Tin tức

Tranh cãi xung quanh Võ Tắc Thiên truyền kỳ: Cắt hay không cắt?

20/01/2015

Phim truyền hình cổ trang Trung Quốc về vị nữ hoàng đầu tiên của đất nước này đã dấy lên tranh cãi theo sau những cảnh cắt xén do trang phục hở hang.

The Empress of China còn có tựa là Saga of Wu Zetian / Võ Tắc Thiên truyền kỳ, nói về vị nữ hoàng duy nhất của Trung Hoa.

Áp phích phim

Chỉ vài ngày sau khi ra mắt hôm 21/12/2014, bộ phim đã bị ngưng phát sóng, và khi được phát sóng trở lại vào ngày 1/1 thì chỉ nhìn thấy phần đầu của các diễn viên mà thôi.

Trên tài khoản Sina Weibo của Đài truyền hình Hồ Nam, nhà đài này nói việc dừng phát sóng là vì lý do "kỹ thuật", trong khi truyền thông Trung Quốc đưa tin rằng Đài truyền hình Hồ Nam đã vượt hạn ngạch phim cổ trang năm 2014.

Tuy nhiên, hầu hết người hâm mộ đồn rằng trang phục hở hang của nhân vật nữ đã khiến các nhà quản lý truyền hình khó chịu và phản ứng.

Nữ diễn viên Phạm Băng Băng trong vai Võ Tắc Thiên. Bộ phim Võ Tắc Thiên truyền kỳ dài 80 tập của Đai truyền hình Hồ Nam thu hút sự chú ý của công chúng nhiều hơn sau khi nỗ lực cắt những cảnh "quá lộ liễu" [Ảnh: China Daily]
Võ Tắc Thiên, nữ hoàng duy nhất trong sử sách Trung Hoa lúc đầu là cung nữ của Đường Thái Tông. Khi ông chết, Võ Tắc Thiên lấy người kế vị là Đường Cao Tông và tự mình cai quản đất nước sau khi Cao Tông đột quỵ.

Khuấy động báo chí trong và ngoài nước

Bộ phim truyền hình này nhanh chóng nổi tiếng trên Internet và trở thành đầu đề trên các báo quốc tế.

Báo chí quốc tế, trong đó có The New York Times, Wall Street JournalThe Daily Mail, đưa tin về cuộc tranh luận nóng hổi giữa truyền thông Trung Quốc với cư dân mạng về việc Võ Tắc Thiên truyền kỳ, bộ phim đạt tỷ suất người xem cao nhất ở Trung Quốc, bị ngừng phát sóng ngay sau tuần đầu tiên vì "lý do kỹ thuật", rồi được phát lại năm ngày sau đó.

Sau khi được phát lại, ngay cả mặt của Đường Thái Tông Lý Thế Dân cũng bị cắt ra khỏi cảnh khi ông ngả đầu lên bộ ngực nở nang của Võ Tắc Thiên (ảnh dưới).

"Kiểm duyệt phải có tiêu chuẩn rõ ràng hơn và uyển chuyển hơn," Trương Bách Thanh, chủ tịch Hiệp hội phê bình phim Trung Quốc và là thành viên của ủy ban kiểm duyệt điện ảnh thuộc Cơ quan quản lý Báo chí, Xuất bản, Phát thanh, Điện ảnh, và Truyền hình, nói.

Ông Trương tin rằng bộ phim đình đám này hẳn phải đả được khâu kiểm duyệt thông qua trước khi lên sóng, nhưng rồi lại bị đình chiếu thì có thể có hai khả năng.

Có thể vì có khán giả đã khiếu nại với nhà quản lý hoặc quan chức cấp cao nào đó ra lệnh kiểm tra lại do quan ngại tác động xã hội 'xấu', ông nói. "Nhưng bất luận là trường hợp nào, việc cắt xén là không cần thiết."

Một cảnh phim lên sóng trước khi bị ngưng chiếu

"Nước ngoài có hệ thống hoàn chỉnh về những gì 'được và không được'. Nhưng luật lệ Trung Quốc thì rất mơ hồ," ông nói.

Cư dân mạng: chỉ trích, đùa cợt và ủng hộ

Trong một cuộc thăm dò do Sina Weibo tiến hành với tiêu đề "Cảnh ngực hở, cắt hay không cắt?" hơn 95% khán giả bầu chọn "Không" trong khi chỉ có 5% chọn "Cắt".

Hầu hết cư dân mạng nói rằng bộ phim này chỉ là một tác phẩm thể hiện văn hóa Trung Quốc và những sự thay đổi là không cần thiết. Một số kêu gọi có hệ thống đánh giá để hạn chế đối tượng xem thích hợp.

Người ta đùa rằng số phận của vị nữ hoàng huyền thoại của Trung Quốc đã "bị thay đổi" vào tối 1/1, và bộ phim nên được đặt tên lại thành "Saga of Big Head Wu" – tạm dịch: “Truyền kỳ về Võ hậu đầu to”.

Khi được phát sóng trở lại vào ngày 1/1 thì chỉ nhìn thấy phần đầu của các diễn viên

"Tôi thấy buồn vì cốt truyện và giá trị thẩm mỹ đã bị ảnh hưởng," Trương Kiệt, nhân viên văn phòng ở Thượng Hải nói.

Biên kịch nổi tiếng Lý Á Linh viết trên Weibo "Tại sao con người ở thế kỷ 21 lại không thoáng bằng người ở thiên niên kỷ trước?"

Tuy nhiên, có ‘fan’ khen ngợi bộ phim sau khi nó được phát sóng lại.

"Phụ nữ thời Đường người đầy đặn, tư tưởng thoáng và rất thời trang. Nhưng cổ áo khoét sâu và bó chặt ngực của các nhân vật nữ thì chỉ nhằm tiêu khiển cho khán giả," Triệu Hải Quân, một công dân thành phố Lan Châu tỉnh Cam Túc, nói.

Một cảnh Võ Mỵ Nương cùng Đường Thái Tông

Anh thêm rằng phim không thể hiện được "đúng" hiện thực thời đại Võ Tắc Thiên. Anh cũng lo ngại bộ phim truyền hình "gợi cảm" sẽ ảnh hưởng xấu đến trẻ em.

Phim truyền hình Trung Quốc thiếu sự cách tân

So với hình ảnh bị cắt cúp, việc thiếu sự cách tân trong phim truyền hình là mối lo ngại lớn nhất, theo Thỏa Siêu Quần, giảng viên truyền thông tại Đại học Lan Châu.

Hơn một thập niên qua, Trung Quốc dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực sản xuất phim bộ truyền hình.

Năm 2012, nước này sản xuất gần 17.000 tập phim, còn 2013 giảm nhẹ còn 15.000 tập.

Áp phích quảng cáo cho phim To Advance Toward the Victory, một phim truyền hình đề tài kháng Nhật của Trung Quốc

Tuy nhiên, chạy theo số lượng hơn là chất lượng. Khán giả đã từng phàn nàn về cốt truyện "nhàm chán và lố bịch" và sự bão hòa phim du hành thời gian và phim chiến tranh kháng Nhật.

Có phim thể hiện người Trung Quốc tay không xé xác lính Nhật rất cường điệu. Phim khác thì cung thủ Trung Quốc một phát bắn nhiều mũi tên, giết nhiều lính Nhật một lúc, hoặc thậm chí làm nổ tung máy bay bằng lựu đạn.

Những cốt truyện lố bịch này thậm chí buộc các nhà quản lý truyền hình Trung Quốc phải áp giới hạn.

Công nghiệp phim truyền hình Trung Quốc trải qua một sự bùng nổ, nhưng đối mặt nhiều thách thức. Nhà sản xuất truyền hình cần tạo ra một thị trường với những kịch bản cách tân hơn, Trương Di Vũ, giáo sư và nhà phê bình văn hóa tại Đại học Bắc Kinh, nói.

Cảnh trong phim Binh lâm thôn hạ - phim truyền hình kháng Nhật

Phim hay thì công chúng sẽ đón nhận và khen ngợi, ông nói thêm.

"Trong một xã hội vật chất và hay thay đổi, chúng ta cần phim truyền hình kích thích tư duy, có thể để lại một ấn tượng lâu dài, thay vì sự nổi tiếng nhất thời," Trương Vỹ, sinh viên khoa biên kịch Học viện kịch nghệ trung ương, nói.

Dịch: © Xuân Phong @Quaivatdienanh.com
Nguồn: China.org.cn


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi