Tin phòng vé

Phòng vé Trung Quốc đạt doanh thu 2 tỉ USD năm 2011

21/01/2012

Năm 2011 là một năm tốt lành đối với ngành điện ảnh Trung Quốc, đạt trên 13,1 tỉ nhân dân tệ (2,07 tỉ USD) doanh thu phòng vé, tăng 28,93% so với năm 2010, theo lời một viên chức cấp cao trong ngành điện ảnh phát biểu hôm 9/1.

Năm vừa qua, các hãng phim Trung Quốc sản xuất 791 phim ở nhiều thể loại, thu về 7,03 tỉ nhân dân tệ (1,11 tỉ USD) tại phòng vé, chiếm 53,6% tổng doanh số vé bán, Đồng Cương, vụ trưởng Vụ Điện ảnh trực thuộc Cục Quản lý Điện ảnh, Truyền thanh và Truyền hình Trung Quốc (SARFT), nói.

Tuy nhiên, trong lễ khai mạc giải thưởng của Hiệp hội Đạo diễn phim Trung Quốc tổ chức tại Bắc Kinh hôm 8/1, Tạ Phi, đại diện cho thế hệ đạo diễn Trung Quốc lớn tuổi, nói rạp chiếu bóng nước này “chỉ chiếu 100 phim nội địa mỗi năm.”

Đa số phim kinh phí thấp không được ra rạp.

Trung Quốc đã xây dựng thêm 803 rạp chiếu trong năm 2011, trung bình mỗi ngày có 8,3 rạp mới. Nhiều rạp chiếu cũng được xúc tiến đưa tới những vùng nông thôn.

Đồng Cương cho biết các phim bom tấn nội địa đã trở nên hoàn thiện hơn, với tiến bộ rõ rệt về chất lượng. Ông nêu ví dụ bộ phim đình đám mới đây Kim Lăng thập tam thoa của đạo diễn Trương Nghệ Mưu, tác phẩm đã thu về trên 560 triệu tệ (88,69 triệu USD) trong chưa đầy một tháng kể từ khi phát hành.

Kim Lăng thập tam thoa - tác phẩm đình đám của điện ảnh Trung Quốc 2011

Thế nhưng, ngoài những thành công lớn nhất, chất lượng nhiều phim vẫn đáng lo ngại. Nhiều phim bom tấn tiếp tục sử dụng công thức cũ: truyền thuyết cổ Trung Quốc, các ngôi sao điện ảnh tên tuổi, yếu tố võ thuật và cảnh chiến trận hoành tráng. Những tác phẩm như Thanh Xà Bạch Xà, Họa bích, Quan Vân TrườngHồng Môn Yến đều vượt mốc 150 triệu tệ (23,7 triệu USD) doanh thu phòng vé, song khán giả chế nhạo những lỗ hổng trong kịch bản, bóp méo lịch sử, nhân vật tẻ nhạt và đánh giá thấp các bộ phim này trên nhiều trang web bình luận phim.

Ngược lại, nhiều phim được giới phê bình khen ngợi ế ẩm ở phòng vé: Khôi Bạt, The Piano in a Factory (Cây dương cầm thép) và Return Ticket được ca tụng, đoạt nhiều giải thưởng, song nhiều khán giả xem rạp bình dân thậm chí không hề biết tới chúng.

Nhiều phim được biên tập để được các nhà kiểm duyệt chấp thuận, thỏa hiệp chất lượng nguyên bản. Một ví dụ là Love for Life của đạo diễn Cố Trường Vệ (có các diễn viên hạng A, Chương Tử Di và Quách Phú Thành, đóng chính) cố gắng giải quyết vấn đề bệnh AIDS.

Trong khi đó, một số phim độc lập kinh phí thấp làm mưa làm gió tại phòng vé. Phim hài lãng mạn Love is Not Blind (33 ngày thất tình) chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết trên mạng nổi tiếng thu hút khán giả trẻ. Phim tốn dưới 10 triệu tệ để sản xuất song cuối cùng thu về 350 triệu tệ (55,44 triệu USD).

Áp phích phim Love is Not Blind [Ảnh: China.org.cn]

Phim Đài Loan You Are the Apple of my Eye cũng được chuyển thể từ một cuốn tiểu thuyết tình cảm nổi tiếng trên mạng, trở thành phim Hoa ngữ đạt doanh thu cao nhất mọi thời đại tại Hồng Kông (61,28 triệu đôla Hồng Kông) và là phim đoạt doanh thu cao thứ ba mọi thời đại (420 triệu tệ) ở Đài Loan. Phim ra mắt tại Đại lục tháng 1/2012.

Các phim độc lập sinh lời khác bao gồm phim kinh dị Mysterious Island (Cô đảo kinh hồn) với kinh phí sản xuất 5 triệu tệ (729.100 USD), thu về 90 triệu tệ (14,25 triệu USD). Thành công của tác phẩm bắt nguồn từ chiến lược tiếp thị mục tiêu hướng vào những người hâm mộ nữ ca sĩ kiêm diễn viên thần tượng Dương Mịch, diễn viên chính trong phim.

Những bộ phim độc lập này giúp đa dạng hóa thực đơn điện ảnh, mang lại sự ghi nhận cho thế hệ đạo diễn trẻ tuổi, những người đóng góp 20 phim nội địa đạt doanh số vé bán trên 100 triệu tệ mỗi phim năm 2011.

Tuy nhiên, ngồi chiếu trên vẫn là các bộ phim nhập khẩu từ Hollywood, 17 phim Hollywood năm 2011 kiếm được trên 100 triệu tệ (15,8 triệu USD) mỗi phim tại phòng vé. Có thể so sánh con số này với 10 phim năm 2010 và 21 phim giữa những năm 1994 – khi Trung Quốc bắt đầu nhập khẩu phim nước ngoài – và 2007.

Transformers: Dark of the Moon là đại quán quân phòng vé Trung Quốc năm qua, thu về 1,1 tỉ nhân dân tệ (174 triệu USD), trở thành phim đạt doanh thu cao nhất tại Trung Quốc năm 2011, đồng thời là phim đạt doanh thu cao thứ hai mọi thời đại – chỉ sau Avatar năm 2009, đạt 1,32 tỉ nhân dân tệ (209 triệu USD).

Xếp thứ hai là Kung Fu Panda 2, tiến vào bảng xếp hạng với doanh thu khủng 610 triệu tệ (96 triệu USD).

Nhờ phim nước ngoài và phim Trung Quốc “ăn nên làm ra” mà đất nước này đã trở thành thị trường phim phát triển nhanh nhất toàn cầu và là thị trường phim lớn thứ ba thế giới sau Mỹ và Nhật Bản.

Transformers: Dark of the Moon - quán quân phòng vé Trung Quốc 2011

Bất chấp sự tăng trưởng của thị trường nội địa, Đồng Cương lưu ý rằng doanh thu phòng vé của phim Trung Quốc ở nước ngoài thấp hơn so với năm 2010, chỉ đạt 2,05 tỉ nhân dân tệ (324 triệu USD), cho thấy sự giảm sút sức cạnh tranh quốc tế của điện ảnh Trung Quốc.

Trong nước, Vụ Điện ảnh Trung Quốc đang nghĩ cách để làm cho chi phí xem phim rạp chấp nhận được hơn, bao gồm đặt mức giá tối đa và tăng số lượng rạp chiếu phim hạ giá.

Ở những thành phố lớn của Trung Quốc như Bắc Kinh, Thượng Hải, giá vé cho một bộ phim bom tấn có thể trên 100 tệ (16 USD). Theo Đồng Cương, SARFT sẽ đưa ra định hướng về giá vé cho rạp chiếu phim trong năm 2012, đặt mức giá tối đa và khuyến khích các rạp tăng số lượng vé nửa giá tiền.

10 phim Trung Quốc đạt doanh thu cao nhất năm 2011
(Tính đến ngày 8/1)

1. Kim Lăng thập tam thoa - 560 triệu tệ (88,69 triệu USD) (đang chiếu)
2. Long Môn phi giáp 3D - 509 triệu tệ (80,61 triệu USD) (đang chiếu)
3. Kiến đảng vĩ nghiệp - 420 triệu tệ (66,52 triệu USD)
4. Love is Not Blind - 350 triệu tệ (55,44 triệu USD)
5. Tân Thiếu Lâm Tự - 220 triệu tệ (34,85 triệu USD)
6. Overheard 2 - 218 triệu tệ (34,53 triệu USD)
7. Thanh Xà Bạch Xà - 215 triệu tệ (34 triệu USD)
8. Tương ái - 198 triệu tệ (31,36 triệu USD)
9. Võ lâm ngoại truyện - 197 triệu tệ (31,2 triệu USD)
10. Họa bích - 180 triệu tệ (28,51 triệu USD)

10 phim nước ngoài đạt doanh thu cao nhất năm 2011

1. Transformers: Dark of the Moon – 1,1 tỉ nhân dân tệ (174 triệu USD)
2. Kung Fu Panda 2 - 605 triệu tệ (95,77 triệu USD)
3. Pirates of the Caribbean: On Stranger Tides - 488 triệu tệ (77,25 triệu USD)
4. Harry Potter and the Deathly Hallows: Part 2 - 415 triệu tệ (65,69 triệu USD)
5. The Smurfs - 261 triệu tệ (41,31 triệu USD)
6. Fast Five - 254 triệu tệ (40,2 triệu USD)
7. Battle: Los Angeles - 235 triệu tệ (37,2 triệu USD)
8. Rise of the Planet of the Apes - 208 triệu tệ (32,9 triệu USD)
9. Real Steel - 142 triệu tệ (22,47 triệu USD)
10. Rio - 142 triệu tệ (22,47 triệu USD)

Dịch: © Xuân Hoa @Quaivatdienanh
Nguồn: China.org.cn


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi