đến nhân vật, phát sóng trên truyền hình cáp…

“Thị trường Mỹ là cửa ngõ tiến vào Nam Mỹ và châu Âu,” ông nói. “Nhưng chúng ta chưa bao giờ phân phối phim sang các quốc gia khác thông qua Mỹ. Nỗ lực tiến vào Mỹ của tôi không phải chỉ để theo đuổi thị trường Bắc Mỹ mà là thị trường toàn cầu.”

Younggu và Mr. Bean

Động lực chủ yếu khiến ông bất ngờ rời bỏ lĩnh vực hài và bước sang lĩnh vực điện ảnh xa lạ vào năm 1993 rất đơn giản: “Chỉ vì tôi ghen tị với Mr.Bean,” ông nói.

“Younggu là phiên bản Hàn của Mr.Bean. Nhưng sự hiện diện đối với khán giả toàn cầu của hai nhân vật giống nhau này lại hoàn toàn trái ngược,” ông nói.

Mr. Bean, nhân vật chính trong loạt phim truyền hình hài của Anh, đã nhận được vô số giải thưởng quốc tế và xuất hiện trong nhiều phim điện ảnh cũng như phim hoạt hình tại hàng trăm quốc gia, còn Younggu chỉ được biết đến tại Hàn Quốc, thậm chí còn tệ hơn, trong những năm gần đây, ngày càng ít người biết đến nhân vật này.

Một Younggu mới mẻ, dễ thương với khán giả Mỹ

Shim Hyung Rae cho biết phản hồi của các nhà phê bình Mỹ với bộ phim mới nhất của ông The Last Godfather và nhân vật chính Younggu trong buổi chiếu thử là rất khả quan.

“Nhiều nhà phê bình coi đó là một nhân vật mới mẻ, dễ thương và cuốn hút khán giả Mỹ,” ông nói. “Nhiều người còn đề xuất ý kiến đưa Younggu vào phiên bản hài của một phim cao bồi miền Tây như A Fistful of Dollars.”

Về khả năng nói tiếng Anh trong các buổi họp báo với phóng viên nước ngoài, ông trả lời, “Tôi nghĩ mình nói tiếng Anh khá tốt. Nhưng vấn đề là họ không hiểu những điều tôi nói.”

Ông thận trọng khi nói về triển vọng của bộ phim mới nhất của mình tại Mỹ. Nhưng ông cũng nói rõ rằng đây là một bước tiến đầy ý nghĩa đối với ông.

“Tôi chỉ mới đặt bước chân thứ hai vào Mỹ,” ông nói, ám chỉ hai phim D-WarThe Last Godfather. “Một đứa trẻ sơ sinh không thể chạy nhanh như một vận động viên chạy nước rút. Cũng như thế, phim của tôi còn nhiều việc phải làm để cạnh tranh được với phim Mỹ. Nhưng tôi sẽ tiếp tục làm phim, thể loại nào cũng được và cuối cùng sẽ giành chiến thắng tại phòng vé.”

Hiện tại ông đang chuẩn bị cho dự án tiếp theo, một phim hoạt hình 3D về trẻ mồ côi mang tên Memory of the Bread, khắc họa đất nước Hàn Quốc hậu chiến tranh trong những năm 60.

Shim Hyung Rae là ai?

Sinh năm 1958 tại Seoul, Shim Hyung Rae bắt đầu nghiệp diễn viên hài vào năm 1982 sau một cuộc tuyển chọn diễn viên do KBS, đài truyền hình lớn nhất Hàn Quốc, tổ chức. Nhân vật truyền hình Younggu đưa ông trở thành ngôi sao vào những năm 80, mang về cho ông danh hiệu Nghệ sĩ hài của năm vào năm 1988.

Thành lập công ty riêng Younggu-Art Entertainment năm 1993, ông sản xuất một loạt phim khoa học viễn tưởng dành cho thiếu nhi. Ông được coi là “nhà lãnh đạo xu hướng đổi mới của thế kỷ 21” dưới thời kỳ chính quyền Kim Dae Jung năm 1999 và nói với những người đang vật lộn với cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998 rằng, “Vấn đề ở chỗ bạn thiếu quyết tâm chứ không phải thiếu khả năng.”

Ông gặp rất nhiều khó khăn về tài chính cuối những năm 2000 sau một loạt thất bại tại phòng vé, nhưng đã vượt qua nhờ nỗ lực không ngừng vươn tới thành công trên màn ảnh rộng.

“Tôi hy vọng các tác phẩm của mình sẽ trở thành cẩm nang cho các đạo diễn Hàn Quốc tiến vào những thị trường nước ngoài lớn hơn,” ông nói.


Dịch: © Hồng Hạnh & Chi Nguyễn @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Korea Times, Korea Herald