Đối với một bộ phận 'fan' cuồng điện ảnh, Studio Ghibli của Nhật Bản là
một nơi rất đáng yêu nhưng cũng khó tiếp cận, nửa thần thoại. Và Hayao
Miyazaki, đạo diễn 73 tuổi đứng sau những thành công lớn như
My Neighbor Totoro và
Spirited Away,
là một huyền thoại sống. Ông là một người theo chủ nghĩa hòa bình và
bảo vệ môi trường; một hình ảnh nhân từ siêu thực, được kính phục vì khả
năng sáng tạo khéo léo của ông trong loại hình truyền thông đang chết
dần: phim hoạt hình vẽ tay.
Áp phích tiếng Nhật của phim tài liệu The Kingdom of Dreams and Madness
Đó là lý do lúng túng khi thấy Miyazaki – luôn tươi vui với bộ râu
trắng, hiếm khi xuất hiện không cùng với chiếc tạp dề thủ công – bộc lộ
cảm giác thất vọng dứt khoát là phi-thần thoại trong bộ phim tài liệu
của Mami Sunada,
The Kingdom of Dreams and Madness. Sunada được
phép tự do ra vào Studio Ghibli để khắc họa chân dung của ba vị đầu
não: Miyazaki; Isao Takahata, họa sĩ hoạt hình và đạo diễn đã phát hiện
ra Miyazaki; và nhà sản xuất chăm chỉ của họ Toshio Suzuki.
Ít
nhất, đó là điều mà phim tài liệu này hướng đến – cho đến khi Miyazaki
tuyên bố nghỉ hưu khi phim thực hiện giữa chừng. Kết quả là một bản khắc
họa nhân vật đầy thu hút Miyazaki những tháng cuối cùng trong vai
trò đạo diễn
The Wind Rises, phim truyện dài sau chót của ông.
Miyazaki rất thẳng thắn trong buổi phỏng vấn với Sunada, người được phép
theo ông trong xưởng phim, trong vườn, và xưởng vẽ của ông. Ông cởi mở
và dễ cười, mặc dù thường tự ti và bận tâm với việc liệu công trình của
cuộc đời ông có đáng. Ông yêu cầu rất cao - những nhà họa sĩ hoạt hình
của ông có vẻ vừa sợ hãi, khó chịu, lại vừa yêu mến hoặc e ngại khi nói
chuyện với ông - và lãnh đạm với cuộc sống riêng của mình. Theo lời của
Miyazaki, ông là người "thực sự buồn vui rất thất thường" và có thể cảm
thấy cả thế giới đi lướt qua mình.
Nhà làm phim (trái) được phép theo Miyazaki trong xưởng phim...
“Tôi là người của thế kỷ 20," đã có lúc ông nói vậy. "Tôi không muốn đối diện với thế kỷ 21."
Miyazaki,
theo chúng ta biết, duy trì một lịch trình làm việc dày đặc: Từ thứ hai
đến thứ bảy từ 11 giờ sáng đến 9 giờ tối (sáng Chủ nhật, ông giúp làm
sạch con sông ở địa phương.) Ông vẽ bố cục thay vì kịch bản, cẩn thận tô
bằng màu nước rồi dùng một đồng hồ bấm giờ để nắm chắc thời lượng. Rất
chậm rãi. Thực tế, sản xuất phim của ông thường tốn đến hơn một năm để
hoàn thành kịch bản đồ họa, nghĩa là không ai - thường, ngay cả bản thân
Miyazaki - biết phim sẽ thế nào trước khi việc quay phim được bắt đầu.
"Nhân viên nói với tôi rằng họ không biết phim của tôi sẽ thế nào. Khi
chúng tôi thực hiện
Spirited Away, ngay cả tôi còn chẳng biết," ông cười nói. "Tôi nghĩ là, chúng ta có lẽ chẳng bao giờ hiểu được.”
Nhưng
đó không phải là cớ để chểnh mảng, Miyazaki rất tốt với nhân viên của
ông, thậm chí giống một người ông; ông đã đứng ra làm chủ hôn lễ của trợ
lý phim
Kiki’s Delivery Service và có một bài phát biểu ứng
khẩu về nghi lễ quỳ lạy. Nhưng, như những ghi chú gắn khắp bên trong
Studio Ghibli nhắc nhở nhân viên rằng, làm việc chăm chỉ và hy sinh
không chỉ có giá trị, mà còn được kính trọng.
...đến ngoài vườn...
“Trong nỗ lực đáp ứng yêu cầu của ngài Miyazaki, nhiều người kiệt sức,”
một họa sĩ nói với máy quay. “Không thể đáp ứng yêu cầu của ông, một số
người đánh mất động lực và hy vọng, nghĩ rằng họ thất bại, bạn biết
không? Tôi nghĩ thật khó làm việc với một người như ông. Bạn có thể nghĩ
những con người xuất sắc sẽ ổn thôi nhưng có những người xuất sắc đã
rời khỏi đây, bởi vì quá khó khăn. Bạn càng tài năng, ông càng yêu cầu
cao.
“Có thể nghe hơi bạc bẽo nhưng nếu bạn muốn bảo vệ mình,
thì tránh xa ra,” cô tiếp tục. “Có thể đáng giá nếu bạn có ý định hy
sinh bản thân để đạt được điều gì đó, hoặc nếu bạn thực sự muốn làm việc
cùng ông. Nhưng nếu bạn muốn bảo vệ bất kỳ điều gì thuộc về mình, có lẽ
bạn sẽ không muốn ở cạnh ông quá lâu.”
...trong xưởng vẽ
Khi Miyazaki vất vả hoàn thành
The Wind Rises đúng hạn vào mùa
hè, người bạn và người thầy cũ của ông Isao Takahata cũng dần tiến đến
hạn mục tiêu tương tự với bộ phim Ghibli của riêng mình,
The Tale of Princess Kaguya
– bị hoãn hết lần này tới lần khác, phần nhiều bởi nhà sản xuất Suzuki
mất tinh thần. Trong một buổi thảo luận với con trai Goro của Miyazaki –
một đạo diễn của Studio Ghibli khác đang vật lộn tìm ra động lực để vẽ
tiếp – Suzuki tiết lộ rằng cả Miyazaki và Takahata đều không muốn làm
đạo diễn nữa. Cũng chính Suzuki đã thuyết phục cả hai làm phim cuối.
Theo lời ông, mất đến bốn tháng để thuyết phục Miyazaki.
“Có lúc
chúng tôi đều tràn đầy cảm hứng đối với tác phẩm của mình,” Miyazaki sau
đó cho biết, khi nói đến bản thân ông và Takahata. “Và tôi thực sự vui
mừng khi chúng tôi có cảm hứng. Chúng tôi cho đi hết mọi thứ. Mọi thứ.”
Miyazaki
không hề nhắc đến con trai trong phim – Goro trước đây đã từng kêu ca
về mối quan hệ không bền vững giữa họ - và khi được hỏi về vợ mình,
Miyazaki đột nhiên trở nên xa cách. “Tôi không có cách nào khác ngoài
kết hôn. Tôi hỏi cưới cô ấy. Không thể thoát,” ông nói, khi được hỏi làm
thế nào ông biết đó là người dành cho mình.
Kết quả là một bản khắc họa nhân vật đầy thu hút về Miyazaki những
tháng cuối cùng
trong vai trò đạo diễn phim hoạt hình vẽ tay - loại hình
truyền thông đang dần chết đi
Sau đó tại nhà, Miyazaki thú nhận rằng ông không “chuộng” quan điểm cho
rằng hạnh phúc nên là mục tiêu cuối cùng của cuộc đời. “Hiện nay tôi
thấy có người nói vậy và tôi thắc mắc, liệu có phải do chính sách dân
chủ hậu chiến tranh?" ông hỏi. “Tôi không hiểu, nên tôi tò mò. Suzuki
thì sao? Ông ấy không thể làm công việc này vì hạnh phúc riêng mình. Vậy
tại sao ông ấy lại làm? Bạn có làm việc vì hạnh phúc của riêng mình
không? Tôi thậm chí còn chẳng cảm thấy hạnh phúc trong cuộc sống thường
nhật.”
“Làm phim chỉ mang đến khổ đau,” ông kết luận.
Miyazaki thường được so sánh với nhân vật chính của
The Wind Rises,
Jiro Horikoshi, nhà thiết kế có thực chế tạo ra chiếc phi cơ chiến đấu
Zero được sử dụng trong Thế chiến II. Giấc mơ của Horikoshi về việc chế
tạo máy bay bị thời ông sống làm méo mó. Ông yêu máy bay chiến đấu,
nhưng ghét chiến tranh. “Nó sẽ không bao giờ không bị thương tổn. Đó là
giấc mơ bị nguyền rủa,” Miyazaki ai oán. “Hoạt hình cũng vậy. Ngày nay,
giấc mơ của con người dù là gì cũng bị nguyền rủa. Đẹp nhưng bị nguyền
rủa. Tôi thậm chí còn chẳng nói đến những mong muốn kiểu giàu có hay nổi
tiếng. Quên đi. Vô vọng lắm. Điều tôi muốn nói là, làm sao chúng tôi
biết phim đáng giá? Nếu bạn thực sự nghĩ về nó, thì liệu đó có đúng là
sở thích lớn lao? Có lẽ đã có lúc bạn làm phim có ý nghĩa, nhưng giờ thì
sao? Thế giới của chúng ta hầu hết là rác rưởi.” Ông dừng để châm
thuốc. “Thật khó.”
Jiro Horikoshi, trái, nhân vật chính trong bộ phim cuối cùng của ông, The Wind Rises
Không thừa nhận, nhưng Miyazaki có lẽ cũng thấy sự tương đồng giữa ông
và Horikoshi. Sau khi hoàn thành phim và chiếu cho nhân viên Studio
Ghibli xem, ông thừa nhận đó là lần đầu tiên phim của ông khiến ông bật
khóc.
Và khi được hỏi liệu ông có lo lắng cho Studio Ghibli sau khi ông và Takahata nghỉ hưu, Miyazaki đã thẳng thắn.
“Tương
lai quá rõ ràng. Xưởng phim sẽ tan rã,” ông nói. “Tôi đã thấy điều đó.
Vậy thì lo lắng làm gì? Đó là điều không thể tránh khỏi. ‘Ghibli’ chỉ là
một cái tên ngẫu nhiên tôi lấy từ một máy bay. Đó chỉ là một cái tên.”
Ông dừng lại, hứng ánh nắng trải dài trong vườn. “Đẹp quá,” ông nói, và
cười.
Dịch: © Chi Nguyễn @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Daily Beast
Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên
Facebook của chúng tôi