Tin tức

Hình ảnh người Hàn gốc Hoa trong điện ảnh Hàn

30/08/2017

Phim ảnh thường đem đến một phương thức để hiểu văn hóa nước ngoài và tạo ra hình ảnh con người đến từ các nước khác nhau. Nói cách khác, chúng có ảnh hưởng lớn tới khán giả những người thường suy nghĩ rập khuôn về một số nhóm người hay đất nước nhất định dựa trên những gì họ thấy trên màn ảnh. Ở Hàn Quốc, hiện tượng này rõ ràng nhất trong việc miêu tả người Hàn gốc Hoa.

Trong phim Hàn, người Hàn gốc Hoa (chủ yếu đến từ khu tự trị Yanbian ở Đông Bắc Trung Quốc) thường được khắc họa là dã man và nghèo khổ. Phần lớn thời gian, họ được xem là “người giải quyết vấn đề” trong các hoạt động tội phạm, sẵn sàng làm mọi thứ vì tiền. Về bề ngoài, họ thường ăn mặc bẩn thỉu, đầu tóc bù xù và dựa vào các dụng cụ thô sơ như rìu và xương động vật sắc nhọn.

Cảnh đánh nhau trong quán ăn của người Hàn gốc Hoa trên phim Midnight Runners

Hình ảnh người Hàn gốc Hoa như thế lại tái hiện trong một vài phim gần đây như phim hài Midnight Runners, bán được 2,9 triệu lượt vé, bộ phim hành động 'noir' nhãn R Real, ra mắt hồi tháng 6.

Trong Midnight Runners, một nhóm người Hàn gốc Hoa là băng đảng tội phạm chủ chốt đằng sau một vụ án liên quan tới bắt cóc những cô gái trẻ để bán cho một bác sĩ sản, người này lấy trứng của họ cho các bệnh nhân vô sinh của hắn. Những người Hàn gốc Hoa trong phim này hành động bạo lực dã man không chỉ với những cô gái bị bắt cóc, rất nhiều người bị nhốt trong phòng giam bẩn thỉu để bị chảy máu tới chết, mà còn với các nhân vật chính của bộ phim: hai sinh viên từ Học viện Cảnh sát Quốc gia miệt mài theo dấu bọn tội phạm người Hàn gốc Hoa này.

“Tôi đã nghĩ ngợi rất nhiều về việc khắc họa người Hàn gốc Hoa như thế nào,” đạo diễn Kim Ju Hwan nói trong buổi họp báo tháng trước. “Hệt như những người Liên Xô cũ xuất hiện trong vai phản diện của những phim Hollywood thời Chiếu tranh lạnh, tôi hy vọng [cách thể hiện người Hàn gốc Hoa trong phim của mình] có thể được hiểu cởi mở là một công cụ điện ảnh hơn là thành kiến đối với họ.”

Trùm băng đảng người Hàn gốc Hoa (do Sung Dong Il thể hiện) trong phim Real

Trong Real, với Kim Soo Hyun, một trùm băng đảng người Hàn gốc Hoa (Sung Dong Il) được xem là phản diện, tìm cách cướp sòng bạc từ tay nhân vật của Kim Soo Hyun. Ông trùm này, đương nhiên là được mô tả hết sức độc ác – đủ để ép thuộc hạ của mình ăn một con cóc độc và đánh một tên tới chết bằng chảo nấu ăn.

Có một danh sách dài phim mô tả người Hàn gốc Hoa theo cách tương tự, bao gồm Asura: The City of Madness (2016), New World (2013) và The Yellow Sea (2010).

Một nhân vật người Hàn gốc Hoa được mô tả theo cách khác trong bộ phim kỳ bí năm ngoái Missing, trong đó một bảo mẫu người Hàn gốc Hoa đột nhiên bỏ trốn đem theo em bé người Hàn mà cô đang chăm nom. Bất chấp diễn tả nhân vật một cách rộng lượng, nhân vật này vẫn được khắc họa là tội phạm tiềm năng.

“Người Hàn gốc Hoa trong phim Hàn thường vào vai băng đảng, đánh đấm và giết người,” nữ diễn viên 26 tuổi người Hàn gốc Hoa Xin Guangchun nói. “Tôi tin rằng những miêu tả này mang lại ảnh hưởng tiêu cực cho hình tượng mà người Hàn, đặc biệt những người không có bạn bè gốc Hoa, vốn đã có.”

Cảnh bạo lực sử dụng rìu trong phim The Yellow Sea

“Tôi thực sự cảm thấy thành kiến và phân biệt đối xử khi sống và làm việc ở Hàn Quốc, vì tôi thường cảm thấy mọi người không thực sự thích [tôi] khi tôi nói mình là người gốc Hoa.”

Theo nhà phê bình văn hóa Hwang Jin Mi, sự miêu tả tiêu cực về người Hàn gốc Hoa nổi lên từ ham muốn kích thích tò mò và sợ hãi nơi khán giả của các nhà làm phim.

“Để làm cho [nhân vật phản diện của một bộ phim] đáng sợ hơn, những người từ nền văn hóa ít được biết và [có vẻ] kém văn minh hơn [sống và làm việc] ở Hàn Quốc thường được dựng thành nhân vật phản diện. Người Hàn gốc Hoa vừa vặn với hình ảnh đó, khác với trong thực tế, trong đó đa số họ làm việc tại các quán ăn để gửi tiền về cho gia đình.

“Điều tương tự xảy ra trong phim nước ngoài. Người Mỹ gốc Phi hay Mexico thường đóng vai tội phạm trong phim Mỹ, trong khi người Đông Âu và Trung Đông thường là kẻ phản diện trong phim Tây Âu,” Hwang Jin Mi nói. “Các nhà làm phim thường không nghĩ tới ảnh hưởng xã hội mà sự khắc họa đó gây ra. Họ không nhận trách nhiệm cho việc những khắc họa đó có thể cản trở sự hòa nhập xã hội đến nhường nào.”

Trong phim Missing, Gong Hye Jin vào vai cô bảo mẫu người Hàn gốc Hoa đột nhiên bỏ trốn đem theo em bé người Hàn mà cô đang chăm nom

Liên quan tới lý do đằng sau sự khắc họa này, nhà phê bình văn hóa Ha Jae Geun đồng tình, “Người Hàn gốc Hoa được xem là người ngoại quốc, và do đó, không có tiếng nói thực sự trong xã hội Hàn Quốc. Nhưng việc khắc họa người Hàn gốc Hoa là một vấn đề nghiêm trọng tạo ra thành kiến lớn bất lợi cho họ.”

Dịch: © Ngô Bình @Quaivatdienanh.com
Nguồn: JoongAng Daily