Tin tức

Seoul Station: Một phim hoạt hình xác sống đầy ẩn dụ từ đạo diễn Train to Busan

18/08/2016

Yeon Sang Ho, đạo diễn bom tấn zombie thành công Train to Busan (phát hành ở Việt Nam với tựa Chuyến tàu sinh tử) thu hút hơn 10 triệu lượt xem ở phòng vé Hàn Quốc hè này, trở lại với câu chuyện xác sống khác ― Seoul Station.

Không như Train to Busan, khắc họa một người cha sợ hãi với cái kết có hậu, bộ phim hoạt hình Seoul Station quay lại nền tảng ban đầu của anh, và danh tiếng mà vị đạo diễn được quốc tế khen ngợi này đã xây dựng cho các tác phẩm của mình ― máu me và sự tàn bạo của đời thực trong The King of Pigs (2011) và The Fake (2013).

Áp phích phim điện ảnh hoạt hình Seoul Station

Không như Train to Busan, trong đó dân thường chạy đua tìm thiên đường ở Busan, bối cảnh của Seoul Station được mở rộng và u ám hơn, với các nhân vật ở tận đáy xã hội ― người vô gia cư, một cô gái bỏ trốn và gã bạn trai ốm yếu ― tất cả đều chẳng có nhà để về.

Phim bắt đầu với một ông già vô gia cư bị thương chảy máu ở cổ và vai lê bước tới Ga Seoul. Từ nhân viên nhà ga và sinh viên đại học về phúc lợi xã hội gần đó cho đến nhân viên cứu hộ tại mái ấm dành cho người vô gia cư, tất thảy đều làm ngơ ông già, vì ông là kẻ không nhà. Chỉ có người bạn kém thông minh của người đàn ông sắp chết này, cũng vô gia cư, chạy đến giúp, nhưng vô ích. Người đàn ông đã chết biến thành một zombie hút máu và khiến cho cả thành phố sống trong địa ngục.

Hye Sun, cô gái bỏ trốn khỏi nhà chứa, cãi nhau với bạn trai, Ki Woong, vờ ốm yếu để moi tiền của cô. Hye Sun rời khỏi khách sạn họ đã ở tối hôm trước và bị cuốn vào đám đông đang chạy tránh xác sống. Bố của Hye Sun, đi tìm con gái, và Ki Woong lùng kiếm cô và cả ba đều bị mắc kẹt. Họ kẹt giữa zombie và lực lượng an ninh dựng rào cản và bắn súng nước, và cuối cùng nã pháo vào bất cứ ai trèo lên xe buýt của cảnh sát, gọi họ một cách mỉa mai là "những kẻ nổi loạn".

Seoul Station khôn khéo hơn Train to Busan và được cài đặt nhiều ẩn dụ không ngừng đặt ra cho khán giả những câu hỏi về ai chịu trách nhiệm đối với sự tận thế và ai chính là zombie trong thế giới thực.

Kết thúc 93 phút phim hoạt hình này khiến người xem có cảm giác bộ phim xác sống người thật đóng ít nhiều như chuyện cổ tích nếu so với Seoul Station.

Đạo diễn Yeon nói Seoul StationTrain to Busan đều có cùng một từ khóa, "nhà", nói rằng bộ phim hoạt hình phơi bày bộ mặt trần trụi ý nghĩa nhà và gia đình trong xã hội hiện đại, còn Train to Busan lại đặt trọng tâm vào ý nghĩa lý tưởng của những từ này.

Mô hình căn nhà nơi cú sốc cuối cùng diễn ra trong phim thể hiện đúng nhất ngôi nhà mà đạo diễn muốn khắc họa, vốn chẳng phải là nhà của gia đình mà chỉ là căn nha với khung sườn bên ngoài.

Nam diễn viên Ryu Seong Ryong, lồng tiếng cho nhân vật bố của Hye Sun, nói trong buổi họp báo: "Cuối cùng, phim đem đến một bài học đau đớn rằng nỗi kinh hoàng lớn nhất không phải là zombie mà chính là con người."

Seoul Station bắt đầu ra rạp ở Hàn Quốc từ ngày 18/8.

Dịch: © Yên Khuê @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Korea Times